Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
19033

Ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tội phạm mua bán người thông qua con đường di cư trái phép

Hàng năm, lực lượng Công an chủ trì, phối hợp với lực lượng Biên phòng đồng loạt ra quân triển khai thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm nhằm đảm bảo ANTT dịp Tết Nguyên đán. Từ năm 2016 đến nay, các lực lượng chức năng đã điều tra, khám phá hơn 1.000 vụ, bắt trên 1.300 đối tượng phạm tội mua bán người; mua bán người dưới 16 tuổi; xác minh, giải cứu, tiếp nhận trên 5.000 trường hợp, trong đó, xác định gần 1.800 trường hợp là nạn nhân bị mua bán.

Nhằm ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tội phạm mua bán người, nhất là thông qua di cư trái phép ra nước ngoài, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng đã quan tâm chỉ đạo và trực tiếp ban hành nhiều văn bản: Phê chuẩn Công ước phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em; Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người; Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (2011); Bộ luật Hình sự (2015) và Luật sửa đổi, bổ sung Bộ Luật hình sự (năm 2015), trong đó, sửa cơ bản các điều luật liên quan đến tội phạm mua bán người theo hướng mở rộng hành vi và tăng mức hình phạt, tiếp cận với pháp luật quốc tế.

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức vẫn là biện pháp quan trọng

Trong lĩnh vực di cư lao động: Quốc hội thông qua Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (2006) và Chính phủ, Bộ, ngành có liên quan, nhất là Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành. Đối với lao động qua lại biên giới đường bộ, Chính phủ đã ký kết và triển khai thực hiện có hiệu quả các điều ước quốc tế với Căm-pu-chia, Lào và Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động được qua biên giới lao động nhằm hạn chế tình trạng di cư trái phép dễ bị lừa bán người ra nước ngoài, cụ thể:

Năm 2009, Việt Nam và Trung Quốc ký 03 hiệp định quan trọng liên quan đến việc qua lại biên giới của công dân 02 nước, gồm: Hiệp định về phân giới cắm mốc biên giới đất liền; Hiệp định về quy chế quản lý biên giới đất liền; Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới đất liền. Để triển khai thực hiện các hiệp định này, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 43/TT (2011) hướng dẫn việc cấp Giấy thông hành xuất nhập cảnh cho công dân Việt Nam sang các tỉnh, thành phố biên giới của Trung Quốc tiếp giáp với Việt Nam; Thông tư số 67/TT (2013) quy định việc cấp giấy thông hành xuất, nhập cảnh vùng biên giới cho công dân Việt Nam qua lại biên giới giữa hai nước.

Năm 1990, Việt Nam và Lào ký Hiệp định về quy chế biên giới giữa hai quốc gia (được sửa đổi, bổ sung năm 1997). Để triển khai thực hiện hiệp định này, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 41/TT (2011) hướng dẫn việc cấp Giấy thông hành biên giới cho công dân Việt Nam sang Lào và giấy phép đến các tỉnh, thành phố của Việt Nam cho công dân Lào.

Đối với Căm-pu-chia: Việt Nam đã ký với Căm-pu-chia về Hiệp ước quy chế biên giới (1983); Hiệp ước hoạch định biên giới (ký năm 1985 và sửa đổi, bổ sung năm 2005). Để triển khai thực hiện các hiệp ước này, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 42/TT (2011) hướng dẫn việc cấp Giấy thông hành biên giới cho cán bộ, viên chức, công dân Việt Nam sang Căm-pu-chia.

Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản triển khai Luật Phòng, chống mua bán người; phê duyệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia phòng, chống mua bán người và các đề án trong từng giai đoạn; phê duyệt “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người – 30/7” hàng năm, trong đó, có nội dung trọng tâm là phòng, chống mua bán người thông qua di cư trái phép ra nước ngoài. Đặc biệt, ngày 03/5/2018, Bộ Công an đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về ngăn chặn, đấu tranh tình trạng công dân Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở nước ngoài nhằm hạn chế tình trạng tội phạm mua bán người lợi dụng để đưa người ra nước ngoài bán.

               Bộ Công an đã ban hành nhiều kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn Công an các địa phương phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan, tiến hành tổng điều tra, rà soát về tình hình hoạt động tội phạm mua bán người và đối tượng khác có liên quan, tập trung rà soát vụ việc, đối tượng phạm tội, nạn nhân bị mua bán, nghi bị mua bán trên; các trường hợp kết hôn với người nước ngoài, hoạt động mua bán người; tăng cường công tác nắm tình hình, kiên quyết triệt xoá các đường dây đưa người xuất cảnh trái phép; các cơ sở môi giới hôn nhân, cho nhận con nuôi bất hợp pháp, các tụ điểm tổ chức cho người nước ngoài xem mặt phụ nữ Việt Nam muốn kết hôn với người nước ngoài. Đồng thời, chỉ đạo việc chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, nhất là trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh, quản lý cư trú, quản lý người nước ngoài.

Hàng năm, lực lượng Công an chủ trì, phối hợp với lực lượng Biên phòng đồng loạt ra quân triển khai thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm nhằm đảm bảo ANTT dịp Tết Nguyên đán, đặc biệt là ban hành kế hoạch, tổ chức lực lượng, triển khai thực hiện các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên toàn quốc (từ ngày 01/7 đến ngày 30/9 hàng năm). Từ năm 2016 đến nay, các lực lượng chức năng đã điều tra, khám phá hơn 1.000 vụ, bắt trên 1.300 đối tượng phạm tội mua bán người; mua bán người dưới 16 tuổi; xác minh, giải cứu, tiếp nhận trên 5.000 trường hợp, trong đó, xác định gần 1.800 trường hợp là nạn nhân bị mua bán.

          Các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng, với các hình thức, biện pháp phong phú, đa dạng, trọng tâm trong các tháng cao điểm hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người- 30/7”:

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo ngành dọc phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy đưa nội dung tuyên truyền phòng, chống mua bán người vào định hướng hàng tháng tại hội nghị giao ban báo chí; chỉ đạo các cơ quan báo chí phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác này; định hướng người sử dụng dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, Internet đăng tải bài viết về phòng, chống mua bán người trên trang thông tin cá nhân, mạng xã hội để tăng cường hiệu quả truyền thông; chỉ đạo các nhà xuất bản và đối tác liên kết đưa nội dung thông tin ngày 30/7 hằng năm là “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” triển khai đồng bộ từ mùa lịch năm 2021; đã phát sóng gần 5.000 phóng sự, tin bài về phòng, chống mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thiết chế cơ sở; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục nhằm cung cấp thông tin, hướng dẫn cho người dân kỹ năng xử lý tình huống liên quan đến mua bán người.

Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức các hoạt động triển khai thực hiện “Chiến lược truyền thông thay đổi hành vi tại cộng đồng”, trọng tâm là: Phối hợp Bộ Công an, UBND tỉnh Lào Cai, Đồng Tháp, Sơn La, Lạng Sơn và Nghệ An tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người -30/7”; Tổ chức đối thoại chính sách về phòng, chống mua bán người, di cư lao động an toàn tại các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên, tuyên truyền cho đồng bao dân tộc tại các địa bàn biên giới về di cư an toàn, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống mua bán người; Xây dựng, nhân rộng các mô hình phòng ngừa, hỗ trợ nạn nhân hiệu quả, điển hình là mô hình “Tiếng kẻng biên giới”; tổ chức cho nhân dân ký cam kết không xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc; Chỉ đạo Hội phụ nữ địa phương phối hợp các tổ chức quốc tế tổ chức hàng trăm lớp tập huấn cho cán bộ hội tại các tỉnh biên giới nhằm nâng cao năng lực, phản biện xã hội về bình đẳng giới và phòng, chống mua bán người.

Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam theo dõi tình hình tội phạm mua bán người có liên quan công dân Việt Nam; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các cơ quan chức năng trong nước và sở tại, các tổ chức quốc tế tiến hành các hoạt động tuyên truyền cho cộng đồng người Việt Nam sở tại nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa và tham gia đấu tranh chống tội phạm mua bán người.

          Các Bộ, ngành chức năng và các địa phương đều đã ban hành kế hoạch chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm; phòng, chống mua bán người, gắn với chương trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; duy trì giao ban, trao đổi đoàn các cấp; đàm phán, ký kết các thỏa thuận, biên bản ghi nhớ, lập đường dây nóng, trao đổi thông tin, khảo sát, điều tra, bắt giữ, chuyển giao đối tượng; giải cứu, hồi hương nạn nhân, truyền thông nâng cao nhận thức; hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, giữ gìn an ninh biên giới, chống xuất nhập cảnh trái phép…

Bộ Ngoại giao tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan đại diện Việt Nam thực hiện công tác bảo hộ, sử dụng hiệu quả Quỹ bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, triển khai Tổng đài (+84981848484) để giải quyết kịp thời các chức năng lãnh sự; tích cực tuyên truyền, giáo dục, giúp đỡ công dân Việt Nam; phối hợp với các cơ quan chức năng nước sở tại ngăn chặn tình trạng đưa người di cư trái phép, môi giới hôn nhân, cho nhận con nuôi bất hợp pháp, tích cực trợ giúp các trường hợp phụ nữ Việt Nam bị gia đình nhà chồng ngược đãi, lừa bán và tạo điều kiện cho họ sớm về nước.

Đặc biệt, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt ngày 30/7 hằng năm là “Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người”, công tác truyền thông phòng, chống mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại cộng đồng, số lượng tin, bài tuyên truyền luôn tăng cao, nhất là các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người -30/7”; xây dựng, duy trì hàng nghìn mô hình, câu lạc bộ lồng ghép phòng, chống mua bán người; các cơ quan tư pháp phối hợp chặt chẽ trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người; công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng được chú trọng; hợp tác quốc tế được tăng cường và mở rộng, chú trọng tham gia các cơ chế pháp lý song phương, đa phương về phòng, chống mua bán người, nhờ đó, đã góp phần kiềm chế sự gia tăng của tội phạm mua bán người.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *