Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
24599

Hãy thôi trò lợi dụng thúc đẩy quan hệ Việt – Mỹ để gây sức ép Việt Nam “cải thiện” nhân quyền

Không nước nào có quyền sử dụng vấn đề quyền con người để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác là khẳng định nhất quán trong chính sách ngoại giao Việt Nam từ trước đến nay

Tuy nhiên, lợi dụng Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, các trang mạng thiếu thiện chí với Việt Nam một vài cá nhân, tổ chức thù địch ra sức phán tán những tài liệu dưới dạng “Báo cáo”, “Thư chung”, “Thư thỉnh nguyện”… kêu gọi và đề nghị Tổng thống Hoa Kỳ sử dụng thỏa thuận hợp tác Đối tác Chiến lược toàn diện để gây sức ép yêu cầu Việt Nam “cải thiện” nhân quyền, trả tự do cho các đối tượng đang bị giam giữ, cho phép các tổ chức “tôn giáo độc lập”, “xã hội dân sự” tự do hoạt động… Cách tiếp cận vấn đề như vậy chứng tỏ một vài tổ chức, cá nhân như đã nói không hiểu hoặc cố tình không hiểu về vấn đề nhân quyền.

Quyền con người vừa mang tính phổ biến, thể hiện khát vọng chung của nhân loại, được ghi trong Hiến chương của Liên Hợp Quốc, vừa có tính đặc thù đối với từng xã hội và cộng đồng. Quyền thiêng liêng, cơ bản nhất của con người là quyền được sống trong độc lập, tự do, quyền được tự quyết định vận mệnh của mình. Đây cũng chính là nguyên tắc có tính nền tảng về quyền tự quyết dân tộc đã được khẳng định trong Hiến chương Liên Hợp Quốc và tại Điều 1 của cả 2 Công ước quốc tế cơ bản nhất của Liên Hợp Quốc về quyền con người: Công ước quốc tế về các quyền Kinh tế, Xã hội, Văn hoá và Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị. Không có khuôn mẫu, mô hình dân chủ, nhân quyền nào là chuẩn mực chung cho mọi quốc gia, dân tộc. Khi tiếp cận và xử lý vấn đề quyền con người chúng ta phải kết hợp hài hòa các chuẩn mực, nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế với những điều kiện đặc thù về lịch sử, chính trị, kinh tế – xã hội, các giá trị văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán… của mỗi quốc gia và khu vực. Luật pháp quốc tế không cho phép bất cứ một nước nào có quyền áp đặt mô hình chính trị, kinh tế, văn hoá của mình cho một quốc gia khác. Khi tiếp cận vấn đề nhân quyền chúng ta cần tiếp cận một cách toàn diện tất cả các quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá trong một tổng thể hài hoà, không được xem nhẹ bất cứ quyền nào.

Đồng thời, các quyền và tự do của mỗi cá nhân chỉ có thể được bảo đảm và phát huy trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích chung của dân tộc và cộng đồng; quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ đối với xã hội. Việc chỉ ưu tiên hoặc tuyệt đối hóa các quyền dân sự, chính trị và một số quyền tự do cá nhân, không quan tâm thích đáng đến quyền phát triển, các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá của cả cộng đồng là cách đề cập phiến diện, không phản ánh đầy đủ bức tranh toàn cảnh về quyền con người. Việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trước hết là trách nhiệm và quyền hạn của mỗi quốc gia. Các quốc gia có trách nhiệm xây dựng hệ thống pháp luật trong nước phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên Hợp Quốc có tính đến hoàn cảnh của mỗi nước để bảo đảm cho người dân được thụ hưởng quyền con người một cách tốt nhất. Do khác biệt về hoàn cảnh lịch sử, chế độ chính trị, trình độ phát triển, giá trị truyền thống văn hóa… nên cách tiếp cận về quyền con người của mỗi quốc gia có thể khác nhau.

Việc hợp tác và đối thoại giữa các quốc gia để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là một yêu cầu cần thiết và khách quan. Chúng ta ủng hộ việc tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quyền con người trên cơ sở đối thoại bình đẳng, xây dựng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, vì mục tiêu chung là thúc đẩy và bảo vệ ngày càng tốt hơn các quyền con người. Chúng ta cũng cần phải hiểu rằng không nước nào có quyền sử dụng vấn đề quyền con người làm công cụ can thiệp vào công việc nội bộ các quốc gia, gây sức ép chính trị, gây đối đầu, thậm chí sử dụng vũ lực hoặc làm điều kiện trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại… với nước khác.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *