Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
139883

Không có chuyện kỳ thị, phân biệt đối xử dân tộc thiểu số ở Việt Nam

 

Lợi dụng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi còn nhiều khó khăn, chủ yếu do hoàn cảnh khách quan: khí hậu khắc nghiệt, địa hình phức tạp, điểm xuất phát về trình độ phát triển thấp,… các thế lực thù định, phản động luôn tìm cách bịa đặt xuyên tạc, vu cáo Việt Nam “phân biệt sắc tộc, văn hóa”; “phân biệt đối xử dân tộc”; “kỳ thị, phân biệt đối xử dân tộc”… Đây là những luận điệu hết sức nguy hiểm, xuyên tạc hoàn toàn sự thật về bảo đảm quyền bình đẳng của các dân tộc ở Việt Nam.

Cần phải khẳng định ngay rằng, ở Việt Nam không bao giờ có chuyện kỳ thị, phân biệt đối xử dân tộc. Hiện có 13,4 triệu người, chiếm 14,6% tổng dân số cả nước, đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam sống xen kẽ nhau, tập trung chủ yếu ở các vùng núi luôn có truyền thống đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, phòng chống thiên tai, thảm họa và xây dựng đất nước.

Nhà nước Việt Nam đặc biệt coi trọng chính sách dân tộc, bảo đảm quyền bình đẳng giữa các dân tộc như Điều 5 Hiến pháp năm 2013 nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc; Điều 16 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.”.Hay Điều 2 Luật Quốc tịch năm 2008, Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2013 quy định việc bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng của đồng bào DTTS.

Không chỉ được quy định trong văn bản luật mà những nội dung về bảo đảm quyền của đồng bào DTTS còn được bảo đảm tính thực thi.

Về mặt thể chế, Hội đồng Dân tộc do Quốc hội bầu ra, có nhiệm vụ nghiên cứu và kiến nghị Quốc hội về các vấn đề dân tộc, giám sát việc thi hành chính sách dân tộc, các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH miền núi và vùng có đồng bào DTTS. Trong Chính phủ có một cơ quan cấp bộ là Uỷ ban Dân tộc, chuyên trách công tác dân tộc.

Các quyền chính trị của đồng bào DTTS được tôn trọng và bảo vệ. Có nhiều đại biểu của DTTS giữ các vị trí lãnh đạo, kể cả cấp cao nhất trong bộ máy lãnh đạo của Quốc hội và Chính phủ Việt Nam. Quốc hội khoá XV (nhiệm kỳ 2021-2026) có 89 đại biểu Quốc hội là người DTTS, đạt tỷ lệ 17,8% tổng số đại biểu Quốc hội. Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm và dành các điều kiện ưu đãi nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các DTTS, hỗ trợ họ thực hiện quyền bình đẳng, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc tiến tới trình độ phát triển chung của cả nước.

Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều Chương trình phát triển KT-XH ở các vùng tập trung đồng bào DTTS như Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 và nhiều chương trình, dự án về phát triển KT-XH các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS, miền núi, vùng sâu, vùng xa; các chính sách và chương trình ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, giải quyết đất sản xuất và đất ở; hỗ trợ đất sản xuất, nhà ở và các nhu cầu thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống cho đồng bào nghèo thuộc DTTS; xóa đói, giảm nghèo và giải quyết việc làm; ưu đãi thuế nông nghiệp và thuế lưu thông hàng hoá, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, trợ giá các mặt hàng thiết yếu cho đồng bào DTTS như muối ăn, thuốc chữa bệnh, phân bón, giấy viết…; chính sách phát triển rừng, bảo vệ môi trường sống miền núi; chính sách ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ người DTTS; chính sách phổ cập giáo dục, mở rộng các trường dân tộc nội trú, ưu tiên tuyển học sinh DTTS vào trường đại học và dạy nghề; cải tạo các trạm y tế miễn phí cho đồng bào DTTS gặp khó khăn; hỗ trợ văn hoá thông tin cho đồng bào DTTS…Chính phủ còn có nhiều chỉ thị, quyết định và biện pháp cụ thể đối với một số vùng đặc thù có nhiều đồng bào DTTS sinh sống.

Việc thực hiện chính sách dân tộc của Nhà nước Việt Nam đã và đang mang lại những kết quả to lớn, nhất là trong thời kỳ đổi mới. Tăng trưởng kinh tế tại các địa phương có nhiều DTTS luôn đạt tỷ lệ cao. Số hộ đói, nghèo giảm mạnh; sản xuất lương thực đạt cao. Đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cho các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ liên tục tăng trong các năm. Cơ sở hạ tầng phát triển khá nhanh, đã hình thành mạng lưới giao thông từ tỉnh đến huyện, xã; thôn, bản và có hàng nghìn công trình thuỷ lợi, tưới tiêu cho hơn 95% diện tích đất canh tác và bảo đảm nhu cầu nước sinh hoạt cho đồng bào các DTTS. Các chính sách mới về phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, giao đất, giao rừng cho đồng bào DTTS, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi, kết hợp với đầu tư cho thủy lợi góp phần làm sản lượng lương thực không ngừng tăng. Chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS định canh, định cư để ổn định đời sống cũng đạt những kết quả quan trọng.v.v…

Thực tế những gì đang diễn ra ở Việt Nam đã bác bỏ hoàn toàn những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *