Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
53569

Nội luật hóa bảo đảm quyền của phạm nhân nữ

 

Với tư cách là một trong những quốc gia tham gia ký kết và phê chuẩn các Công ước quốc tế từ rất sớm, Nhà nước Việt Nam luôn có những chính sách nhân đạo đối với người phạm tội được Đảng và Nhà nước quan tâm trong đó có những quy định bảo đảm quyền của phạm nhân nữ, nhằm giáo dục, cải tạo họ trở thành người có ích cho xã hội. 

Cán bộ trại giam chia sẻ niềm vui cùng các nữ phạm nhân trong ngày được đặc xá

Bảo đảm quyền tự nhiên, vốn có

Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên ghi nhận các QCN trong nội dung Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Điều này cho thấy việc ghi nhận các QCN là quyền tự nhiên, vốn có của mỗi con người, bao gồm cả những người đang chấp hành án phạt tù. So với các bản Hiến pháp trước đó, Hiến pháp năm 2013 đã sửa đổi, bổ sung, thể hiện tầm quan trọng của QCN, trong đó có cả quyền của phụ nữ. Hiến pháp năm 2013 đã dành toàn bộ nội dung Chương II để quy định về QCN, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, trong đó có một số nội dung đáng chú ý như: Điều 14 quy định: Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các QCN về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. QCN chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; điều 16 quy định: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội; điều 20 quy định: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật; điều 24 quy định: Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật; điều 30 quy định: Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân; điều 38 quy định: Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh; điều 41 quy định: Mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa. Bên cạnh đó, Hiến pháp cũng quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm QCN theo quy định tại điều 3. Như vậy, với tư cách là một con người thì phạm nhân nữ có đầy đủ các QCN của mình, ngoại trừ những quyền bị hạn chế theo quy định của pháp luật, ví dụ như: Quyền tự do lập hội, hội họp; quyền bí mật về đới sống riêng tư, quyền bí mật về thư tín; quyền tự do đi lại và cư trú…

Trên cơ sở thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, Luật THAHS năm 2019 đã quy định chi tiết, cụ thể về quyền, nghĩa vụ của phạm nhân; về chế độ quản lý, giáo dục, sinh hoạt, học tập của phạm nhân; về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân, trong đó bao gồm cả phạm nhân nữ, cụ thể như sau:

Điều 4 quy định, nguyên tắc trong THAPT đối với phạm nhân nói chung và phạm nhận nữ nói riêng phải bảo đảm nguyên tắc nhân đạo xã hội chủ nghĩa, tôn trọng danh dự, nhân phẩm, quyền, lợi ích hợp pháp của họ; việc áp dụng biện pháp giáo dục cải tạo phải dựa trên cơ sở tính chất, mức độ phạm tội, độ tuổi, sức khỏe, giới tính, trinh độ học vấn và đặc điểm nhân thân.

Ngoài các quy định chung đối với phạm nhân theo quy định tại Chương 3, 8, 14 Luật THAHS năm 2019 thì đối với phạm nhân nữ còn có những quy định cụ thể như:

Khoản 2 điều 26 quy định đối với trường hợp phạm nhân nữ có con theo mẹ vào trại giam thì phải có giấy khai sinh của con. Trường hợp không có giấy khai sinh thì phải có giấy chứng sinh do cơ sở y tế nơi trẻ em được sinh ra cấp hoặc văn bản của người làm chứng nếu trẻ em được sinh ra ở ngoài cơ sở ý tế hoặc văn bảo báo cáo của cơ quan THAHS Công an cấp huyện, trại tạm giam chuyển phạm nhân nữ đến trại giam để chấp hành án kèm theo giấy cam đoan của mẹ về việc sinh con. Đồng thời trại giam phải có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em theo mẹ vào trại giam theo quy định của pháp luật, điều này bảo đảm cho việc thực hiện các quyền của bà mẹ và trẻ em.

Điểm d, khoản 2 điều 26 quy định: Trại giam phải tổ chức khám sức khỏe cho phạm nhân nữ và cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào trại giam (nếu có). Điều này bảo đảm cho việc thực hiện quyền được chăm sóc y tế của phạm nhân nữ và trẻ em theo mẹ vào trại giam.

Khoản 2, điều 30 quy định: Phạm nhân nữ, phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào trại giam phải được giam giữ tại một khu vực riêng, điều này thuận lợi cho việc áp dụng các biện pháp quản lý, giáo dục, cải tạo, chăm sóc phù hợp và bảo đảm tối đa quyền của phạm nhân nữ.

Điều 32 quy định: Phạm nhân nữ được bố trí làm công việc phù hợp với giới tính, không bố trí phạm nhân nữ làm công việc không sử dụng lao động nữ theo quy định của pháp luật về lao động. Phạm nhân nữ có thai được nghỉ trước và sau khi sinh con theo quy định của pháp luật lao động. Phạm nhân nữ có con dưới 36 tháng tuổi đang ở cùng mẹ mà bị bệnh được y tế xác nhận thì được nghỉ lao động.

Điều 51 quy định chế độ đối với phạm nhân nữ đang mang thai nhưng không được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; chế độ đối với phạm nhân nữ trước, trong và sau khi sinh; chế độ đối với phạm nhân nữ có con dưới 36 tháng tuổi đang ở cùng mẹ trong trại giam.

Ngoài những quy định đã nêu ở trên thì quyền của phạm nhân nữ còn được bảo đảm thực hiện trên cơ sở các văn bản khác như: BLHS năm 2015, BLTTHS năm 2015, Bộ luật lao động năm 2012, Luật đặc xá năm 2018, Thông tư liên tịch số: 03/2013/TTLT- BCA- BQP – TANDTC – VKSNDTC-BYT ngày 15/5/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Y tế về hướng dẫn thi hành quy định về tạm đình chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân; Thông tư 39/2013/TT-BCA ngày 25/9/2013 của Bộ Công an quy định về giáo dục và tư vấn cho phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù; Nghị định 117/2011/NĐ-CP ngày 15/12/2011 của Chính phủ quy định về tổ chức quản lý phạm nhân và chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với phạm nhân; Nghị định 90/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2011/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ quy định về tổ chức quản lý phạm nhân và chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với phạm nhân.

Tương thích với hệ thống pháp luật quốc tế

Việt Nam là một trong số các quốc gia đi đầu trong việc tham gia ký kết và phê chuẩn các Công ước quốc tế về QCN. Trải qua nhiều năm phát triển, tại Việt Nam QCN luôn được ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện. Với việc nội luật hóa các quy định của pháp luật quốc tế vào hệ thống pháp luật quốc gia, có thể thấy hiện nay hệ thống pháp luật về QCN của Việt Nam đã tương thích với hệ thống pháp luật quốc tế. Trên cơ sở các quy định của hệ thống pháp luật tại Việt Nam thì phạm nhân nữ có các quyền sau đây:

Thứ nhất, quyền được bảo hộ tính mạng, sức khỏe, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân

Quyền sống, quyền được tôn trọng về nhân phẩm, danh dự và quyền bất khả xâm phạm về thân thể đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013, với quy định: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật” (điều 19) “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm” (điều 20). Điều này được cụ thể hóa bằng quy định tại điểm a, khoản 1, điều 27 Luật THAHS năm 2019.

Nội dung quyền này có nghĩa, phạm nhân nữ phải được tạo mọi điều kiện để được sống trong môi trường tương thích gần nhất với cuộc sống của những người bình thường và được đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất để tồn tại, phát triển về thể chất và tinh thần. Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử giữa phạm nhân nam với phạm nhân nữ và giữa các phạm nhân nữ với nhau. Các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phải áp dụng tất cả các biện pháp thích hợp, kể cả việc trừng phạt trong những trường hợp cần thiết, nhằm phát hiện, ngăn cấm tất cả các hình thức phân biệt đối xử đối với phạm nhân nữ. Đồng thời, nghiêm cấm mọi hành vi tra tấn, dùng nhục hình, xúc phạm nhân phẩm, danh dự đối với phạm nhân nữ.

Đây là một trong số ít các quyền tuyệt đối của phạm nhân nói chung và phạm nhân nữ nói riêng. Chính vì vậy, không thể đặt ra bất kỳ giới hạn nào đối với quyền này, đồng thời không thể viện bất kỳ lý do nào để tạm đình chỉ hay ngưng áp dụng quyền này đối với phạm nhân nữ. Tại trại giam phải luôn duy trì việc canh gác bảo vệ để bảo đảo an toàn và trật tự an ninh đối với phạm nhân nữ. Đối với trường hợp phạm nhân nữ vi phạm nội quy quy định, trại giam được phép áp dụng các chế tài, biện pháp kỷ luật nhất định nhưng phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng danh dự, nhân phẩm và các quyền tuyệt đối.

Ngay sau khi tiếp nhận phạm nhân nữ thì trại giam phải có trách nhiệm giải thích quyền, nghĩa vụ, phổ biến nội quy, quy định của trại giam để phạm nhân nữ nắm được và thực hiện trong suốt quá trình chấp hành án.

Thứ hai, quyền được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế theo quy định; gửi, nhận thư, nhận quà, tiền

– Về định lượng, khẩu phần ăn:

Phạm nhân nữ được Nhà nước bảo đảm ăn đầy đủ theo chế độ, đồ ăn của phạm nhân phải đảm bảo hợp vệ sinh, an toàn thực phẩm; bếp ăn cho phạm nhân được cung cấp đầy đủ các dụng cụ cần thiết để bảo đảm cho việc nấu chín đồ ăn, đun nước uống và chia đồ ăn theo đúng khẩu phần tiêu chuẩn. Việc nấu ăn do phạm nhân nữ đảm nhiệm và phải đặt dưới sự kiểm tra, giám sát của trại giam.

Định lượng tiêu chuẩn ăn mỗi tháng của phạm nhân nữ gồm: 17 kg
gạo tẻ thường; 0,7 kg thịt, 0,8 kg cá; 0,5 kg đường loại trung bình; 01 kg muối; 15 kg rau xanh; 0,75 lít nước mắm; 0,1 kg bột ngọt; chất đốt tương đương 17 kg củi hoặc 15 kg than. Vào các ngày lễ, tết phạm nhân nữ được ăn gấp 5 lần tiêu chuẩn của ngày bình thường. Đối với phạm nhân lao động nặng nhọc, độc hại thì được hưởng thêm 15% so với định lượng bình thường. Phạm nhân nữ là người dưới 18 tuổi thì được ăn thêm thịt, cá nhưng không vượt quá 20% so với định lượng. Phạm nhân nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ sinh con, nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì được bảo đảm ăn theo định lượng chỉ định của bác sỹ và được tăng thêm 20% đến 30% thịt, cá so với định lượng. Trong công tác quản lý, nhằm bảo đảm sức khỏe cho phạm nhân nữ và căn cứ theo tình hình thực tế về điều kiện kinh tế, ngân sách, biến đổi giá cả thị trường thì Chính phủ quy định mức ăn phù hợp, Giám thị trại giam có thể hoán đổi định lượng ăn nhưng phải bảo đảm cho phạm nhân nữ có thể ăn hết tiêu chuẩn.

Ngoài định lượng ăn theo quy định của Chính phủ, phạm nhân nữ được sủ dụng tiền lưu ký của mình hoặc quà do người thân gửi để ăn thêm nhưng không được vượt quá 3 lần so với định lượng một tháng.

– Về chỗ ở:

Tại khu giam giữ, phạm nhân nữ được ở theo buồng giam tập thể, trừ những trường hợp phải giam giữ riêng theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu nghiệp vụ quản lý; mỗi phạm nhân nữ được đảm bảo chỗ nằm tối thiểu là 02 mét vuông, đối với phạm nhân nữ có con nhỏ ở cùng thì trại giam phải sắp xếp chỗ nằm tối thiểu là 03 mét vuông. Riêng đối với phạm nhân nữ là người dưới 18 tuổi thì trại giam phải đảm bảo chỗ nằm tối thiểu của mỗi phạm nhân là 3 mét vuông. Buồng giam phải đảm bảo đủ ánh sáng, thoáng mát, sạch sẽ; trong buồng giam phải có khu vực vệ sinh riêng biệt (sát với buồng giam) đảm bảo kín đáo và hợp vệ sinh.

– Về tư trang cá nhân:

Hàng năm, phạm nhân nữ được phát 02 bộ quần áo dài bằng vải thường theo mẫu thống nhất, 02 bộ quần áo lót, 02 khăn mặt, 02 chiếc chiếu, 02 đôi dép, 01 mũ hoặc nón, 01 áo mưa nilông; 03 bàn chải đánh răng; 600 g kem đánh răng loại thông thường. Mỗi tháng phạm nhân được cấp 0,3 kg xà phòng giặt, được cấp thêm đồ dùng cần thiết cho vệ sinh phụ nữ có giá trị tương đương với 02 kg gạo tẻ thường. Phạm nhân nữ được cấp 01 màn, 01 chăn để dùng trong thời hạn 04 năm; đối với các trại giam từ thành phố Đà Nẵng trở vào thì phạm nhân nữ được phát chăn sợi; đối với các trại giam từ tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra thì phạm nhân nữ được phát chăn bông không quá 02 kg và 01 áo ấm dùng trong 03 năm. Phạm nhân nữ được cấp phát thêm 02 bộ quần áo bảo hộ lao động và dụng cụ bảo hộ lao động cần thiết để phục vụ tham gia lao động.

Đối với phạm nhân nữ sinh con trong trại giam thì được cấp thêm 07 mét vải thường để làm tã lót và các đồ dùng cần thiết cho việc chăm sóc trẻ sơ sinh. Phạm nhân nữ là người dưới 18 tuổi thì được cấp thêm 01 bộ quần áo dài, 01 mũ cứng, 01 mũ vải; đối với các trại giam từ tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra, mỗi năm, phạm nhân là người chưa thành niên được cấp thêm 01 áo ấm, 02 đôi tất và 01 mũ len. Mỗi quý phạm nhân nữ là người dưới 18 tuổi được cấp thêm 01 lọ nước gội đầu 200 ml loại thông thường; đối với các trại giam từ Thành phố Đà Nẵng trở vào thì được cấp thêm 01 chăn sợi dùng trong 02 năm; đối với các trại giam từ tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra thì được cấp thêm 01 chăn bông không quá 02 kg, có vỏ dùng trong 02 năm.

– Về chăm sóc y tế:

Phạm nhân nữ được hưởng chế độ phòng, chống dịch bệnh. Trại giam phối hợp với trung tâm y tế cấp huyện hoặc bệnh viện quân đội nơi trại giam đóng quân tổ chức khám sức khoẻ cho phạm nhân nữ ngay từ khi tiếp nhận họ đến chấp hành án. Phạm nhân nữ bị ốm, bị thương thì được khám và điều trị tại cơ sở y tế của trại giam hoặc tại cơ sở chữa bệnh cấp huyện. Trường hợp phạm nhân nữ bị bệnh nặng hoặc thương tích vượt quá khả năng điều trị của các cơ sở chữa bệnh đó thì được chuyển đến cơ sở chữa bệnh cấp tỉnh, bệnh viện quân đội hoặc bệnh viện trung ương để điều trị; trại giam phải thông báo cho thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của người đó biết để phối hợp chăm sóc, điều trị. Chế độ ăn, cấp phát thuốc, bồi dưỡng do cơ sở chữa bệnh chỉ định. Trại giam phối hợp với cơ sở chữa bệnh cấp tỉnh, bệnh viện quân đội xây dựng hoặc bố trí một số buồng riêng trong cơ sở chữa bệnh để điều trị cho phạm nhân nữ.

Đối với phạm nhân nữ nghi mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì trại giam phối hợp với các đơn vị chức năng để đưa người đó vào cơ sở chuyên khoa y tế để bắt buộc chữa bệnh. Thời gian bắt buộc chữa bệnh được tính vào thời hạn chấp hành án phạt tù. Đối với phạm nhân nữ nghiện ma tuý được trại giam tổ chức cai nghiện.

Đối với phạm nhân nữ đang mang thai được khám thai định kỳ hoặc đột xuất, được chăm sóc y tế trong trường hợp cần thiết. Đặc biệt, cần chú trọng việc chăm sóc sức khỏe liên quan đến quyền làm mẹ của những phạm nhân nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nhằm bảo đảm rằng sau khi được trả tự do thì họ có thể thực hiện quyền này.

Kinh phí khám, chữa bệnh, tổ chức cai nghiện ma tuý và kinh phí xây dựng, bố trí các buồng chữa bệnh dành cho phạm nhân nữ tại các cơ sở chữa bệnh do Nhà nước cấp.

Thứ ba, quyền được đọc sách, báo, nghe đài, xem truyền hình; được tham gia hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ

Trong quá trình chấp hành án phạt tù, phạm nhân nữ được bảo đảm có thời gian đọc sách báo, nghe đài, xem truyền hình phù hợp với điều kiện từng trại giam và phù hợp với kết quả chấp hành án của bản thân. Các phân trại, trại giam đều có thư viện, khu vui chơi, sân thể thao, được trang bị hệ thống loa truyền thanh, hệ thống truyền hình cáp nội bộ, tại mỗi buồng giam có dưới 30 phạm nhân thì được trang bị 01 vô tuyền truyền hình màu có kích thước màn hình 21 inch; tại buồng giam có trên 30 phạm nhân thì được trang bị 01 vô tuyền truyền hình màu có kích thước màn hình 29 inch và được phát 01 tờ báo nhân dân. Thời gian hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, đọc sách, báo, nghe đài, xem truyền hình của phạm nhân nữ được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an. Đối với phạm nhân nữ là người dưới 18 tuổi thì thời gian nói trên được tăng gấp 2 lần so với những phạm nhân trên 18 tuổi.

Trong quá trình quản lý, giáo dục, cải tạo phân trại, trại giam có thể tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tập thể theo kế hoạch để phạm nhân nữ tham gia nhằm đảm bảo đời sống tinh thần của họ, góp phần quan trọng vào giáo dục, cải tạo, cảm hóa họ trở thành những người lương thiện, có ích cho xã hội.

Phạm nhân nữ theo tôn giáo được sử dụng kinh sách xuất bản dưới dạng sách in, phát hành hợp pháp và được bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Thứ tư, quyền được gửi, nhận thư, nhận quà, tiền; được gặp, liên lạc với thân nhân, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân;

Trong quá trình chấp hành án, mỗi tháng phạm nhân nữ được bảo đảm gửi 02 bức thư và được liên lạc bằng điện thoại trong nước với thân nhân 01 lần không quá 10 phút. Phạm nhân nữ được nhận quà, tiền do thân nhân đưa khi đến thăm gặp, nhưng không quá 05kg trên mỗi lần gặp. Ngoài ra, phạm nhân nữ còn được bảo đảm nhận quà, tiền do thân nhân gửi đến qua đường bưu điện, nhưng không quá 02 lần trong 01 tháng, mỗi lần nhận không quá 03kg đồ vật, nếu nhận một lần thì không quá 06kg. Đối với những phạm nhân nữ có quá trình chấp hành án tốt thì được khuyến khích bằng việc tăng số lần gửi, nhận thư, nhận quà, tiền và thời gian liên lạc bằng điện thoại với thân nhân. Đối với phạm nhân nữ là người dưới 18 tuổi thì mỗi tháng được liên lạc bằng điện thoại trong nước với thân nhân 04 lần, mỗi lần không quá 10 phút.

Tại trại giam, phân trại quản lý phạm nhân nữ được bố trí nhà gặp phạm nhân được xây dựng theo thiết kế chung, có đầy đủ các trang thiết bị cần thiết để phục vụ công tác giám sát, quản lý phạm nhân nữ và tổ chức cho phạm nhân nữ gặp thân nhân, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác.

Mỗi tháng, phạm nhân nữ được bảo đảm gặp thân nhân 01 lần, mỗi lần không quá 01giờ. Đối với những trường hợp phạm nhân có quá trình cải tạo tốt thì được tăng số giờ thăm gặp thân nhân nhưng không quá 03 giờ hoặc gặp thân nhân tại phòng riêng nhưng không quá 24 giờ; đối với trường hợp phạm nhân vi phạm các nội quy của trại giam thì 02 tháng được gặp thân nhân 01 lần và không quá 01 giờ.

Đối với phạm nhân nữ là người dưới 18 tuổi thì mỗi tháng được gặp thân nhân không quá 03 lần, mỗi lần không quá 03 giờ. Trường hợp phạm nhân nữ là người dưới 18 tuổi có kết quả chấp hành án, kết quả lao động, học tập tốt thì được kéo dài thời gian gặp thân nhân thêm 01 lần trong 01 tháng hoặc gặp thân nhân tại phòng riêng nhưng không quá 24 giờ.

Thứ năm, quyền được lao động, học tập, học nghề

– Về quyền được lao động, học nghề

Hoạt động lao động của phạm nhân nữ vừa thể hiện quyền, vừa là nghĩa vụ của họ. Phạm nhân nữ được tổ chức các hình thức lao động phù hợp với giới tính, độ tuổi, sức khỏe và đáp ứng yêu cầu quản lý, giáo dục, hòa nhập cộng đồng. Không được phép sử dụng phạm nhân nữ vào các công việc không sử dụng lao động nữ theo quy định của luật lao động. Thời gian lao động của phạm nhân nữ không quá 08 giờ một ngày và không quá 05 ngày một tuần, được nghỉ vào các ngày lễ, tết và chủ nhật. Hoạt động lao động của phạm nhân nữ không được mang tính chất khổ sai, mà phải nhằm duy trì hoặc làm tăng khả năng giúp phạm nhân nữ có thể tự kiếm sống sau khi được trả tự do. Khi phạm nhân nữ có quá trình lao động tích cực, đạt năng suất tốt còn giúp họ nhận được tiền thưởng, được khen thưởng và lưu vào hồ sơ quản lý, đây là điều kiện không thể thiếu trong đánh giá quá trình giáo dục, cải tạo và xét giảm thời hạn chấp hành án. Bên cạnh đó, với tiền thưởng nhận được, phạm nhân nữ có thể sử dụng để mua thêm đồ ăn, gửi về cho gia đình hoặc gửi lưu ký để sử dụng và nhận lại sau khi được trả tự do.

Trong quá trình chấp hành án, ngoài việc được tham gia lao động, phạm nhân nữ còn được trại giam tổ chức dạy nghề phù hợp với giới tính và sức khỏe nhằm giúp họ có thể dễ dàng tìm kiếm được việc làm sau khi được trả tự do, có thu nhập ổn định cuộc sống, không tái phạm tội. Căn cứ vào khả năng, nhu cầu của phạm nhân nữ, nhu cầu của thị trường lao động, ba tháng trước khi phạm nhân nữ chấp hành xong án phạt tù trại giam tổ chức đào tạo, nâng cao tay nghề, cấp chứng chỉ nghề cho họ. Đối với phạm nhân nữ là người dưới 18 tuổi thì được ưu tiên đào tạo, nâng cao tay nghề để có điều kiện thuận lợi tái hòa nhập cộng đồng.

– Về học tập

Ngay từ khi được tiếp nhận vào trại giam, phân trại quản lý để thực hiện chấp hành án, phạm nhân nữ được phổ biến quyền và nghĩa vụ của mình và được phổ biến các nội quy, quy định tại nơi giam giữ.

Trại giam có trách nhiệm tổ chức dạy học cho phạm nhân nữ về pháp luật, về giáo dục công dân, về văn hóa và về hòa nhập cộng động. Đối với những phạm nhân nữ không biết chữ thì bắt buộc phải học văn hóa để xóa mù chữ. Thời gian dạy học cho phạm nhân nữ là 01 buổi một tuần, trừ ngày lễ, tết và chủ nhật. Về pháp luật: Phạm nhân nữ được học tập để hiểu biết về QCN; được học tập các quy định của pháp luật về xóa án tích, về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; quy định của pháp luật về cư trú, về bảo vệ an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội; phổ biến một số chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước và các thành tựu về phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng; Về giáo dục công dân: Phạm nhân nữ được giáo dục về chính sách đại đoàn kết dân tộc; về đạo đức, lối sống, nghị lực lập thân, lập nghiệp, nếp sống văn hóa, ý thức chấp hành các quy tắc đạo đức xã hội; trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội. Về hòa nhập cộng đồng: Phạm nhân nữ được giáo dục kỹ năng tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống, khắc phục khó khăn, thách thức của cuộc sống, từ chối việc rủ rê, lôi kéo của các đối tượng xấu và phòng tránh các tệ nạn xã hội. Đối với phạm nhân nữ là người dưới 18 tuổi thì phải tăng thời lượng giáo dục về đạo đức và kỹ năng sống.

Thứ sáu, quyền được bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo, được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật

Một trong những nguyên tắc trong THAHS là phải bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo. Phạm nhân nữ có quyền khiếu nại, tố cáo hành vi, quyết định trái pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền trong tổ chức thi hành án đối với mình hoặc đối với phạm nhân khác. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và quy định tại Chương XIV của Luật THAHS năm 2019, đồng thời phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ QCN.

Căn cứ kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan có thẩm quyền, trường hợp nếu các quyền của phạm nhân nữ bị xâm hại thì họ phải được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Thứ bảy, quyền được đề nghị xét tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, được xét tha tù trước thời hạn có điều kiện, được xét đặc xá, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật

Trong quá trình chấp hành án phạt tù, căn cứ vào kết quả chấp hành án, vào tình chất, mức độ phạm tội, vào điều kiện nhân thân … và căn cứ vào các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, phạm nhân nữ có quyền được đề nghị xét tạm đình chấp hành án phạt tù, xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xét tha tù trước thời hạn có điều kiện, xét đặc xá. Trại giam có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ của phạm nhân và gửi đến các cơ quan liên quan, có thẩm quyền để đề nghị thực hiện quyền đó của phạm nhân nữ.

Đây vừa là quyền của phạm nhân nữ, nhưng cũng là một trong nhiều chính sách khoan hồng độ lượng của Nhà nước Việt Nam, nhằm khuyến khích động viên phạm nhân nữ tập trung, tích cực cải tạo tốt để sớm được trả tự do và trở thành người có ích cho xã hội.

Thứ tám, quyền được tự mình hoặc thông qua người đại diện để thực hiện giao dịch dân sự, được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hưởng chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật

Căn cứ quy định của pháp luật về THAHS và pháp luật về dân sự thì phạm nhân nữ có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện để thực hiện các giao dịch dân sự dưới hai hình thức là hợp đồng và hành vi pháp lý đơn phương. Phạm nhân nữ có quyền được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, được hưởng chế độ chính sách về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật. Quy định này mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đây cũng chính là giải pháp nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho phạm nhân nữ sau khi được trả tự do, tái hòa nhập cộng đồng, nhất là đối với những phạm nhân đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

Thứ chín, quyền được tư vấn, hỗ trợ tái hòa nhập xã hội

Trong khoảng thời gian 02 tháng trước khi phạm nhân nữ chấp hành xong án phạt tù hoặc có kết quả thẩm định nhất trí đề nghị đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện, trại giam phải tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ các thủ tục pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho họ tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phòng ngừa tái phạm và vi phạm pháp luật.

Nội dung tư vấn bao gồm: Tư vấn tình cảm, hôn nhân, gia đình, sức khỏe, về phòng ngừa tệ nạn xã hội; tư vấn xóa bỏ mặc cảm, tự ti, xây dựng kỹ năng ứng phó, giải quyết các vấn đề khó khăn trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng; tư vấn và định hướng về việc làm, bảo hiểm xã hội.

Nội dung hỗ trợ bao gồm: Hỗ trợ các thủ tục về đăng ký cư trú, cấp căn cước công dân, thủ tục vay vốn …; hỗ trợ tìm kiếm việc làm phù hợp; hỗ trợ kinh phí để phục vụ tái hòa nhập cộng đồng, sớm ổn định cuộc sống.

Hoạt động tư vấn, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng của trại giam cần đặc biệt chú ý đến phạm nhân nữ là dưới 18 tuổi chấp hành xong án phạt tù.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *