Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
57158

Bệnh “tự nhục” trầm kha của những kẻ tự xưng “yêu nước”, “dân chủ”

“Tự nhục” là một cụm từ dùng để chỉ trạng thái biểu hiện của một bộ phận người trong xã hội, luôn tự hạ thấp bản thân và quốc gia, dân tộc mình xuống, nhưng không phải để biểu hiện sự khiêm nhường, cầu thị, mà trái lại, vừa hạ thấp giá trị của dân tộc mình, vừa có xu hướng đề cao những giá trị ngoại, coi những thứ ngoại lai mà chủ yếu là các “giá trị phương Tây” mới là chuẩn mực, là tiêu chuẩn cần hướng tới. Như vậy, “tự nhục” chính là một dạng “tiêu chuẩn kép”, mà trong con mắt của những kẻ “tự nhục”, những gì thuộc về quốc gia, dân tộc mình sẽ luôn là xấu xa, tiêu cực, ngược lại, những thứ ngoại lai thì luôn mỹ miều, tốt đẹp và được họ ca tụng hết lời.

Những tưởng, cùng với sự phát triển của đất nước, bệnh “tự nhục” này sẽ thuyên giảm, nhưng không, với một số kẻ nặng hận thù, định kiến, thì dường như căn bệnh này ngày càng “trầm kha”, “vô phương cứu chữa”!

Biểu hiện phổ biến của bệnh “tự nhục” là so sánh Việt Nam với Thái Lan và Campuchia. Với Thái Lan, họ xỏ xiên kiểu: “sau gần 50 năm xâm chiếm Việt Nam Cộng Hòa, đảng cộng sản lãnh đạo nhà nước – xã hội với niềm tự hào là ổn định nhất khu vực thì kinh tế Việt Nam đứng ở đâu so với kinh tế Thái Lan và phải mất bao nhiêu năm Việt Nam mới đuổi kịp Thái Lan, kể cả Thái ngừng phát triển đứng chờ Việt Nam?”. Chưa hết, kẻ này còn lộng ngôn, láo xược mà rằng: “Những điều cộng sản Việt Nam ngụy biện lếu láo về sự yếu kém, nếu không nói là dốt nát trong việc lãnh đạo nhà nước, xã hội trong xây dựng, phát triển quốc gia đều có thể phản biện, chứng minh được là chúng ngụy biện láo khoét”. Với Campuchia, họ cho rằng: “Ngó qua thành quả xây dựng phát triển của Campuchia, không khó để chúng ta nhận ra Campuchia đi đúng hướng vượt mặt Việt Nam là nhờ vào thiết chế chính trị dân chủ đa đảng tam quyền phân lập, dù dân chủ còn sơ khai và tồn tại nhiều hạn chế”.

Vẫn biết rằng, mọi sự so sánh đều khập khiễng. Riêng với Campuchia thì có lẽ không có gì để so sánh với Việt Nam, việc họ theo kịp Việt Nam về chính trị, kinh tế, quốc phòng, đối ngoại vẫn còn là ước mơ. Nhưng với Thái Lan, xin trích dẫn ra đây bài viết: “Việt Nam vượt Thái Lan sau 8 năm nhiệm kỳ của Thủ tướng Prayut ở những điểm nào?” của Watchiranon Thongthep – Phóng viên BBC News Tiếng Thái ngày 1 tháng 10 2022.

Theo đó, BBC Tiếng Thái nhận xét Việt Nam có một nền chính trị ổn định với chính sách xúc tiến đầu tư và chi phí nhân công rẻ, cùng với việc dân số trong độ tuổi lao động cao… là những yếu tố tạo dụng niềm tin đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Nhờ đó, Việt Nam có thể tiếp tục phát triển. Mười năm trước, người Thái thường đặt câu hỏi khi nào thì Việt Nam có thể phát triển vượt qua Thái Lan. Mặc dù xét trên tổng thể thì dường như trên nhiều phương diện, Thái Lan vẫn đang dẫn đầu trong khu vực. Nhưng đến hiện tại, các chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam đã phát triển hơn và được đánh giá là đã vượt qua Thái Lan trên nhiều mặt. Đặc biệt là sau khi Thái Lan phải đối mặt với các vấn đề chính trị và các cuộc đảo chính liên tiếp, khiến sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài giảm dần. Tiến sĩ Phisit Amnuaykrung, một chuyên gia về Việt Nam học, Giảng viên Khoa Tiếng Việt ngành Nhân văn tại Đại học Kasetsart nói với BBC tiếng Thái rằng: “Nếu nhìn vào đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam đã vượt qua Thái Lan vào năm 2014, năm mà Thái Lan có đảo chính”. Mặt khác, Việt Nam ổn định về chính trị và liên tục về chính sách. Do đó, các nhà đầu tư khi cân nhắc chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài, cần phải xem xét đầy đủ về việc này, đã chọn điểm đến là Việt Nam. Một chuyên gia khác, chủ trang Facebook có tên Dr.Vietnam với 22.000 người theo dõi giải thích thêm: “Nhìn lại 12 năm trước và xem xét dòng vốn FDI vào khu vực ASEAN, trong năm quốc gia lớn thì Thái Lan nhận được xấp xỉ 30% tổng vốn đầu tư nước ngoài, còn Việt Nam chiếm tỷ trọng khoảng 10%”. Tuy nhiên, 12 năm sau, trật tự đã đảo ngược. Thái Lan chỉ nhận được 10% vốn đầu tư nước ngoài, và khoảng 30% vào Việt Nam, “Kể từ năm 2014, Việt Nam bất ngờ vượt qua Thái Lan và từ đó luôn vượt Thái Lan, thúc đẩy việc xuất khẩu của họ”. Mặc dù nền chính trị Thái Lan đã chuyển sang một chính phủ dân cử, nhưng dường như quốc gia này vẫn không thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài như mong đợi. “Theo góc nhìn của các nhà đầu tư nước ngoài, họ sẽ xem lại thời gian Thái Lan thường xuyên xảy ra bất ổn về chính trị cũng như các cuộc biểu tình. Nhưng yếu tố chính thực sự là các yếu tố kinh tế và xã hội, cũng như chính trị”, Tiến sĩ Pisit nói. Nếu xét về quy mô nền kinh tế, GDP của Thái Lan vẫn lớn hơn của Việt Nam. Năm 2021, GDP của Thái Lan trị giá 16,2 nghìn tỷ Baht, trong khi nền kinh tế Việt Nam là 13,76 nghìn tỷ Baht. Nhưng xét về tốc độ tăng trưởng của đầu tư nước ngoài và sự phục hồi sau đại dịch Covid-19, cùng với sức mua nội địa tăng mạnh, kết quả là Việt Nam vẫn có tốc độ tăng trưởng cao hơn Thái Lan. Ngân hàng Thế giới dự báo GDP của Việt Nam vào năm 2022 là 7,2%, trong khi của Thái Lan là 3,1%. Trong 10 tháng đầu năm 2020, Việt Nam lần đầu vượt qua Thái Lan về doanh số xuất khẩu đạt 230 tỷ USD, trong khi Thái Lan có tổng giá trị xuất khẩu chỉ đạt 193 tỷ USD. Từ đó, Việt Nam luôn vượt qua Thái Lan về giá trị xuất khẩu, và cách biệt ngày càng tăng. Theo quan điểm của Tiến sĩ Phisit, lợi thế của Việt Nam so với Thái Lan ở thời điểm hiện tại là Việt Nam có số lượng hiệp định thương mại quốc tế (FTA) nhiều gấp ba lần Thái Lan. Điều này có nghĩa là Việt Nam có cơ hội lớn để tiếp cận với nhiều thị trường tiềm năng tên toàn cầu hơn. Trong đó phải kể đến Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là Hiệp định CPTPP. “Gần đây nhất, Việt Nam đã ký một Hiệp định thương mại với Liên minh châu Âu EU, độc quyền xuất khẩu thương mại sang EU. Làm cho các nhà đầu tư quan tâm hơn đến Việt Nam”. Ngoài ra, còn có những đặc quyền đầu tư hấp dẫn dành cho người nước ngoài. Quá trình đăng ký hoạt động kinh doanh tại Việt Nam diễn ra khá nhanh, vì các cơ quan chức năng của Việt Nam được trao quyền cho phép mỗi tỉnh được tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài. Đây cũng được coi là một chỉ số đo lường thành tựu của mỗi tỉnh thành.

Chuyên gia về Việt Nam phản ánh về sự khác biệt giữa Thái Lan và Việt Nam như sau: Câu hỏi về vai trò của Thái Lan trên trường quốc tế trong giai đoạn hiện nay đã được bàn luận sôi nổi khi Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định không đến Thái Lan để tham dự Hội nghị cấp cao APEC vì “bận việc gia đình!”. Theo đó, “Nhìn lại trong 5 năm qua, hầu như không có nhà lãnh đạo toàn cầu nào đến thăm Thái Lan để đàm phán về thương mại quốc tế, nếu không tính các diễn đàn toàn cầu. So sánh với trường hợp của Việt Nam, có thể thấy số lượng lãnh đạo các nước liên tục đến thăm nhiều hơn”. Năm 2016, Hoàng tử William của Hoàng gia Anh và cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cũng tới thăm Việt Nam. Năm 2019, khi Việt Nam là chủ tịch ASEAN, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un, Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah và lãnh đạo các nước Hà Lan, Australia, Campuchia, Lào, Malaysia đều đã đến thăm. Đặc biệt gần đây nhất là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden để hai nước nâng tầm ngoại giao lên mức Đối tác chiến lược toàn diện sẽ mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội hơn nữa để phát triển.

Đất nước Việt Nam đang từng ngày thay da, đổi thịt, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, thế và lực của ta đã mạnh hơn hẳn so với trước kia. Chẳng hề ngẫu nhiên khi các thế lực thù địch lại ra sức hô hào, cổ súy cho tư tưởng “tự ti” dân tộc, bằng mọi thủ đoạn để gieo rắc trạng thái tâm lý “tự nhục” trong một bộ phận người Việt nhằm mục đích gây tâm lý e dè, tự ti trong nhân dân; xuyên tạc thành quả xây dựng, phát triển đất nước; gây xói mòn lòng tin của nhân dân vào công cuộc đổi mới, qua đó hòng phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay. Thật đáng tiếc, dù vẫn mang trong mình máu đỏ da vàng, những họ không bao giờ thừa nhận về sự phát triển của đất nước, chỉ mong đất nước chìm trong loạn lạc để chúng “đục nước, béo cò”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *