Xuyên tạc thân thế, hạ bệ lãnh tụ, xuyên tạc sự nghiệp, thật giả lẫn lộn,… là vô số thủ đoạn thành phần chống phá nhắm vào Chủ tịch Hồ Chí Minh – lãnh tụ thiên tài của Đảng, anh hùng giải phóng dân tộc đã cống hiến cả cuộc đời cho đất nước, dân tộc Việt Nam và phong trào đấu tranh vì hòa bình của các dân tộc bị áp bức trên thế giới, được thế giới ca ngợi, tôn vinh. Chẳng hạn như bài viết “Tại Sao Đảng Cộng Sản Việt Nam Không Trưng Ra Bản Thảo Tuyên Ngôn Độc Lập Của Hồ Chí Minh Viết?” xuyên tạc, bịa đặt trắng trợn rằng “Hồ Chí Minh không phải là Nguyễn Ái Quốc người Nghệ An”, “Hồ Chí Minh chỉ là tên nhập vai đóng thế Nguyễn Ái Quốc” với lập luận là “bản Tuyên Ngôn Độc Lập, tính từ 25/08/1945 đến 02/09/1945 chỉ vỏn vẹn chỉ có 7 ngày, đối với Hồ Chí Minh nếu viết bằng tiếng Việt là không thể”. Sự thật ra sao?
Các nhân chứng lịch sử
“Bác và Thường vụ trao đổi về một việc hệ trọng cần bắt tay vào làm ngay: thảo bản Tuyên ngôn Độc lập” (Tác phẩm “Những năm tháng không thể nào quên” – Võ Nguyên Giáp). “Theo sự phân công của Ban Thường vụ, Bác dự thảo bản Tuyên ngôn Độc lập” (Tác phẩm “Hồi tưởng” – Trường Chinh). Địa điểm dự thảo “Tuyên ngôn Độc lập” chính là ở gác hai nhà số 48 Hàng Ngang, “trong căn buồng nhỏ thiếu ánh sáng của ngôi nhà sâu thẳm, nằm giữa một trong ba mươi sáu phố phường của Hà Nội”, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi làm việc, khi thì viết, khi thì đánh máy. “Bác thường trao đổi ý kiến với chúng tôi, đọc cho chúng tôi nghe, yêu cầu chúng tôi bổ sung hoặc sửa chữa… Những ý kiến chúng tôi đóng góp được Bác chấp nhận. Cách làm việc của Bác là một bài học lớn chúng tôi không bao giờ quên” (Trường Chinh); “Bản Tuyên ngôn lịch sử đã thảo xong, Bác mang đọc để thông qua tập thể. Như lời Bác nói lại sau này, đó là những giờ phút sảng khoái nhất của Người” (Võ Nguyên Giáp). Bởi bản tuyên ngôn “sẽ được đọc không phải chỉ để đồng bào cả nước ta nghe, mà còn cho cả Chính phủ Pháp và Nhân dân Pháp, cho cả các nước đồng minh nghe” (cụ Vũ Đình Hòe ghi lại).
Chưa hết, còn một nhân chứng lịch sử nữa cũng đã nói rõ việc Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn Độc lập như thế nào. Đó chính là thiếu tá Archimedes Patti – Trưởng ban Đông Dương của OSS (Cơ quan Phục vụ Chiến lược Mỹ), Trưởng phái bộ tiền trạm của quân đội Mỹ có mặt tại Hà Nội để thực hiện nhiệm vụ giải cứu tù binh và chuẩn bị cho việc giải giáp quân Nhật tại Bắc Đông Dương. Do có những quan hệ tốt với Việt Minh trước đó, nên sau khi viết xong bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho Archimedes Patti vinh dự được làm người nước ngoài đầu tiên nghe toàn văn văn kiện đặc biệt này trước khi Người công bố với quốc dân và quốc tế. Trong cuốn hồi ký “Why Viet Nam?” (Tại sao Việt Nam) xuất bản năm 1980, Archimedes Patti đã kể rất chi tiết việc được mời đến nghe Bản thảo Tuyên ngôn Độc lập như sau: “Ông Hồ gọi một người ở buồng bên mang bản thảo tới và đưa cho tôi với một dáng thỏa mãn. Rõ ràng trong việc khởi thảo bản này đã có bàn tay già dặn của ông. Bản tài liệu đánh máy bằng tiếng Việt Nam, có nhiều chữ bị xóa và được viết đè lên bằng bút mực, với nhiều ghi chú bên lề. Tôi ngây ra và ông Hồ thấy ngay là tôi không thể đọc được. Ông Hồ cho gọi một người trẻ tuổi vào để dịch và tôi chăm chú nghe”. Thế là đã rõ. Khi được nghe Bản Tuyên ngôn Độc lập do Bác Hồ soạn thảo Archimedes Patti mới biết trong đó có đoạn trích Bản Tuyên ngôn Độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ năm 1776. Sự thật trong hồi ký của Archimedes Patti đã vạch trần sự xuyên tạc, bịa đặt lịch sử một cách nham hiểm của luận điệu nói trên.
Thực ra luận điệu như trên là sự nối tiếp của kẻ dựng chuyện “Hồ Chí Minh có tên thật là Hồ Tập Chương, không phải Nguyễn Ái Quốc, vì Nguyễn Ái Quốc đã chết từ tháng 8-1932”, “Hồ Chí Minh chỉ là một người Tàu đóng thế để thực hiện sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam, tay sai cho Trung Quốc”. Cả cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được vô số nhân chứng lịch sử, thậm chí các cơ quan tình báo Mỹ, Pháp đã được giải mật công bố, không dễ dàng để lật trắng đổi đen như những kẻ vong nô, phản động ảo tưởng. Không phải tự dưng cả dân tộc kính trọng, tự hào về Người, cả thế giới suy tôn Người. Càng cố tình xuyên tạc, bôi nhọ Người, những thành phần cơ hội, phản động càng bị dư luận chán ghét, tẩy chay và khinh rẻ