Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
23661

Người LGBT+ – nhóm quyền mới của người dễ bị tổn thương

Trong gần hai thập kỷ gần đây, Liên Hợp Quốc đã có những nỗ lực đáng kể liên quan đến việc bảo vệ quyền con người của người LGBT+. Trên cơ sở Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1948, hai công ước quốc tế về các quyền con người cơ bản năm 1966 và sau gần hai thập kỷ nỗ lực rõ rệt, cộng đồng nhân loại tiến bộ đã bước đầu thống nhất một số tiêu chuẩn về quyền của người LGBT+, bao gồm quyền trong TTHS của họ. Những tiêu chuẩn này được thể hiện trong các Tuyên bố, Nghị quyết, Cẩm nang được dẫn chiếu trên và trong đó, đặc biệt phải kể đến Bộ nguyên tắc Yogyakarta được coi như tuyên ngôn toàn cầu về quyền của người LGBT+. Các văn bản này được xây dựng trên quan điểm không phân biệt đối xử với người LGBT+ và nhấn mạnh nghĩa vụ của các nhà nước trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ quyền của người LGBT+.

Liên Hợp quốc với những hành động nỗ lực thúc đẩy quyền của người LGBT+

Người LGBT+ – nhóm xã hội dễ tổn thương trong tố tụng hình sự

Trong các văn kiện pháp lý, các nghiên cứu cũng như hành động thực tiễn về quyền con người trên thế giới hiện nay, LGBT+ là nhóm mới được đề cập đến với tư cách là một trong “các nhóm xã hội dễ bị tổn thương” (vulnerable groups) – nhóm người có nguy cơ cao bị tổn thương về quyền con người. LGBT+ là thuật ngữ viết tắt kết hợp của chữ cái đầu trong các danh từ tiếng Anh đặc trưng cho khuynh hướng tính dục của một người: “Lesbian” (đồng tính nữ), “Gay” (đồng tính nam), “Bisexual” (song tính), “Transgender” (chuyển giới). Dấu (+) thường được đặt bên cạnh chữ LGBT để biểu thị cho sự tồn tại đa dạng hơn nữa của các khuynh hướng tính dục trong đời sống thực tế. Ngoài người đồng tính, song tính, chuyển giới còn có những khuynh hướng tính dục khác được mô tả như Questioning (chưa xác định rõ khuynh hướng), Intersex (liên giới tính), Asexual (vô tính luyến ái) …v.v. Những khuynh hướng tính dục trên thể hiện sự khác biệt với khuynh hướng tính dục phổ biến thể hiện ở hai bản dạng giới cơ bản của loài người là nam giới và nữ giới. Một khảo sát toàn cầu tiến hành năm 2021 đã chỉ ra tỷ lệ dân số có bản dạng giới không phải nam giới hay nữ giới trung bình là khoảng 2%. Theo tỷ lệ trung bình này, số lượng người có khuynh hướng tính dục và bản dạng giới khác nam giới, nữ giới không phải là con số nhỏ nhưng vẫn là nhóm thiểu số rõ rệt so với 98% dân số còn lại của toàn cầu.

Tính chất thiểu số, sự khác biệt về khuynh hướng tính dục so với số đông khiến LGBT+ trở thành nhóm xã hội dễ tổn thương, dễ nhận phải sự kỳ thị, phân biệt đối xử. Ở thời kỳ y học chưa phát triển, những người LGBT+ bị coi có vấn đề về tâm thần cho đến ngày 15/7/1990 Liên Hiệp Quốc công bố người thuộc nhóm LGBT+ không phải là mắc bệnh tâm thần. Mặc dù vậy, định kiến xã hội đối với LGBT+ vẫn khá khắc nghiệt cho tới tận hiện nay, nhiều người vẫn nhìn nhận LGBT+ như một nhóm người lệch lạc hoặc đồi bại. Do vậy, tình trạng phân biệt đối xử, bạo lực trên cơ sở giới, tước đoạt, hạn chế hay bỏ quên quyền con người của nhóm LGBT+ vẫn tồn tại phổ biến trong nhiều lĩnh vực đời sống. Vì tính dễ tổn thương đó nên cần có những quy định cơ chế bảo vệ chặt chẽ quyền con người của người LGBT+. Hơn nữa, sự khác biệt về khuynh hướng tình dục so với số đông của người LGBT+ đặt ra những yêu cầu riêng trong việc bảo vệ quyền của họ trên nền tảng của việc bảo vệ quyền con người nói chung bởi “hệ thống các quy phạm và cơ chế về quyền con người nói chung về cơ bản là không đủ, thậm chí đôi khi không phù hợp nếu áp dụng một cách máy móc với các nhóm người dễ bị tổn thương”.

Như mọi cá nhân, người LGBT+ có thể xuất hiện TTHS với tư cách người tiến hành hoặc người tham gia tố tụng. TTHS là quá trình giải quyết vụ án hình sự theo quy định pháp luật, gồm những trình tự, thủ tục được luật quy định mà cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành để xem xét, đánh giá một hành vi cụ thể có phải là tội phạm được quy định trong bộ luật hình sự hay không, người thực hiện hành vi có phải chịu trách nhiệm hình sự không và chịu trách nhiệm hình sự như thế nào. Quan hệ TTHS là một quan hệ xã hội không bình đẳng, trong đó, cơ quan/người tiến hành tố tụng đại diện công quyền, có vị thế, lực lượng, có sức mạnh bạo lực, được trao quyền áp đặt các mệnh lệnh, biện pháp cưỡng chế luật định đối với người tham gia tố tụng. Ngược lại, người tham gia tố tụng yếu thế về mọi mặt trước cơ quan/người tiến hành tố tụng và có nghĩa vụ chấp hành tuyệt đối các biện pháp cưỡng chế do cơ quan tiến hành tố tụng áp đặt. Đồng thời, bởi tính chất hà khắc của các biện pháp cưỡng chế trong TTHS nên trong quá trình thực thi quyền lực đó, mọi sự bất cẩn, cẩu thả hay lạm quyền từ phía người tiến hành tố tụng đều có thể dẫn đến tổn thương quyền con người của người tham gia tố tụng. Bởi vậy, khi bàn về vấn đề bảo vệ quyền con người trong TTHS tức là hướng tới quyền của người tham gia tố tụng vì những cá nhân tiến hành tố tụng đại diện cho công quyền sẽ không phải là đối tượng phải đối mặt với nguy cơ rủi ro cao về quyền con người trong mối quan hệ này.

Vốn là một nhóm xã hội dễ tổn thương, người LGBT+ tham gia tố tụng hình sự (TTHS) lại trở nên dễ tổn thương “kép” vì đặc thù của mối quan hệ xã hội này. Trong bối cảnh yếu thế, rủi ro cao về quyền con người của người tham gia tố tụng như vậy, cộng thêm tình trạng dễ bị phân biệt đối xử, bỏ quên về quyền con người của người LGBT+, người tham gia tố tụng là người LGBT+ đặc biệt dễ bị vi phạm quyền con người trong TTHS.

Người LGBT + có thể là người tham gia tố tụng ở bất kỳ vai trò nào như: Người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố; Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; Người bị bắt; Người bị tạm giữ; Bị can; Bị cáo; Bị hại; Nguyên đơn dân sự; Bị đơn dân sự; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; Người làm chứng; Người chứng kiến; Người bào chữa; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự; và những người tham gia tố tụng khác. Truy nhiên, trong đó, nhóm người có nguy cơ cao bị tổn thương về quyền con người là: Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; người bị bắt; Người bị tạm giữ; Bị can; Bị cáo. Nhóm này có nguy cơ rủi ro cao về quyền con người vì hầu hết các biện pháp cưỡng chế trong TTHS được quy định để áp dụng đối với họ; vị thế trong tố tụng khiến họ phải chịu định kiến là kẻ xấu nên dễ bị đối xử bất công. Những rủi ro và định kiến bất công đó sẽ trở nên trầm trọng hơn bởi sự kỳ thị đối với người LGBT+ cũng như sự thơ ơ, thiếu nhạy cảm của hệ thống tư pháp với những vấn đề quyền con người liên quan đến tính hướng riêng của họ.

Các tiêu chuẩn quốc tế về quyền của người LGBT+

Như đã nêu, quyền của người LGBT+ là một chủ đề mới về quyền con người trong lịch sử phát triển của quyền con người và phát sinh do sự phân biệt đối xử về giới đối với biểu hiện thiểu số trên phương diện khuynh hướng tính dục và bản dạng giới của người LGBT+. Vốn dĩ, sự bình đẳng về mọi khía cạnh, bao gồm giới tính, cho tất cả mọi người luôn là nền tảng của các chuẩn mực chung về quyền con người ngay từ khi được thiết lập. Bình đẳng giới là trạng thái ngang bằng giữa các cá nhân về điều kiện và cơ hội hưởng thụ mọi quyền con người bất chấp sự khác biệt giới tính. Quyền bình đẳng này được ghi nhận ngay tại những lời đầu tiên của Hiến chương Liên Hợp quốc năm 1945 và Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1948, được nhấn mạnh lại bởi Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966. Bình đẳng giới được đề cập trong Hiến chương Liên Hợp quốc với nhận định rõ ràng là bình đẳng giữa hai giới: nam giới và nữ giới. Sau Hiến chương, Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1948, hai công ước quốc tế về các quyền con người cơ bản năm 1966 không còn sử dụng một giới hạn rõ như vậy trong nhận thức về bình đẳng giới mà chỉ khẳng định nguyên tắc không phân biệt về giới tính trong ghi nhận, bảo vệ các quyền con người. Mặc dù vậy, các văn kiện khác như: Công ước về trả công bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ năm 1952, Công ước về các quyền chính trị của phụ nữ năm 1952, Công ước về chống phân biệt đối xử trong giáo dục, Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ của Liên Hợp quốc năm 1979 lại thể hiện những nỗ lực rõ rệt của cộng đồng trong việc thúc đẩy bình đẳng giữa nam và nữ, xóa bỏ những phân biệt đối xử chống lại phụ nữ. Điều này cũng phản ánh nhận thức chung về bình đẳng giới mới chỉ bao hàm hai giới: nam và nữ. Bởi vậy, bất chấp nguyên tắc cơ bản của quyền con người là là bình đẳng, không phân biệt đối với tất cả mọi cá nhân, nhưng sự kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo lực đối với người LGBT+ vẫn diễn ra trên khắp thế giới. Thậm chí, pháp luật ở một số quốc gia còn tội phạm hóa hành vi quan hệ tình dục cùng giới.

Sau nhiều thập kỷ với những lo ngại về sự vi phạm quyền con người của người LGBT+ đã khiến Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc coi đây là vấn đề ưu tiên để thảo luận và chính thức đưa ra những tuyên bố chung về quyền của người LGBT+. Những bản tuyên bố chung về quyền con người, khuynh hướng tính dục và bản dạng giới đã được đề xuất ban đầu trong các phiên họp của Hội đồng vào các năm 2006 và 2008. Trước ghi nhận về tình trạng ngày một nhiều hơn các vụ việc kỳ thị, phân biệt đối xử chống lại người LGBT+, năm 2006, các chuyên gia hàng đầu về quyền con người từ khắp nơi trên thế giới đã họp mặt ở Yogyakarta, Indonesia để phác thảo ra một bộ các nguyên tắc quốc tế về khuynh hướng tính dục và bản dạng giới. Kết quả là Bộ nguyên tắc Yogyakarta ra đời như một tuyên ngôn toàn cầu cho sự bình đẳng về quyền của người không phân biệt khuynh hướng tính dục và bản dạng giới. Năm 2011 và 2012, vấn đề về quyền của người LGBT+ đã được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Tháng 3 năm 2011, 85 nước và vùng lãnh thổ đã cùng ký vào bản Tuyên bố chung về việc chấm dứt các hành động bạo lực và vi phạm quyền con người dựa trên khuynh hướng tính dục và bản dạng giới (SOGI). Tháng 6 năm 2011, một bản Nghị quyết đầu tiên về vấn đề quyền của người LGBT+ đã được thông qua tại phiên họp thứ 17 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (A/HRC/RES/17/19). Nghị quyết yêu cầu việc ưu tiên thảo luận, nghiên cứu ban hành các văn bản pháp luật nhằm chống phân biệt đối xử và hành vi bạo lực chống lại các cá nhân dựa trên khuynh hướng tính dục và bản dạng giới ở trên khắp thế giới cũng như xem xét các phương thức để luật nhân quyền quốc tế có thể được sử dụng nhằm chấm dứt bạo lực và các hành vi vi phạm quyền con người dựa trên khuynh hướng tính dục và bản dạng giới. Thực hiện Nghị quyết, Báo cáo chi tiết đầu tiên của Văn phòng Cao ủy nhân quyền Liên Hợp Quốc (A/HRC/19/41) vào tháng 11 năm 2011, tổng kết lại vấn đề bạo lực và phân biệt đối xử đối với người LGBT+ trên khắp thế giới và đưa ra các khuyến nghị đối với các nhà nước nhằm bảo vệ quyền của người LGBT+. Dựa trên báo cáo thực trạng về vấn đề quyền của người LGBT+, tháng 6/2012, Văn phòng Cao ủy nhân quyền Liên Hợp Quốc đã xuất bản cuốn cẩm nang “Sinh ra tự do và bình đẳng – Khuynh hướng tính dục và Bản dạng giới trong Luật nhân quyền quốc tế” (HR/PUB/12/06) chỉ ra những nghĩa vụ của các nhà nước trong việc bảo vệ quyền của người LGBT+.

Như vậy, trong gần hai thập kỷ gần đây, Liên Hợp Quốc đã có những nỗ lực đáng kể liên quan đến việc bảo vệ quyền con người của người LGBT+. Trên cơ sở Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1948, hai công ước quốc tế về các quyền con người cơ bản năm 1966 và sau gần hai thập kỷ nỗ lực rõ rệt, cộng đồng nhân loại tiến bộ đã bước đầu thống nhất một số tiêu chuẩn về quyền của người LGBT+, bao gồm quyền trong TTHS của họ. Những tiêu chuẩn này được thể hiện trong các Tuyên bố, Nghị quyết, Cẩm nang được dẫn chiếu trên và trong đó, đặc biệt phải kể đến Bộ nguyên tắc Yogyakarta được coi như tuyên ngôn toàn cầu về quyền của người LGBT+. Các văn bản này được xây dựng trên quan điểm không thiết lập ra những quyền riêng biệt dành riêng cho người LGBT+ mà hướng tới yêu cầu bảo đảm sự thực thi của các quyền con người trong các văn bản luật pháp quốc tế đã có trên cơ sở không phân biệt đối xử với người LGBT+ và nhấn mạnh nghĩa vụ của các nhà nước trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ quyền của người LGBT+.

Trực tiếp liên quan đến vấn đề quyền con người trong TTHS của nhóm xã hội dễ tổn thương này, các văn bản đã được thông qua tập trung vào việc bảo vệ người LGBT+ khỏi việc bị truy cứu, trừng phạt vì hành vi quan hệ tình dục theo khuynh hướng tính dục riêng của họ; bảo đảm quyền bình đẳng giới giữa mọi bản dạng giới; chống phân biệt đối xử và bạo lực dựa trên khuynh hướng tính dục và bản dạng giới; ngăn chặn những đối xử không có tính nhân văn và hạ thấp nhân phẩm đối với người LGBT+ trong TTHS. Những yêu cầu cụ thể về quyền của người LGBT+ trong TTHS được phân tích ở mục 3 dưới đây sẽ phản ảnh rõ hơn về nỗ lực và thành tựu bước đầu của Liên Hợp Quốc ghi nhận, bảo vệ quyền con người của người LGBT+

Trần Thị Hồng Lê

 Viện Quyền con người – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *