Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
19245

Tình hình hoạt động mua bán người trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp

Tình hình hoạt động mua bán người trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là mua bán người thông qua đưa người di cư trái phép từ Châu Á, Châu Phi, Trung Đông sang Châu Âu. Theo báo cáo của Cơ quan phòng, chống tội phạm và ma túy Liên hợp quốc (UNODC), trên thế giới có khoảng 244 triệu người di cư và vẫn tiếp tục tăng lên do ảnh hưởng của khủng bố, xung đột, bạo lực…, nhiều người trong số đó trở thành nạn nhân của khoảng 510 đường dây mua bán người trên thế giới. Tổ chức Y tế thế giới công bố mỗi năm có khoảng gần 10.000 ca ghép nội tạng trái phép có sự tham gia của các tổ chức tội phạm buôn người. Khu vực châu Á- Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực các nước Tiểu vùng sông Mê- Kông (trong đó có Việt Nam) vẫn được đánh giá là điểm nóng của tình trạng mua bán người, di cư bất hợp pháp, ước tính lợi nhuận từ hoạt động mua bán người tại khu vực lên tới hàng chục tỷ đô la/năm.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai phối hợp với Biên phòng Trung Quốc giải cứu nạn nhân

Theo báo cáo của các đơn vị, địa phương, giai đoạn 2016 – 2020, toàn quốc đã phát hiện xảy ra 1.266 vụ, với 1.690 đối tượng, lừa bán 2.956 nạn nhân. Nổi lên một số tình hình và thủ đoạn sau.  Tuyến biên giới, các đối tượng hình thành nhiều đường dây, băng nhóm liên tỉnh, xuyên quốc gia với tính chất, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, để lừa bán ép hoạt động mại dâm, bán làm vợ, đẻ thuê…, trong đó sang Trung Quốc (chiếm trên 75%), sang Lào và Campuchia (11%), còn lại là đưa sang các nước khác thông qua đường hàng không và đường biển. Các đối tượng lợi dụng khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác hoặc tục lệ cưới hỏi của đồng bào dân tộc ít người để lừa phụ nữ bán sang Trung Quốc tại các tỉnh miền núi phía Bắc; hoặc lừa gạt, dụ dỗ phụ nữ có thai ngoài ý muốn, phụ nữ có thai nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc sinh con, sau đó bán trẻ sơ sinh; lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin (qua các trang mạng xã hội) làm quen, giả vờ yêu đương, kết bạn nhằm môi giới hôn nhân nước ngoài trái phép có xu hướng tăng mạnh ở các tỉnh phía Nam; xuất hiện đường dây mua bán người nước ngoài qua Việt Nam là nước trung chuyển, do đối tượng người Việt Nam chủ mưu, cầm đầu; tình trạng mua bán, chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người diễn biến phức tạp, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triệt phá đường dây mua bán nội tạng xuyên quốc gia liên quan đến 05 đối tượng.

Tình trạng mua bán trẻ em, nhất là học sinh các trường dân tộc nội trú diễn biến phức tạp. Các đối tượng lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường; thông qua các trang mạng xã hội, tiếp cận, rủ rê, lôi kéo đi du lịch, mua tặng quà, làm thuê thu nhập cao, lừa nhiều em gái ở các tỉnh đưa về thành phố bán cho nhà hàng, quán karaoke hoặc massage ở các khu du lịch, khu công nghiệp hoặc ven tuyến quốc lộ để tổ chức hoạt động mại dâm, cưỡng bức lao động, cho vay nặng lãi…; hoặc giả danh là cán bộ Công an, Bộ đội Biên phòng gọi điện tán tỉnh, làm quen nạn, giả vờ yêu đương, hứa hẹn tổ chức đám cưới, hẹn hò, rủ đi chơi hoặc khống chế, đe dọa nạn nhân, sau đó bán ra nước ngoài.

Tội phạm lợi dụng lượng người đi lại, buôn bán hàng hóa khu vực biên giới tăng mạnh, nhất là biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc để tổ chức xuất cảnh trái phép, di cư, lao động thời vụ, sau đó, lừa bán để cưỡng bức lao động, ép hoạt động mại dâm, bán làm vợ…; phát hiện các đối tượng người Việt Nam  móc nối, câu kết với các đối tượng người Trung Quốc quen thuộc địa bàn biên giới đã lừa, dụ dỗ các nạn nhân (kể cả người thân trong gia đình) đưa sang Trung Quốc bán; một số đường dây môi giới, đưa phụ nữ Việt Nam sang Quảng Đông (Trung Quốc) “đẻ thuê” với giá từ 120.000 – 140.000 NDT/trường hợp, các đường dây này lo “trọn gói” các thủ tục từ việc đưa người sang Trung Quốc, chăm sóc, thăm khám, sinh con tại các cơ sở y tế cũng như hợp thức hóa hồ sơ cho những đứa trẻ được sinh ra.

Về đối tượng phạm tội: Chủ yếu là số đối tượng lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về tội mua bán người; người nước ngoài thông qua công ty môi giới vào Việt Nam hoạt động kinh doanh rồi móc nối, cấu kết với cò mồi, môi giới người Việt Nam, dẫn dắt hình thành những đường dây mua bán người xuyên quốc gia; người từng là nạn nhân hoặc lấy chồng người nước ngoài khi về thăm quê lại trở thành thủ phạm dụ dỗ, lừa bán những phụ nữ, trẻ em khác, kể cả người thân trong gia đình; hoặc lợi dụng việc buôn bán, làm ăn qua lại biên giới hay kinh doanh các dịch vụ dọc biên giới để tham gia hoạt động phạm tội.

Nạn nhân thường tập trung ở những vùng nông thôn, miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, đa phần trong số họ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, thiếu hiểu biết về xã hội và kỹ năng sống, nhẹ dạ cả tin; hoặc một số cô gái trẻ thích hưởng thụ, ăn chơi, đua đòi, nên dễ tin theo lời hứa hẹn của đối tượng về việc làm ổn định, thu nhập cao hoặc lấy chồng nước ngoài khá giả, dẫn đến bị lừa bán.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tìnht trạng trên. Về khách quan, do tình hình trên thế giới, khu vực tác động, do siêu lợi nhuận thu được từ hoạt động mua bán người; mất cân bằng về giới; sự phân hóa giàu nghèo, thiếu việc làm, thiếu hiểu biết, nên một bộ phận người dân, nhất là phụ nữ, trẻ em bị đối tượng phạm tội dụ dỗ, lừa gạt. Về chủ quan, công tác quản lý Nhà nước, quản lý xã hội ở một số lĩnh vực còn bất cập, sơ hở, để tội phạm lợi dụng hoạt động, nhất là trong quản lý các lĩnh vực: người nước ngoài, nhân hộ khẩu, biên giới, xuất nhập cảnh, hôn nhân và con nuôi có yếu tố nước ngoài; việc giáo dục đạo đức và truyền thống văn hóa, dân tộc ở phạm vi gia đình cũng như toàn xã hội chưa được coi trọng làm cho một bộ phận dân cư sa vào lối sống vật chất, bất chấp pháp luật…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *