Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
13838

Thách thức và cơ hội Kỳ 2: Cơ hội mới trong “trạng thái bình thường mới”

Năm 2020 cộng đồng quốc tế thực sự đã và đang trải qua một năm có nhiều thách thức lớn, biến động nhanh chóng, phức tạp và khó lường. Cạnh tranh địa chính trị, địa kinh tế đi đôi với căng thẳng thương mại giữa một số nền kinh tế lớn; chủ nghĩa dân tộc cực đoan, bảo hộ trỗi dậy cùng với xung đột tôn giáo, khủng bố quốc tế, chiến tranh cục bộ, tranh chấp chủ quyền, tài nguyên tiếp tục diễn ra gay gắt hơn gây phức tạp tại nhiều khu vực, nhiều nước.  Vậy cơ hội nào cho năm 2021?

Thành viên có trách nhiệm, đóng góp quan trọng vào hòa bình thế giới

75 năm trôi qua kể từ khi Chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc, Liên Hợp quốc được thành lập, may mắn thay, cộng đồng nhân loại đã không phải chứng kiến thêm một cuộc chiến tranh thế giới. Hòa bình, hợp tác hữu nghị vẫn tiếp tục được vun đắp; phẩm giá, sinh mạng, những quyền, tự do cơ bản của con người ngày càng được tôn trọng; đói nghèo, bệnh tật được đẩy lùi; cuộc sống của cộng đồng nhân loại có nhiều đổi thay. Những thành quả to lớn đó không thể có được nếu không có vai trò trung tâm điều phối của Liên Hợp quốc, dựa trên những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, dù cho lúc này hay lúc khác, luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương toàn cầu khác bị thách thức.

Việt Nam được bầu là Ủy viên không thường trực HĐBA

Việt Nam bước vào “Ngôi Nhà chung” của cộng đồng quốc tế sau bao trắc trở bởi sự cản phá của các thế lực thù địch. Trong lời chúc mừng Quốc khánh Việt Nam lần thứ 75, Tổng Thư ký LHQ Anttonio Guterres đánh giá: “Việt Nam đã luôn là đối tác mạnh mẽ của LHQ kể từ khi gia nhập. Với tư cách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam đã và đang có những đóng góp quan trọng trong việc ủng hộ hòa bình bền vững. Kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh Việt Nam diễn ra trùng hợp với dịp Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN và thành viên Hội đồng Bảo an LHQ, thể hiện sự hiện diện mạnh mẽ của các bạn trên trường quốc tế”. Một tin vui khác, với tư cách là một thành viên chủ động, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã đề xuất lấy ngày 27/12 là Ngày quốc tế phòng chống dịch, bệnh với 107 nước đồng bảo trợ và đã được Đại Hội đồng LHQ khóa 75 nhất trí thông qua bằng đồng thuận nghị quyết A/RES/75/27 “nhằm tăng cường nhận thức về phòng chống bệnh dịch, từ đó có sự chuẩn bị và phối hợp tốt hơn về vấn đề này ở tất cả các cấp”

Chăm lo thế nước, vun đắp lòng dân

Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực và diễn biến nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 tác động, ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội nước ta; sản xuất kinh doanh bị đình trệ; nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng; hàng triệu lao động thiếu, mất việc làm, giảm sâu thu nhập; biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai, nhất là nắng nóng, hạn hán, giông lốc, mưa bão kéo dài gây sạt lở, lũ lụt ở các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên; xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ở đồng bằng sông Cửu Long gây thiệt hại nặng nề, tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống của nhân dân; nhưng, nhờ đánh giá đúng diễn biến tình hình, đặc biệt là những sự cố phát sinh như dịch bệnh, thiên tai bão lũ, Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết, chủ trương, chính sách, đối sách phù hợp, có khả năng thích ứng cao, đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, trong đó công tác kiểm soát đại dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe nhân dân được ưu tiên hàng đầu. Nhìn tổng thể, có thể nói năm 2020 cũng là năm thành công của nước ta với những kết quả, thành tích rất đáng khích lệ.

Trước hết, nhờ có các chủ trương, giải pháp phù hợp, hiệu quả, thích ứng với tình hình, sản xuất kinh doanh được tháo gỡ nhiều khó khăn, nền kinh tế tiếp tục phục hồi. Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục tăng, nhất là vào được các thị trường khó tính. Trong 10 tháng đầu năm, tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 229,27 tỷ USD, tăng 4,7% (trong khi tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 210,55 tỷ USD, tăng 0,4%). Tăng trưởng cả năm ước đạt khoảng 3%, GDP bình quân đầu người ước đạt khoảng 2.750 USD. Người lao động, người dân mất việc, thiếu việc làm được hỗ trợ, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện mặc dù nhiều chỉ tiêu phấn đấu không đạt bở ảnh hưởng của đại dịch. Các chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, về các nhóm đối tượng xã hội dễ bị tổn thương, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ vẫn được quan tâm, đẩy mạnh. Chỉ số phát triển bền vững năm 2020 của Việt Nam tăng 39 bậc so với năm 2016, xếp thứ 49/166 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chỉ số phát triển con người (HDI) liên tục được cải thiện, thuộc nhóm các nước có mức phát triển con người trung bình cao của thế giới. Công tác quy hoạch báo chí tiếp tục theo lộ trình; không gian mạng “trong sạch, lành mạnh hơn”, hiện có hơn 68 triệu người sử dụng internet. Văn hoá, xã hội có bước phát triển tích cực, nhiều giá trị văn hoá cao đẹp của dân tộc được phát huy, thể hiện rõ nét trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và các sự cố thiên tai, nhân tai, dịch bệnh khác.

Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN

Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, dù còn nhiều bất cập, nhưng cũng đã có những chuyển biến, phát hiện và xử lý nghiêm nhiều vụ việc, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Các quy định pháp luật được tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện, trong đó có Luật bảo vệ môi trường. Công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả, ứng phó các sự cố thiên tai, cứu nạn, cứu hộ, dù còn nhiều bất cập, nhưng đã được chú trọng hơn nên đã hạn chế tối đa thiệt hại về sinh mạng và tài sản.

Cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước có nhiều chuyển biến tích cực; phòng chống tham nhũng được tổ chức theo dõi, chỉ đạo quyết liệt, đạt kết quả quan trọng. Việc rà soát, kiện toàn, sắp xếp tinh gọn bộ máy nhà nước tiếp tục được thực hiện nghiêm túc theo hướng tinh gọn, giảm cấp trung gian, đẩy mạnh phân cấp, đề cao trách nhiệm giải trình và phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, chấm dứt tình trạng “thứ văn hoá không nhúc nhích” ở các công sở. Việc thực hiện nghiêm túc, kiên trì, thường xuyên và liên tục Nghị quyết Trung ương 4 các khóa XI, XII nhằm xây dựng, chỉnh đốn Đảng cả về tổ chức và nhân sự, đã đem lại nhiều kết quả tốt đẹp, làm cho Đảng ta tiếp tục nhận được sự tin yêu của Nhân dân. Việc tổ chức Đại hội Đảng các cấp cơ sở đã được tổ chức rất thành công, lựa chọn được những đảng viên có chất lượng, hứa hẹn một kết quả tốt đẹp cho Đại hội XIII của Đảng sắp tới, với niềm tin sẽ mang lại cho đất nước những kỳ tích mới trong những năm đầu thập kỷ thứ 3 của Thế kỷ 21.

Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững, tạo môi trường thuận lợi, an toàn, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Chúng ta đã chủ động nắm chắc tình hình, phát hiện kịp thời, ngăn chặn âm mưu “diễn biến hoà bình”, bạo loạn, khủng bố, phá hoại của các thế lực thù địch, phản động, không để xảy ra bị động, bất ngờ; xử lý hiệu quả các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự; tình hình tội phạm, tai nạn giao thông giảm dần.

Đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai chủ động, toàn diện, đồng bộ và đạt nhiều kết quả quan trọng. Quan hệ với các quốc gia, đối tác tiếp tục được mở rộng, đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn, nhất là đối với 16 đối tác chiến lược và 12 đối tác hợp tác toàn diện. Thông qua hoạt động đối ngoại, hình ảnh một đất nước Việt Nam tươi đẹp, năng động, an toàn, nhân ái được quảng bá rộng rãi. Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, trước bối cảnh thế giới, khu vực và từng nước thành viên và các đối tác phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, trở ngại do đại dịch Covid-19 gây ra; với tinh thần “gắn kết, chủ động thích ứng” và đầy trách nhiệm, chúng ta đã thể hiện nổi bật vai trò dẫn dắt toàn khối, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp. Thành tựu của ASEAN năm 2020, nhất là ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19, là kết quả của sự nỗ lực chung của cả Cộng đồng, của cả quá trình, nhưng đồng thời cũng thể hiện vai trò dẫn dắt của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch.

Năm 2020, Liên Hợp quốc kỷ niệm 75 năm ngày thành lập (1945-2020), Việt Nam với tư cách là một thành viên có trách nhiệm, luôn ủng hộ, đề cao vai trò của LHQ và chủ nghĩa đa phương; tích cực, chủ động đóng góp ngày càng nhiều hơn, thực chất hơn trong các hoạt động của LHQ, như thúc đẩy tôn trọng Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, quan hệ bình đẳng, hợp tác phát triển giữa các quốc gia, quyền tự quyết của các dân tộc và bảo đảm quyền con người; phản đối hành động áp bức, xâm lược, cấm vận đơn phương trong quan hệ quốc tế; tham gia đóng góp vào quá trình thảo luận, thông qua nhiều nghị quyết, tuyên bố quan trọng của LHQ về hợp tác phát triển, giải trừ quân bị, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống khủng bố.

Năm 2020, Việt Nam được bầu là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ (nhiệm kỳ 2020-2021) với với số phiếu cao kỷ lục (192/193 phiếu ủng hộ). Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 1/2020, Việt Nam đã hoàn thành tốt các công việc điều hành, chủ trì hoạt động, đại diện cho Hội đồng Bảo an trong quan hệ với các nước, các cơ quan LHQ, các tổ chức khu vực, quốc tế và báo giới. Tham gia tích cực các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Tháng 1 năm 2021, Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng sẽ được tổ chức trọng thể tại Hà Nội. Đây sẽ là một sự kiện chính trị vô cùng to lớn, có ý nghĩa quyết định vận mệnh dân tộc ta, đang được toàn dân quan tâm, đồng lòng, đồng hành cùng với Đảng, “kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những cán bộ vi phạm, thoái hóa, biến chất”; lựa chọn được những đảng viên đủ sức gánh vác trọng trách với dân, với nước, để Ðảng “lấy lại và củng cố niềm tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân”.

Chăm lo thế nước, vun đắp lòng dân

Trong những năm tới, tình hình thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến khó đoán định. Đại dịch Covid-19 với những biến thể vi rút mới chưa biết bao giờ mới chấm dứt nếu không tìm ra được thứ vắc xin chống dịch hiệu quả. Tuy nhiên, nhìn qua bức tranh toàn cảnh của cục diện toàn cầu trong những năm tới, có thể hình dung cộng đồng quốc tế sẽ có được những thuận lợi rất cơ bản, đó là hòa bình, hợp tác dù có phải đối mặt với nhiều thách thức song vẫn là những xu thế chủ đạo. Đa số các quốc gia vẫn ủng hộ chủ nghĩa đa phương và tự do hóa thương mại. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra nhiều cơ hội mới cho sự phát triển trong “trạng thái bình thường mới” trên tất cả các lĩnh vực. Cục diện ấy vừa là thách thức vừa là cơ hội để các nước trong đó có Việt Nam nhanh chóng, chủ động nắm bắt để phát triển đất nước, là cơ sở bảo đảm thực thi ngày càng tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của con người.

Thế giới hậu Covid – 19 ẩn chứa đầy những bất trắc và thách thức. “Chăm lo thế nước, vun đắp lòng dân”, hơn lúc nào hết, có ý nghĩa vô cùng quan thiết trong những tháng năm sắp tới; đang trĩu nặng trên vai của những người yêu nước thương nòi, lo cho dân cho nước./.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *