Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
18988

Đổi mới giáo dục có phải là “phụ huynh luôn đúng và nhà trường luôn sai”?

Lĩnh vực giáo dục vốn nhạy cảm, dễ dàng công kích theo hướng dân túy, đặc biệt dễ kích động phản ứng bất mãn, a dua từ dư luận. Bởi vậy, chúng ta thường thấy một nhóm người tự xưng “đấu tranh dân chủ” online đang bế tắc đường lối “đấu tranh”, cạn nguồn để chống phá chính thể thì họ quay sang làm “kền kền” ăn theo tin tức giật tít, câu view từ báo chí thương mại. Chẳng hạn, họ thường nhân danh quyền lợi của học sinh và phụ huynh để đưa ra những phán xét vô căn cứ về tình hình giáo dục Việt Nam, bất chấp hậu quả rất có thể đang góp phần khiến giáo dục xuống cấp.

Hãy lấy một bài viết ngắn mà ông Chu Mộng Long đăng lên Facebook cá nhân của mình hôm 03/06 làm ví dụ. Trong bài này, Chu Mộng Long lớn tiếng hô hào “phụ huynh, thậm chí học sinh phải đứng lên” thắp “ngọn lửa đấu tranh” nhằm chống thứ “giặc nội xâm” nào đó mà ông ta không nói rõ. Nhưng đâu là lý do để đấu tranh? Chu Mộng Long dẫn một bài viết trên báo Gia Lai, kể chuyện “nhiều phụ huynh trường Tiểu học Cù Chính Lan, thành phố Pleiku, gửi đơn kiến nghị vì con em bị đánh giá “chưa hoàn thành” môn Âm nhạc, phải học lại vào dịp hè”, và cho rằng đây là dấu hiệu của tham nhũng trong giáo dục.

Chu Mộng Long viết:

“Chuyện đánh trượt một cách vô lý (bằng đề thi vượt tiềm năng học sinh, bằng trò đánh đố, học thuộc lòng bài mẫu…), không chỉ môn Âm nhạc mà nhiều môn khác, để bắt ép học sinh học thêm hoặc phụ huynh chạy điểm, đang là vấn nạn giáo dục từng diễn ra rất nhiều năm.

(…) Bộ, Sở, Phòng làm ngơ thì đến lúc phụ huynh, thậm chí học sinh phải đứng lên thôi!

Học Đất nước đứng lên, học Rừng xà nu để làm gì khi ngọn lửa đấu tranh ngày một tàn lụi trước đám giặc nguy hiểm hơn cả giặc ngoại xâm?”

Tuy nhiên khi tìm hiểu nguồn căn sự việc, người ta sẽ thấy vụ việc có bản chất hoàn toàn khác với những gì mà Chu Mộng Long mô tả bằng giọng điệu xuyên tạc, công kích.

Cụ thể, trong năm học 2022-2023, ngôi trường 800 học sinh này chỉ có tổng cộng 10 học sinh chưa hoàn thành chương trình học môn Âm nhạc. Nói cách khác, tỉ lệ không đạt và phải học bổ túc trong hè là 1,25% – một con số rất nhỏ. Ở mọi quốc gia, kể cả những nước đồng minh của Mỹ mà đông đảo giới chống cộng đang tị nạn, trường học luôn có những học sinh không được lên lớp vì chưa hoàn thành môn học, chứ không thể có chuyện mọi học sinh đều qua môn. Nếu không làm vậy, chắc chắn sẽ nảy sinh câu chuyện học sinh chưa biết viết “ngồi nhầm lớp”.

Và nên nhớ 10 học sinh chưa đạt vừa nêu sẽ học bổ túc trong hè, chứ không ra ngoài học thêm. Vì vậy, trừ phi có chứng cứ cụ thể, Chu Mộng Long không thể quy kết rằng cô giáo làm vậy vì vụ lợi.

Khôi hài và tự mâu thuẫn với chính mình khi Chu Mộng Long ra sức nhiếc móc “bệnh thành tích” của các trường học, quy kết giáo dục Việt Nam đang xuống cấp phần nào vì một lý do khác, là “bệnh thành tích” của những phụ huynh và học sinh muốn lên lớp bằng mọi giá.

Tìm hiểu căn nguyên “bệnh thành tích” này, một phóng sự gần đây trên báo Tuổi Trẻ đã đưa ra các con số thống kê cho thấy tỉ lệ học sinh, sinh viên học và tốt nghiệp loại giỏi tăng chóng mặt, nhưng ngược lại, những lời than phiền về chất lượng nhân sự trẻ từ các công ty cũng ngày càng tăng. Chẳng hạn, trong đợt xét tốt nghiệp đợt 4 năm 2022 và đợt 1 năm 2023 của một trường đại học khá tiếng tăm ở miền Bắc, có khoảng 99% cử nhân tốt nghiệp xếp loại khá, giỏi, xuất sắc, tức chỉ có 1% tốt nghiệp loại trung bình – một con số mà thoạt nghe đã thấy ảo. Nhưng giáo viên có phải đối tượng hưởng lợi chính từ những con số thành tích này không? Số liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết chỉ tính từ năm 2021 đến tháng 8-2022, đã có đến 16.265 giáo viên nghỉ việc và hoàn toàn rời lĩnh vực giáo dục.

Nhiều giảng viên cho biết tình trạng vừa nêu xuất phát từ một thực tế, rằng áp lực của dư luận khiến họ buộc phải cho sinh viên qua môn và tốt nghiệp, thay vì đánh giá sinh viên một cách nghiêm khắc và công minh. Phóng sự trên báo Tuổi Trẻ dẫn chứng:

“Giảng viên đại học T.Q.A. nói hiện nhiều trường áp dụng cơ chế sinh viên được ‘chấm điểm’ giảng viên. Điều này về lý thuyết là tốt bởi giúp nhà trường, người dạy có thể nắm bắt những ưu điểm, khuyết điểm của mình và điều chỉnh phương pháp, kiến thức phù hợp. Tuy nhiên, việc này chỉ thật sự hiệu quả nếu người học có thái độ học tập tốt.

Theo giảng viên này, một số nghiên cứu chỉ ra tác động của mạng xã hội, gen Z có khuynh hướng bị cuốn hút bởi yếu tố thị giác, ít kiên nhẫn và thiếu tập trung. Các bạn trẻ chỉ thích học với các thầy cô có ngoại hình trẻ trung, vui vẻ, cho đề càng dễ, càng ít buộc phải tư duy càng tốt.

Không ít giảng viên cho biết hình ảnh gần 50% sinh viên ngồi trong lớp, tham gia các tiết học kỹ năng nhưng thường xuyên dán mắt vào điện thoại thay vì theo dõi bài giảng là ‘bình thường như cân đường hộp sữa’.

Tôi khuyến cáo trước không được dùng điện thoại trong lớp nên từng có lần tôi nói với một sinh viên phạm lỗi rằng hoặc tôi bước ra, hoặc em bước ra khỏi lớp. Và cuối cùng tôi chính là người phải bước ra vì em ngồi trơ đó’ – thầy T.N. (giảng viên một trường đại học tại quận Bình Thạnh, TP.HCM) nhớ lại đầy chua chát.”

Tình hình vừa nêu ít nhiều là kết quả của luồng dư luận hùa theo phụ huynh và học sinh khi có tranh chấp với nhà trường, bất kể bên nào đúng bên nào sai, mà Chu Mộng Long là một ví dụ. Giáo dục Việt Nam cần những đánh giá công tâm, những giải pháp mang tính xây dựng, thay vì những lời hô hào đập phá theo cách của những kẻ đang nhân danh “chống cộng”, “đấu tranh dân chủ” hay “cấp tiến” kiểu này.

Không phải tự dưng mà tổn chức quốc tế uy tín về giáo dục USNEWS xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 đã đánh giá Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020. Kết quả xếp hạng giáo dục quốc gia của USNEWS dựa trên khảo sát toàn cầu về 3 thuộc tính cùng trọng số của mỗi quốc gia: Có hệ thống giáo dục công phát triển tốt; mọi người có cân nhắc theo học đại học ở đó hay không; quốc gia đó cung cấp nền giáo dục chất lượng hàng đầu hay không. Trước đó, theo kết quả Chương trình đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thực hiện ba năm một lần, Việt Nam xếp hạng thứ 19 trong danh sách 20 quốc gia có nền giáo dục tốt nhất thế giới. Tuy ta không dựa trên một vài bảng xếp hạng đó mà tự hào, tự mãn, nhưng giáo dục là lĩnh vực nhạy cảm, liên quan thành bại quốc gia, sự hưng thịnh của dân tộc, việc không ngừng cải cách, khắc phục hạn chế, yếu kém, thậm chí thúc đẩy đưa ngành này thành lĩnh vực “công nghiệp” đem lại tương lai cạnh tranh với các thị trường có tiềm lực mạnh là mong muốn và nằm trong chiến lược của Đảng, Nhà nước. Để mong muốn đó thành hiện thực, cần những tinh thần xây dựng của mỗi người dân, chứ không cần kẻ “đục nước béo cò”, “đâm bị thóc chọc bị gậy”, chỉ muốn phá không muốn xây như Chu Mộng Long kia.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *