Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
19406

Quyền tuyệt đối trong tiếp cận và phổ biến thông tin Kỳ 1:  Mở rộng quyền tự do thông tin và những thách thức

Mạng toàn cầu (Internet) đã tạo cơ hội cho con người sức mạnh thông tin và hợp tác. Con người bình đẳng gần như tuyệt đối trong tiếp cận và phổ biến thông tin. Mỗi cá nhân có quyền làm những gì mà họ cho là tốt nhất với những thông tin mà họ có. Hay nói cách khác, với mạng toàn cầu, con người có thêm sức mạnh để tìm kiếm thông tin. Hơn nữa, sự kết nối, hợp tác không biên giới trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Điều đó tạo triển vọng cho những cộng đồng toàn cầu. Các mạng mở đóng vai trò rất quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng. Tiềm năng sử dụng công nghệ nhằm tạo ra một nền dân chủ minh bạch và liên thông dường như chưa bao giờ sáng lạn hơn.

Mở rộng quyền tự do thông tin

 Quyền tự do thông tin là một quyền cơ bản của con người đã được nhân loại thừa nhận. Thậm chí, có ý kiến khẳng định rằng, nó là quyền để thực hiện mọi quyền vì không có thông tin thì người dân không thể biết, không thể bàn, không thể làm và không thể kiểm tra bất cứ vấn đề gì; tất cả các quyền chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội của công dân đều chỉ có thể bảo đảm thực hiện trên cơ sở bảo đảm quyền tự do thông tin.

Những thông tin “rác” sẽ bị loại trừ trên mạng xã hội

Tuyên ngôn thế giới về quyền con người 1948 đã tuyên bố: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến. Quyền này bao gồm quyền tự do giữ quan điểm mà không bị can thiệp và tự do tìm kiếm, tiếp nhận và chia sẻ các ý tưởng và thông tin bằng bất kỳ phương tiện nào mà không có biên giới” (Điều 19). Hiến pháp Việt Nam năm 2013 cũng ghi nhận “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” (Điều 69). Cho đến nay, những khẳng định trên vẫn hoàn toàn đúng. Nhưng vào thời điểm các văn bản trên được ban hành, loài người chưa hiểu rõ về Internet, về mạng toàn cầu và do đó cũng chưa thể hiểu được quyền tự do thông tin sẽ biến đổi ra sao trong xã hội thông tin toàn cầu.

Ngày nay, quyền tự do thông tin đã phát triển một cách bùng nổ theo hướng: (1) Con người có thể tiếp cận gần như mọi thông tin qua mạng toàn cầu mà không lệ thuộc truyền thông truyền thống (báo chí, sách, nhà nước) như trước; (2) có thể thu thập lượng thông tin đồ sộ một cách dễ dàng và gần như miễn phí. Đặc biệt với sự hỗ trợ của những trang tìm kiếm, nổi bật nhất là Google.com; (3) được tiếp cận các thông tin đa chiều (do ai cũng có thể đưa thông tin lên mạng) để có thể đưa ra quyết định đúng đắn nhất; (4) một cộng đồng người có thể truyền tin cho nhau một cách đồng thời và cực kỳ nhanh chóng thông qua các mạng xã hội (Facebook, Twitter, Youtube…). Nhờ vào Internet, nhiều báo cáo xác thực đã được thực hiện thông qua việc thu thập dữ liệu tử công chúng.

Sự bùng nổ thông tin cũng đã nảy sinh những cuộc tranh luận lớn kéo dài cả thập kỷ qua như vai trò của điện thoại di động trong sự phát triển kinh tế, vai trò của blog trong việc tăng cường sự đa dạng của truyền thông, vai trò của mạng xã hội trong các cuộc phát động chính trị…

Những thách thức cho quản lý

Việc tìm kiếm thông tin trở nên quá dễ dàng tạo ra hiệu ứng thừa thông tin. Chính vì vậy, con người sẽ phải chọn lọc những thông tin hữu ích. Những thông tin “rác” sẽ bị loại trừ, những thông tin tích cực sẽ được khuyến khích. Hay nói cách khác, thông tin được sàng lọc để ngày càng chất lượng hơn. Đã có những dịch vụ “sàng lọc” thông tin như tại website www.ComplaintRemover.com đã quảng cáo “Bạn có muốn thông tin tiêu cực được gỡ bỏ? Chúng tôi là những chuyên gia trong việc gở bỏ những link xấu ra khỏi trang đầu trong bộ máy tìm kiếm”.

Quyền tự do thông tin được mở rộng cũng tạo điều kiện cho các quyền con người khác phát triển. Đặc biệt là những quyền cần xử lý thông tin như quyền tự do báo chí, quyền lập hội, quyền tham gia quản lý nhà nước, quyền khiếu nại, quyền tố cáo… Tiếp cận theo lý thuyết về “điểm bùng phát” của Malcolm Gladwell, quyền tự do thông tin sẽ là điểm chốt và cần kích thích vào điểm chốt này để tạo hiệu ứng “bùng phát” trong hệ thống các quyền con người.

Nhìn ở mặt tích cực, “không gian số” sẽ đem lại sinh khí mà xã hội dân sự cần để hoạt động. Được trang bị các công cụ rẻ tiền và dễ sử dụng để huy động nguồn quỹ, dễ xuất bản và các nền tảng huy động hiệu quả (đầu tiên là MySpace và bây giờ là Facebook và MeetUp), các tổ chức xã hội dân sự có thể vượt qua lỗ hổng tài nguyên và sự thiếu hiệu quả trong hoạt động trước đây để trở nên nhanh hơn, tinh gọn và mạnh mẽ hơn.

Trong xã hội thông tin toàn cầu, dường như không có chỗ cho sự lọc lừa, dối trá, bưng bít. Những bí mật ngày càng ít đi. Để không bị đặt ra ngoài lề xã hội, con người (nhà nước, tổ chức xã hội, cá nhân) ngày càng phải trung thực, minh bạch hơn. Đây là tiền đề quan trọng cho nhà nước pháp quyền và xã hội lành mạnh.

Tuy nhiên cùng với những mặt tích cực thì việc mở rộng quyền tự do thông tin trên không gian ảo cũng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Sự vi phạm quyền con người cũng trở nên dễ dàng hơn, đặc biệt các quyền liên quan đến bí mật đời tư, bí mật thư tín, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền tác giả… Thông tin bôi nhọ, thông tin đời tư có thể “lây lan” nhanh chóng qua mạng. Hơn nữa, lại rất khó khăn phát hiện người vi phạm pháp luật thông qua mạng toàn cầu.

Sự kích động nhằm mục đích xấu (khủng bố, bạo lực, phân biệt chủng tộc…) trở nên nguy hiểm hơn cho xã hội do có tính lây lan rất nhanh. Công nghệ Internet đã giảm bớt quyền lực nhà nước, nhưng đồng thời, nó cũng củng cố quyền lực cho những ai không nằm trong danh sách “bạn bè của xã hội dân sự” (các phong trào cực đoan).

Một báo cáo của Ủy ban Nhân quyền Australia đã nêu ra những vấn đề rất thách thức đối với nhà nước trong việc đưa ra các chính sách, biện pháp nhằm cân bằng giữa quyền tự do ngôn luận và quyền của người khác cũng như lợi ích công cộng. (1) Những phát ngôn thù hận trên mạng phổ biến ở mức độ nào? Liệu đó chỉ là việc một thiểu số người đưa lên mạng những nội dung cực đoan hay là vấn đề có tác động xã hội lớn hơn?; (2) Liệu những phát ngôn thù hận, phân biệt đối xử và lạm dụng ngôn từ trên mạng có khác gì những hành vi đó ngoài môi trường mạng? Liệu đặc điểm của không gian mạng (đặc biệt về tính lan truyền cao và khả năng lưu giữ nội dung lâu dài) có làm thay đổi tác động của những hành vi đó?; Liệu pháp luật coi các hành vi nêu trên là vi phạm pháp luật hoặc thậm chí là tội phạm đã là giải pháp hữu hiệu để đạt được sự cân bằng giữa các quyền trong môi trường mạng?; (4) Khi thực thi pháp luật về chống phân biệt đối xử, cái gì được coi là không gian “công” (public) trong đối sánh với không gian “tư” (private) trong thế giới ảo?; (5) Các biện pháp giáo dục phòng ngừa có hiệu quả để ngăn chặn phát ngôn thù hận và phân biệt đối xử ở mức độ nào?; (6) Chúng ta cần loại luật, chính sách và biện pháp nào để tạo ra môi trường mạng an toàn cho trẻ em, nhằm bảo đảm các quyền của trẻ em trong không gian ảo (bao gồm cả quyền tự do bày tỏ và quyền tự do thông tin)?

Những dạng hành vi theo kiểu phát ngôn thù hận vốn đã được pháp luật nhiều nước điều chỉnh từ lâu, nhưng thách thức của không gian mạng ngày nay đặt ra là tính chất và hậu quả của những hành vi đó khác xưa rất nhiều và nhiều trường hợp chưa hề có tiền lệ. Do đó, các nhà nước sẽ gặp khó khăn để xác định các điểm cân bằng mới giữa quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận với các quyền khác và lợi ích công.

 Tiến Đạt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *