Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
75247

Bộ Công an cảnh báo các thế lực thù địch đang lợi dụng dịch Covid-19 để chống phá Đảng, Nhà nước

Sáng ngày 21/7/2021, VOV đăng tài bài báo Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an cảnh báo nhiều thế lực thù địch, phần tử phản động đang lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để tung những tin đồn thất thiệt, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến công cuộc phòng, chống dịch, hòng gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Theo thống kê từ cơn quan này, từ đầu tháng 7/2021 đến nay trên các trang đài báo nước ngoài (như BBC, RFA, Việt Nam thời báo…) đã có hơn 100 bài viết có nội dung liên quan đến dịch Covid-19. Chủ yếu các bài viết này xuyên tạc về công cuộc phòng chống dịch của Việt Nam, kích động để gây chia rẽ giữa người dân và chính quyền.

Người dân nếu không tỉnh táo sẽ tiếp tay cho các thế lực xấu lan truyền các tin đồn thất thiệt. (Ảnh minh họa)

Người dân nếu không tỉnh táo sẽ tiếp tay cho các thế lực xấu lan truyền các tin đồn thất thiệt. (Ảnh minh họa)

Một số tài khoản mạng xã hội của các tổ chức phản động bên ngoài (như Việt Tân, nhật ký yêu nước…) và các tài khoản có âm mưu xấu đã đăng tải những luồng thông tin sai sự thật làm hoang mang dư luận trong nước. Điển hình như những tin giả: “Từ 0h ngày 15/7, TP.HCM sẽ giới nghiêm người dân, ngưng tất cả các ngành nghề, cấm người dân di chuyển ra ngoài”, “lãnh đạo TP.HCM đã nhiễm Covid-19”, hay bức ảnh nhiều thi thể nạn nhân trong bệnh viện, được chụp ở Indonesia thì lại bị các đối tượng gán là “chụp ở bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM”… Những thông tin này không chỉ gây hoang mang dư luận, mà còn khiến cho công cuộc phòng chống đại dịch của Việt Nam bị ảnh hưởng xấu.

Cục An ninh Chính trị Nội bộ (Bộ Công an) khuyến cáo: Mỗi người dân tham gia mạng xã hội cần ý thức trách nhiệm với chính bản thân, với cộng đồng; có hiểu biết về pháp luật, xây dựng được ý thức cảnh giác với tin giả. Người dân cần tỉnh táo, thận trọng trong việc đưa và tiếp nhận thông tin, chia sẻ, bình luận. Trước khi chia sẻ một thông tin gì, người tham gia mạng xã hội cần bình tâm suy xét, nghĩ đến trách nhiệm với cộng đồng, nghĩ đến hậu quả nếu đó là tin giả để thận trọng hơn.

Luật sư Đặng Văn Cường, trưởng VP Luật sư Chính pháp

Luật sư Đặng Văn Cường, trưởng VP Luật sư Chính pháp

Bài báo trích dẫn ý kiến từ luật sư Đặng Văn Cường (trưởng VP luật sư Chính pháp, đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng,  hành vi đăng thông tin sai sự thật trên mạng xã hội có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm a, d Khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Cụ thể như sau: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội…

“Trường hợp nặng hơn, người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây dư luận xấu thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính viễn thông theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt cao nhất là phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Ngoài ra, nếu người tung tin thất thiệt nhằm gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vu khống, quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù cao nhất 7 năm.” – Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

Những ngày qua, trước tình hình dịch bệnh bùng phát ở các tỉnh phía Nam, trên không gian mạng đầy rẫy thông tin xuyên tạc, sai sự thật, kiểu như công kích, phủ nhận thành tựu chống dịch trước đây; lên án cách thức chống dịch hiện nay là cực đoan, là ngăn sông, cấm chợ, thổi phồng khó khăn rằng dân chưa chết vì dịch thì đã có khả năng chết vì đói để lên án chính quyền chỉ lo chống dịch không lo cho dân, rằng việc “cấm chợ” là “để lùa dân vào siêu thị kín mít, chen chúc nhau làm cho dịch bệnh dễ lây hơn và phải mua hàng với giá đắt đỏ”; xuyên tạc cho rằng việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT gây bùng phát dịch; công kích Chính phủ không có chính sách hỗ trợ chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2 trong khi các quốc gia trên thế giới miễn phí; rằng Chính quyền chậm trễ trong công tác hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; rằng công tác phòng dịch tại các khu cách ly tập trung không có hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực và ngân sách Nhà nước; rằng xuyên tạc chính quyền bất nhất khi yêu cầu người dân tuân thủ nguyên tắc 5K nhưng lại tập trung hàng nghìn người đi xét nghiệm, tiêm vắc xin,…

Có thể nói, họ đang triệt để lợi dụng khó khăn của dịch bệnh và bất cứ chính quyền làm gì, không làm gì họ cũng đều kiếm cớ để công kích, đâm bị thóc chọc bị gạo nhằm kích thích sự hoài nghi, bất mãn của người dân với chính quyền. Vậy nên, sự vào cuộc xử lý quyết liệt của công an, chính quyền đối với thông tin thiếu tính xây dựng, tin sai sự thật lúc này rất cần thiết, không để những kẻ phá hoại nỗ lực, thành quả chống dịch nhởn nhơ gây họa cho xã hội

Khánh Chi

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *