Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
19663

THÁCH THỨC VỀ QUYỀN CON NGƯỜI Ở KHU VỰC ASEAN

ASEAN được thành lập cách đây hơn 50 (năm 1967) trên cơ tầng của một khu vực mang đặc trưng “thống nhất trong đa dạng”. Đây cũng là khu vực mà vấn đề quyền con người nổi lên mạnh mẽ. Ngay từ khi thành lập đến nay, ASEAN cũng đã không ngừng thúc đẩy hợp tác trong việc thúc đẩy nhân quyền và giải quyết vấn đề nhân quyền ở khu vực. Tuy nhiên, hiện nay ASEAN đang phải đối diện với những thách thức về vấn đề nhân quyền ở khu vực, nhất là vấn đề khủng hoảng di cư của người Rohingya ở bang Rakhine phía Tây của Myanmar.

        Quan điểm của ASEAN về quyền con người

          Việc Hiến chương ASEAN được thông qua vào năm 2007 và có hiệu lực từ tháng 12/2008, đã đánh dấu một bước tiến mới không chỉ trong tiến trình hội nhập mà còn trong việc bảo vệ, thúc đẩy nhân quyền của các quốc gia trong khu vực. Tiếp theo Hiến chương, các quốc gia trong khu vực đã nhất trí thành lập Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (2009) và xây dựng một văn kiện chung về nhân quyền của ASEAN.

Cùng với Hiến chương ASEAN, hàng loạt các văn kiện quan trọng khác đã góp phần vào việc hoàn thiện khung pháp luật và thể chế cho việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở khu vực được xem là năng động nhất trên thế giới hiện nay. Trong Điều 14 của Hiến chương ASEAN khi nói về Cơ quan nhân quyền của ASEAN cũng đã nhấn mạnh: (1) Phù hợp với các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, ASEAN sẽ lập một cơ quan nhân quyền ASEAN. (2) Cơ quan nhân quyền ASEAN này sẽ hoạt động theo Quy chế do Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN quyết định. Hiến chương ASEAN đã xác lập nguyên tắc về việc thành lập cơ quan bảo vệ và thúc đẩy quyền con người liên chính phủ. Cùng với đó, ASEAN cũng đã có hàng loạt các văn kiện quan trọng liên quan, bao gồm: Chương trình hành động Hà Nội (1997- 2004); Chương trình hành động Vientiane (2004 – 2010); Tuyên bố về xóa bỏ bạo lực chống lại phụ nữ ở khu vực ASEAN (2004); Tuyên bố chống lại việc buôn bán người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ, trẻ em ở ASEAN (2004); Khuôn khổ hợp tác ASEAN – UNIFEM (2006); Hợp tác ASEAN – UNIFEM về trẻ em; Kế hoạch hành động ASEAN về trẻ em (1993); Tuyên bố ASEAN về những cam kết về trẻ em ở ASEAN (2001); Tuyên bố ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người lao động di trú (2007); Tuyên bố Nhân quyền ASEAN (2012)…

Nghi thức thượng cờ ASEAN

Ủy ban liên chính phủ ASEAN về quyền con người (AICHR) được thành lập tháng 10/2009 như một cơ quan tham vấn của ASEAN, Ủy ban thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, hợp tác khu vực về nhân quyền trong các thành viên của ASEAN. AICHR không chỉ bảo vệ con người mà còn có những đóng góp nhằm thúc đẩy cơ hội phát triển và bảo đảm hòa bình của khu vực. Kể từ khi thành lập, AICHR có nhiệm vụ xây dựng các nỗ lực thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong khu vực thông qua giáo dục, giám sát, phổ biến các giá trị và tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế theo quy định của Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền. Một số tiến bộ đã được thực hiện kể từ khi AICHR được thành lập như: Tuyên bố Nhân quyền ASEAN (AHRD) được thông qua vào năm 2012; Đồng thuận ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động nhập cư năm 2016;  Công ước ASEAN về buôn bán người (ACTIP) năm 2017. Tất cả những nỗ lực này nhằm thể hiện các tiêu chuẩn về quyền con người trong ASEAN. Có thể thấy, AHRD được coi là văn kiện chính trị quan trọng đầu tiên về hợp tác nhân quyền ở khu vực. Ngay sau Phiên họp toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 được tổ chức tại Thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia), ngày 18/11/2012, Lãnh đạo các nước ASEAN đã thông qua Tuyên bố Nhân quyền ASEAN (AHRD), trao đổi các trọng tâm, ưu tiên của Hiệp hội và trao đổi với Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ABAC). AHRD đã thể hiện nguyện vọng, quyết tâm, nỗ lực của người dân và chính phủ các nước thành viên xây dựng một Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân, đồng thời tôn trọng, thúc đẩy và bảo vệ các quyền cơ bản của con người cũng như phấn đấu nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, tiếp tục thể hiện cam kết của ASEAN trong thực hiện Tuyên bố Nhân quyền ASEAN phù hợp với các nguyên tắc đề ra trong Hiến chương Liên Hợp quốc (LHQ), Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế, Tuyên bố và Chương trình Hành động Vientiane và các văn kiện quốc tế về nhân quyền khác mà các quốc gia thành viên ASEAN đã tham gia. Tuyên bố khẳng định lại các giá trị nhân quyền chung, đi đôi với coi trọng các giá trị và đặc thù của ASEAN và các quốc gia trong khu vực, quyền đi đôi với nghĩa vụ, trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế về quyền con người.

Từ khi AICHR được thành lập, cơ quan này tiến hành 2 cuộc họp thường xuyên hằng năm và các cuộc họp bất thường khi cần thiết. Kể từ năm 2010 đến nay, AICHR tiến hành    hiều cuộc họp và đối thoại và đối thoại với Cao ủy Nhân quyền của LHQ, Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), Ủy ban Liên minh châu Âu, Hội đồng châu Âu và Tòa án Nhân quyền châu Âu.

Có thể thấy, các văn kiện dù ở dưới dạng nào đều ghi nhận cam kết và quyết tâm chung về bảo vệ cũng như thúc đẩy quyền con người và đều thiết lập những chuẩn mực chung chi phối hành động và ứng xử cho các quốc gia. Các chuẩn mực chung được thống nhất này sẽ tạo sự đồng thuận và điều kiện cho các quốc gia phấn đấu và hợp tác với nhau trong việc bảo vệ, thúc đẩy nhân quyền. Đây cũng sẽ là động lực để các nước nỗ lực thực hiện tốt nghĩa vụ quốc tế về bảo vệ, thúc đẩy quyền con người trên phạm vi quốc tế và trong nước.

          Thách thức về quyền con người ở khu vực

          Trong các tuyên bố chung của ASEAN luôn đề cập đến việc thực hiện các biện pháp bảo đảm quyền con người, nhất là việc bảo vệ nhóm người yếu thế trong xã hội như phụ nữ, trẻ em, người già, người khuyết tật. Đồng thời, ASEAN cũng đẩy mạnh vai trò và hoạt động của AICHR, lồng ghép vấn đề bảo vệ quyền con người qua 3 trụ cột của ASEAN và Kế hoạch tổng thể ASEAN vào năm 2025.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, lãnh đạo một số bộ ngành bấm nút khai trương website ASEAN 2020

Hiện nay, thách thức lớn nhất đối với ASEAN liên quan đến vấn đề quyền con người là khủng hoảng của người Rohingya tại bang Rakhine miền Tây của Myanmar. Cuộc xung đột giữa người Hồi giáo (Muslim) và người theo đạo Phật, nổ ra từ tháng 6/2012 trong bối cảnh nước này đang đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi dân chủ, càng đẩy cao mâu thuẫn tôn giáo sắc tộc ở quốc gia này. Xung đột giữa người thiểu số Rakhine theo đạo Phật chống lại những người được gọi là “không có tư cách công dân Rohingya” theo Hồi giáo tại bang duyên hải Rakhine miền Tây Myanmar đã đánh dấu một trong những vụ bất ổn giáo phái tồi tệ nhất tại Myanmar trong những năm gần đây. Điều này không chỉ còn là vấn đề riêng của Myanmar mà còn tác động mạnh mẽ tới khu vực cũng như đối với thế giới Hồi giáo.

Vấn đề người Rohingya thực sự là thách thức mà ASEAN phải đối mặt bởi họ là những người dễ bị tổn thương nhất trong ASEAN. Từ trước đến nay, Myanmar không coi người Rohingya là công dân nước mình. Trong Tuyên bố chung của ASEAN năm 2009, người Rohingya được gọi là “người Ấn Độ Dương” và chỉ khi vấn đề người tị nạn gây xôn xao cộng đồng quốc tế thì Malaysia, với vai trò Chủ tịch ASEAN mới bắt đầu họp bàn với Indonesia và Thái Lan nhằm giải quyết khủng hoảng này.

Theo LHQ, hơn 720.000 người Rohingya tại bang Rakhine đã tị nạn tại Bangladesh kể từ sau chiến dịch truy quét các phần tử nổi dậy ở bang Rakhine của quân đội Myanmar. Tháng 11/2017, Myanmar và Bangladesh công bố một kế hoạch hồi hương người Rohingya, nhưng không xúc tiến được kế hoạch này vì nhiều trở ngại và hai bên đổ lỗi cho nhau cản trở quá trình thực hiện thỏa thuận.

Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa của các cuộc đụng độ và các cuộc tấn công bạo lực xảy ra giữa chính phủ Myanmar và người Rohingya chỉ nằm ở sự khác nhau trong bản sắc tôn giáo và sắc tộc, đó là mâu thuẫn giữa cộng đồng người Rohingya Hồi giáo và cộng đồng người theo Phật giáo ở nước này.

Cuộc khủng hoảng tị nạn của người Rohingya là một thảm hoạ về nhân quyền và nhân đạo. Hơn 1,3 triệu người tị nạn – mục tiêu của các cuộc tấn công bạo lực ở bang Rakhine ở Myanmar. Nhiều người Rohingya đã trốn sang Bangladesh. Song, các khu định cư của người tị nạn Rohingya ở đây nhanh chóng bị quá tải, khiến họ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như thiếu nước sạch, mội trường không an toàn cho trẻ em gái và phụ nữ. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres mô tả cuộc khủng hoảng này một cơn ác mộng nhân đạo và nhân quyền.

Đứng trước cuộc khủng hoảng này, ASEAN cũng tích cực thúc đẩy tiến trình giải quyết vấn đề người Rohingya. Trong Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 32 (Singapore), đã nhấn mạnh: “Chúng tôi đã thảo luận và nhận được báo cáo tóm tắt từ Myanmar về tình hình nhân quyền ở Bang Rakhine. Chúng tôi thể hiện tiếp túc ủng hộ đối với chương trình cứu trợ nhân đạo của Myanmar ở bang Rakhine và hoan nghênh những công việc đang tiến hành của Trung tâm Điều phối ASEAN về Trợ giúp Nhân đạo về quản lý thiên tai (AHA Centre) với các tổ chức do chính phủ Maynamar lãnh đạo để hỗ trợ nhân đạo cho những người di tản mà không bị phân biệt đối xử”.

Mặc dù Bangladesh và Myanmar cũng đạt được sự nhất trí về vấn đề hồi hương của người Rohingya; đồng thời, tháng 6/2017, Chính phủ Myanmar đạt thỏa thuận với Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) và Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) nhằm tạo điều kiện cho người Rohingya hồi hương, nhưng vấn đề này vô cùng phức tạp, bởi bản chất của cuộc xung đột là vấn đề xung đột về tôn giáo sắc tộc. Cho dù người Rohingya có thể trở về Myanmar, song những người Rohingya vẫn bị người dân ở các làng khác tại Rakhine phân biệt đối xử.

Cùng với vấn đề di cư, ASEAN cũng đang phải phải đối mặt với các vấn đề quyền con người khác ở khu vực trong đó có nạn buôn người. ASEAN phải đưa ra một tuyên bố ràng buộc giữa các nước thành viên nhằm ngăn chặn nạn buôn người tiếp diễn cũng như thiết lập một cơ chế giám sát hải quân và cảnh sát khu vực. Bên cạnh đó, là tình trạng đói nghèo; xung đột sắc tộc; hoạt động mại dâm trẻ em và bóc lột lao động trẻ em còn phổ biến. Nạn buôn người gia tăng, đòi hỏi ASEAN phải đưa ra một tuyên bố ràng buộc giữa các nước thành viên nhằm ngăn chặn nạn buôn người tiếp diễn cũng như thiết lập một cơ chế giám sát hải quân và cảnh sát khu vực. Một số vấn đề ở khu vực cũng đang bị các tổ chức quan sát nhân quyền chỉ trích, chẳng hạn như Campuchia đóng cửa một số tờ báo tiếng Anh, vấn đề tấn công vào người Kito giáo ở Indonesia, vấn đề chống ma tuý ở Philippines….

          Bảo đảm quyền con người luôn là mục tiêu chung của các quốc gia cũng như của cộng đồng quốc tế. Ở khu vực Đông Nam Á, quyền con người có thể được coi là một trong những nội dung trung tâm của ASEAN. Với mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN trở thành một nhóm hài hoà các dân tộc Đông Nam Á, gắn bó trong một cộng đồng các xã hội đùm bọc lẫn nhau thì việc ASEAN coi trọng quyền con người thể hiện mục tiêu phát triển của ASEAN là hướng tới con người và không để ai bị bỏ lại phía sau. Để thực hiện được mục tiêu này, ASEAN cần giải quyết những thách thức hiện nay, trong đó chủ động giữ vai trò trung tâm trong việc tìm kiếm giải quyết vấn đề người Rohingya để khẳng định vai trò, uy tín của một tổ chức khu vực hướng tới người dân.■

PGS.TS. DƯƠNG VĂN HUY[1]

 Ủy ban liên chính phủ ASEAN về quyền con người (AICHR) có nhiệm vụ xây dựng các nỗ lực thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong khu vực thông qua giáo dục, giám sát, phổ biến các giá trị và tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế theo quy định của Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền. Một số tiến bộ đã được thực hiện kể từ khi AICHR được thành lập như: Tuyên bố Nhân quyền ASEAN (AHRD) được thông qua vào năm 2012; Đồng thuận ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động nhập cư năm 2016; Công ước ASEAN về buôn bán người (ACTIP) năm 2017. Tất cả những nỗ lực này nhằm thể hiện các tiêu chuẩn về quyền con người trong ASEAN.

 

[1] Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *