Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
53873

Bài học về tin giả qua vụ “bác sĩ Khoa”

Blogger Đỗ Nam Trung mới đây có bình luận về những bài học qua vụ “bác sĩ Khoa”, cho ta thấy đây là vụ điển hình tin giả mà ngay từ lúc bắt đầu cho đến kết thúc vừa gây tranh cãi, vừa đề lại nhiều bài học cho những người sử dụng MXH đến vậy.

Tối 7-8, trên mạng xã hội xuất hiện câu chuyện cảm động về một bác sĩ tên Khoa được cho là làm việc tại bện viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh, người đã rút ống thở của mẹ đẻ mình để cứu một sản phụ song sinh đang cần máy thở. Câu chuyện đã lan truyền với tốc độ chóng mặt chỉ trong một đêm. Bác sĩ Khoa (hay Trần Khoa) được cộng đồng mạng khen ngợi như một “anh hùng”, một người đã hy sinh cả sự sống của mẹ đẻ của mình để cứu người khác.

 

Nhưng chỉ ngay sáng hôm sau, tức là chỉ qua một đêm, một số chi tiết phi lý trong câu chuyện đã được một số chuyên gia trong ngành y và chính cộng đồng mạng đưa ra mổ xẻ, phân tích cho thấy câu chuyện này không có thật.  Sở Y tế TP.HCM đã lập tức vào cuộc và ra ngay lập tức ra thông báo, xác nhận những thông tin lan truyền trên MXH về câu chuyện của bác sĩ Khoa hoàn toàn là hư cấu

Thế là câu chuyện cảm động, nhưng ngụy tạo ấy đã kết thúc một cách nhanh chóng, để lại nhiều bẽ bàng, hối tiếc cho những người đã chót chia sẻ câu chuyện không có thật ấy trên MXH. Đặc biệt, trong số đó có hai nhà báo đang sở hữu những tài khoản facebook cá nhân được nhiều người theo dõi. Ngày 9-8, hai nhà báo này, chủ tài khoản hai tài khoản “Nguyễn Đức Hiển” và “Hoàng Nguyên Vũ” đã bị Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM xử phạt vi phạm hành chính vì chia sẻ thông tin sai sự thật về “bị về việc cung cấp, chia sẻ thông tin không đúng sự thật, gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch của thành phố”. Hai người đã phải gỡ bài và xin lỗi công khai trên MXH.

Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ đã viết trên trang cá nhân của mình: “Tôi thành tâm xin lỗi! Giờ mình cũng không thể nào hiểu nổi sao mình dễ để cảm xúc lấn lướt. Thật sự, chẳng thể tha thứ cho mình được về việc không kiểm chứng thông tin”.

Tin giả về “bác sĩ Khoa” được rất nhiều người chia sẻ trên MXH, chứ không phải chỉ có hai nhà báo, nhưng vụ việc này cho thấy tin giả đang ngày càng trở nên tinh vi, khó phân biệt đến mức ngay cả những người tinh thông về báo chí, người trong nghề cũng bị “sa bẫy”. Tất nhiên, không phải là hai nhà báo Hoàng và Vũ không có ý thức về vấn nạn tin giả, nhưng vì mong muốn nhanh chóng được chia sẻ với cộng đồng mạng một “câu chuyện cảm động”, một “tấm gương ngành y” mà họ đã trở thành nạn nhân. Rõ ràng là bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của tin giả nếu không kiểm chứng thông tin một cách cẩn thận.

Cũng như virus, tin giả cũng có những biến chủng, ngày càng khó phát hiện và nguy hiểm hơn. Tin giả dùng hình thức cắt, ghép hình ảnh, thực hiện cách đưa tin và truyền tin theo kiểu tin từ “nội bộ cơ quan nhà nước”, sửa đổi câu chữ trên các văn bản có dấu đỏ của các cơ quan nhà nước, mạo danh những cá nhân có uy tín trong xã hội… Tin giả cũng “biến chủng” bằng cách đội lốt các tin về “người tốt, việc tốt” thông qua những câu chuyện cảm động khiến người đọc dễ tin hơn và cũng dễ mắc lừa hơn. Sự nguy hiểm là ở chỗ, trong khi nhiều người sử dụng MXH bắt đầu cảnh giác với những tin giả nói xấu, xuyên tạc, kích động tương đối lộ liễu thì việc tung lên mạng những tin giả dưới vỏ bọc là những tin tốt, nhưng sai sự thật sẽ tạo nên hiệu ứng ngược, hoàn toàn ngoài ý muốn, làm cho người dân mất phương hướng, hoang mang, mất lòng tin vào con người, xã hội và chính quyền, ảnh hưởng bất lợi đến công tác phòng, chống đại dịch Covid.

Những hình thức tin giả kiểu trên tuy không phải là mới, nhưng những biến chủng của nó đang ngày càng trở nên nguy hiểm vì rất khó nhận biết và được lan truyền vô cùng nhanh chóng trên các nền tảng MXH, nhất là khi chúng được chia sẻ bởi những người nổi tiếng, những người của công chúng, những nghệ sĩ, nhà báo, khiến cho công chúng rất khó xác định được đâu là những nguồn tin đáng tin cậy để tiếp nhận.

Vụ “bác sĩ Khoa” rõ ràng là một vụ việc đáng tiếc, nhưng đã để lại cho cộng đồng mạng thêm những cảnh báo và bài học về vấn nạn tin giả. Trong khi chờ có được khả năng “miễn dịch cộng đồng” trước các thông tin thất thiệt đầy dẫy trên MXH, điều mà những người sử dụng MXH có thể làm và cần phải làm là giữ cho mình “một trái tim nóng và cái đầu lạnh”, bình tĩnh, tỉnh táo khi tiếp nhận và chia sẻ, không để cảm xúc lấn lướt, chi phối trước ma trận của tin giả.

Trước làn sóng chỉ trích, bình phẩm xung quanh vụ tin giả này, quan điểm của blogger Đỗ Nam Trung rất đáng để mỗi chúng ta suy ngẫm, rút ra bài học cho bản thân mỗi khi quyết định bấm nút like, share hay bình phẩm về một thông tin nào từ nguồn MXH hiện nay.

Hiếu Ngọc

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *