Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
9209

Sớm khắc phục tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm của bộ phận cán bộ, công chức, viên chức

Quốc hội yêu cầu Chính phủ xây dựng cơ chế cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, sớm khắc phục tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm của bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.

Chiều 10/11, với 93% đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ thực hiện song song hai nhiệm vụ: khắc phục tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm và triển khai các giải pháp bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung.

Theo Nghị quyết, các cơ quan phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Các vụ án do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi cần đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm.

Bộ máy hệ thống chính trị phải được xây dựng tinh gọn, hoạt động hiệu quả, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tìm giải pháp cho vấn đề công chức, viên chức nghỉ việc. Các cơ quan hoàn thiện hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin đánh giá cải cách hành chính và đo lường sự hài lòng của người dân với sự phục vụ của cơ quan nhà nước.

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Các cơ quan có nhiệm vụ hoàn thành xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia; thực hiện hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, chiều 10/11. Ảnh: Media Quốc hội

Vấn đề cán bộ sợ trách nhiệm, không dám làm từng được các đại biểu tranh luận sôi nổi tại phiên thảo luận về kinh tế – xã hội trong hai ngày 27 và 28/10. Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Phó đoàn Bình Thuận), cho biết một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có lãnh đạo quản lý đang có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, làm cầm chừng. Có cán bộ tâm sự “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”.

Theo ông Thông, nguyên nhân là hệ thống pháp luật chưa đồng bộ. Cùng một vấn đề, áp dụng luật này thì đúng, nhưng khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra áp dụng luật khác thì thành sai; thời điểm này thì có thể đúng, khi kiểm tra ở thời điểm khác lại sai. Nguyên nhân thứ hai là dù Bộ Chính trị đã ban hành kết luận về cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, nhưng chủ trương đúng đắn này chưa được cụ thể bằng văn bản quy phạm pháp luật, nên cán bộ chỉ làm cầm chừng, không dám đột phá.

Tuy nhiên, đại biểu Tạ Thị Yên (Phó ban Công tác đại biểu) không đồng tình với những cán bộ có suy nghĩ “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”. Theo bà, cán bộ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, làm việc không hiệu quả thì phải xem xét lại việc bố trí hoặc thuyên chuyển sang công việc khác phù hợp với năng lực.

Hoàn thiện chính sách đãi ngộ cho nhân viên y tế

Nghị quyết của Quốc hội cũng nêu, năm 2023, Chính phủ tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng chống Covid-19; ban hành phương án xử lý kịp thời các tình huống và biện pháp chống dịch trong tình hình mới; nỗ lực nghiên cứu, tự sản xuất các loại thuốc chống dịch. Việt Nam phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực bên ngoài về tài chính, chuyên môn kỹ thuật phục vụ chống dịch.

Các cơ quan chức năng cần giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế; đẩy mạnh sản xuất trang thiết bị y tế trong nước. Năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng cần được quan tâm; năng lực điều trị tất cả các tuyến trong hệ thống y tế phải nâng cao.

“Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách đãi ngộ, cải thiện môi trường làm việc, bảo đảm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới”, Nghị quyết Quốc hội nêu nhiệm vụ.

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *