Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
18618

Cái nhìn méo mó về ngoại giao Việt Mỹ

 

Nhân chuyện Tổng thống Mỹ Joe Biden sắp thăm Việt Nam bàn việc nâng cấp quan hệ ngoại giao Việt Nam, những nhóm người sống dựa vào sự tài trợ và nâng đỡ của Mỹ, các tổ chức chống cộng cờ vàng đã nô nức hưởng ứng chuyến thăm Việt Nam sắp tới của tổng thống Mỹ Joe Biden bằng thái độ của những đứa bé đòi mẹ cho ăn. Họ liên tục soạn tuyên bố, tâm thư gửi ông Biden, cứ như thể nhìn nhận rằng tương lai chính trị của Việt Nam đang lệ thuộc vào người Mỹ nhiều hơn người Việt. Những văn bản mà họ vừa công bố đã hé lộ nhiều điều về động cơ của họ, cũng như độ vững chắc của những lập luận mà họ đưa ra. Để thấy điều này, ta hãy xem một văn bản tiêu biểu, là bản tuyên bố mà băng đảng Việt Tân đưa ra hôm 02/09.

Trong phần mở đầu của bản tuyên bố mang tựa đề “Nâng cao quan hệ Việt-Mỹ để đổi mới Việt Nam”, Việt Tân đã tốn khá nhiều giấy mực để công kích đường lối ngoại giao mà chính phủ Việt Nam đang áp dụng. Nói một cách ngắn gọn, họ đả kích đường lối ngoại giao đa phương, không kết đồng minh với nước này để chống lại nước khác, tìm cách giải quyết vấn đề dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế – như Việt Nam đã và đang thực hiện – và đòi Việt Nam kết đồng minh với Mỹ để chống Trung Quốc trên Biển Đông. Đi xa hơn, họ còn đòi Việt Nam từ bỏ quan hệ giao thương với Trung Quốc, để chỉ còn buôn bán với Mỹ và các đồng minh. Để thấy những lập luận mà họ sử dụng, xin trích nguyên văn đoạn đầu trong bản tuyên bố:

“Trung Quốc ngày càng trở nên hung hãn tại Biển Đông. Gần đây nhất là việc Trung Quốc ban hành bản đồ “đường 10 đoạn” mới đã làm cho nhiều quốc gia giận dữ phản đối. Trong thời gian qua, Trung Quốc đã liên tục tăng cường cho các tàu thuyền và hải cảnh hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, mặc cho phía Việt Nam nhiều lần lên tiếng phản đối. Điều này cho thấy chính sách “đu dây” của nhà nước CSVN đã không còn hiệu quả. Trung Quốc hiện không ngần ngại công khai tham vọng đánh chiếm Đài Loan, độc chiếm Biển Đông và khống chế khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Họ đã dùng vũ trang đánh chiếm Hoàng Sa và nhiều hòn đảo tại Trường Sa của Việt Nam, cũng như một số đảo của Phi Luật Tân. CSVN đã chọn chính sách nhân nhượng với những sự lên tiếng yếu ớt, thiếu dứt khoát. Chính sách này đã ngày càng đưa đất nước Việt Nam vào thế yếu, luôn bị chèn ép và ràng buộc bởi gọng kìm kinh tế và chính trị của Trung Quốc.”

Bình luận về trò hề này, một cây viết bình phẩm vô số lỗ hổng trong lập luận. Một mặt, Việt Tân tuyên bố rằng chính sách ngoại giao độc lập đa phương của Việt Nam không thể hiệu quả bằng chính sách của các nước thân Mỹ, mặt khác, họ cho biết “Trung Quốc hiện không ngần ngại công khai tham vọng đánh chiếm Đài Loan” và lấn chiếm các đảo của Philippines. Vậy chính sách thân Mỹ của Đài Loan và Philippines hiệu quả hơn Việt Nam ở chỗ nào, hay thực ra cũng không hơn? Khi Việt Tân không ngừng đòi Việt Nam quay sang thân Mỹ để được Mỹ hỗ trợ vũ khí chống Trung Quốc như Đài Loan và Philippines, liệu họ có nhận ra quan điểm của họ không hề có cơ sở thực tế?

Tiếp đến, Việt Tân phê phán rằng chính phủ Việt Nam chỉ đang “lên tiếng yếu ớt, thiếu dứt khoát” trước các hành vi gây hấn của Trung Quốc. Đây là một nhận xét sai sự thật, vì lời lẽ và hành động của Việt Nam trong vấn đề chủ quyền biển đảo không hề thiếu cương quyết hơn các phản ứng tương tự từ phía Philippines. Giới nghiên cứu quốc tế cũng thường xuyên bình luận rằng Việt Nam, chứ không phải Philippines, mới là quốc gia phản kháng một cách cứng rắn nhất trước các hành vi xâm phạm của Trung Quốc trên Biển Đông. Ta sẽ thấy cái nhìn của họ có cơ sở, nếu nhớ lại những nhượng bộ của chính quyền Duterte trước Trung Quốc.

Trong khi Việt Tân than thờ rằng đường lối đối ngoại hiện tại “ngày càng đưa đất nước Việt Nam vào thế yếu, luôn bị chèn ép và ràng buộc bởi gọng kìm kinh tế và chính trị của Trung Quốc”, tình hình thực tế đang diễn ra theo hướng ngược lại. Khi dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam đã nhanh chóng thế chỗ Trung Quốc trong nhiều quan hệ hợp tác kinh tế với Nhật Bản, Hàn Quốc và phương Tây. Trong tháng 9, tổng thống Mỹ từ chối dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN ở Jakarta, nhưng lại đến thăm Việt Nam. Những ví dụ này, cùng việc Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, và Hàn Quốc chiếm tỉ lệ lớn nhất trong tổng số người nước ngoài ở Việt Nam, cho thấy Việt Nam đang ngày càng bớt lệ thuộc vào Trung Quốc về mặt kinh tế và chính trị.

Vậy Việt Nam có lý do gì để từ bỏ đường lối ngoại giao độc lập, đa phương, chuyển sang cầu cạnh Mỹ để được Mỹ giúp “chống Trung Quốc”? Việt Tân không đưa ra đòi hỏi này vì lợi ích quốc gia hay chủ quyền biển đảo, mà vì động cơ riêng. Họ tin rằng khi Việt Nam lệ thuộc vào Mỹ, thì Mỹ sẽ thoải mái can thiệp vào chính trị Việt Nam nhân danh dân chủ, nhân quyền. Chính vì thế, mà ở cuối bản tuyên bố, họ viết rằng “Việc nâng cấp quan hệ ngoại giao giữa hai nước chỉ có giá trị khi vấn đề đàn áp nhân quyền tại Việt Nam được cải thiện”. Ơ lạ nhỉ? Nếu hai nước Việt-Mỹ cứ nâng cấp qua hệ bất chấp các đòi hỏi dán nhãn nhân quyền của giới chống cộng, thì Việt Tân sẽ phản ứng ra sao? Chẳng lẽ khi đó, họ sẽ vùng vằng nói rằng quan hệ ngoại giao đó không có giá trị, và lại đòi Mỹ cấm vận Việt Nam như chủ trương của họ trước đây? Thế mới biết trong chuyện này, Việt Tân đang đòi ngồi vào mâm cỗ mà hai chính phủ Việt-Mỹ vừa dọn cho nhau, trong khi họ không mang đến món ăn nào, chỉ nói khoác để tranh chỗ.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *