Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
20129

Không có chuyện Tây Nguyên và người Thượng bị cô lập!

 

Sau vụ việc nhóm đối tượng sử dụng vũ khí tấn công trụ sở công an xã Ea Tiêu và Ea Ktur trên địa bàn huyện Cư Kuin ngày 11/6/2023, thì mạng xã hội đã có không ít tin bài mượn cớ “sự kiện” này xuyên tạc tình hình chính trị, kinh tế, xã hội ở Tây Nguyên và về người Thượng để chống phá Đảng, Nhà nước với nhiều luận điệu xuyên tạc, bịa đặt trắng trợn, vu cáo chính quyền “đàn áp”, “áp bức” người Thượng dẫn đến “tức nước vỡ bờ”

Chẳng hạn như bài viết “Chính quyền đàn áp và cô lập người Thượng như thế nào?” trên Thông Luận.net ngày 6/7/2023 đưa ra luận điệu xuyên tạc, bịa đặt rằng “Tây Nguyên là vùng đất bị chính quyền ngăn cách với thế giới”. Blogger

Trần Phúc Lai An đưa ra 3 lập luận phản bác luận điệu vu cáo, bịa đặt của bài viết này, xin trích:

Thứ nhất, luận điệu “Tây Nguyên là vùng đất bị chính quyền ngăn cách với thế giới” là xuyên tạc sự thật.

Bởi rằng, lịch sử vùng đất Tây Nguyên hào hùng có khá nhiều trong những ấn phẩm đã xuất bản ở Việt Nam và thế giới, thậm chí trên mạng xã hội cũng không ít. Và dường như ai cũng biết, Tây Nguyên gồm 5 tỉnh thành Kom Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng; là nơi sinh sống của rất nhiều dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào Bana, Gia Rai, Ê Đê, M’nong, Cơ Ho, Mạ – những dân tộc bản địa đã sinh sống ở đây qua nhiều thế kỷ. Theo Tổng cục Thống kê, trước năm 1975, dân số Tây Nguyên chưa đến 1 triệu người, nhưng hiện nay do nhiều đợt di dân, nên đã có hơn 5 triệu người (tăng hơn 5 lần trong vòng 40 năm qua). Địa bàn Tây Nguyên hiện có đủ 54 dân tộc anh em cùng sinh sống và cũng là nơi duy nhất có đủ các nhóm ngôn ngữ – dân tộc của Việt Nam cùng sinh sống; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chỉ còn chiếm 26,58%, đồng bào Kinh chiếm 64,69%, các dân tộc nơi khác đến chiếm 8,73%.

Thực tế, những dòng người di cư không chỉ mang đến Tây Nguyên những phương pháp canh tác sản xuất khác cư dân tại chỗ, trong đó có việc đốt rừng lấy đất canh tác sản xuất, mà còn mang đến vùng đất này những lối sống, những đặc sắc văn hóa khác nhau, tạo nên một bức tranh đa dạng sinh động về lối sống, văn hóa, tôn giáo…; trong đó đáng lưu ý nhất là từ năm 1986 đến nay đã có khoảng 50. 000 người Hmông từ phía Bắc di cư vào Tây Nguyên (đa số người Hmông di cư là tín đồ theo Đạo Tin lành). Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, tính đến hết 2015, đã có khoảng hơn 40. 000 người Hmông là tín đồ Tin lành di chuyển vào Tây Nguyên, chiếm 87% số người Hmông trong khu vực.

Một Tây Nguyên suốt chiều dài lịch sử luôn là một phần “máu thịt” của dân tộc Việt Nam; từng đồng cam cộng khổ và kiên cường đấu tranh chống lại sự áp bức, bóc lột của triều đình nhà Nguyễn, chống lại sự thống trị của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để được giải phóng, để thống nhất Tổ quốc nên không bao giờ bị “ngăn cách với thế giới”, mà luôn luôn là anh em một nhà, cùng nhau xây dựng mối quan hệ đoàn kết, bình đẳng, tương trợ và xích lại gần nhau giữa các dân tộc.

Thứ hai, Tây Nguyên đang ngày càng phát triển chứ không phải “là vùng đất gần như đóng cửa với thế giới” như bịa đặt.

Đánh giá đúng vị trí chiến lược và vai trò đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Tây Nguyên, Đảng và Nhà nước Việt Nam không chỉ quan tâm lãnh đạo, chăm lo đầu tư xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng…của vùng Tây Nguyên sau hai cuộc kháng chiến kéo dài 30 năm (1945-1975) với những hậu quả nặng nề, mà còn đặc biệt quan tâm phát triển vùng đất này trên tinh thần làm tốt kinh tế, xã hội sẽ góp phần quan trọng vào ổn định chính trị, trật tự xã hội; và ngược lại, tình hình ổn định tốt để yên tâm phát triển kinh tế – xã hội như Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết 23) đã nêu.

Thực tế, quan điểm “phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước. Xây dựng và phát triển Tây Nguyên kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại” trong Nghị quyết 23 đã và đang được triển khai. Đó chính là, phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, góp phần phát triển hành lang kinh tế Đông – Tây, hàng lang kinh tế Bắc – Nam, để kết nối vùng, tạo không gian phát triển mới; phát triển hạ tầng y tế, giáo dục và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc phát triển hệ thống trường đại học, trường dạy nghề…

Đó là thực hiện các chính sách để nâng cao trình độ dân trí, đời sống vật chất và tinh thần của người dân Tây Nguyên; hình thành nếp sống văn minh, gia đình văn hóa trong đồng bào các dân tộc. Đồng thời, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống tốt đẹp, các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu các dân tộc Tây Nguyên gắn liền với việc duy trì, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa tiêu biểu đặc trưng của vùng và di sản văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số để chuyển Tây Nguyên từ trạng thái “ổn định để phát triển” sang “phát triển để ổn định”… như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 23 ngày 20/11/2022 đã cho thấy những nhận định của Thanh Nguyễn là không khách quan; là xuyên tạc sự thật.

Ba là, người Thượng luôn nằm trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Người Thượng là danh từ gọi chung những nhóm sắc tộc bản địa sinh sống tại vùng Tây Nguyên, dãy Trường Sơn, vùng Đông Nam Bộ và một phần lãnh thổ của Campuchia và Lào. Người Thượng cũng là con dân của dân tộc Việt Nam; từng chung sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam cũng như vùng đất mà họ cư trú. Tuy nhiên, vì vị thế địa chính trị của những vùng đất nơi sinh trú của người Thượng có tầm quan trọng đối với sự ổn định, phát triển bền vững của Việt Nam, Lào và Campuchia, cho nên, Thượng luôn là “đối tượng” mà các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam cũng như muốn gây rối ở Đông Dương lợi dụng, lôi kéo…

Thực tế, việc bắt giữ và đấu tranh khai thác các đối tượng liên quan vụ tấn công trụ sở công an 2 xã Ea Tiêu và Ea Ktur ngày 11/6/2023 cho thấy số bị bắt giữ đa số là đối tượng trẻ, thực hiện hành vi là do bị xúi giục, kích động qua không gian mạng; nhất là họ bị kích động chia rẽ giữa người Kinh với người dân tộc thiểu số. Theo đánh giá bước đầu của cơ quan chức năng, đó chính là âm mưu của các thế lực thù địch, là do đối tượng FULRO lưu vong kích động một số người dân tộc thiểu số chia rẽ với người Kinh, gây mất trật tự tại địa bàn để đòi đất do tổ tiên để lại; ảo tưởng sẽ được ra nước ngoài…

Thực tế đó cũng cho thấy, những người “bị cơ quan an ninh chặn lại” không cho xuất cảnh; việc “chính quyền bắt đầu truy quét ráo riết các nhà thờ Tin Lành ở Tây Nguyên” và “chính quyền Việt Nam tra tấn, cưỡng ép họ phải từ bỏ đạo Tin Lành, tước đoạt đất đai của tổ tiên họ” là do “các cuộc biểu tình rầm rộ của người Thượng đòi tự do tôn giáo và trả lại đất đai”… không phải là sự thật. Ở Việt Nam, bên cạnh nhiều tổ chức Tin Lành đã được Nhà nước Việt Nam công nhận, cũng vẫn còn hơn 70 tổ chức Tin Lành chưa được Nhà nước công nhận về tổ chức do chưa đủ điều kiện quy định tại Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo. Cho nên, cần phải khẳng định với Thanh Nguyễn rằng: Người Thượng – “đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau” và “giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định. Vì thế, tất cả dân tộc anh em phải đoàn kết chặt chẽ để “giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta”, chứ người Thượng không thể nhân danh tôn giáo, nhân quyền để vi phạm pháp luật, cũng như đừng sa vào bẫy “người Thượng bị tước đoạt đất đai, bị ép từ bỏ đạo Tin Lành”, bị người Kinh “thượng đẳng o ép” của các thế lực thù địch để gây rối và “trốn sang Campuchia để xin tị nạn ở nước thứ ba”…

Đã vi phạm pháp luật thì phải chịu sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật! Luận điệu: Ở Việt Nam, Tây Nguyên và người Thượng bị “đóng cửa với thế giới”, bị “đàn áp”, bị “ngăn cản” khi sang định cư ở quốc gia khác là phản động, bịạ đặt, bôi đen sự thật!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *