Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
26890

Thúc đẩy thực thi khuyến nghị UPR chu kỳ 3: Bảo đảm bình đẳng giữa các nhóm dân tộc trong tôn giáo,nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của đồng bào DTTS&MN

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ và ngành quản lý nhà nước về tôn giáo, hiện nay nước ta có khoảng 2,8 triệu người DTTS theo tôn giáo (chiếm khoảng 20% dân số là người DTTS) với 16 tôn giáo được nhà nước cấp phép hoạt động và 10.239 cơ sở sinh hoạt.

Theo các quy định pháp luật như Hiến pháp năm 2013 (Điều 24), Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018), theo đó, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tổ chức tôn giáo trong đó có người DTTS được hưởng đầy đủ các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Chính sách của Nhà nước Việt Nam trên lĩnh vực tôn giáo đã đem lại sự thay đổi căn bản trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, trong đó có người DTTS ở Việt Nam.

– Bảo đảm sự đa dạng, hòa hợp và bình đẳng tôn giáo: Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo, các tôn giáo ở Việt Nam chung sống hòa hợp trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Ở Việt Nam không có xung đột tôn giáo. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, không có sự kỳ thị về tín ngưỡng, tôn giáo giữa những người có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau hay không có tín ngưỡng, tôn giáo, giữa người DTTS theo tôn giáo và người Kinh theo tôn giáo.

– Các tổ chức tôn giáo được phép thành lập trường đào tạo, mở lớp bồi dưỡng những người chuyên hoạt động tôn giáo để đáp ứng nhu cầu của tổ chức tôn giáo[1]. Tại các cơ sở đào tạo tôn giáo, nhiều người theo học là người DTTS.

– Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo được in ấn, phát hành kinh sách và đồ dùng việc đạo.

– Hoạt động quốc tế của các cá nhân, tổ chức tôn giáo ngày càng được Nhà nước đảm bảo và tạo điều kiện, trong đó các tín đồ tôn giáo người DTTS được tạo điều kiện tham gia hoạt động quốc tế[2].

Trong những năm qua, chính quyền địa phương vùng đồng bào DTTS&MN luôn thực hiện nhất quán chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không theo tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.

Đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào tôn giáo được chăm lo. Các nhu cầu chính đáng về tín ngưỡng, tôn giáo đã được các cấp chính quyền quan tâm hướng dẫn, giải quyết; các hoạt động phong chức, phong phẩm, thuyên chuyển, bổ nhiệm, bồi dưỡng chức sắc, chức việc được thực hiện theo trình tự thủ tục đã đăng ký; việc xây dựng, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp cơ sở thừa tự tôn giáo được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; các cuộc thăm hỏi, gặp gỡ, động viên chức sắc, chức việc và các tín đồ tôn giáo thường xuyên được tổ chức qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và thể hiện sự quan tâm, chăm lo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với tôn giáo. Hàng năm, hàng nghìn lễ hội dân gian, lễ hội tín ngưỡng và các hoạt động tôn giáo của bà con vùng đồng bào DTTS đã được diễn ra thuận lợi, an toàn dưới sự hỗ trợ của chính quyền địa phương đã trở thành truyền thống mang lại sức mạnh tinh thần cho cộng đồng. Tín ngưỡng truyền thống, thờ cúng tổ tiên, thờ đa thần với quan niệm “vạn vật hữu linh” và các hình thái tôn giáo sơ khai của đồng bào DTTS được giữ vững là yếu tố quan trọng góp phần  củng cố sự cố kết cộng đồng, duy trì đạo đức và trật tự xã hội.

Các chính sách, các chương trình, đề án phát triển KTXH đã triển khai (như CTMTQG phát triển nông thôn mới, CTMTQG giảm nghèo bền vững…) và các chương trình đang triển khai (như CTMTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 – 2030 theo Nghị quyết số 88 và 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020) đã, đang và sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của đồng bào DTTS&MN nói chung và đồng bào theo đạo nói riêng cũng là cam kết thực thi các khuyến nghị UPR chu kỳ 3 về chống phân biệt đối xử và bất bình đẳng giữa các nhóm dân tộc trong tôn giáo mà Việt Nam đã chấp thuận.

[1] Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thành lập Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer tại TP. Cần Thơ đào tạo chuyên biệt cho sư sãi Phật giáo Nam Tông Khmer

[2] Nhiều chư tăng Phật giáo Nam tông Khmer đang học cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành Phật học tại các nước như Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Srilanka, Ấn Độ; nhiều tín đồ Hồi giáo người Chăm được tham gia các cuộc thi đọc Kinh Qu’ran quốc tế tại Thái Lan, Brunei, Malaysia, Indonesia, các hội nghị, hội thảo quốc tế về Hồi giáo, du học giáo lý tại các nước Hồi giáo…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *