Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
10098

Số phận các gián điệp Nga ở Mỹ sau khi bị lộ

Hôm 24-8, một cựu lính mũ nồi xanh của Mỹ sống ở Bắc Virginia tên là Peter Rafael Dzibinski Debbins đã bị truy tố và đưa ra xét xử vì tội tiết lộ bí mật quân sự về các hoạt động của đơn vị tại các nước cộng hòa thuộc Liên Xô (cũ). Không rõ số phận của Debbins ra sao, ngồi tù ở Mỹ hay bị trục xuất về Nga.

Cho đến ngày 28-8, Nga vẫn chưa đưa ra một lời tuyên bố nào về những thông tin mà phía Mỹ cung cấp.

Cựu điệp viên Nga bị Mỹ trục xuất năm 2010 Anna Chapman hiện đang làm Giám đốc điều hành tại Transneft và Rosneft

Theo cáo trạng, cựu sĩ quan lực lượng đặc biệt Mỹ Debbins đã làm việc cho tình báo quân sự Nga  (GRU) từ năm 1996. Năm 1997, Debbins ký vào giấy tờ với tên Ikar Lesnikov mà GRU cấp cho anh.

Điều thú vị là bản cáo trạng không buộc tội Debbins với bất kỳ hành động gián điệp nào sau năm 2011. Vì rất ít khả năng GRU ngừng sử dụng anh ta để làm gián điệp nên nhiều nghi vấn cho rằng Debbins đã tuyển được người mới cho GRU.

Từ đây, những câu hỏi về số phận của Debbins được đưa ra, nhất là khi người ta cân nhắc đến khả năng “trao đổi thông tin” và “trao đổi nhân vật tình báo quan trọng” mà Nga và Mỹ từng làm trong quá khứ.

Được biết, năm 1978, hai đặc nhiệm tình báo Liên Xô (cũ) làm việc dưới vỏ bọc nhân viên của Liên Hợp Quốc đã bị bắt quả tang làm rơi tài liệu về Hải quân Mỹ. Cả hai đều bị xét xử và bị kết án 50 năm tù, nhưng một năm sau đó, họ được đổi lấy 5 người bất đồng chính kiến ​​bị giam giữ ở Liên Xô (cũ). Khi về nước, hai sĩ quan này đã được tặng thưởng “Sĩ quan An ninh Nhà nước danh dự”.

Với nhóm 10 điệp viên Nga bị Mỹ phát hiện năm 2010 và bị trục xuất ngay lập tức, nhiều người đã giải nghệ nhưng cũng có người thì trở lại làm việc trong các cơ quan nhà nước. Riêng nữ điệp viên xinh đẹp Anna Chapman thì đang làm Giám đốc điều hành tại Transneft và Rosneft.

Nhưng với các điệp viên hai mang thì số phận phần lớn đều thảm hại. Như điệp viên Dmitry Polyakov làm việc với tình báo Mỹ từ năm 1961 đến năm 1986, trong thời gian đó, ông đã cung cấp cho Mỹ khoảng 25 hộp tài liệu mật để loại bỏ 19 điệp viên chìm của Liên Xô (cũ) và hơn 150 điệp viên nước ngoài làm gián điệp cho Moscow. Về cơ bản, ông đã một tay làm tê liệt hoạt động thu thập thông tin tình báo bí mật của Liên Xô (cũ) tại Mỹ. Ban đầu, Polyakov là thành viên của phái bộ LHQ của Liên Xô tại New York, nơi ông quản lý công việc tình báo bí mật, giám sát các điệp viên chìm. Sau đó, vào những năm 1970, ông lãnh đạo bộ phận tình báo tại Học viện quân sự ở Moscow. Năm 1986, Polyakov bị bắt. Tổng thống Ronald Reagan cố gắng thay mặt ông trực tiếp cầu xin Mikhail Gorbachev nhưng đã quá muộn: Polyakov đã bị bắn.

Một điệp viên Nga bị bắt quả tang trong một vụ giăng bẫy của tình báo Mỹ

Điệp viên Alexander Zaporozhsky rời GRU năm 1997 và cùng gia đình chuyển đến Mỹ và làm tư vấn doanh nghiệp. Ngay sau khi đến Mỹ, ông cũng bắt đầu hợp tác với cộng đồng tình báo Mỹ, cung cấp thông tin về hoạt động của các cơ quan gián điệp Nga và các đơn vị tình báo riêng lẻ. Năm 2001, những đồng nghiệp cũ dụ Zaporozhsky về nước và ông bị bắt ngay khi đặt chân xuống sân bay Moscow. Zaporozhsky bị kết án 18 năm tù, nhưng đã được trao đổi trở lại phương Tây với Sergey Skripal vào năm 2010.

Sergey Tretyakov, người từng là trưởng trạm SVR ở New York cho đến năm 2000, là quan chức tình báo cấp cao nhất của Nga từng làm gián điệp cho Mỹ. Bắt đầu từ giữa những năm 1990, ông chuyển tài liệu cho các quan chức Mỹ để đổi lấy tiền. Năm 2000, Tretyakov được tị nạn chính trị ở Mỹ. Năm 2010, Tretyakov mắc nghẹn miếng thịt tại một nhà hàng ở Florida và qua đời.

S.Thương

 

 

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *