Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
26316

Khi điện ảnh trở thành công cụ chính trị!

“Barbie” – bộ  phim do Warner Bros – một trong những hãng phim lớn nhất Hollywood, sản xuất. Bộ phim được kỳ vọng là “bom tấn” mùa hè này không phải không có cơ sở. Cùng nữ đạo diễn nổi tiếng Greta Gerwig, phim có sự góp mặt của các ngôi sao điện ảnh đình đám, như nữ minh tinh Margot Robbie vào vai búp bê Barbie;  tài tử Ryan Gosling vào vai búp bê nam Ken…

Trước đó, “Barbie” được thông báo công chiếu tại Việt Nam ngày 21 tháng7. Một phim tầm cỡ thế giới chiếu cùng thời điểm các nhà rạp toàn cầu khiến khán giả hưng phấn. Các tấm Poster rực rỡ cùng nhiều bài quảng bá trên truyền thông càng gia tăng sự háo hức và mong đợi.

 Vậy mà “đánh đùng”: phim bị cấm chiếu ở Việt Nam. Lý do: phim có “đường lưỡi bò” – như thông tin đưa ra từ ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Điện ảnh (Việt Nam).

Nếu là trường hợp khác, hẳn người xem sẽ chưng hửng, la ó vì tức giận. Nhưng trường hợp này thì không. Thay vì hụt hẫng, nhiều người còn dành một lời khen cho cơ quan quản lý, nhất là Hội đồng duyệt phim quốc gia – đã phát hiện sớm và kịp thời loại ra một bộ phim tán phát yêu sách chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc. Còn cộng đồng mạng xã hội vốn nhiều lời, cũng lấy làm hả hê với việc phim này bị “đuổi thẳng cổ”.

Phản ứng của khán giả có cực đoan quá?

Không! Đụng đến chủ quyền biển đảo, a tòng với yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, chẳng một người Việt Nam có thể tha thứ. Nhiều người còn phẫn nộ hơn nữa khi nhớ lại chuyện đã vài bốn lần, cái “lưỡi bò” tham lam này len lỏi vào phim ảnh, bị dư luận phản đối dữ dội.

Tháng 3/2018, bộ phim Trung Quốc “Operation Red Sea” (Điệp vụ Biển Đỏ) của đạo diễn Lâm Siêu Hiền đang chiếu tại hệ thống rạp của nhà phát hành CGV (Hàn Quốc) tại Việt Nam đã bị đình lại.

Tháng 10 năm 2019, khán giả Việt Nam một lần nữa choáng váng khi với việc phát hiện phim “Abominable” (Everest Người tuyết bé nhỏ) – phim hoạt hình do Hãng DreamWorks (Mỹ) và Pearl Studio (Trung Quốc) hợp tác sản xuất lồng nội dung tuyên truyền “đường 9 đoạn” phi pháp và tai tiếng của Trung Quốc, ra hệ thống rạp cũng của CGV.

Rất có thể, cậy thế là một thị trường lớn, Trung Quốc đã dùng tiền để chi phối nhà sản xuất “chèn” cái “lưỡi bò” một cách tinh vi vào sản phẩm điện ảnh hoặc truyền hình để không bị phát hiện.   

Tới các vụ tiếp theo, thì dư luận không thể không bất bình cực độ. Bất bình bởi không còn là nhà sản xuất Trung Quốc, mà là nhà sản xuất phim chính gốc Mỹ mà lại đưa cái “lưỡi bò” vào phim, như phim “Thợ săn cổ vật” (Uncharted) – lăm le ra rạp tháng 3 năm 2022, nhưng may thay, nó đã bị Hội đồng duyệt phim quốc gia tỉnh táo chặn lại.

“Thợ săn cổ vật” chưa kịp lắng hẳn xuống, thì lại nổ ra vụ phim “Barbie”. Chuyện điển ảnh có lý do để thành chuyện chính trị vì liên quan cái “lưỡi bò” tai tiếng. Cũng vì lẽ đó, câu chuyện có chiều hâm nóng dư luận khán giả điện ảnh Việt Nam, và cả dư luận quốc tế khi hàng loạt hãng tin lớn như The Guardian, Bloomberg, Reuters, The Independent, Deadline,…đang làm ầm ĩ.

Tới thời điểm này, nhà sản xuất Warner Bros – Mỹ  chưa đưa ra tuyên bố chính thức về lệnh cấm này của Việt Nam. Nghĩa là nhà sản xuất đang “im lặng”.

Trong trường hợp này, im lặng không còn là vàng. Điều đó càng đúng với một hãng điện ảnh Mỹ khổng lồ như Warner Bros.

Chẳng lẽ khi sản xuất “Barbie”, các nhà làm phim của một trong những hãng phim lớn nhất Hollywood lại không biết chính Bộ Ngoại giao Mỹ, trong báo cáo công bố ngày 12 tháng 1 năm 2022, đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc (tức “đường 9 đoạn” còn gọi mỉa mai là “đường lưỡi bò”) với hầu hết Biển Đông?

Tóm lại, thêm một bài học cảnh giác đã đành. Còn nhà sản xuất phim Warner Bros: hãy trả lời đi chất vấn của dư luận khi cố tình chèn cái “lưỡi bò” vào phim “Barbie”? 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *