Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
37599

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ được đẩy mạnh Kỳ 1: Sự phục hồi mạnh mẽ

Đây là nhận định được các chuyên gia của Ngân hàng thế giới (WB) đưa ra trong báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam, công bố ngày 12/11. Theo đó, WB cho hay, dù phải đối mặt với nhiều thách thức khi khởi động lại nền kinh tế sau một thời gian dài giãn cách xã hội nhưng Việt Nam đã nhanh chóng có ba hướng hành động quan trọng: tiếp tục triển khai tiêm vaccine một cách nhanh chóng và tăng cường cảnh giác bằng biện pháp xét nghiệm, cách ly; chính sách tài khóa chủ động hơn để hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế như giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong tháng 11 và tháng 12 cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, du lịch, lưu trú, ăn uống và giải trí; tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công có thể hỗ trợ tổng cầu trong khi đẩy mạnh trợ giúp xã hội có thể thúc đẩy cầu từ khu vực tư nhân.

Sản xuất công nghiệp tăng

Các chuyên gia WB nhấn mạnh, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 6,9% so với tháng trước và chỉ thấp hơn 1,6% so với một năm trước. Sự phục hồi này phần lớn nhờ hoạt động sản xuất tại TP Hồ Chí Minh và các trung tâm công nghiệp lân cận được khôi phục. Các tiểu ngành năng động nhất là thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, may mặc và giày dép, sản phẩm cao su và nhựa, kim loại và đồ nội thất, đạt mức tăng trưởng hai con số so với tháng trước. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng vọt từ 40,2 trong tháng 9 lên 52,1 vào tháng 10 – lần đầu tiên vượt ngưỡng trung bình 50,0 trong 5 tháng, cho thấy điều kiện kinh tế được cải thiện đáng kể.

Tính chung 10 tháng của năm 2021, cả nước đã thu hút được 23,7 tỷ USD vốn FDI đăng ký, cao hơn 1,1% so với cùng kỳ năm 2020

Sự phục hồi của kinh tế Việt Nam đặc biệt mạnh mẽ ở các cửa hàng tạp hóa, siêu thị và hiệu thuốc. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng từ 4,4% (so với tháng trước) trong tháng 9 lên 18,1% (so với tháng trước) trong tháng 10. Tuy nhiên, tổng doanh thu vẫn thấp hơn 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ, vốn bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi đợt bùng phát dịch lần thứ tư, tiếp tục phục hồi với tốc độ nhanh hơn doanh thu bán lẻ hàng hóa. Hai chỉ số tăng lần lượt ở mức 44,1% và 14,5% (so với tháng trước) trong tháng 10. Đến nay, cả hai vẫn chưa đạt được mức ghi nhận vào tháng 10 năm ngoái.

Xuất siêu 160 triệu USD

Thặng dư thương mại của Việt Nam đạt 2,85 tỷ USD trong tháng 10 do xuất khẩu hàng hóa tăng 5,7% (so với cùng kỳ năm trước) trong khi tăng trưởng nhập khẩu giảm từ 10,2% (so với cùng kỳ năm trước) trong tháng 9 xuống còn 8,1%. Tính chung 10 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất siêu 160 triệu USD. Kết quả tăng trưởng xuất khẩu thể hiện những thách thức trong việc khởi động lại các nhà máy sản xuất ở một số ngành sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội ở các tỉnh phía Nam, trong đó có thiếu nguyên liệu và lao động. Về sản phẩm, xuất khẩu giày dép, dệt may và đồ gỗ trong tháng 10 ghi nhận tháng giảm thứ ba liên ếp do mức độ thâm dụng lao động cao trong quy trình sản xuất các mặt hàng này khiến việc nhanh chóng khôi phục sản xuất hết công suất trở nên khó khăn hơn. Xuất khẩu điện thoại cũng giảm lần đầu tiên trong 4 tháng, có thể do biến động hàng tháng của mặt hàng này. Trong khi đó, xuất khẩu máy vi tínhvà sản phẩm điện tử, cũng như máy móc, thiết bị tiếp tục tăng trưởng lần lượt 8,3% và 13,1% (so với cùng kỳ năm trước). Giá cả tăng cao tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu kim loại và sản phẩm kim loại, tăng mạnh 74,6% (so với cùng kỳ năm trước) trong tháng 10.

Về đối tác thương mại, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ giảm 9,4% (so với cùng kỳ năm trước) trong tháng 9, mức giảm mạnh nhất được ghi nhận trong 5 năm qua, do xuất khẩu hàng may mặc, giày dép và máy móc, thiết bị giảm mạnh. Xuất khẩu sang thị trường này ước tính sẽ giảm thêm 7,0% (so với cùng kỳ năm trước) trong tháng 10, nhiều khả năng do khó khăn trong hoạt động sản xuất ở Việt Nam và tăng trưởng kinh tế của Mỹ giảm tốc. Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 5,9% (so với cùng kỳ năm trước) trong tháng 9 nhưng ước tính giảm nhẹ 1,9% (so với cùng kỳ năm trước) trong tháng 10. Vốn FDI đăng ký đã giảm 47,4% (so với tháng trước) trong tháng 10 nhưng tính chung 10 tháng của năm 2021, cả nước đã thu hút được 23,7 tỷ USD vốn FDI đăng ký, cao hơn 1,1% so với cùng kỳ năm 2020. Ngược lại, nhờ các hạn chế đi lại được nới lỏng, giải ngân vốn FDI tiếp tục phục hồi, tăng 10% (so với tháng trước) mặc dù vẫn thấp hơn 8,3% so với cùng kỳ năm trước.

Sông Thương

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *