Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
11651

“Tiêu chuẩn kép” của Freedom House

Từ nhiều năm nay, Freedom House dựa trên những tiêu chí đánh giá rất mơ hồ rồi tự đưa ra xếp hạng Việt Nam là một trong những quốc gia kém tự do internet nhất thế giới và năm 2023 cũng không ngoại lệ. Mới đây, họ tiếp tục xếp Việt Nam đạt 19/100 điểm trong năm 2023, bằng với năm 2022. Việt Nam cùng với 67 quốc gia và vùng lãnh thổ khác bị đánh giá là không có tự do, đặc biệt là tự do internet.

Lố bịch và khôi hài hơn, báo cáo này còn cho rằng, Nhà nước Việt Nam vẫn tiếp tục yêu cầu các công ty xóa, gỡ nội dung bài đăng và tuyên các bản án hình sự hà khắc đối với một số người mà họ cho là có tiếng nói phản biện trên mạng xã hội. Và đã trở thành căn bệnh kinh niên nên khi bản báo cáo này được công bố thì RFA, BBC, RFI, VOA, Việt Tân… đồng loạt tru tréo rằng, Việt Nam đang cố tình sử dụng Luật An ninh mạng để dập tắt những tiếng nói bất đồng, ôn hòa. Chưa hết, chúng còn trắng trợn lập hội, nhóm và kêu gọi người dân đứng lên chống lại sự kiểm duyệt thông tin trên mạng xã hội. Một số người không đủ thông tin, thiếu hiểu biết, vì nhẹ dạ cả tin mà dễ dàng có những phát ngôn chống đối, cản trở việc thi hành pháp luật. Thử hỏi nếu không có tự do internet thì liệu Việt Tân, RFA, VOA, BBC, RFI có thể lớn tiếng a dua, phụ họa và ăn theo Freedom House trên lãnh thổ Việt Nam được không?

Ai cũng biết, internet và các nền tảng mạng xã hội phát triển đã và đang mang lại cho con người nhiều lợi ích to lớn. Tuy nhiên, với lợi thế xuyên biên giới nên internet cũng mang đến hệ lụy ảnh hưởng an ninh quốc gia của tất cả các nước trên thế giới và Việt Nam không phải ngoại lệ. Chính vì vậy, không chỉ Việt Nam mà rất nhiều quốc gia đã ban hành các chế tài nhằm phòng, chống lợi dụng internet, mạng xã hội để xuyên tạc, chống phá chính quyền, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Ở châu Âu, các nhà mạng lớn nhất thế giới, như: Microsoft, Facebook, YouTube… đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên internet. Mục đích của bộ quy tắc ứng xử này là ngăn chặn tình trạng lợi dụng tự do ngôn luận để phát ngôn thù địch, tiêu cực trên internet, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.

Tại Mỹ, Tòa án tối cao của quốc gia này cho phép chính quyền ngăn chặn và trừng phạt các phát ngôn có tính chất khiêu dâm, phỉ báng, xúc phạm, gây hấn mà không bị xem là vi hiến. Không những thế, Mỹ là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành các quy định pháp luật về an ninh mạng, nhằm hạn chế tối đa sự phát tán thông tin giả mạo, độc hại, kiểm soát tốt hơn những thông tin được phép đăng tải trên mạng xã hội. Và ngày 4-3-2024, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố chiến lược an ninh mạng quốc gia nhằm bảo đảm mọi người dân Mỹ được thừa hưởng “những lợi ích đầy đủ của một hệ sinh thái số an toàn” và “tăng cường năng lực phòng thủ trên không gian mạng”. Mới đây nhất, ngày 13-3-2024, Hạ viện Mỹ đã thông qua đạo luật về TikTok – ứng dụng xem video ngắn được phát triển bởi công ty của Trung Quốc và cũng là đối thủ chính của Facebook, Instagram, WhatsApp…

Theo đạo luật này, Hoa Kỳ buộc TikTok phải cắt quan hệ với công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, nếu không sẽ bị cấm tại nước này. Đạo luật này còn đưa ra yêu cầu ByteDance  phải thoái vốn khỏi ứng dụng này trong vòng 6 tháng, nếu không sẽ đối mặt với lệnh cấm tại Mỹ. Sau khi được hạ viện thông qua, dự luật sẽ được chuyển lên thượng viện xem xét. Nếu được thượng viện thông qua thì Chính phủ Mỹ đang cố tình tước bỏ quyền tự do ngôn luận theo Hiến pháp của 170 triệu người Mỹ đang sử dụng TikTok. Hơn thế nữa, sự việc nêu trên là minh chứng rõ ràng cho thấy một thực tế rằng, Mỹ đã sử dụng quyền bảo hộ để bảo vệ các công ty của Mỹ với lý do “đe dọa an ninh quốc gia”. Thật nực cười, là quốc gia hùng cường nhất thế giới và luôn tự nhận là thiên đường của tự do, nhưng Mỹ đang tự bóp méo những khẩu hiệu như “tự do thương mại”, “tự do ngôn luận”, thay vào đó là áp dụng tiêu chuẩn kép đối với những công ty nước ngoài nổi lên đe dọa sự thống trị của Mỹ.

Vẫn biết rằng, tự do tuyệt đối là không thể có dù ở bất cứ quốc gia hay chế độ chính trị nào. Mỗi dân tộc, quốc gia trên thế giới đều có quy định xử lý hành vi lợi dụng quyền tự do để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Và dưới góc độ pháp luật, việc đặt ra các chế tài nhằm bảo đảm an ninh mạng là bảo đảm quyền tự do ngôn luận của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, quyền tự do ấy phải vì lợi ích chung, không phải là sự tuyệt đối hóa tự do cá nhân. Đặc biệt, không thể lợi dụng tự do ngôn luận để viết, nói, xuyên tạc với ý đồ xấu, bất chấp luân lý, đạo đức và luật pháp. Và có một điều không ai có thể phủ nhận là, một đất nước có được tự do, hạnh phúc hay không phải do người dân quốc gia ấy đánh giá, nhận xét. Vậy mà không hiểu vì sao hằng năm vẫn có một vài nhóm người, tổ chức tự cho mình cái quyền cố tình can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác bằng những đánh giá, nhận xét phi lý và vô căn cứ.

Trong tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du có câu “Trông người lại ngẫm đến ta”, trong trường hợp của Freedom House thì câu này được lẩy rằng, “trông người phải ngẫm đến ta”. Tức là, thấy người ta làm hay hơn, đúng hơn hoặc vượt trội thì phải biết lấy làm xót xa, tủi hổ rồi sửa mình. Chứ đừng như ai đó đứng ngoài chọc gậy bánh xe bằng cách chê bai, mỉa mai, vì “cười người hôm trước, hôm sau người cười”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *