Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
5932

Tinh thần khoan dung của người Việt

Ngày Quốc tế Khoan Dung (International Day for Tolerance) là một ngày được Liên Hợp Quốc xác định để thúc đẩy và tôn vinh tinh thần khoan dung và sự hiểu biết giữa các quốc gia và các tôn giáo khác nhau trên khắp thế giới. Ngày này được tổ chức hàng năm vào ngày 16/11 để kỷ niệm việc tuyên bố Văn bản Cách mạng thế kỷ 21 về Tôn giáo và Hòa bình bởi UNESCO vào ngày 12/11/1995. Đối với Việt Nam, sự kiện này không xa lạ, bởi vì truyền thống của người Việt Nam là khoan dung. Khoan dung của dân tộc Việt Nam không chỉ thể hiện trong chính trị mà cả trong quân sự, ngoại giao, trong các hoạt động kinh tế, xã hội và trong ứng xử hàng ngày. Khoan dung là phẩm chất phổ biến của dân tộc Việt Nam, nó cũng là giá trị văn hóa chính trị đặc sắc, có thể nói là hiếm thấy trong các nền chính trị thế giới.

Ngày 16/11/1995, sau khi 185 nước ký vào bản Tuyên bố, UNESCO đã thông qua lấy ngày này hằng năm là Ngày Quốc tế Khoan dung. Năm 1997, cộng đồng quốc tế phát động năm Khoan dung quốc tế. Ngày 8/9/2000, Liên Hợp quốc ra Tuyên bố Thiên niên kỷ, trong đó cho rằng, lòng khoan dung là một trong những giá trị cơ bản không thể thiếu trong quan hệ quốc tế trong thế kỷ XXI và nó phải bao gồm cả việc tích cực thúc đẩy nền văn hóa hòa bình và đối thoại giữa các nền văn minh, với những con người tôn trọng lẫn nhau, trong sự đa dạng về tín ngưỡng, văn hóa và ngôn ngữ của các dân tộc – những con người không lo ngại hoặc kiềm chế những khác biệt trong nội bộ xã hội và giữa các xã hội với nhau, mà trái lại, trân trọng sự khác biệt đó như là một tài sản quý giá của nhân loại

Mục tiêu của Ngày Quốc tế Khoan Dung là tạo ra nhận thức về tầm quan trọng của việc thúc đẩy khoan dung, sự hiểu biết và tôn trọng đối với những người khác về tôn giáo, văn hóa và chủng tộc khác nhau trong một thế giới đa dạng. Ngày này cũng khuyến khích các hoạt động và sự kiện liên quan đến việc xây dựng hòa bình và thúc đẩy quyền con người.

Tại sao chúng ta cần khoan dung ? Và vì sao thế giới lại cần một ngày dành riêng cho khoan dung ? Đơn giản vì, trong cuộc sống này, ai là người có sự “khoan dung” sẽ bớt đi áp lực, an nhiên và hạnh phúc. Nghĩ rộng ra, một xã hội biết khoan dung là một xã hội có nhiều cơ hội thăng tiến cho tất cả mọi người. Bởi, bất kỳ ai cũng đều có lúc phạm sai lầm, nếu được sửa sai, họ sẽ có cơ hội tiến về phía trước. Và chính họ sẽ tiếp tục mở rộng tấm lòng, tạo ra sự khoan dung cho những người khác. Nhờ đó, sự hận thù sẽ được xóa tan, sự khinh ghét sẽ không có chỗ để tồn tại, xã hội với những điều tích cực sẽ được nảy mầm.

Khoan dung Hồ Chí Minh được xây dựng trên nguyên tắc công lý, chính nghĩa, tự do, bình đẳng, không chấp nhận thỏa hiệp vô nguyên tắc với tội ác và bất công xã hội, với tất cả những gì chà đạp lên “quyền sống, quyền tự do và quyền hạnh phúc” của mỗi con người và mỗi dân tộc.

Đối với Việt Nam, sự kiện này không xa lạ, bởi vì truyền thống của người Việt Nam là khoan dung. Khoan dung của dân tộc Việt Nam không chỉ thể hiện trong chính trị mà cả trong quân sự, ngoại giao, trong các hoạt động kinh tế, xã hội và trong ứng xử hàng ngày. Khoan dung là phẩm chất phổ biến của dân tộc Việt Nam, nó cũng là giá trị văn hóa chính trị đặc sắc, có thể nói là hiếm thấy trong các nền chính trị thế giới.

Dân tộc Việt Nam du nhập và dung dưỡng nhiều loại hình tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau, nhưng trong lịch sử chưa hề xảy ra chiến tranh tôn giáo. Có được điều đó là nhờ truyền thống khoan dung vốn của người Việt và đặc điểm đan xen, hòa đồng, khoan dung của tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam.

Văn hóa quân sự Việt Nam cũng thể hiện cái đặc thù, bản sắc, cốt cách và cái riêng, nhưng tựu trung là góp phần gìn giữ, định hình, tôn tạo giá trị chân – thiện – mỹ trong đời sống của nhân dân. Trong công cuộc dựng nước và giữ nước, bảo vệ nền độc lập, để giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh, dân tộc Việt Nam không phải thực hiện bằng mọi giá mà ứng xử rất văn hóa, được thể hiện qua từng trận đánh, nghệ thuật quân sự và cả khi chiến thắng… Có được văn hóa đó, là do dân tộc Việt Nam luôn lấy “nhân nghĩa” làm tư tưởng xuyên suốt trong đường lối chính trị, quân sự, cứu nước, giữ nước. Đường lối, chính sách đó là, tư tưởng khoan dung, tính nhân văn, lòng vị tha – giá trị tư tưởng cốt lõi của văn hóa quân sự Việt Nam, chỉ tiến hành chiến tranh khi kẻ thù buộc ta phải thực hiện; thắng bằng phương pháp thay vì thắng bằng vũ khí, trang bị; khép lại quá khứ, hướng tới tương lai.

Và tinh thần khoan dung rộng lớn và sáng suốt là một trong những dấu ấn đậm nét của con đường cách mạng mà Hồ Chí Minh đã tìm ra cho dân tộc Việt Nam. Cụ thể, dân tộc Việt Nam có truyền thống nhân ái, đoàn kết tương trợ, khoan hồng, đại lượng từ lâu đời, trong cộng đồng. Truyền thống đó đã in dấu trong nếp cảm, nếp nghĩ của cộng đồng: “Thương người như thể thương thân”, “Đánh người chạy đi – không đánh người chạy lại”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”… Một trong những đặc tính của nền văn hóa dân tộc Việt Nam cũng hay được các học giả nhắc đến là tính năng động, dễ chấp nhận, dung chứa những yếu tố dị biệt, hòa đồng để chung sống và phát triển. Những giá trị bền vững tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam đã hội tụ và tỏa sáng ở Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh. Trong tư tưởng và hành động, Hồ Chí Minh đã kế thừa và nâng truyền thống nhân ái, khoan dung của dân tộc Việt Nam lên một tầm cao mới. Ở Người, văn hóa khoan dung luôn tỏa sáng trong tư tưởng, trong tình cảm và trong mọi hành động. Tinh thần khoan dung văn hóa trong tư tưởng của Người đã cống hiến cho nền văn hóa Việt Nam mới cũng như cho văn hóa nhân loại nhiều giá trị.

Các cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam trong thế kỷ 20 đã tập hợp được sự ủng hộ rộng lớn của loài người tiến bộ. Nhân dân thế giới ủng hộ cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam, trong đó có cả nhân dân Pháp và nhân dân Mỹ, vì cuộc chiến đấu chính nghĩa của chúng ta mang những ý nghĩa nhân văn sâu sắc, bảo vệ những giá trị thiêng liêng trong lương tâm của nhân loại. Nhân dân Việt Nam kháng chiến chống thực dân Pháp, nhưng không chống lại những giá trị văn hóa của nhân dân Pháp, chống sự xâm lược của chủ nghĩa đế quốc Mỹ nhưng vẫn trân trọng những truyền thống văn hóa – cách mạng Mỹ. Điều này đã được nhiều nhà nghiên cứu Hồ Chí Minh trong và ngoài nước khẳng định.

Khi nhân dân Việt Nam còn đang phải tiến hành cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn bày tỏ quan điểm: “Nhân dân Việt Nam cực kỳ yêu chuộng hòa bình, bởi vì cần có hòa bình để xây dựng nước nhà, cần có hòa bình để khôi phục và mở mang kinh tế và văn hóa, làm cho mọi người dân được hưởng tự do, hạnh phúc, áo ấm, cơm no”1. Và “Nguyện vọng của nhân dân nước Việt Nam là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, có quan hệ hữu nghị và bình đẳng với tất cả các nước trên thế giới”2. Cũng với phương châm tìm ra những điểm tương đồng làm cơ sở để thu nhận những giá trị khác và mới, để hòa đồng, để phát triển tình hữu nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đưa bàn tay hữu nghị thân ái của nhân dân Việt Nam nắm chặt bàn tay các dân tộc khác, các nền văn hóa khác.

Trong Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên một nguyên lý cơ bản mới về quyền dân tộc: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Trong cục diện phức tạp của quan hệ quốc tế trong những năm giữa thế kỷ 20, quan điểm của Hồ Chí Minh về những vấn đề quốc tế đã sớm đặt vấn đề mở rộng quan hệ của Việt Nam với các nước theo hướng đa phương và đa dạng để các dân tộc gần gũi nhau, hiểu biết nhau để mở rộng sự hợp tác hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước trên thế giới, hướng tới hòa bình và thịnh vượng. Năm 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhân dân Việt Nam tin chắc rằng mọi sự phân tranh trên thế giới đều có thể giải quyết bằng cách hòa bình; tin chắc rằng các nước dù chế độ xã hội khác nhau và hình thái ý thức khác nhau cũng đều có thể chung sống hòa bình được”.

Thuật ngữ la tolérance – khoan dung xuất hiện sau những cuộc chiến tranh tôn giáo ở châu Âu thế kỷ 15. Đến nay, khoan dung là một thuật ngữ hiện đại có hàm nghĩa vượt xa nội dung ban đầu của nó. Đó là: Sự chấp nhận ở người khác một cách suy nghĩ hoặc hành động khác với cái mà người ta đã khẳng định trong bản thân mình, là sự tôn trọng tự do của người khác về mặt tôn giáo, về các quan điểm triết học và chính trị. Sự khoan dung không đòi hỏi mỗi người từ bỏ niềm tin của mình, song không được kỳ thị và loại trừ niềm tin của người khác. Sự khoan dung không giải quyết được mọi vấn đề, nhưng nó có thể giúp chúng ta tìm ra cách xử lý những vấn đề theo một định hướng tốt đẹp hơn, với tinh thần cởi mở, tiến bộ và hòa bình. Khoan dung có thể giúp chúng ta mở những con đường dẫn tới sự đoàn kết, dẫn tới hòa bình và cùng phát triển.

 

H.Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *