Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
48934

Khóc than cho “tình cảnh” công nhân nhằm bày trò xuyên tạc, bôi nhọ chế độ

 

Ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu thời gian qua khiến đời sống công nhân, người lao động gặp rất nhiều khó khăn như: thất nghiệp, thiếu việc làm, một bộ phận công nhân lao động nghỉ luân phiên không lương hoặc cắt giảm giờ làm với mức thu nhập thấp hơn bình thường… Lợi dụng bối cảnh này, các thế lực thù địch, các tổ chức, cá nhân phản động lưu vong đã đưa ra những luận điệu xuyên tạc về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong bài viết trên mạng xã hội với cái title: “Đời sống của giai cấp lãnh đạo cách mạng Việt Nam” của Nguyễn Ngôn Phong vẽ nên bức tranh u ám về cuộc sống của một bộ phận công nhân tại các khu công nghiệp, và từ đó chúng không ngừng suy diễn, quy chụp và công kích chế độ kiểu Đảng và Nhà nước đã làm gì để cho “giai cấp công nhân, giai cấp lãnh đạo của Đảng cộng sản” rơi vào những tình cảnh éo le đến như vậy?

Thực ra, những chiêu trò suy diễn để chống phá này không mới. Với tư duy cực đoan, thiển cận một cách cố tình của những kẻ phản động thì bất cứ tiêu cực nào xảy ra trên đất nước này đều là lỗi do Đảng và Nhà nước Việt Nam? Ngay cả việc đời sống một bộ phận công nhân đang cơ cực cũng vậy.

Nên nhớ rằng, giai cấp công nhân Việt Nam là một lực lượng xã hội to lớn. Theo thống kê,  số lượng công nhân ở nước ta chiếm khoảng 14% dân số, 27% lực lượng lao động xã hội, hằng năm đã tạo ra trên 65% giá trị tổng sản phẩm xã hội và hơn 70% giá trị thu ngân sách nhà nước. Xét về vị thế lịch sử, giai cấp công nhân là lực lượng lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam. Giai cấp công nhân đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, lực lượng công nhân luôn có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Nhận thức được vị trí, vai trò đó nên Đảng và Nhà nước ta luôn có những chính sách chăm lo cho người lao động, đặc biệt là công nhân.

Được biết, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên có những cuộc đối thoại với công nhân. Theo đó, có 10 nhóm vấn đề lớn liên quan đến việc giải quyết những khó khăn của công nhân trên cả nước. Đó là: tăng lương tối thiểu vùng, hướng tới lương đủ sống, có tích lũy đối với người lao động và chính sách tiền lương mới; rà soát, sửa đổi toàn diện pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền lợi của công nhân lao động; công tác chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giải quyết chế độ, chính sách, các gói hỗ trợ công nhân lao động; vấn đề quy hoạch, dành quỹ đất và tháo gỡ cơ chế, chính sách để triển khai xây dựng nhà ở, nhà trẻ, trường học, nơi khám, chữa bệnh, nơi sinh hoạt văn hóa cho công nhân lao động, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; chính sách hỗ trợ tín dụng cho công nhân lao động; công tác đào tạo nghề; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động đối với người lao động; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự tại nơi làm việc, nơi ở của công nhân lao động; bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các khu công nghiệp vào giờ cao điểm; giá nhà trọ, giá điện; việc tăng giá sách giáo khoa; tình trạng con công nhân khó tiếp cận các trường học công trên địa bàn do không có hộ khẩu thường trú…

Hiện tại, Đảng và Nhà nước đang xây dựng kế hoạch, lộ trình để giải quyết từng vấn đề, có sản phẩm và kết quả cụ thể giải quyết những khó khăn trong đời sống của người công nhân. “Mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra là đến năm 2025 nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Khi phát triển công nghiệp hóa, hiện đại có nhiều chủ thể tham gia, trong đó có đội ngũ công nhân, người lao động. Do đó, mong muốn công nhân, người lao động tiếp tục phát huy truyền thống, vai trò lịch sử của giai cấp công nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cùng giải quyết kịp thời các vấn đề mới nảy sinh, mang lại hiệu quả chung cho đất nước, trong đó có công nhân”,(trích phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc đối thoại với công nhân năm 2022).

Có thể thấy, những thông tin xuyên tạc, kích động này hoàn toàn mang tính cực đoan, thể hiện trình độ non kém, thiếu thực tiễn và lộ rõ bản chất của một thành phần bất mãn, cơ hội chính trị. Bởi ai cũng biết trong thời điểm hiện nay, Đảng và Nhà nước đã và đang triển khai hàng loạt kế hoạch, mục tiêu đảm bảo tốt nhất đời sống, việc làm và sự ổn định cho người lao động nhưng kẻ này lại công kích, bới móc, chọc ngoáy và suy diễn sai lệch nhằm bôi đen bức tranh kinh tế – xã hội của đất nước. Trong khi các kênh truyền thông hàng ngày đưa tin về sự phục hồi kinh tế, những đơn hàng đã trở lại nhiều hơn, nhiều doanh nghiệp đã triển khai 100% công suất và tiếp tục tuyển dụng nhân lực.

Có thể nói những luận điệu lợi dụng tình cảnh khó khăn của một bộ phận công nhân để phê phán, chỉ trích Đảng và Nhà nước là hoàn toàn sai lệch so với những gì thực tế đang diễn ra. Những kẻ chống phá này chỉ biết dựa vào một vài trường hợp cụ thể để lớn tiếng kêu gào những điều không có thật. Về bản chất là những kẻ đang tâm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc và phủ nhận vai trò, vị trí của giai cấp công nhân.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *