Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
26839

Giải mã “Việt Nam – Điều thần kỳ mới của châu Á!”

Gần đây, tờ New York Times Hoa Kỳ có bài viết: “Việt Nam – Điều thần kỳ mới của châu Á?” của Ruchir Sharma (chiến lược gia trưởng toàn cầu của Bộ phận quản lý đầu tư thuộc ngân hàng đầu tư đa quốc gia Morgan Stanley). Trong bài viết trên ông phân tích: “Việt Nam đã dành nguồn lực đáng kể cho xuất khẩu, xây dựng đường sá, các bến cảng để đưa hàng hóa ra nước ngoài và xây dựng các trường học để đào tạo công nhân. Chính phủ đã đầu tư khoảng 8% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mỗi năm để thực hiện các dự án xây dựng mới và hiện được xếp hạng cao hơn về chất lượng cơ sở hạ tầng so với bất kỳ nước nào khác,… Trong vòng 5 năm qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đạt mức trung bình hơn 6% GDP của Việt Nam, tỷ lệ cao nhất so với các nước mới nổi.Thu nhập bình quân đầu người hằng năm ở Việt Nam đã tăng gấp 5 lần kể từ cuối những năm 1980 lên mức gần 3.000 USD/người/năm”.

Nội hàm mới về quyền con người

Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XIII vừa được công bố tiếp tục phát triển sáng tạo tư duy lý luận về xã hội XHCN hướng đến xây dựng một nước Việt Nam: “Dân giàu, Nước mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh” với những nội hàm mới. “Dân giàu” ngày nay không chỉ giàu về của cải vật chất mà còn giàu về cả các phương tiện phục vụ cho đời sống tinh thần, như việc sử dụng Internet, mạng xã hội, điện thoại thông minh. Về đời sống vật chất, Việt Nam đã đath được nhiều chỉ số vật chất và tinh thần theo tiêu chuẩn của cộng đồng quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã về đích sớm hầu hết mục tiêu thiên niên kỷ (MDG). Về đời sống tinh thần, chúng ta cũng đã hướng tới những chỉ số về khoa học công nghệ hiện đại, trong đó có lĩnh vực công nghệ thông tin. Theo thống kê của tổ chức VNETWORK năm 2019, dân số Việt Nam đạt mốc xấp xỉ 97 triệu, với tỷ lệ dân thành thị là 36%, trong đó có 64 triệu người sử dụng Internet, tăng đến 28% so với năm 2017; 58 triệu người dùng mạng xã hội trên thiết bị di động tính đến đầu năm 2019, tăng đến 8 triệu người dùng so với cùng kỳ năm trước.

Khái niệm “nước mạnh” ngày nay không chỉ mạnh về quân sự theo quan niệm cũ mà còn mạnh về kinh tế, về thương hiệu hàng hóa quốc gia. Đương nhiên sức mạnh về quân sự của Việt Nam cũng đã khác trước. Quân đội Việt Nam đã được trang bị khá đầy đủ vũ khí hiện đại, chiến sỹ Việt Nam được đào tạo, huấn luyện sử dụng thành thạo vũ khí, các thiết bị quân sự có thể bảo vệ vững chắc đất liền, vùng trời, vùng biển Tổ quốc. 

Tư duy pháp lý về quyền con người cũng có những dấu ấn mới. Điều 3 Hiến pháp 2013 quy định: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.” 

Quyền công dân và quyền con người ở Việt Nam không chỉ được bảo đảm trong thế giới thực mà cả trên thế giới “ảo” là không gian mạng. Luật An ninh mạng 2018 quy định: Phòng ngừa, nghiêm cấm thông tin có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế… Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác (Điều 16). Như vậy có thể nói cho đến nay hành lang- khuôn khổ pháp luật, bảo vệ và bảo đảm quyền dân chủ của công dân đã đầy đủ.

Nói đến một xã hội “Văn minh” ngày nay không thể không nói đến quan hệ đối ngoại rộng mở dựa trên Hiến chương Liên Hợp quốc. Khác với thời kỳ chiến tranh lạnh- quan hệ đối ngoại của chúng ta nói chung chỉ khép kín trong “phe XHCN”, ngày nay Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Chủ trương mở rộng quan hệ với mọi quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị – xã hội, trình độ phát triển, bản sắc văn hóa.

Quốc gia đáng sống!

Đến nay, ngoài quan hệ chính trị, Việt Nam được xem là một mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế toàn cầu và khu vực với việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng như CPTPP, EVFTA… Bên cạnh đó, Việt Nam đạt được những kết quả đáng khích lệ trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Tổng Thư ký Liên Hợp quốc đã kêu gọi các nước học hỏi kinh nghiệm Việt Nam. Về xã hội, nhiều người nước ngoài đến du lịch, sinh sống ở Viêt Nam đã ghi nhận Việt Nam là một quốc gia “đáng sống”.

Nhìn lại công cuộc đổi mới 35 năm (1986-2020), chúng ta tự hào về những thành tựu cách mạng đã đạt được, tuy nhiên với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật” (mà Đại hội VI, 1986) đã đề ra, chúng ta cần nhận thức đầy đủ những thách thức về chính trị, kinh tế xã hội. 

Hiện nay, vấn đề Biển Đông vấn diễn biến phức tạp, khó lường bởi vì đây là một trong những khu vực quan trọng về địa – chính trị, đang diễn ra tranh chấp giữa nhiều nước lớn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và hòa bình, ổn định trong khu vực. Về chủ quan, nhận thức và hoạt động thực tiễn công cuộc xây dựng xã hội XHCN vẫn cần được tiếp tục làm rõ thêm; mức sống của người dân còn thấp, phân hóa giầu nghèo có khuynh hướng gia tăng. Sự kiện sạt lở đất ở Rào Trăng, Quảng Nam cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia đối mặt với thách thức về biến đổi khí hậu, nước biển dâng ngày càng lớn, trong khi các nguồn lực về vật chất vẫn còn nhiều hạn chế.

Cùng với đó, cuộc đấu tranh chống các thế lực phản động, trong và ngoài nước, những kẻ thoái hóa về tư tưởng, chính trị “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cũng vẫn quyết liệt nhằm giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm các điều kiện cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên với những gì mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã và đang nỗ lực phấn đấu, đặc biệt hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII, nhất định công cuộc đổi mới của dân tộc ta hướng tới mục tiêu Dân giàu, Nước mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh sẽ có thêm những nội dung và tính chất mới – Văn minh, Hiện đại hơn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *