Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
57053

THƯƠNG MẠI DỰA TRÊN NGUỒN VỐN CON NGƯỜI KỲ 1: CHIẾN LƯỢC MỚI

Đại dịch toàn cầu COVID-19 đã cho thấy những rủi ro của việc phụ thuộc vào một nguồn cung hoặc các chuỗi cung ứng được tổ chức quá dàn trải. Sự gián đoạn ngắn hơn đã xảy ra thường xuyên hơn. Các giám đốc điều hành chuỗi cung ứng báo cáo rằng các ngành công nghiệp của họ đã trải qua sự gián đoạn nguyên liệu kéo dài trung bình một tháng hoặc lâu hơn sau mỗi 3,7 năm. Tất cả điều đó cho thấy nhu cầu cấp bách đối với cả doanh nghiệp và từng quốc gia trong việc bảo đảm an ninh chuỗi cung ứng. Bên cạnh cách tiếp cận nhằm xây dựng các chiến lược thương mại thông minh để giảm thiểu rủi ro từ chính trị quốc tế, quốc gia và doanh nghiệp tham gia vào quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng còn cần chú trọng đến yếu tố môi trường trong chuỗi mới và vai trò của con người trong quá trình xây dựng chuỗi.

KỲ 1: CHIẾN LƯỢC MỚI

Ở cấp độ quốc gia, việc tái cơ cấu chuỗi cung ứng có thể bắt đầu bằng các chính sách đối ngoại để gia nhập các sáng kiến chuỗi cung ứng mới do các quốc gia khác cùng khởi xướng, cũng có thể bắt đầu bằng một chiến lược chuyển đổi số thông minh và táo bạo hơn hoặc bằng cách thu hút các doanh nghiệp nước ngoài trong các lĩnh vực mới. Tuy nhiên, trong quá trình tái cơ cấu chuỗi cung ứng, điều các quốc gia và doanh nghiệp cần chú ý không chỉ là tính hiệu quả về mặt kinh tế của chuỗi mới mà cả việc các chuỗi này có đáp ứng được các thách thức ngày càng gay gắt về môi trường và hướng đến việc bảo đảm việc làm, vai trò trung tâm của con người trong các hoạt động kinh tế thường ngày hay không.

Thách thức ngày càng rõ nét với chuỗi cung ứng toàn cầu

Trong 20 năm qua, các chuỗi giá trị ngành đã đạt mức độ chuyên môn hóa cao rất cao với việc sản xuất các thành phần quan trọng đôi khi chỉ tập trung ở một hoặc hai quốc gia. Dữ liệu của UN Comtrade cho thấy Trung Quốc và Ấn Độ xuất khẩu 42% nguyên liệu kháng sinh toàn cầu (sản phẩm API) tính theo giá trị, trong đó Trung Quốc xuất khẩu 75% streptomycin và 52% penicilin. Xuất khẩu vi mạch tích hợp điện tử (chất bán dẫn) của Đài Loan chiếm tới 43% giá trị toàn cầu của các bộ phận như vậy và Đài Loan và Hàn Quốc sản xuất hầu hết các loại chip tiên tiến trên thế giới. Trung Quốc xuất khẩu 3/4 máy tính cá nhân và 2/3 điện thoại di động trên toàn cầu. Tổng cộng, nghiên cứu đã phát hiện ra 180 sản phẩm với giá trị 134 tỷ USD trong năm 2019 hầu như chỉ được xuất khẩu bởi một quốc gia duy nhất. Các cú sốc ở bất kỳ quốc gia nào trong số đó đều có thể dẫn đến tắc nghẽn, trừ khi có thể nhanh chóng tìm ra các giải pháp thay thế. Mặc dù có các cảnh báo về tính rủi ro ngày càng gia tăng của chuỗi cung ứng khi chuỗi ngày càng phân mảnh, các công ty và cả quốc gia dường như chưa có sự chuẩn bị mang tính chiến lược cho các sự cố toàn cầu của chuỗi.

Vào tháng 9/2020, đại dịch COVID-19 đã khiến 60-70% hoạt động chế tạo/chế biến toàn cầu rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Trung Quốc đóng góp 7% vào giá trị gia tăng toàn cầu ngành chế tạo, tại châu Á, sự đóng góp này là 13% với Hàn Quốc và 17% với vùng lãnh thổ Đài Loan. Số liệu thống kê cho thấy ít nhất 51.000 công ty (163 công ty trong đó nằm trong danh sách Fortune 1000) của thế giới có một hoặc nhiều nhà cung cấp cấp 1 trong khu vực bị ảnh hưởng và ít nhất 5 triệu công ty khác trên toàn thế giới có một hoặc nhiều nhà cung cấp cấp 2 trong khu vực bị ảnh hưởng ở Trung Quốc.

Vào tháng 2/2021, đợt đóng băng sâu hiếm gặp và mất điện ở Texas đã làm gián đoạn một số nhà máy hóa dầu, gây ra tình trạng thiếu chất dẻo và hạt nhựa quan trọng cho một loạt ngành công nghiệp. Các công ty ô tô trên thế giới đã phải cắt giảm sản xuất do thiếu chất bán dẫn. Tháng 4/2021, một siêu tàu chở hàng đã chắn ngang kênh đào Suez, đóng băng tuyến đường thương mại toàn cầu quan trọng.

Những sự cố này cảnh báo về sự mong manh của chuỗi cung ứng toàn cầu, một vấn đề mà đại dịch COVID-19 đã đẩy “an ninh chuỗi cung ứng” lên vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự của các CEO. Các chuỗi giá trị ngành thường kéo dài hàng nghìn công ty và cấu hình của chúng phản ánh sự chuyên môn hóa, khả năng tiếp cận thị trường tiêu dùng trên khắp thế giới, các mối quan hệ lâu đời và tính kinh tế theo quy mô. Những sự kiện gần đây đã nhấn mạnh rằng các chuỗi cung ứng được tạo ra để phân phối hàng hóa “đúng giờ, mọi lúc, mọi nơi” cần chuẩn bị cho các tình huống “ngộ nhỡ”.

Nhưng không chỉ có các tác nhân mang tính “thiên tai”, những tác nhân mang tính con người cũng làm gia tăng sự rủi ro cho chuỗi, đó là chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng do ảnh hưởng chính trị hoặc dịch bệnh. Báo cáo của Global Trade Alert cho biết trong năm 2020, các chính phủ trên thế giới đã áp đặt tổng cộng 2.031 biện pháp can thiệp chính sách ảnh hưởng đến thương mại quốc tế, tăng 74% so với cùng kỳ năm 2019 và cao hơn 147% so với mức trung bình trong giai đoạn 2015-2017. Ba trong số bốn biện pháp can thiệp này đã hạn chế thương mại xuyên biên giới, như hạn chế xuất khẩu vật tư, thiết bị y tế và thuốc. Nhiều hạn chế trong số đó không có thời hạn. Gần đây, đã có một loạt các hạn chế đối với xuất khẩu vaccine. Mặc dù các biện pháp phản ứng này có thể giúp giảm bớt thiếu hụt trong nước trong thời kỳ đại dịch, nhưng chúng không giải quyết được các vấn đề cơ bản trong khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và sẽ khiến các quốc gia dễ bị tổn thương trước những cú sốc trong tương lai.

Chiến lược thương mại mới hướng đến nguồn vốn con người

Ba cách tiếp cận cần được chú trọng trong quá trình một quốc gia tham gia vào chuỗi cung ứng mới, đang định hình hoặc cải thiện vị trí của mình trong chuỗi cung ứng bao gồm: (i) xây dựng các chiến lược thương mại thông minh để giảm thiểu rủi ro từ chính trị quốc tế; (ii) chú trọng đến yếu tố môi trường trong chuỗi mới và (iii) quan tâm đúng mức về vai trò của con người trong quá trình xây dựng chuỗi. Những tiếp cận mới này kết hợp với việc đầu tư đầy đủ cho nền tảng hạ tầng kĩ thuật số và quá trình chuyển đổi số quốc gia sẽ giúp tạo ra các lợi thế mới trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu cho một quốc gia.

Khoảng cách địa lý và nhân công giá rẻ ngày càng ít có giá trị trong việc các công ty đa quốc gia quyết định đặt chuỗi cung ứng của mình ở đâu. Trong khi đó, các yếu tố về nguồn nhân lực chất lượng cao, mức độ thâm dụng tri thức của nền kinh tế sẽ làm thay đổi cuộc chơi trong dài hạn. Điều này hàm ý rằng, việc duy trì các ưu tiên trong chính sách thương mại và xây dựng chuỗi cung ứng đi kèm cần chú ý đến ảnh hưởng ngày càng lớn của chất lượng nguồn nhân lực trong mỗi đơn vị giá trị xuất khẩu.

Nghiên cứu của McKinsey (2019) cho thấy chỉ có 18% thương mại hàng hóa ngày nay dựa trên lợi thế về lao động giá rẻ, trong nhiều chuỗi giá trị, tỷ lệ đó đã giảm trong suốt thập kỷ qua. Việc một công ty đặt nhà xưởng ở nơi xa hơn so với ban đầu sẽ ít có khả năng làm tăng chi phí tổng thể (do sự suy giảm về lợi thế nguồn cung sẽ được bù đắp bởi lợi ích mà logistics và thương mại điện tử tạo ra). Một số tiến bộ, như nền tảng kỹ thuật số, blockchain và Internet vạn vật (IoT) sẽ tiếp tục giảm chi phí giao dịch và logistics, thời gian vận chuyển và xử lý hải quan sẽ giảm 16 – 28% so với hiện nay. Các chuỗi cung ứng toàn cầu đang ngày càng mang tính thâm dụng tri thức hơn và phụ thuộc vào lao động kỹ năng cao.

Bên cạnh đó, việc có các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng là một cách tiếp cận mới, hiệu quả để thay đổi và điều hướng nguồn cung trong tương lai. Mỗi một FTA không chỉ là cánh cổng để các doanh nghiệp xuất khẩu tìm đến các thị trường dễ dàng hơn mà còn là một cánh cổng sàng lọc các nguồn cung đầu vào. Tiếp cận về đa dạng hóa nguồn cung không chỉ cần tiếp cận từ góc độ “phần cứng” là sự sắp xếp lại của các nhà máy, công ty theo phạm vi địa lý mà còn cần theo dõi cả sự dịch chuyển của “phần mềm” chính là các quy định vượt ra ngoài phạm vi địa lý giữa các quốc gia với nhau để đạt được các ưu đãi đã ký kết. Việt Nam sở hữu điều kiện vàng để tham gia vào làn sóng định hình chuỗi cung ứng 2.0 ở khu vực.

Đại dịch COVID-19 đang tạo ra nhu cầu điều chỉnh và nâng cấp chuỗi cung ứng một cách mạnh mẽ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Các đề xuất mới về đa dạng hóa chuỗi cung ứng đã được các quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương chính thức đề cập. Ở khía cạnh này, Việt Nam có hai thuận lợi so với các nước trong khu vực Đông Nam Á: (i) có số lượng FTA nhiều nhất (13 đã ký và có hiệu lực, 3 đang đàm phán); (ii) có nhiều FTA chất lượng cao và mức độ yêu cầu khó nhất (EVFTA và CPTPP). Như vậy, phần mềm của việc tạo ra chuỗi cung ứng 2.0 của Việt Nam đã đầy đủ: các doanh nghiệp đã được chuẩn bị sẵn mọi điều kiện ưu đãi để vận hành, hệ thống thông tin đã được chuẩn bị sẵn dải băng thông rộng và hệ thống cáp quang.

Các nhà hoạch định chính sách có nhiều lựa chọn để nâng cao khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng quốc gia. Nhiều hàng hóa hoặc nguyên liệu đầu vào quan trọng có thể được lưu trữ trong kho dự trữ quốc gia tương tự như các công ty nắm giữ nhiều hàng tồn kho hơn. Một khả năng khác là tạo động lực cho sản xuất trong nước để tăng nguồn cung từ các nhà sản xuất nước ngoài. Các chính phủ có thể thiết lập chức năng giám sát rủi ro chuỗi cung ứng quốc gia để phân tích dữ liệu thương mại và dò tìm những gián đoạn tiềm ẩn.

Tháng 9/2020, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản đã công bố Sáng kiến ​​Chuỗi cung ứng mang tính phục hồi (the Resilient Supply Chain Initiative) nhằm giải quyết “nhu cầu cấp thiết về hợp tác khu vực về khả năng phục hồi chuỗi cung ứng ở Ấn Độ-Thái Bình Dương”. Điều này dẫn đến một số công ty điện tử tiêu dùng toàn cầu công bố kế hoạch xây dựng các cơ sở sản xuất ở Ấn Độ và một số nước Đông Nam Á, bao gồm Foxconn, Samsung và Apple. Liên minh châu Âu đã công bố Kế hoạch hành động về các nguyên liệu thô quan trọng (Action Plan on Critical Raw Materials) và bản Danh mục năm 2020 cho các nguyên liệu thô quan trọng (the 2020 List of Critical Raw Materials). Kế hoạch Việc làm của Mỹ (American Job Plan) được đề xuất bao gồm hơn 500 tỷ USD để “phục hồi sản xuất, chuỗi cung ứng, đầu tư vào R&D và đào tạo lực lượng lao động”. Với kỹ thuật sản xuất tiên tiến, Mỹ có thể cạnh tranh với Trung Quốc và các quốc gia sản xuất khác về chi phí lao động đơn vị (điều chỉnh tiền lương theo năng suất) và tăng GDP sản xuất hàng năm lên tới 450 tỷ USD. Đây là cơ hội lớn của Việt Nam khi đã có FTA với châu Âu và tham gia vào một FTA quan trọng khác là CPTPP cũng như duy trì được quan hệ đối ngoại giàu thiện chí và chủ động với Mỹ.

Chương cuối cùng của toàn cầu hóa, được xác định trong một phần tư thế kỷ qua bằng cách tạo ra các chuỗi giá trị toàn cầu dài, phức tạp, được tối ưu hóa cho sản xuất đúng lúc, đã kết thúc. Trong tương lai, các công ty sẽ ưu tiên xây dựng khả năng phục hồi trong chuỗi cung ứng của họ và các nhà hoạch định chính sách sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong việc hỗ trợ sản xuất hàng hóa trong nước quan trọng đối với an ninh kinh tế. Dòng chảy thương mại và chuỗi giá trị có thể chuyển sang bao gồm các nhóm quốc gia khác nhau. Điều này không có nghĩa là thế giới sẽ phi toàn cầu hóa, hoặc thậm chí toàn cầu hóa sẽ chậm lại. Nhưng chắc chắn chuỗi cung ứng sẽ được tái cấu trúc và các quốc gia sẽ tìm thấy các cơ hội cũng như các thách thức mới từ quá trình vừa phức tạp nhưng cũng vừa then chốt này.■

                                                                                  PHẠM SỸ THÀNH

 

Box: Dịch bệnh, căng thẳng chính trị, biến đổi khí hậu và tiến bộ công nghệ đang khiến việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng trở nên vừa cấp thiết vừa mang tính khả thi cao hơn. Hiện nay có bốn khả năng “đa dạng hóa chuỗi cung ứng” tương ứng với bốn nhóm ngành có đặc tính khác nhau bao gồm (1) đưa hoạt động sản xuất về trong nước hoặc ở gần nước mình (reshoring); (2) đa dạng hóa chuỗi (diversification); (3) khu vực hóa chuỗi (regionalization); (4) nhân rộng chuỗi (replication).

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *