Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
22883

Bàn về luận điệu “dân nghèo bị bỏ rơi, dân giàu được chăm bẵm” của Phạm Đình Trọng

 

Mới đây, Phạm Đình Trọng – kẻ trở cờ điển hình tung lên mạng bài viết “Dân nghèo bị bỏ rơi, dân giàu được chăm bẵm, nuông chiều” trên trang Tiếng Dân New ngày 2/12/2022, với những suy nghĩ, suy diễn cực đoan một chiều một số hiện tượng để chụp mũ thành bản chất vấn đề nói chung, bôi đen thực trạng xã hội nói riêng nhằm ý đồ khoét sâu vào một vài hiện tượng để chống phá Đảng và chế độ.

Kẻ tâm địa xấu nhìn gì cũng thấy xấu

Chẳng có gì lạ khi một người như Phạm Đình Trọng đã từng hết lời ngợi ca những gì đất nước đạt được, nhân dân Việt Nam thực hiện được từ khi có Đảng lãnh đạo, nay trở cờ/theo đuôi các thế lực thù địch lại bỗng nhìn đâu cũng thấy xấu, nhìn khiếm khuyết gì nhỏ cũng thổi phồng thành to, để rồi chụp mũ thành bản chất. Mới thấy khi Phạm Đình Trọng viết rằng, “gần nửa thế kỉ hoà bình gây dựng cuộc sống, qua mười đại hội đảng cộng sản cầm quyền, đại hội nào cũng chói lọi chữ vàng, rộn ràng lời ca mục tiêu cao cả của đảng: Dân giầu, nước mạnh, xã hội dân chủ, văn minh. Nhưng chỉ có hầu hết quan chức đảng, quan chức nhà nước cộng sản nhanh chóng giầu lên bất thường, giầu lên vùn vụt”, thì cũng đồng nghĩa là nhà dân chủ rởm này đã nhìn cái bộ phận để suy diễn, bôi nhọ cái toàn thể.

Hỏi rằng, Việt Nam có bao nhiêu cán bộ, đảng viên đang nắm giữ các trọng trách tại các cơ quan công quyền trong cả hệ thống chính trị và có bao nhiêu phần % những người trong số đó đang “giàu lên vùn vụt”, “bất thường” như Phạm Đình Trọng vu khống. Con người ta, nói thì phải nghĩ, dù trở cờ thì não cũng phải hoạt động rồi hãy chém/chém lấy được để quay lại chống phá Đảng và chế độ, để lấy lòng nhóm người nhân danh dân chủ, đấu tranh cho dân chủ như ông thật đáng căm hận. Họ nhà tôi và bao nhà khác có mấy thế hệ từ ông bà, cha mẹ đến con cháu đều là cán bộ, đảng viên mà chưa ai giàu bất thường, càng không thể giàu vùn vụt, vì sống bằng lương và lương hưu Nhà nước trả đó ông.

Việc ông ta nhìn vào một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái, nhân danh quyền lực để tham ô, tham nhũng, làm giàu bất chính đã, đang và sẽ tiếp tục phải chịu sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật (như cựu trưởng cục Lãnh sự bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Hương Lan…) mà chụp mũ tất cả đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, rồi suy diễn rằng người dân giàu chỉ khi là sân sau của các quan chức, chỉ khi được chia chác lợi lộc từ mối làm ăn theo kiểu liên minh tiền – quyền. Phải chăng, bản thân ông ta cố tình không thừa nhận ở Việt Nam có rất nhiều hộ gia đình người dân/nông dân đã làm giàu thành công trên chính mảnh đất quê hương mình, bằng chính tài năng và đạo đức của mình nhan nhản?

Bàn về cái gọi là “dân nghèo bị bỏ rơi”

Phạm Đình Trọng trở cờ thì thiên hạ đều biết, nhưng việc ông cho rằng ở Việt Nam “dân nghèo bị bỏ rơi” thì chỉ những người cùng hội cùng thuyền như ông mới chụp mũ thế. Kỳ thực, ở Việt Nam từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dưng, bảo vệ và phát triển đất nước hơn 90 năm đến nay, thì vấn đề “c) a) Dân chúng được tự do tổ chức. b) Nam nữ bình quyền,v.v..(…) Thâu hết ruộng đất của đế quốc chủ nghĩa làm của công chia cho dân cày nghèo. D) Bỏ sưu thuế cho dân cày nghèo. E) Mở mang công nghiệp và nông nghiệp. f) Thi hành luật ngày làm 8 giờ”… không chỉ được khẳng định trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, tháng 2/1930 mà còn từng bước được thực thi trong tiến trình cách mạng.

Đặc biệt, trong hơn 35 năm đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, cùng với những thành tựu đạt được về mọi mặt, đời sống của người dân đều được nâng cao, thì việc các cơ quan ban, ngành chức năng và cả hệ thống chính trị thường xuyên triển khai phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Tết Nhân ái”, “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”… là có thật. Mà sự thật thì hẳn Phạm Đình Trọng cũng biết rằng, phong trào này không phải là lời hô hào suông, mà đó chính là sự chia sẻ, đồng cảm, giúp đỡ, đùm bọc từ trong mỗi trái tim người dân Việt Nam dành cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân các địa phương khi gặp thiên tai, bão lũ; dành cho những người nghèo, người gặp hoạn nạn, khó khăn, bệnh tật; dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng sâu, vùng xa…

Cùng với đó, việc phát huy mạng lưới hỗ trợ tại cộng đồng, trong từng cộng đồng để mọi người dân dù điều kiện kinh tế ra sao cũng có thể góp một phần nhỏ bé của mình dành giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn… bằng cách tham gia các tổ chức, bằng cách đóng góp nguồn lực sẵn có ở các địa phương cho các phong trào thiện nguyện… đã được triển khai khá tốt. Vì thế, có thể nói, tuy chưa thể giải quyết được ngay khoảng cách giàu – nghèo; khoảng cách giữa đô thị và nông thôn, đồng bằng và miền núi, song những nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong từng quyết sách về xóa đói, giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội đã cho thấy những điều bôi đen của Phạm Đình Trọng là chiêu trò phản động, nhằm bẻ cong sự thật, gây rối lòng người.

Được thực hiện xuất phát từ truyền thống “tương thân, tương ái”, “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”… việc cả nước vào cuộc bằng cả tinh thần và vật chất (sự góp sức của các cơ quan đoàn thể trong hệ thống chính trị, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động và của người dân cả nước) chuyển vào vùng trung tâm dịch, các vùng bị dịch Covid-19 nặng những năm vừa qua là minh chứng “dán vào mồm” Phạm Đình Trọng. Nếu ông không điếc, không đui để không nghe, không nhìn thấy được sự thật ở Việt Nam thì ông hãy im lặng, đừng nói điều thâm độc kiểu “chỉ có những người dân động lòng trắc ẩn tự quyên góp tiền bạc, quần áo, sách bút mang đến cho tuổi thơ miền núi” và “không thấy bóng một ông quan huyện, quan tỉnh, quan trung ương nào đến với vùng đất nghèo khổ, đến với tuổi thơ đói cơm, đói chữ, đến với người già ốm đau không có tiền mua thuốc đành chịu chết rồi được người nhà bó chiếu buộc sau xe máy đưa về quê” để gây rối, kích động nhân tâm.

Phạm Đình Trọng chống phá chế độ bằng luận điệu chụp mũ

Lại thêm một lần Phạm Đình Trọng chụp mũ đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Việt Nam khi cho rằng “không do năng lực mà do thế lực trong đảng đưa quan chức nhà nước lên ghế quyền lực do đó hầu hết quan chức đảng, quan chức nhà nước năng lực đều trống rỗng”. Chưa hết, chỉ vin cớ một sự kiện liên quan đến vấn đề xăng dầu vừa qua mà Phạm Đình Trọng đã vội kết luận Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên “làm kinh tế đất nước ngưng trệ và sinh hoạt xã hội lao đao”, lại còn quy kết “điểm mặt các quan từ nhỏ đến to đều thấy rõ quyền năng của thế lực đảng” là “càng thấy quyền năng của thế lực đảng vô biên như thế nào”.

Lại thêm một lần Phạm Đình Trọng chụp mũ cho rằng “doanh nghiệp tầm tầm Mường Thanh của ông cán bộ tay trắng ở thành phố Điện Biên phất lên nhờ biến đất riêng của dân, biến đất công của nước thành đất dự án đô thị” và “doanh nghiệp bự như Vingroup của ông chủ đầy hợm hĩnh vào quyền uy đồng tiền Phạm Nhật Vượng thì quan càng lũ lượt, say sưa, miệt mài kéo đến đông vui như trảy hội và quan thản nhiên, sốt sắng mang quyền lực nhà nước ra hành xử chỉ vì lợi ích của ông chủ Vượng Vingroup giầu có”… Kỳ thực, đây chỉ là những suy diễn thiển cận, một chiều và chắc chắn là không có chuyện “dân giàu được chăm bẵm, nuông chiều” như Phạm Đình Trọng nhận định.

Vì rằng, nếu thực sự các doanh nghiệp này có vi phạm pháp luật thì tất yếu họ đã và sẽ phải chịu sự xử lý nghiêm minh theo luật định trên tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định. Nên là, việc “dân giàu” được “hợm hĩnh trong sự ưu ái nuông chiều của quyền lực và pháp luật nhà nước!” là sự quy chụp phản động của Phạm Đình Trọng. Những luận điệu trong bài viết này của Phạm Đình Trọng là nhằm bôi đen thực trạng đất nước, nhằm chống phá Đảng và chế độ, cần phải bác bỏ!

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *