Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
24185

Bàn về chiêu trò lợi dụng hòa hợp dân tộc theo tinh thần cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt để xuyên tạc lịch sử

 

Việc kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Cố Thủ tướng cũng như các nhà lãnh đạo cách mạng tiền bối, các nhà lãnh đạo chủ chốt khác của Đảng, Nhà nước, đã và luôn được tổ chức trang trọng, các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm có ý nghĩa sâu sắc, thiết thực, nói lên những công lao, cống hiến quan trọng của các thế hệ nói chung, của ông Kiệt nói riêng; qua đây cũng góp việc giáo dục truyền thống lịch sử, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào và đoàn kết dân tộc, tạo động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới đất nước. Các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm đó không chỉ để tôn vinh tiền bối và người có công, ôn cố tri tân, mà chúng ta có thể học hỏi tài năng, ý chí, sự kiên trì vượt qua khó khăn, thách thức, không ngừng học tập, lao động, đổi mới sáng tạo vì sự phát triển.

Tuy nhiên, với những kẻ chống phá, chúng lại lợi dụng sự kiện, hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khơi lại và xuyên tạc một số phát biểu của Cố Thủ tướng để công kích vấn đề hòa giải dân tộc, so sánh và hạ thấp uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước hiện nay, hoặc bôi nhọ phủ nhận công lao của Ông.

XUYÊN TẠC CẮT CÚP MỘT CÂU NÓI KHỎI BỐI CẢNH

Họ triệt để lợi dụng, cắt cúp một câu nói “có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn” để xuyên tạc, bóp méo bản chất cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước và chính sách hòa giải dân tộc, Nghị quyết 36 của Đảng. Thực chất, câu nói này đặt trong bối cảnh lời tâm huyết của ông Võ Văn Kiệt vào dịp kỷ niệm 30/4 lúc sinh thời: “Chiến thắng của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều sự mất mát. Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng như vậy. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”. Rõ ràng bản chất câu nói thể hiện chia sẻ, hàn gắn vết thương chiến tranh, để hòa hợp, hòa giải dân tộc, không có chuyện phủ nhận bản chất hay hạ thấp ý nghĩa lịch sử của chiến thắng kẻ xâm lược đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai ngụy quyền VNCH..

Có lần khi trả lời phỏng vấn, ông Võ Văn Kiệt đã khẳng định: ‘’Kẻ thù của Việt Nam là Pháp trước đây, kẻ thù Việt Nam là Mỹ sau này, kẻ thù Việt Nam là Trung Quốc đánh biên giới phía Bắc, chúng ta cũng khép lại quá khứ được, thì tại sao chúng ta lại không khép lại quá khứ ấy mà lại cứ đố kỵ lẫn nhau”.

Chúng ta đều biết rằng, năm 1966, có một cuộc thảm sát của lính Mỹ trên sông Sài Gòn, trong đó lính Mỹ bắn chìm tàu Thuận Phong, trên con tàu định mệnh ấy, vợ, con trai và con gái của ông Võ Văn Kiệt đã bị giết hại và tới nay vẫn chưa tìm được hài cốt.

Thấu hiểu nỗi đau từ chính người trong cuộc nên ông hiểu  rằng “khép lại” là một việc không hề dễ dàng. Thế nhưng, ông cho rằng: “Không gì là không làm được! Hòa hiếu, khoan dung” là những truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Người Việt thường chỉ kháng chiến khi có kẻ thù từ bên ngoài. Sau 30 năm qua, tôi nghĩ mọi người Việt Nam chúng ta, cả đôi bên đều nhận thấy khi không còn sự can thiệp từ bên ngoài nữa, chúng ta có thể trở về bên nhau, cùng nhau xây dựng. Và Việt Nam sẽ thêm phát triển khi mọi người Việt dù ở đâu cũng đều ở trong một cộng đồng hòa hợp”.

VÌ SAO CÓ TÌNH THẦN HÒA HỢP DÂN TỘC ĐÓ?

Ông Dương Văn Minh, Tổng thống cuối cùng của chế độ Sài Gòn có người em ruột là Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông Trần Văn Hương, Tổng thống chế độ Sài Gòn có con trai là Đại úy Quân đội nhân dân Việt Nam và đã từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ… Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trong hồi ký của mình cho biết trên 90% gia đình ở miền Nam có cả người ở phía bên này và phía bên kia. Đó là nỗi đau quá lớn của dân tộc này.

Sau ngày 30-4, vừa xuống thang máy bay ở Sân bay Tân Sơn Nhất, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nắm tay đưa lên cao, giọng đầy cảm xúc, nói: “Đây là thắng lợi của cả dân tộc, không phải của riêng ai”. 44 năm đã trôi qua, có bao nhiêu người, nhất là những người có trách nhiệm hiểu trọn vẹn câu nói đặc biệt này của ông Lê Duẩn.

Cũng vậy, tối 2-5-1975, tại Dinh Độc Lập, trong buổi tiếp và trao trả tự do cho ông Dương Văn Minh và toàn bộ nội các cuối cùng của Sài Gòn, Thượng tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban Quân quản TP.Sài Gòn – Gia Định, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7 đã phát biểu rằng đây là chiến thắng của toàn dân tộc Việt, đây là niềm hãnh diện chung của tất cả nhân dân Việt Nam chúng ta.

Gần 50 năm qua, chúng ta đã làm được rất nhiều chuyện để hàn gắn nỗi đau này của dân tộc. Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26-3-2004 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đều đã khẳng định “Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai”.

Phát biểu tại Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ VIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc”.

Tại chương trình giao lưu nghệ thuật “Xuân quê hương 2015 – Tổ quốc vinh quang” năm 2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: “Không có lý do gì để còn bất kỳ ai trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài còn định kiến, mặc cảm về quá khứ mà cản trở sự củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam”.

Đại hội lần thứ XII của Đảng một lần nữa khẳng định các quan điểm, chủ trương về đoàn kết, hòa hợp dân tộc: “Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia – dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước”…

Lúc sinh thời, ông Võ Văn Kiệt cho biết khi nghe ông Dương Văn Minh ra lệnh ngừng bắn, ông và ông Năm Xuân (Mai Chí Thọ) đã “thở phào nhẹ nhõm” và cho biết rằng chỉ những ai trực tiếp có mặt ở chiến trường trong thời điểm ấy mới cảm nhận hết được giá trị của lời tuyên bố ngừng bắn này của Tổng thống Dương Văn Minh.

Chính phủ cuối cùng của chế độ Sài Gòn do ông Dương Văn Minh đứng đầu tất cả đều thuộc thành phần thứ 3. Họ không có bất cứ liên hệ gì với chính phủ Nguyễn Văn Thiệu. Cụ Nguyễn Văn Huyền, một trí thức Công giáo, bạn của luật sư Nguyễn Hữu Thọ là Phó tổng thống đặc trách hòa đàm, GS.Vũ Văn Mẫu, người đã cạo trọc đầu phản đối chính sách đàn áp tôn giáo của chế độ Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng (cả 2 vị đều có những người ruột thịt là những người đứng khác chiến tuyến); Bộ trưởng Quốc phòng là một giáo sư đại học (GS.Bùi Tường Huân); Quyền Tổng tham mưu trưởng Nguyễn Hữu Hạnh là cơ sở binh vận của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; Giám đốc Nha Cảnh sát đô thành Sài Gòn là một đảng viên cộng sản (thẩm phán Triệu Quốc Mạnh); Tổng trưởng thông tin Lý Quý Chung (nhà báo Chánh Trinh) là một dân biểu đối lập của chế độ Nguyễn Văn Thiệu; các tổng, bộ trưởng, quốc vụ khanh: Dương Văn Ba, Trần Ngọc Liễng, Trần Thúc Linh, Châu Tâm Luân… đều là những người yêu nước và sau này họ đều có đóng góp xứng đáng trong chế độ mới…

Thế nhưng, vẫn còn đó không ít cá nhân người Việt ở nước ngoài vẫn chứa đầy hận thù, hậm hực, chửi bới, mạt sát Nhà nước Việt Nam. Dường như đó không thể và không phải là hành động sáng suốt trong bối cảnh hiện nay.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *