Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
12279

Bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân mua bán người

Ngày 9/8, tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TBXH) hoàn thành chuỗi Hội thảo Đánh giá giữa kỳ Kết quả thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 trong lĩnh vực bảo vệ nạn nhân tại thành phố Hồ Chí Minh.Gần 200 đại biểu đại diện các cơ quan từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là các cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán cùng đại diện đến từ các Đại sứ quán, các viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và Liên Hợp Quốc đã tham gia chuỗi hội thảo tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Các đơn vị đã tích cực chia sẻ đánh giá về việc triển khai và phối hợp công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trong giai đoạn 2021- 2023, xác định những lĩnh vực cần thúc đẩy hơn nữa trong kỳ sau của Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, các đại biểu tập trung vào những nội dung cần đề xuất trong quá trình sửa đổi luật và đánh giá chính sách trong tương lai.

Trưởng phái đoàn IOM, bà Park Mihyung đã tham gia buổi Hội thảo đánh giá được tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh. Tại Hội thảo, bà đánh giá cao cam kết của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống mua bán người, điều đó đã được ghi nhận trong Báo cáo Tình hình mua bán người trên thế giới 2023 (Báo cáo TIP) của Chính phủ Hoa Kỳ.

Các đại biểu phát biểu tại hội thảo.

Bà cũng khẳng định vai trò quan trọng của Bộ LĐ-TBXH cùng các Bộ, ngành liên quan, từ trung ương đến địa phương đã tăng cường quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Tại buổi hội thảo, Bộ LĐ-TBXH thông báo, hiện có 40 tỉnh đã thí điểm áp dụng Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, với mong muốn sẽ xác định và hỗ trợ được nhiều nạn nhân bị mua bán, trên cơ sở pháp luật hiện hành và việc triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025.

“Khi chúng ta cùng hướng đến mục tiêu của năm 2025 và định hướng tới năm 2030, hội thảo ngày hôm nay chính là cơ hội để các bên tái khẳng định cam kết theo đuổi các mục tiêu của Chương trình phòng, chống mua bán người và không ngừng nỗ lực hơn nữa trong những năm tới đây để tăng cường các công tác triển khai Chương trình ngày một hiệu quả hơn. IOM sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ LĐ-TBXH và các đối tác để đạt được các mục tiêu trên, tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm các mô hình, dịch vụ hỗ trợ tái hòa nhập, để vừa tối đa hóa các nguồn lực hiện có, đồng thời có thể đáp ứng toàn diện và cụ thể các nhu cầu của những người di cư trong hoàn cảnh dễ bị tổn thương,” Bà Park Mihyung chia sẻ.

Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Cục trưởng, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TBXH) đánh giá: “Không một cơ quan, quốc gia riêng lẻ nào có thể thực hiện công tác phòng, chống mua bán người hiệu quả mà không có sự hợp tác quốc tế. Chính vì vậy, Bộ LĐ-TBXH ghi nhận và đánh giá cao sự đồng hành và hỗ trợ tích cực của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) với công tác phòng, chống mua bán người và bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân. Cụ thể, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội và IOM hợp tác xây dựng bộ công cụ sàng lọc và mô hình hỗ trợ hòa nhập, tập trung vào hỗ trợ sinh kế, cho nạn nhân bị mua bán và người di cư trong tình trạng dễ bị tổn thương”.

Từ năm 2017, IOM đã hỗ trợ Bộ LĐ-TBXH và các đối tác tại các địa phương thử nghiệm nhiều mô hình đa dạng nhằm hỗ trợ tái hòa nhập cho nạn nhân bị mua bán, bao gồm mô hình tái hòa nhập cộng đồng thông qua các nhóm tự lực tại Bắc Giang, Huế và Tây Ninh. Mô hình này đã hỗ trợ thành công 179 nạn nhân. Bên cạnh đó, 550 cá nhân đã nhận được sự hỗ trợ từ các mô hình hỗ trợ nạn nhân tại Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả của các mô hình tại cộng đồng trong các hoạt động hỗ trợ và chủ động chuyển tuyến để xác định và hỗ trợ nạn nhân, với sự đồng hành của Hội Liên hiệp Phụ nữ, 05 văn phòng hỗ trợ dịch vụ một điểm đến (OSSO) được thành lập tại Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Cần Thơ và Hậu Giang.

Thông qua việc tăng cường hợp tác và phối hợp giữa các bên liên quan, công tác bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhiều cán bộ tuyến đầu và cán bộ làm công tác bảo trợ xã hội đã được tập huấn về cách thức sử dụng các bộ công cụ được chuẩn hóa và các hướng dẫn trong công tác hỗ trợ và chuyển tuyến, góp phần hỗ trợ được nhiều nạn nhân hơn. Tuy nhiên, khi các thủ đoạn mà những kẻ mua bán người sử dụng ngày càng trở nên tinh vi, đặc biệt là với các hoạt động tuyển mộ trên không gian mạng ngày càng gia tăng, khó phát hiện và khó ngăn chặn hơn, thì số lượng nạn nhân bị mua bán và những người cần được bảo vệ cũng tiếp tục gia tăng. Do vậy, hiện nay, vẫn còn nhiều lĩnh vực cần trao đổi để có thể tăng cường hiệu quả của việc triển khai, cũng như cập nhật kịp thời những chính sách liên quan.

Các đại biểu chụp ảnh kỉ niệm.

Đại tá Phạm Long Biên, Cục phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho hay: “Theo báo cáo của UNODC, tỉ lệ nạn nhân là nam giới so với trước đây đã tăng, hay mua bán người với mục đích cưỡng bức lao động (38%) cao hơn bóc lột tình dục (28,7%). Hiện nay, nạn nhân cũng có thể là người có trình độ học vấn cao. Điều này cho thấy, xu thế mua bán người đang dịch chuyển và đòi hỏi định hướng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức phù hợp, đúng đối tượng”.

“Tôi đặc biệt khuyến nghị cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm được thực hiện hiệu quả hơn nữa trong công tác triển khai Chương trình quốc gia. Chúng ta cần đặt nạn nhân bị mua bán ở vị trí trung tâm trong xây dựng chính sách và các kế hoạch hành động. Chỉ khi chúng ta lắng nghe câu chuyện và trải nghiệm của các nạn nhân, chúng ta mới có thể điều chỉnh được các chính sách và củng cố hệ thống của mình, để không ai bị bỏ lại phía sau”, bà Park Mihyung kết luận.

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *