Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
34537

Mượn danh nữ quyền để chống Nhà nước?

 

Nhân ngày Quốc tế Dân chủ 15/09, tổ chức chống cộng ở hải ngoại mang tên “Liên minh Dân chủ Việt Nam” đã tổ chức một buổi hội thảo trực tuyến với đề tài “Nữ quyền dưới chế độ Cộng sản Việt Nam”. Theo lời tường thuật của đài RFA tiếng Việt, hội thảo này đã thu hút sự tham gia của “những đại diện văn phòng các dân biểu Mỹ”. Thật đáng tiếc, hội thảo này đã cung cấp cho cử tọa rất ít thông tin hữu ích về tình hình quyền phụ nữ tại Việt Nam. Thay vào đó, nó chỉ lấy cái cớ độc đảng để phủ nhận mọi tiến bộ về nữ quyền ở Việt Nam, cùng những điểm mà Việt Nam tiến bộ hơn các nước khác.

Chẳng hạn, ngay đầu hội thảo, chủ tọa Nguyễn Linh đã nói rằng:

“Nhân ngày dân chủ quốc tế, chúng ta nhớ ra rằng 100 triệu người Việt Nam không hề tự do, vì Việt Nam không cho phép bầu cử tự do và công bằng. Hệ thống đóng kín này gây ra nhiều bất công với phụ nữ.”

Nhưng những bất công cụ thể mà hệ thống chính trị của Việt Nam gây ra cho phụ nữ là gì, thì Nguyễn Linh không thể chỉ ra. Thay vào đó, những người dự hội thảo chỉ loanh quanh viện cớ “độc đảng” để phủ nhận những tiến bộ về nữ quyền mà Việt Nam đã đạt được/

Chẳng hạn, một diễn giả trong hội thảo nói rằng dù Quốc hội Việt Nam có 27% đại biểu nữ – nhiều hơn 10% của Nhật Bản, 19% của Hàn Quốc, và 23% của Mỹ – con số này là vô giá trị, vì các đại biểu Quốc hội của Việt Nam đều do Đảng Cộng sản chỉ định, chứ không được bầu ra một cách tự do.

Khi thấy “Chỉ số Cách biệt giới tính về mặt kinh tế” của Việt Nam đứng thứ 31 trên tổng số 146 quốc gia được đề cập trong nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào năm 2022, một diễn giả khác của hội thảo cũng lên tiếng phản bác. Ông ta nói rằng “phụ nữ Việt Nam vẫn chịu nhiều bất công trong luật thuế thu nhập doanh nghiệp và luật bảo hiểm xã hội, và theo một nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế, họ vẫn nhận nhiều thiệt thòi trong lương bổng và chịu nhiều rủi ro thất nghiệp”. Nhưng hỏi thật, có quốc gia nào không tồn tại bất bình đẳng giới về thu nhập hay không? Những lời công kích vừa nêu không phủ nhận được thứ hạng của Việt Nam, mà chỉ là màn bới bèo ra bọ.

Tiếp đó, ông này nói rằng “những con số thống kê trong báo cáo nêu trên đều do Đảng Cộng sản cung cấp nên có khả năng không đáng tin cậy”. Nói vậy, hóa ra bảo Diễn đàn Kinh tế Thế giới ngốc hơn ông? Và nếu mọi số liệu đều không đáng tin cậy, thì các ông tổ chức hội thảo này để làm gì? Đây là quy chụp, chứ đâu còn là một hội thảo khoa học?

Diễn giả tiếp theo trích dẫn một nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, theo đó “tại Việt Nam, đàn ông thường dễ học lên cao hơn”. Lý do là “phụ nữ phải đổi mặt với nhiều tiêu chuẩn xã hội bất công như việc lập gia đình, nuôi dạy con và chăm lo việc nhà, vì theo những tiêu chuẩn này, phụ nữ phải đặt gia đình lên trên hết”. Nhưng ông này đã lạc đề: các xã hội Á Đông đều gặp vấn đề đó, chứ riêng gì “cộng sản Việt Nam”? Và khi trích lời Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, một viện trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, ông này đã vô tình phủ nhận quan điểm của diễn giả trước ông, rằng mọi “số liệu do cộng sản cung cấp” đều không có giá trị.

Diễn giả tiếp theo nói rằng “hơn 90% trong số 7.500 nạn nhân buôn người từ năm 2012 đến năm 2017 là phụ nữ”. Nhưng tỉ lệ này là do “chế độ cộng sản”, hay do cung cầu trên thị trường buôn người mà ra? Khi nhiều phụ nữ Việt Nam bị bán sang các nước đa đảng, như Campuchia là ví dụ gần nhất, thì chế độ đa đảng có hay không chịu trách nhiệm về vấn đề này? Vấn đề này thì bà ta không nói.

Tóm lại, hội thảo này không hề bám sát chủ đề chính, là tình trạng bất bình đẳng giới ở Việt Nam. Thay vào đó, nó chỉ mượn chuyện nữ quyền để xin nước ngoài hỗ trợ lật đổ chế độ. Ta thấy rõ việc này khi hội thảo không đưa ra được giải pháp nào khác, ngoài việc xin cấp tiền cho các tổ chức chống cộng, và việc đòi áp dụng Đạo luật Magnitsky với Việt Nam. Đây chỉ là một trò cơ hội chính trị, mà giới dân chửi làm ra khi vấn đề nữ quyền đang được thế giới chú ý.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *