Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
58665

Vận động xoá bỏ hình phạt tử hình: Cơ hội và hy vọng cho phạm nhân quay trở lại cuộc sống bình thường

Hiện ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới xoá bỏ hình phạt tử hình trong pháp luật hoặc không áp dụng trong thực tế. Việt Nam là một trong những quốc gia áp dụng hình phạt tử hình, hiện nay số tội danh có thể tuyên án tử hình trong Bộ luật Hình sự đã liên tục giảm từ năm 1999. 

Vận động xoá bỏ hình phạt tử hình

Trong thực tiễn, xu hướng chung trên thế giới trong những thập kỷ gần đây là giảm và tiến tới loại trừ HPTH. Số lượng các quốc gia xoá bỏ HPTH ngày càng tăng. Nếu như ở thập kỷ 1960, mới chỉ có gần 30 quốc gia thì đến cuối năm 2019, đã có 142 nước xoá bỏ HPTH trong pháp luật và trong thực tế, chiếm 2/3 số quốc gia trên thế giới. Không chỉ vậy, số lượng các vụ thi hành án tử hình cũng ngày càng giảm. Hiện tại, mỗi năm chỉ có khoảng 2.000 tử tù bị hành quyết (chủ yếu ở Trung Quốc Iran, Saudi Arabia, Iraq and Egypt) so với hàng vạn người trên khắp thế giới trong thế kỷ 20.

Có nhiều yếu tố tác động đến sự thay đổi to lớn kể trên, trong đó có sự vận động kiên trì, bền bỉ của nhiều tổ chức phi chính phủ quốc gia và quốc tế. Tuy không yêu cầu các quốc gia phải xóa bỏ HPTH, luật nhân quyền quốc tế cũng chứa đựng những quy định khuyến khích các quốc gia thay thế hình phạt khắc nghiệt này bằng những hình phạt khác. Ngay từ thập kỷ 1960, vấn đề hạn chế và xoá bỏ HPTH đã từng bước được đề cập trong luật nhân quyền quốc tế. Cụ thể, trong khoản 6 Điều 6 ICCPR đã nêu rõ: “Không một quy định nào trong điều này có thể được viện dẫn để trì hoãn hoặc ngăn cản việc xoá bỏ hình phạt tử hình tại bất kỳ quốc gia thành viên nào của Công ước”.

Để vận động cho việc xoá bỏ HPTH, các công ước về luật hình sự quốc tế (ví dụ, Quy chế của Toà án Hình sự quốc tế xét xử các tội ác chiến tranh ở Nam Tư cũ, Quy chế Rome về Toà án Hình sự quốc tế…) cũng không quy định HPTH, kể cả với những tội ác nghiêm trọng nhất về nhân quyền như tội diệt chủng, tội ác chiến tranh, tội ác chống nhân loại, tội xâm lược.

Đặc biệt, vào năm 1989, Đại hội đồng LHQ đã thông qua Nghị định thư tùy chọn thứ hai về bãi bỏ HPTH bổ sung ICCPR. Lời nói đầu của Nghị định thư này nêu rõ: “Tin tưởng rằng, việc bãi bỏ hình phạt tử hình góp phần nâng cao nhân phẩm và thúc đẩy sự phát triển tiến bộ các quyền con người” và “lưu ý rằng, Điều 6 ICCPR khuyến nghị mạnh mẽ việc bãi bỏ hình phạt tử hình ngay khi có điều kiện cho phép thực hiện việc đó”, đồng thời “tin tưởng rằng, tất cả các biện pháp nhằm bãi bỏ hình phạt tử hình được coi là sự tiến bộ trong việc hưởng thụ quyền sống”.

Quyền sống và HPTH là hai vấn đề có mối liên hệ chặt chẽ, cùng được điều chỉnh bởi luật nhân quyền quốc tế. Những quy định về hai vấn đề này trong luật nhân quyền quốc tế ngày càng được bổ sung và cụ thể hoá theo hướng bảo vệ triệt để hơn quyền sống và tiến tới xoá bỏ hoàn toàn HPTH. Những quy định đó hiện đã nhận được sự ủng hộ của đa số quốc gia trên thế giới, và ngày càng mang tính chất ràng buộc cao hơn, cả về pháp lý và luân lý. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất dẫn đến xu hướng giảm và xoá bỏ hình phạt tử hình trên thế giới mấy thập kỷ gần đây.

 Xu hướng giảm và xoá bỏ hình phạt tử hình trên thế giới

Đây là xu hướng đã diễn ra liên tục trên thế giới trong hơn nửa thế kỷ qua. Ở thời điểm ra đời Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền 1948, mới chỉ có 8 quốc gia bãi bỏ HPTH; thời điểm ra đời Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị 1966, số quốc gia như vậy mới chỉ là 26. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, số quốc gia bãi bỏ HPTH đã là đa số áp đảo. Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, tính đến hết năm 2019, có 142 quốc gia đã xoá bỏ HPTH trong pháp luật và trong thực tế, chỉ còn 56 nước vẫn đang duy trì và áp dụng HPTH.

Khi xoá bỏ HPTH, hình phạt thay thế thường là tù chung thân (có thể không hoặc được ân xá nếu cải tạo tốt). Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng HPTH “nhân  đạo” hơn so với tù chung thân, bởi việc cả đời bị giam cầm, cách biệt xã hội là rất khủng khiếp.

Song cần thấy rằng, án tù chung thân tuy rất khắc nghiệt nhưng người tù vẫn còn có cơ hội được trở lại cuộc sống bình thường nếu được giảm án, ân xá hay được minh oan, còn HPTH triệt tiêu hoàn toàn những cơ hội và niềm hi vọng đó, chưa kể HPTH thường gây cho tử tù những đau đớn tột cùng khi bị hành quyết và sự khủng hoảng tinh thần vô cùng nặng nề khi chờ đợi thi hành án.

Từ một khía cạnh khác, có quan điểm cho rằng, không nên thay thế HPTH bằng tù chung thân vì việc giam giữ một người cả đời sẽ rất tốn kém. Tuy nhiên, quan điểm  khác cho rằng lập luận như vậy thể hiện sự “vô cảm” trước tính mạng con người. Ngoài ra, trong thực tế, ở một số quốc gia, chi phí cho HPTH (gồm chi phí cho việc hành quyết và mai táng tử tù, chi phí cho hoạt động tố tụng) lại tốn  kém hơn so với hình phạt tù  chung thân. Ví dụ, một nghiên cứu cho thấy, ở bang Bắc Carolina của Mỹ, chi phí cho một án tử hình cao hơn so với chi phí của một án tù chung thân tới 2,16 triệu USD.

Có quan điểm cho rằng, HPTH được chấp nhận bởi một số tôn giáo, thể hiện qua một số quy định liên quan như trong Kinh Thánh của Thiên chúa giáo, hay Kinh Koran của Hồi giáo. Tuy nhiên, kinh điển của các tôn giáo nêu trên không có quy định nào trực tiếp về HPTH. Những quy định được trích dẫn thường được dùng trong bối cảnh khác. Bên cạnh đó cũng có nhiều quy định khác cổ vũ cho sự tha thứ, khoan dung với những người có hành vi phạm tội. Đặc biệt, trong Phật giáo, với triết lý cấm sát sinh, có thể xem HPTH là trái với tinh thần của tôn giáo này. Xét tổng quát, những tôn giáo chính của nhân loại đều nhấn mạnh lòng nhân đạo, sự cảm thông và tha thứ trong giáo lý của mình. Vì vậy, việc xóa bỏ HPTH phù hợp với tinh thần của những tôn giáo đó.

Hiện tại, việc xoá bỏ HPTH đã trở thành một phong trào mang tính toàn cầu, được LHQ và nhiều tổ chức quốc tế khác ủng hộ mạnh mẽ. Trong diễn văn gần đây, Tổng Thư ký LHQ đã kêu gọi các quốc gia hành động để “hình phạt tử hình không còn chỗ đứng trong thế kỷ 21”. Trong khi đó, ở cấp độ quốc gia, một số nước đã đưa vấn đề xoá bỏ HPTH vào chính sách đối ngoại của mình, như Úc, Thụy Sỹ, Anh…

HPTH là một vấn đề đa diện, phức tạp, vì vậy ở nhiều nước đa số công chúng vẫn ủng hộ hình phạt này. Song, thực tế cũng cho thấy, ở đa số quốc gia đã xóa bỏ HPTH, nhà nước đã đưa ra quyết định trong hoàn cảnh công luận vẫn nghiêng về phía ủng hộ việc duy trì hình phạt. Nhưng quan trọng là khi quyết định xóa bỏ HPTH được nhà nước đưa ra thì công luận ở các nước đó cũng không có phản ứng đáng kể.■

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *