Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
88660

Giới hạn và điều kiện giới hạn quyền tự do ngôn luận trên Internet

 

Quyền tự do ngôn luận (hay tự do biểu đạt) được ghi nhận trong Điều 19 của Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền (UDHR, 1948[1]) và Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR, 1966)[2]. Về quyền này, UDHR nêu rõ: Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến; kể cả tự do bảo lưu quan điểm mà không bị can thiệp; cũng như có quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận, truyền bá các ý tưởng và thông tin qua bất kỳ phương tiện truyền thông nào mà không bị giới hạn về biên giới[3]. Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cũng khẳng định: “Mỗi người đều có quyền tự do biểu đạt và bày tỏ quan điểm, bao gồm quyền giữ quan điểm mà không bị cản trở và quyền tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin, thông qua hình thức truyền miệng, hay bằng văn bản hoặc thông qua mọi hình thức biểu đạt mà mỗi người có thể lựa chọn”.[4]

Cần có sự kiểm soát chặt chẽ thông tin xuyên tạc, bóp méo sự thật này lan truyền trên mạng xã hội

Theo quy định nêu trên của UDHR, tự do ngôn luận bao gồm tự do bày tỏ ý kiến, phổ biến thông tin và truy cập vào thông tin trên không gian mạng, vì Internet cũng được xem là một kênh (phương tiện) truyền thông.

Theo luật nhân quyền quốc tế, tự do ngôn luận không phải là một quyền tuyệt đối. Quyền này có thể bị hạn chế bởi các nhà nước, song việc hạn chế phải tuân thủ những điều kiện chặt chẽ để tránh sự lạm dụng. Các quốc gia có quyền tự quyết định những vấn đề liên quan đến những hạn chế mà quốc gia đó áp dụng đối với quyền tự do biểu đạt (bao gồm việc xác định nội dung nào bị cấm xuất hiện trên Internet); tuy nhiên, những hạn chế đó phải tương thích với những quy định quốc tế về quyền tự do biểu đạt theo các nguyên tắc về tính hợp pháp, tính cần thiết và tính thích hợp.

Cụ thể, về vấn đề trên, ICCPR đã nêu ra ba yêu cầu mà có thể được sử dụng để xác định xem một nhà nước có đi quá giới hạn trong việc hạn chế tự do ngôn luận hay không:[5]

  • Thứ nhất, “bất kì sự hạn chế nào đều phải được luật hóa đầy đủ và chính xác để cho phép một cá nhân có thể tự điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp khi thực hiện quyền tự do ngôn luận.”
  • Thứ hai, “mọi hạn chế phải được quy định dựa trên những căn cứ pháp lý được ghi nhận tại Khoản 3 Điều 19 ICCPR, cụ thể là để: (i) tôn trọng quyền và danh dự của người khác; hoặc (ii) bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe cộng đồng và đạo đức xã hội.”
  • Thứ ba, “bất kỳ hạn chế nào cũng phải chứng minh được tính cấp thiết và sự phù hợp, hoặc chứng mình được mục đích của sự hạn chế là nhằm đạt được những mục tiêu nêu trên.” Ở đây, cần phân biệt tính cấp thiết sự phù hợp, trong đó tính cấp thiết có nghĩa là sự hạn chế phải được thực hiện trong một giới hạn thời gian nhất định để đạt được mục đích đề ra là ngăn ngừa tác động nguy hại của sự biểu đạt, còn sự phù hợp có nghĩa là khi nêu ra những hạn chế, cần phải chứng minh được hạn chế đó là cần thiết vì sự biểu đạt đó thực sự có thể gây nguy hại.

Trong thực tế, các yêu cầu nêu trên thường không được thực hiện đầy đủ ở nhiều quốc gia. Ví dụ, trong vòng 5 năm qua ở Thái Lan, nhà nước đã chặn hơn 100.000 trang web vì lý do chống lại Hoàng gia, căn cứ vào quy định trong Đạo luật Tội phạm liên quan đến máy tính (CCA) của nước này mà trong đó cấm những bình luận có nội dung liên quan đến chế độ quân chủ Thái Lan. Tuy nhiên, quy định đó không đủ rõ ràng và cụ thể nên nhiều người dùng Internet không biết rằng liệu những bình luận của mình có bị cấm hay không. Bối cảnh tương tự cũng xảy ra ở nhiều quốc gia khác, trong những vấn đề bị coi là “cấm kỵ” khác với tự do ngôn luận. Chính vì vậy, Uỷ ban Nhân quyền – cơ quan được thành lập để giám sát việc thực hiện ICCPR – đã nỗ lực cụ thể hoá yêu cầu này trong Bình luận chung số 34, theo đó khi một quốc gia viện dẫn một yếu tố làm căn cứ pháp lý để hạn chế sự tự do biểu đạt thì quốc gia đó phải chứng minh được rằng nội dung biểu đạt bị cấm có thể gây ra hậu quả với những giá trị được bảo vệ trong ICCPR, cụ thể là: (1) nội dung mang tính tuyên truyền kích động chiến tranh và (2) nội dung tạo nên “thù hận về dân tộc, chủng tộc hay tôn giáo” nhằm kích động “phân biệt đối xử, gây nên bạo lực” nhằm vào một nhóm người cụ thể.[6]

Bên cạnh đó, Báo cáo của Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Thúc đẩy và Bảo vệ quyền tự do ý kiến và biểu đạt Frank Larue năm 2011 nêu rằng, ngoài những tuyên truyền kích động chiến tranh ngôn ngữ mang tính chất thù địch liệt kê trong Điều 20 ICCPR thì còn có ba loại biểu hiện chung về biểu đạt mà quốc gia bắt buộc phải cấm theo luật quốc tế đó là: (1) Ấu dâm, (2) Kích động trực tiếp và công khai tội phạm diệt chủng và (3) Kích động khủng bố[7]. Tuy nhiên, Báo cáo viên đặc biệt cũng nhấn mạnh đến một số hình thức biểu đạt không bao giờ bị hạn chế, bao gồm: “thảo luận về các chính sách của chính quyền và tranh luận về chính trị; báo cáo về quyền con người; các hoạt động và tình trạng tham nhũng trong chính quyền; tham gia vào các chiến dịch bầu cử, các cuộc biểu tình hòa bình và dân chủ; thể hiện quan điểm về tôn giáo, kể cả với những người thuộc các nhóm người thiểu số hoặc dễ bị tổn thương”.”[8]

Liên quan trực tiếp đến tự do ngôn luận trên Internet, vào năm 2012, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã thông qua một Nghị quyết quan trọng, trong đó khẳng định rằng: “Mọi người đều được bảo vệ như nhau dù là tham gia hay không tham gia vào không gian mạng[9]. Nghị quyết này được ban hành dựa trên kết quả của hai bản báo cáo năm 2011 về “quyền tự do biểu đạt ý kiến và được thực hiện thông qua Internet” của Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc (Frank La Rue) về Xúc tiến và Bảo vệ Quyền tự do ngôn luận và biểu đạt. Trong báo cáo thứ nhất, Frank La Rue đã nêu bật lên một thực tế là tự do ngôn luận có thể phát triển, đồng thời cũng có thể bị vi phạm thông qua Internet[10]. Trong báo cáo thứ hai, La Rue cảnh báo về “các hạn chế gia tăng trên Internet thông qua việc sử dụng các công nghệ ngày càng tinh vi để chặn nội dung, theo dõi và nhận diện các nhà hoạt động và phê bình, hình sự hóa hành vi biểu đạt và áp dụng pháp luật hạn chế các biện pháp như vậy[11]. Tiếp theo đó, năm 2013, ngay trước khi Snowden tiết lộ cho cả thế giới biết về chương trình đầy tai tiếng của Chính phủ Mỹ nhằm giám sát người dùng các công cụ và mạng xã hội, La Rue công bố thêm một báo cáo nữa liên quan đến tác động của các biện pháp mà các nhà nước sử dụng để giám sát tự do ngôn luận trên mạng với quyền về sự riêng tư của công dân[12]. Trong báo cáo này, La Rue đã đề cập đến vai trò then chốt của khu vực tư nhân trong việc tiếp tay cho các nhà nước giám sát tự do ngôn luận trên Internet, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của truyền thông “riêng tư, an toàn và vô danh”[13]. Quan điểm này của La Rue sau đó được củng cố thêm bởi nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua năm 2013 về quyền riêng tư trong kỷ nguyên số. Nghị quyết kêu gọi các quốc gia tôn trọng quyền riêng tư trong truyền thông kỹ thuật số và thực hiện các biện pháp ngăn chặn vi phạm, bao gồm việc rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành và thiết lập cơ chế giám sát với những chủ thể có liên quan[14].

Cũng theo Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc La Rue, với tính chất là một quyền không tuyệt đối, tự do ngôn luận, bao gồm tự do ngôn luận trên không gian mạng, có thể bị hạn chế bởi các nhà nước, song những hạn chế đó chỉ được xem là phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế khi đáp ứng ba điều kiện đó là[15]:

  • Hạn chế phải dựa trên quy tắc, được quy định bởi luật pháp và được thực hiện một cách minh bạch và có thể dự đoán được;
  • Hạn chế phải là cần thiết và cân đối, sử dụng các phương tiện ít hạn chế nhất để đạt được mục tiêu;
  • Hạn chế phải phù hợp với các mục đích được trích dẫn trong ICCPR, đó là khi cần thiết để bảo vệ quyền hoặc uy tín của người khác, an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức cộng đồng.

Cụ thể hơn, trong Bình luận chung số 34, Ủy ban Nhân quyền nêu rằng: “Bất kì biện pháp hạn chế nào muốn được áp dụng trên các trang web, blog hoặc xuất hiện trên bất kì phương tiện công nghệ nào (hệ thống hỗ trợ giao tiếp, công cụ tìm kiếm,…) đều phải tương thích với các quy định trong Đoạn 3 Điều 19 ICCPR. Các biện pháp giới hạn nói chung phải có nội dung cụ thể, phải có một lệnh cấm chung áp dụng trong trường hợp các trang web hoặc một số hệ thống không có nội dung tương thích với Đoạn 3. Hành động cấm đối với những trang web hoặc hệ thống phổ biến thông tin đăng tải những nội dung có thể quan trọng đối với chính phủ hoặc hệ thống chính trị xã hội cũng là hành động không tương thích với những quy định được ghi trong Đoạn 3.”[16]

Sở dĩ các cơ quan nhân quyền Liên hợp quốc nêu ra những quy định như trên là do lo ngại các quốc gia có thể lạm dụng quy định về giới hạn của tự do ngôn luận trên Internet. Đây là lo ngại chung của nhiều tổ chức quốc tế khác. Ví dụ, Tổ chức Văn hoá, Giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã nhấn mạnh Internet là một nguồn thiết yếu để thực hiện quyền tự do ngôn luận của người dân và kêu gọi các quốc gia cân nhắc cẩn thận các yếu tố có thể sử dụng để hạn chế tự do biểu đạt trên mạng. Một báo cáo năm 2011 của UNESCO (có tên là Tự do kết nối – Tự do ngôn luận: Sự thay đổi pháp lý và quy định về sinh thái định hình Internet) cung cấp tổng quan về bối cảnh pháp lý và quy định trong đó các quốc gia tìm cách cân bằng trách nhiệm bảo vệ quyền tự do ngôn luận với các mục tiêu của Nhà nước về phát triển kinh tế, thương mại và công nghiệp[17]. Khảo sát toàn cầu năm 2012 về Bảo mật và Tự do ngôn luận của UNESCO chỉ ra rằng những hạn chế trong việc bảo vệ quyền riêng tư trên mạng Internet có tác động tiêu cực đến quyền tự do ngôn luận[18]. Báo cáo năm 2014 của UNESCO có tiêu đề là Các xu hướng về Tự do ngôn luận và Phát triển Truyền thông cũng nêu rằng, ngoài việc vi phạm quyền riêng tư, việc lo sợ bị trừng phạt cũng dẫn đến tự kiểm duyệt bởi chính người dùng cũng như của các nhà cung cấp dịch vụ mạng[19].

Ths Hoàng Thị Bích Ngọc

(Khoa Luật, trường Đại học Vinh)

[1] United Nations. The Universal Declaration of Human Rights. www.un.org/en/documents/udhr

[2] Office of the United Nations High Commissioner for Human Rights. International Covenant on Civil and Political Rights. www.ohchr.org/en/professionalinterest/pages/ccpr.aspx

[3] UDHR, Điều 19.

[4] Tuyên ngôn nhân quyền ASEAN của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Điều 23, tại http://www.asean.org/storage/images/ASEAN_RTK_2014/6_AHRD_Booklet.pdf

[5] ICCPR, Điều 19 (3).

[6] ICCPR, Điều 20.

[7] Frank La Rue. 10 August 2011. Report of the Special Rapporteur on the promotion and protection of the right to freedom of opinion and expression. (United Nations General Assembly document A/66/290). www.ohchr.org/Documents/Issues/Opinion/A.66.290.pdf.

[8] Frank La Rue. 10 August 2011.Tài liệu đã dẫn.  

[9] United Nations Human Rights Council. 16 July 2012. The promotion, protection and enjoyment of human rights on the Internet. (A/HRC/RES/20/8). http:// ap.ohchr.org/documents/dpage_e.aspx?si=A/HRC/RES/20/8

[10] Frank La Rue. 10 August 2011.Tài liệu đã dẫn.  

[11] Frank La Rue. 16 May 2011. Report of the Special Rapporteur on the promotion and protection of the right to freedom of opinion and expression. Office of the United Nations High Commissioner for Human Rights. (A/HRC/17/27). http://www2.ohchr.org/english/bodies/hrcouncil/docs/17session/A. HRC.17.27_en.pdf  p. 7

[12] Frank La Rue. 17 April 2013. Report of the Special Rapporteur on the promotion and protection of the right to freedom of opinion and expression. Office of the United Nations High Commissioner for Human Rights. (A/HRC/23/40). www.ohchr.org/Documents/HRBodies/HRCouncil/RegularSession/ Session23/A.HRC.23.40_EN.pdf

[13] La Rue, A/HRC/23/40, tài liệu đã dẫn, p. 7.

[14] United Nations General Assembly. 20 November 2013. The right to privacy in the digital age. (UN Doc A/C.3/68/L.45/Rev.1. http://www.un.org/ga/search/view_doc.asp?symbol=A/C.3/68/L.45/ Rev.1

[15] La Rue, A/HRC/23/40, tài liệu đã dẫn, pp. 19–20.

[16] Ủy ban Nhân quyền – Bình luận chung số 34, Đoạn 43.

[17] William H. Dutton, Anna Dopatka, Michael Hills, Ginette Law and Victoria Nash. 2011. Freedom of Connection, Freedom of Expression: The Changing Legal and Regulatory Ecology Shaping the Internet. Paris, UNESCO Publishing. http://unesdoc.unesco.org/images/0019/001915/191594e. pdf

[18] Toby Mendel, Andrew Puddephatt, Ben Wagner, Dixie Hawtin and Natalia Torres. 2012. Global Survey on Internet Privacy and Freedom of Expression. Paris, UNESCO Publishing, pp. 95–97. http://unesdoc.unesco.org/images/0021/002182/218273e.pdf

[19] UNESCO. 2014. World Trends in Freedom of Expression and Media Development. Paris/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *