Theo luật nhân quyền quốc tế, tự do ngôn luận bao gồm quyền tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến thông tin bất kể biên giới[1] (gọi chung là quyền tiếp cận thông tin). Bởi vậy, việc giám sát thực hiện quyền tiếp cận thông tin cũng chính là gián tiếp giám sát tự do ngôn luận.
Cũng như tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin cũng không phải là quyền tuyệt đối, vì thế có thể bị hạn chế bởi các quốc gia, với những điều kiện tương tự như hạn chế tự do ngôn luận.
Hiện tại, một số quốc gia đã xây dựng các hệ thống lọc và khóa thông tin để giám sát việc tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến thông tin trên Internet, với sự cộng tác, hỗ trợ của các công ty cung cấp dịch vụ mạng. Hệ thống này có tác dụng kiểm duyệt, ngăn chặn và giới hạn những thông tin mà người dùng có thể tìm kiếm, tạo lập và phổ biến qua Internet. Công nghệ lọc giúp các quốc gia dễ dàng phát hiện các hình ảnh, các văn bản và các trang web có nội dung bị chặn; và một khi phát hiện những nội dung bị xem là không phù hợp thì những nội dung đó sẽ bị khóa hoặc thay đổi. Thông thường trong những trường hợp như vậy, hệ thống sẽ gửi cho người dùng thông báo “lỗi (error)” hoặc “trang không thể tải (page could not load).”
Bên cạnh tác dụng ngăn chặn những thông tin nguy hại như phát ngôn thù ghét, khiêu dâm…những hệ thống lọc và khoá thông tin cũng có thể vi phạm quyền tự do biểu đạt trên mạng của người dùng, bởi chúng có thể được lập trình để giới hạn một cách bất hợp lý những loại thông tin mà người dùng muốn tìm kiếm, tạo lập, tiếp nhận và phổ biến trong môi trường Internet. Trong vấn đề này, bộ lọc Internet Trường thành Lửa (the Great Firewall) ở Trung Quốc thường được nêu ra như là một ví dụ tiêu biểu. Bộ lọc này hiện khóa tất cả những thông tin, thông điệp liên quan đến hoạt động biểu tình ở Thiên An Môn, tình hình Đài Loan, hoạt động của Đạt-lai Lạt-ma,… bằng cách hạn chế các địa chỉ IP truy cập đến các điểm phát và các trang web chứa đựng những thông tin, thông điệp bị cấm. Trung Quốc cũng được nêu như là một ví dụ tiêu biểu về sự cộng tác giữa nhà nước và các công ty cung cấp dịch vụ Internet trong việc giám sát tự do ngôn luận trên mạng. Ví dụ, công ty Baidu cũng được xem là một trong những nhà kiểm duyệt trực tuyến lớn nhất ở Trung Quốc (một công ty khác của nước ngoài là Google cũng đã từng thiết lập hoạt động ở Trung Quốc nhưng sau đó buộc phải chuyển văn phòng sang Hồng Kông nhằm tránh áp lực cộng tác với nhà nước để kiểm duyệt người dùng mạng).
Những hệ thống lọc Internet cũng có thể được các quốc gia sử dụng để cản trở người dùng truy cập thông tin về được lưu giữ bởi các cơ quan nhà nước. Về vấn đề này, theo luật nhân quyền quốc tế, quyền tiếp cận thông tin không phải là quyền tuyệt đối, các nhà nước có thể giữ bí mật một số thông tin để bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự xã hội, sức khoẻ, đạo đức của công chúng, và cả các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các chủ thể khác, thì các nhà nước cũng có nghĩa vụ phải công khai đến mức tối đa các thông tin do mình nắm giữ, tối thiểu hoá những thông tin mà mình giữ bí mật. Trong Bình luận chung số 34, Ủy ban Nhân quyền đã khẳng định tự do ngôn luận bao gồm “quyền tiếp cận thông tin được nắm bởi các cơ quan nhà nước”, kể cả những thông tin về bản thân mình do nhà nước nắm giữ. Về khía cạnh thứ hai, trong Bình luận chung số 16, Uỷ ban Nhân quyền đã nêu rõ rằng việc thu thập và lưu trữ thông tin cá nhân trên máy tính, dữ liệu ngân hàng hay bất kì hệ thống nào khác bởi các cơ quan nhà nước hay các tổ chức, cá nhân đều phải được thực hiện theo quy định của pháp luật, và trong trường hợp tài liệu, thông tin về bản thân mình được nhà nước thu thập không chính xác hoặc không hợp pháp thì cá nhân có quyền yêu cầu chỉnh sửa hoặc xóa bỏ.[2] Nhà nước cần “thực hiện mọi nỗ lực để đảm bảo cá nhân có thể dễ dàng truy cập một cách nhanh chóng, hiệu quả và thiết thực những thông tin đó”[3],bằng cách ban hành một quy trình theo luật định nhằm hướng dẫn người dùng để có thể thực hiện tiếp cận thông tin.[4]
Ở một góc độ khác, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, Internet đã trở thành một công cụ chính, không thể thiếu trong việc tìm kiếm, tiếp nhận và truyền tải thông tin. Vì thế, những trở ngại với việc tiếp cận Internet cũng chính là trở ngại không chỉ với quyền tiếp cận thông tin mà còn với tự do ngôn luận. Theo nghĩa rộng hơn, những trở ngại với việc tiếp cận Internet cũng chính là trở ngại với sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá của đất nước.
Những trở ngại với việc tiếp cận Internet có thể phân làm hai dạng chính đó là:
Trở ngại trong việc truy cập nội dung trực tuyến do thiếu khả năng: Để sử dụng Internet, cần có những hiểu biết nhất định về kỹ thuật – điều mà một số nhóm yếu thế trong xã hội như phụ nữ, dân tộc thiểu số, trẻ em, người khuyết tật, người mù chữ,… khó đạt được. Việc không có khả năng sử dụng Internet không chỉ dẫn đến bất lợi cho việc thực hiện các quyền tiếp cận thông tin, tự do biểu đạt mà còn cả nhiều quyền con người khác. Ví dụ, một dự án nghiên cứu ở Ấn Độ đã cho thấy khả năng tiếp cận Internet có thể tạo ra những thuận lợi lớn cho phụ nữ trong hoạt động kinh doanh, từ đó nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình họ. Thêm vào đó, Internet chính là một công cụ tuyệt vời để thúc đẩy sự đa dạng văn hóa trong truyền thông. Tuy nhiên, một số quốc gia chưa chú ý đến việc giúp tất cả người dân có khả năng sử dụng Internet, đồng nghĩa với việc nhà nước đã từ chối quyền tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin cho tất cả cộng đồng trong xã hội, từ đó cản trở các quyền xã hội, kinh tế và văn hóa của toàn xã hội. Để khắc phục tình trạng đó, một số quốc gia đã xây dựng và thực hiện những chương trình lớn để cung cấp máy tính và hỗ trợ kết nối Internet trong các trường học và tập huấn cho giáo viên và học sinh được phổ cập hiểu biết về Internet.
Trở ngại trong việc tiếp cận kết nối Internet: Truy cập Internet rộng khắp là điều thiết yếu cho một xã hội để bảo đảm cho nhân dân được hưởng quyền tự do biểu đạt và quyền tiếp cận thông tin. Trong bối cảnh hiện nay, với đa số người dân, sẽ không thể tiếp cận thường xuyên và đầy đủ những thông tin cần thiết nếu không có kết nối Internet. Chính vì vậy, tiếp cận Internet đã được xem là một quyền con người mới, dù chưa được ghi nhận cụ thể trong các văn kiện quốc tế. Theo cách tiếp cận đó, Hội đồng Nhân quyền đã nhấn mạnh rằng các quốc gia phải có những biện pháp cần thiếu để “thúc đẩy và tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận Internet” bởi vì tiếp cận Internet đã trở thành một phương thức để hỗ trợ “thực hiện quyền con người nói chung và quyền tự do biểu đạt nói riêng,…”[5]
Một trong những trở ngại chính đối với với tiếp cận Internet ở một số nước đang phát triển là chi phí tiếp cận cao do sự độc quyền về truyền thông và hạ tầng cơ sở yếu kém. Hiện mới chỉ có 4.4% dân số ở các nước đang phát triển có thể truy cập Internet ổn định. Giá thành cao do thiếu sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông, và thiếu các thiết bị cần thiết để truy cập được Internet từ nhà riêng khiến cho người dân ở một số nước chỉ còn cách duy nhất là truy cập Internet thông qua các phương tiện truy cập công cộng.
Giáo dục về sử dụng Internet có ý nghĩa rất quan trọng. Người dân có kiến thức về công nghệ sẽ tạo cho nhà nước một nguồn nhân lực chất lượng cao trong quá trình phát triển và thu hẹp khoảng cách kinh tế. Đây là lý do một số quốc gia đã thực hiện những dự án lớn về vấn đề này, ví dụ như dự án Mỗi trẻ em một laptop (các quốc gia đang thực hiện dự án này bao gồm: Afghanistan, Brazil, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Rwanda, Thái Lan, Uruguay,…) với mục tiêu cung cấp cho mỗi học sinh tiểu học và trung học công lập một máy tính xách tay. Những máy tính xách tay này được thiết kế chạy bằng pin năng lượng mặt trời và có khả năng tự kết nối vào hệ thống mạng không dây xung quanh.
(Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội)
[1] UDHR, Điều 19; ICCPR Điều 19; Tuyên ngôn nhân quyền ASEAN Điều 23.
[2] Ủy ban Nhân quyền – Bình luận chung số 34, Đoạn 18; và Ủy ban Nhân quyền – Bình luận chung số 16, Đoạn 10, tài liệu đã dẫn
[3] Ủy ban Nhân quyền – Bình luận chung số 34, Đoạn 19.
[4] Ủy ban Nhân quyền – Bình luận chung số 34, Đoạn 19.
[5] Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Cuộc cách mạng về thúc đẩy, bảo vệ và thụ hưởng quyền con người về internet, tại tại http://www.refworld.org/docid/57e916464.html