Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
29337

GS.TS Đàm Đức Vượng: Hiểu tự do báo chí thế nào cho đúng?

Gần đây, trang “Chân trời mới Media” và một số trang khác đưa tin: “Tự do báo chí Việt Nam tụt hạng, đứng 178/180, chỉ trên Trung Quốc và Bắc Triều Tiên”. “Việt Nam tụt hạng gần “đội sổ” tự do báo chí năm 2023, xếp thứ 178 trong tổng số 180 quốc gia trên thế giới, theo Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF). Đại diện của tổ chức này nói với VOA rằng, lý do tụt hạng của Việt Nam là do phe cánh của người đứng đầu Đảng Cộng sản tăng cường bịt miệng những tiếng nói của các đối thủ trong cuộc đấu đá nội bộ”. “Hôm 3-5-2023, nhân kỷ niệm 30 năm ngày Tự do báo chí thế giới, tổ chức RSF công bố bảng xếp hạng tự do báo chí năm 2023, theo đó, ba nước châu Á đứng cuối bảng là Việt Nam, xếp thứ 178; Trung Quốc 179; Triều Tiên 180. Như vậy, Việt Nam nơi chính quyền tự hào và cổ võ cho nền “báo chí cách mạng”, bị rớt từ hạng 174 hồi năm 2022 xuống gần cuối bảng trong năm 2023, và cũng là mức thấp nhất kể từ khi RSF công bố xếp hạng hằng năm từ năm 2002 đến nay”.Gần đây, trong một bài viết khác của một phần tử chống đối, nói rằng: “Việt Nam chưa bao giờ là một quốc gia có tự do báo chí, điều này đúng. Nhưng chỉ đến khi cả môi trường tự do trong khuôn khổ mà ta có bấy lâu nay cũng biến mất, ta mới thấy xã hội trở nên què quặt thế nào”.

Bình luận về hiện tượng này, GS.TS Đàm Đức Vượng bày tỏ quan điểm: Tôi không hiểu RSF căn cứ vào đâu mà xếp hạng như vậy, rõ ràng là chủ quan duy ý chí, đánh giá theo kiểu hận thù, chứ không xuất phát từ thực tế khách quan, không xuất phát từ cơ sở pháp lý của mỗi nước, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, có thể nói RSF không đủ tư cách để đánh giá nền báo chí của các nước, trong đó có nền báo chí của Việt Nam” và khẳng định đó là những lời lẽ xuyên tạc, cần phải phê phán.

GS.TS Đàm Đức  Vượng cho rằng, Việt Nam rất tôn trọng quyền tự do dân chủ của con người. Vấn đề này đã trở thành truyền thống.

  • Năm 1919, Trong “Yêu sách của nhân dân An Nam”, Nguyễn Ái Quốc viết đòi quyền:

“3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận”;

  • Tự do lập hội và hội họp;
  • Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương;
  • Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên môn ở tất cả tỉnh cho người bản xứ”1.

Lúc này, dưới ách thống trị của thực dân Pháp, quyền tự do của nhân dân Việt Nam bị tước đoạt hết, nhân dân sống trong vòng nô lệ, nên Nguyễn Ái Quốc mới lên tiếng đòi quyền tự do cho nhân dân Việt Nam.

  • Đến Hiến pháp năm 1946 và những bản Hiến pháp sau đó của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) cũng đều nhắc đến quyền tự do:

“Điều 23: Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.

Điều 24:

1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tựu do tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Điều 25:

Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”2.

Căn cứ vào Yêu sách của nhân dân An Nam và căn cứ vào Hiến pháp, luật pháp Việt Nam, thấy rằng, Việt Nam là một trong những nước thực hiện quyền tự do, dân chủ nhất.

Tiếp đến, GS.TS Đàm Đức Vượng trích dẫn mô hình vận hành công tác báo chí của Đảng, Nhà nước ta hiện này hoàn toàn đảm bảo quyền tự do báo chí cho công dân.

  • Việt Nam xem đó là quyền công dân được viết  những ấn phẩm báo chí, thông tin, tuyên truyền. Tại Việt Nam dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, tự do báo chí, tự do ngôn luận được Nhà nước bảo đảm bằng Luật Báo chí và các luật, chính sách khác có liên quan đến báo chí, đó là sự bảo đảm về mặt pháp lý. Vấn đề này, Việt Nam đã và đang vận hành có nhiều kết quả, đi vào nền nếp. Báo chí phát triển nhanh. Tính đến tháng 4-2022, cả nước có 816 cơ quan báo chí (chưa kể Bản tin), trong đó, 115 báo thực hiện cả báo in và báo điện tử; 116 tạp chí thực hiện 2 loại hình (in và điện tử); 29 báo chỉ có loại hình điện tử (không có báo in); 72 cơ quan được cấp giấy phép hoạt động phát thanh – truyền hình. Có khoảng 41.600 nhân sự đang tham gia hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Tính đến ngày 15-8-2021, cả nước có 17.161 người được cấp thẻ nhà báo… Đấy, sự phát triển của báo chí đang tăng về lượng và nâng cao về chất. Tiếc rằng, các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề “tự do báo chí” theo cách hiểu của họ để rêu rao rùm beng Việt Nam “bóp nghẹt báo chí đến nỗi không thở được”. Họ cố tình xuyên tạc, làm méo mó khái niệm “tự do báo chí” đã nêu trong “Yêu sách của nhân dân An Nam” và trong Hiến pháp, luật pháp. Hiến pháp, luật pháp nói nhiều đến quyền “tự do báo chí”. Nhưng theo tư duy của họ, có nghĩa là đòi quyền tuyệt đối về tự do sáng tạo báo chí, muốn viết gì thì viết, muốn làm gì thì làm, muốn chửi ai thì chửi. Không có chuyện đó đâu, hỡi những người khác chính kiến.

Tại Việt Nam, báo chí cách mạng đã trở thành cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn bảo vệ quyền tự do dân chủ của các tầng lớp nhân dân.

  • Trong 37 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, vấn đề tự do, công khai, minh bạch thông tin hằng ngày đã được Nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội coi trọng và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các phương tiện thông tin đại chúng hoạt động tốt. Báo chí đã trở thành người phát ngôn của nhân dân, làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Cái mới trong hoạt động thông tin được cải tiến nhiều. Gần đây, dư luận đánh giá cao những buổi chất vấn công khai của các đại biểu Quốc hội đối với các Bộ trưởng và Chính phủ.
Vấn đề “tự do báo chí” ở đây là tự do phải gắn với pháp luật, tự do trong khuôn khổ của pháp luật và đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tại Việt Nam, pháp luật quy định là mọi công dân Việt Nam có quyền phát biểu ý kiến của mình về tình hình đất nước và tình hình thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; góp ý kiến, phê bình một cách trung thực, kiến nghị, khiếu nại trên báo chí đối các tổ chức và cá nhân, nhưng phải trừng trị những ai vi phạm pháp luật, trong đó có vi phạm Luật Báo chí. 

Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam, thì báo chí cách mạng Việt Nam chịu sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng lãnh đạo báo chí và báo chí bảo vệ đường lối, chính sách của Đảng, trong đó có bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là hai mặt của một vấn đề.

Trong hệ thống tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, về chủ trương, quan điểm và chính sách của Đảng trong lĩnh vực tuyên truyền, lý luận chính trị, lịch sử, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ,… Hướng dẫn, kiểm tra định hướng chính trị, tư tưởng trong hoạt động của các cơ quan báo chí, cơ quan thông tin, văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền đối ngoại; tạo định hướng chính trị, tư tưởng trong hoạt động của các cơ quan báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, các cơ quan thông tin, tuyên truyền đối ngoại. Ban Tuyên giáo Trung ương đã làm tốt nhiệm vụ của mình.

Thứ ba, ông cho rằng, ngay tại nhiều nước như Mỹ, Pháp Hàn Quốc, Singapore,… đều có chế tài, luật xử lý nghiêm những hành động lợi dụng “tự do báo chí” để vi phạm pháp luật. Cũng không có quốc gia nào cho phép các thế lực phản động lợi dụng vấn đề đề dân chủ, nhân quyền, “tự do báo chí” để chống lại nhà nước đó. Vấn đề này, không chỉ ở Việt Nam, mà rất nhiều nước đều có quy định này. Đây là quy định bắt buộc. Các nước đều có chế tài, luật xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng “tự do báo chí” để vi phạm pháp luật. Tự do báo chí ở bất cứ nước nào cũng phải gắn với luật pháp và đường lối, chính sách của nước đó; đồng thời, xuất phát từ điều kiện xã hội của mỗi nước mà đề ra đường lối, luật pháp báo chí cho phù hợp.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *