Kịp thời đáp ứng những tình huống khẩn cấp

Vào sáng 29-10, tại Ban CHQS huyện Bắc Trà My, Ban chỉ huy TKCN các nạn nhân vụ sạt lở đất ở xã Trà Leng tổ chức họp khẩn để bàn bạc, triển khai phương án đưa lực lượng, phương tiện tiếp cận hiện trường, tổ chức TKCN. Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó tổng Tham mưu trưởng cùng lãnh đạo Quân khu 5 và tỉnh Quảng Nam đồng chủ trì cuộc họp.

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, toàn bộ tuyến đường bộ huyết mạch từ trung tâm huyện Bắc Trà My lên huyện Nam Trà My bị sạt lở nghiêm trọng, địa phương đang khẩn trương giải phóng mặt đường để các lực lượng, phương tiện cứu hộ từng bước tiếp cận hiện trường. Trước tình hình đó, Ban chỉ huy TKCN thống nhất phương án sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ để kịp thời tìm kiếm nạn nhân mất tích.

Như vậy, lúc này toàn bộ công việc TKCN là do lực lượng tại chỗ tiến hành. Với vai trò là lực lượng nòng cốt, Ban CHQS huyện Nam Trà My đã tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện huy động toàn bộ lực lượng tại chỗ như: Ban CHQS, Công an huyện, dân quân và các tổ chức đoàn thể tập trung TKCN.

Bài 2: Phương châm “4 tại chỗ” phát huy hiệu quả rõ rệt
Lực lượng tại chỗ của huyện Nam Trà My tìm kiếm nạn nhân mất tích trong vụ lở núi ở Trà Leng. Ảnh: VĂN CHUNG

Giữa hoang tàn, đổ nát, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện Nam Trà My và người dân địa phương nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân. Lực lượng quân y, y tế địa phương tiến hành sơ cứu nạn nhân ngay tại hiện trường, rồi đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Trà My.

Theo Thượng tá Hà Ra Diêu, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Nam Trà My-người trực tiếp chỉ huy các lực lượng TKCN: Vụ sạt lở do lũ ống gây ra đã vùi lấp 11 ngôi nhà là nơi sinh sống của 53 nhân khẩu, trong đó, 21 người kịp chạy thoát, 12 người bị thương nặng được lực lượng tại chỗ tìm thấy. Đến chiều tối 29-10 và những ngày sau đó, lực lượng tại chỗ cùng với lực lượng của Quân khu 5 tăng cường đã tìm thấy thêm 8 thi thể, hiện còn 12 người mất tích.

Trao đổi với chúng tôi tại hiện trường, ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Công tác TKCN gặp nhiều khó khăn do đường sá bị sạt lở nghiêm trọng. Tuy nhiên, cả hệ thống chính trị địa phương đã phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ”, vào cuộc quyết liệt. Sau đó, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thuộc Quân khu 5, Bộ Quốc phòng đã nỗ lực vào được hiện trường để cùng tìm kiếm các nạn nhân mất tích”.

Vừa qua, tâm bão số 9 đổ bộ vào Quảng Ngãi với sức gió mạnh, mưa lớn. Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh Quảng Ngãi đã quyết liệt triển khai phương án sơ tán 14.655 hộ dân với 52.968 khẩu ở vùng có nguy cơ ngập lụt và 3.046 hộ dân với 11.569 khẩu ở vùng có nguy cơ sạt lở núi, bờ sông, bờ biển đến nơi an toàn. Nhờ phát huy tốt “4 tại chỗ”, nhất là lực lượng tại chỗ và chỉ huy tại chỗ ngay từ cấp cơ sở để triển khai ứng phó hiệu quả nên đã hạn chế được những thiệt hại do bão gây ra. Toàn tỉnh Quảng Ngãi không có người chết, chỉ 13 người bị thương, dù bão lớn làm 325 ngôi nhà bị đổ sập, hơn 140.000 ngôi nhà cùng 450 trường học, 70 cơ sở y tế, 105 nhà văn hóa thôn, xã bị tốc mái, hư hỏng… Sau bão, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh tiếp tục phát huy “4 tại chỗ”, huy động tổng lực các lực lượng khẩn trương khắc phục hậu quả.

Tại tỉnh Quảng Nam, khi bão, lũ gây sạt ở núi nghiêm trọng, khiến toàn bộ hệ thống giao thông vào các xã Phước Lộc, Phước Thành (huyện Phước Sơn) bị tê liệt, hơn 3.000 người dân bị cô lập hoàn toàn, nguy cơ thiếu lương thực, thực phẩm, địa phương đã thực hiện triệt để phương châm “4 tại chỗ”. Các lực lượng của địa phương xuyên rừng, vượt suối vận chuyển lương thực, thực phẩm và thuốc men tới hai xã Phước Thành và Phước Lộc bằng đường bộ; cán bộ, nhân dân khu vực bị sạt lở đã chủ động, nỗ lực TKCN… Chính nhờ kịp thời sử dụng lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và chỉ huy tại chỗ là Ban CHQS, công an và dân quân xã, nên khi lực lượng cứu hộ của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam và Ban CHQS huyện Phước Sơn xuyên rừng vào tới hiện trường vụ sạt lở, thì lực lượng tại chỗ đã tìm thấy 6 nạn nhân mất tích. Khi thời tiết cho phép, máy bay trực thăng của quân đội đã vận chuyển gần 8,5 tấn lương thực, thuốc men cứu trợ đồng bào.

Chuẩn bị tốt để ứng phó hiệu quả

Từ công tác ứng phó với đợt bão, lũ lịch sử ở miền Trung vừa qua càng cho thấy giá trị của phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai và bài học: Có chuẩn bị chu đáo thì mới ứng phó hiệu quả.

Trước hết, về lực lượng tại chỗ thì sử dụng các đơn vị làm nhiệm vụ trực chiến đi đầu khi xảy ra mưa bão, lũ lụt. Cơ quan công an, quân sự, kiểm lâm… của các địa phương đều thành lập các đội xung kích cứu hộ, cứu nạn và chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để chủ động ứng cứu kịp thời khi có tình huống. Tất cả các cơ quan, đơn vị đều bố trí lực lượng thường xuyên có mặt tại trụ sở khi có bão, lũ, mưa lớn. Số cán bộ đi công tác, đi phép, hoặc đang nghỉ tại gia đình, khi có tình huống bão lũ khẩn cấp đều phải trở lại đơn vị để sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Đối với ban CHQS các quận, huyện, thị xã chọn các đơn vị dân quân cơ động, dự bị động viên; cấp xã sử dụng trung đội dân quân cơ động và chọn từ 1 tổ đến 1 tiểu đội làm nòng cốt được trang bị các phương tiện, vật chất như: Áo phao, phao cứu sinh, ống nhòm, đèn pin, xuồng máy… sẵn sàng cơ động xử lý, ứng cứu ở những nơi trọng yếu. Huy động tối đa các loại phương tiện tại chỗ của các địa phương, doanh nghiệp, người dân tại địa bàn và sự hỗ trợ, ứng cứu của nhân dân tại nơi có sự cố xảy ra.

Ngoài lực lượng tại chỗ, các địa phương đều coi trọng phương tiện, hậu cần tại chỗ, được chuẩn bị chu đáo từ trước như lương thực, thực phẩm, dụng cụ y tế. Một số địa phương như Quảng Nam, Quảng Ngãi còn chủ động chuẩn bị sẵn cả mì ăn liền, gạo sấy, nước đóng chai… phòng tình huống bão, lũ kéo dài, hoặc bị cô lập. Đối với những địa bàn trọng điểm lũ lụt, chính quyền các cấp vận động nhân dân chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu; tự mua sắm các vật chất cần thiết như áo phao, phao cứu sinh, đèn pin, máy phát điện, can đựng nước, cưa tay…, làm “nhà nổi” để khi có tình huống xảy ra có thể “sống chung” với lũ lụt 5-7 ngày.

Bài 2: Phương châm “4 tại chỗ” phát huy hiệu quả rõ rệt
Dân quân huyện Phước Sơn (Quảng Nam) cõng gạo xuyên rừng để cứu trợ đồng bào xã Phước Lộc. Ảnh: HUỲNH CHÍN

Về chỉ huy tại chỗ, ban chỉ huy phòng, chống lụt bão, TKCN được thành lập ở tất cả các cấp địa phương, các cơ quan, đơn vị và thường xuyên kiện toàn, hoạt động hiệu quả. Khi có tình huống xảy ra, Bộ CHQS tỉnh thành lập các sở chỉ huy cơ bản và sở chỉ huy phía trước. Ban CHQS các huyện, thành phố, thị xã căn cứ vào tình hình cụ thể để thành lập các sở chỉ huy tại chỗ. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đều phân công các đồng chí lãnh đạo trực tiếp ra hiện trường kiểm tra và chỉ đạo công tác PCTT-TKCN.

Trước thời điểm thường xảy ra mưa bão, cơ quan quân sự cấp tỉnh, huyện, xã đều chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có phương án chuẩn bị ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”. Bên cạnh đó, tính tích cực, chủ động trong thực hiện “4 tại chỗ” còn được thể hiện rõ nét trong ý thức của người dân. Tại Quảng Nam, Quảng Ngãi và Phú Yên, người dân có những sáng kiến khá độc đáo để duy trì sự sống giữa vùng “rốn lũ” như: Bếp dã chiến, ghe đa tác dụng, bể nước di động, bè chuối “cõng” rau xanh… Bếp “dã chiến” chỉ có ba viên gạch vỡ kê trong chiếc thau nhôm, bên trong rải một lượt tro khô. Bếp sử dụng rất tiện lợi, vừa gọn nhẹ, kín gió lại tiết kiệm củi. Khi cần có thể di chuyển khắp nơi trong vùng lũ. Ghe đa tác dụng được sử dụng trong trường hợp lũ lớn. Mọi sinh hoạt từ nấu ăn, đi lại và ngủ, nghỉ đều diễn ra ở đó. Ghe được buộc vào một vị trí cố định, nước dâng cao tới đâu, thì ghe nổi tới đó…

Trong chuyến công tác kiểm tra việc khắc phục hậu quả lũ lụt và thăm hỏi người dân vùng lũ huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo 5 tỉnh miền Trung và một số bộ, ngành về việc khắc phục hậu quả mưa lũ. Tại buổi làm việc, Thủ tướng biểu dương các cơ quan, đơn vị và địa phương đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, nếu không thiệt hại có thể lớn hơn nhiều. Qua lũ lụt, thiên tai, các lực lượng quân đội, công an đã thể hiện rõ nét vai trò xung kích và tinh thần trách nhiệm trước nhân dân. Bên cạnh đó là sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, sự “tiếp sức” của các tập thể, cá nhân có lòng hảo tâm đã hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân vượt qua khó khăn, hoạn nạn…

Nhân quyền Việt Nam

PHAN TIẾN DŨNG

https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bai-2-phuong-cham-4-tai-cho-phat-huy-hieu-qua-ro-ret-643289