Nhìn từ góc độ quyền con người, truyền thông bẩn là một mối đe dọa nghiêm trọng. Nó làm xói mòn quyền được tiếp cận thông tin chính xác, tạo ra một môi trường độc hại, nơi sự thật bị bóp méo và niềm tin của công chúng bị thao túng. Khi thông tin sai lệch trở thành công cụ chính trị, nó trực tiếp ảnh hưởng đến quyền công dân, làm mất đi tính minh bạch trong xã hội. Tự do ngôn luận là một quyền cơ bản, nhưng tự do lan truyền thông tin giả lại là một sự lạm dụng nguy hiểm. Truyền thông bẩn không chỉ dừng lại ở việc gây hại cho cá nhân mà còn có thể làm suy yếu nền tảng của cả một quốc gia, kích động xung đột, làm gia tăng bất ổn xã hội.
- Truyền thông bẩn là gì?
Truyền thông có vai trò quan trọng trong xã hội hiện đại, giúp lan tỏa thông tin, định hướng dư luận và đóng góp vào sự phát triển của nền dân chủ. Tuy nhiên, khi bị thao túng, nó có thể trở thành một công cụ nguy hiểm, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cá nhân, tổ chức và toàn xã hội. Truyền thông bẩn không chỉ là những tin giả xuất hiện ngẫu nhiên, mà trong nhiều trường hợp, nó được tổ chức bài bản, có mục đích rõ ràng nhằm thao túng dư luận, phục vụ lợi ích chính trị, kinh tế hoặc triệt hạ đối thủ.
Hệ sinh thái truyền thông bẩn bao gồm nhiều tác nhân, từ cá nhân, nhóm lợi ích đến những tổ chức có quy mô lớn, thậm chí cả chính phủ của một số quốc gia. Điều đáng nói là, truyền thông bẩn không chỉ xuất hiện trên các trang mạng không chính thống mà đôi khi cả những kênh truyền thông lớn cũng bị cuốn vào vòng xoáy này. Sự lan tràn của tin giả và thông tin sai lệch đã làm mờ ranh giới giữa thật và giả, khiến công chúng ngày càng mất niềm tin vào báo chí và truyền thông chính thống.
- Các ví dụ điển hình về truyền thông bẩn
Chúng ta còn nhớ đại dịch COVID-19 không chỉ là một cuộc khủng hoảng y tế mà còn kéo theo một cuộc “đại dịch thông tin” (infodemic), nơi tin giả và thuyết âm mưu lan tràn với tốc độ đáng sợ. Những thông tin sai lệch như “sóng 5G gây ra COVID-19”, “vaccine chứa vi mạch để theo dõi con người” đã tạo ra sự hoang mang trong dư luận, khiến nhiều người từ chối tiêm vaccine. Hệ quả là tỷ lệ lây nhiễm và tử vong gia tăng, làm suy yếu nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của các chính phủ.
Các nền tảng mạng xã hội như Facebook, X (Twitter), TikTok đã trở thành môi trường lý tưởng để truyền thông bẩn phát tán. Thậm chí, một số kênh truyền thông chính thống cũng bị cuốn vào vòng xoáy này khi chạy theo các tin tức giật gân mà không kiểm chứng đầy đủ. Điều này cho thấy mức độ nguy hiểm của truyền thông bẩn khi nó không chỉ tác động đến nhận thức của cá nhân mà còn ảnh hưởng đến các chính sách y tế công cộng.
Trong lĩnh vực chính trị, truyền thông bẩn đã trở thành một công cụ đắc lực trong các cuộc cạnh tranh chính trị. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 là một ví dụ điển hình, khi hàng nghìn tài khoản giả mạo được tạo ra để lan truyền tin tức sai lệch, công kích đối thủ và thao túng dư luận. Những thuyết âm mưu nhắm vào Hillary Clinton đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý cử tri và có tác động không nhỏ đến kết quả bầu cử.
Đến năm 2024, truyền thông bẩn tiếp tục là một vấn đề nghiêm trọng trong bầu cử Mỹ. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã cảnh báo về sự xuất hiện của các video giả mạo nhằm gây hoang mang và làm suy yếu lòng tin vào hệ thống bầu cử. Những thông tin sai lệch về gian lận phiếu bầu đã được phát tán rộng rãi, góp phần làm gia tăng sự chia rẽ trong xã hội Mỹ.
Không chỉ Mỹ, các quốc gia khác cũng là nạn nhân của truyền thông bẩn trong bầu cử. Tại Brazil năm 2022, hàng loạt tin giả bị lan truyền nhằm gieo rắc hoài nghi về hệ thống bỏ phiếu điện tử, gây bất ổn và làm suy giảm niềm tin vào nền dân chủ. Đây là minh chứng rõ ràng về việc truyền thông bẩn có thể làm xói mòn các thể chế chính trị nếu không có biện pháp kiểm soát kịp thời.
- Hậu quả của truyền thông bẩn
Truyền thông bẩn làm gia tăng bất ổn xã hội, bạo loan: Tin giả không chỉ gây hoang mang mà còn có thể kích động bạo loạn. Phong trào “Áo vàng” ở Pháp năm 2018 ban đầu chỉ là một cuộc biểu tình phản đối chính sách thuế nhiên liệu, nhưng sau đó đã biến thành bạo động quy mô lớn do bị truyền thông bẩn thao túng. Hàng loạt tin giả được lan truyền, từ cáo buộc “chính phủ Pháp sắp thiết quân luật” đến thông tin sai lệch về việc “EU bí mật thao túng Tổng thống Macron”. Những tin tức này đã khiến dư luận dậy sóng, đẩy phong trào từ biểu tình ôn hòa thành những cuộc đụng độ bạo lực.
Tại Việt Nam, truyền thông bẩn cũng từng được sử dụng để kích động bạo loạn. Ở Tây Nguyên, một số tổ chức phản động lưu vong đã lợi dụng mạng xã hội để lan truyền thông tin sai lệch, thổi phồng bất mãn của người Thượng, kêu gọi ly khai và kích động biểu tình. Những thông tin xuyên tạc về chính sách dân tộc của Nhà nước, kết hợp với lời kêu gọi bạo động từ bên ngoài, đã dẫn đến một số vụ gây rối an ninh nghiêm trọng. Đây là minh chứng rõ ràng về việc truyền thông bẩn có thể bị lợi dụng để gây mất ổn định chính trị và trật tự xã hội.
Vụ sư Minh Tuệ đang là một ví dụ điển hình của truyền thông bẩn: Sự kiện liên quan đến sư Minh Tuệ đã bị truyền thông bẩn chi phối mạnh mẽ. Nhiều YouTuber và các trang mạng xã hội đã bóp méo thông tin, vu cáo Việt Nam vi phạm quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng. Các video, bài đăng sai sự thật lan truyền mạnh mẽ, tạo ra làn sóng chỉ trích không có cơ sở đối với chính quyền và xã hội Việt Nam.
Một số cá nhân, tổ chức nước ngoài đã lợi dụng sự kiện này để xuyên tạc tình hình nhân quyền, kích động dư luận quốc tế và gây áp lực chính trị lên Việt Nam. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến uy tín của đất nước mà còn tác động tiêu cực đến cộng đồng Phật tử trong và ngoài nước.
Truyền thông bẩn trong trường hợp này không chỉ nhắm vào một cá nhân mà còn nhằm thao túng nhận thức của công chúng, tạo ra hiểu lầm nghiêm trọng về chính sách tôn giáo của Việt Nam. Đây là minh chứng rõ rệt cho việc tin giả có thể được sử dụng như một công cụ chính trị để phục vụ lợi ích riêng của một nhóm người hoặc tổ chức nào đó.
Truyền thông bẩn ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trở thành chiến trường mới: Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine không chỉ diễn ra trên chiến trường mà còn trên mặt trận truyền thông. Cả hai bên đều sử dụng truyền thông để phục vụ lợi ích của mình. Nga kiểm soát chặt chẽ truyền thông trong nước, chặn các kênh phương Tây và chỉ đưa tin có lợi cho chính phủ. Ngược lại, Ukraine và phương Tây cũng chặn các kênh truyền thông của Nga, tập trung khai thác truyền thông để tạo dựng hình ảnh tích cực, chẳng hạn như việc liên tục đăng tải hình ảnh Tổng thống Zelensky trên tiền tuyến, dù có nhiều nghi vấn về tính xác thực.
Những chiến dịch bóp méo thông tin này đã làm dư luận quốc tế bị chia rẽ mạnh mẽ, khiến công chúng khó có cái nhìn khách quan về cuộc chiến. Đây là một ví dụ rõ ràng cho thấy truyền thông bẩn có thể trở thành một công cụ chiến lược trong chiến tranh hiện đại.
Truyền thông bẩn hủy hoại danh dự cá nhân. Những vụ scandal giả mạo của người nổi tiếng là minh chứng rõ rệt cho tác hại của truyền thông bẩn. Johnny Depp, diễn viên chính trong loạt phim nổi tiếng “Pirates of the Caribbean” (Những tên cướp biển vùng Caribe) do hãng Walt Disney sản xuất trong đó anh đảm nhận vai diễn huyền thoại Captain Jack Sparrow (Thuyền trưởng Jack Sparrow), một nhân vật mang phong cách lập dị, thông minh và hài hước, được xem là linh hồn của loạt phim này. Johnny Depp từng bị vợ cũ Amber Heard tố cáo bạo lực gia đình, khiến sự nghiệp của anh lao dốc, bị cắt khỏi vai diễn trong Cướp biển vùng Caribe. Tuy nhiên, phiên tòa năm 2022 đã chứng minh Heard mới là người nói dối. Dù Depp thắng kiện, nhưng danh dự và sự nghiệp của anh vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trường hợp Britney Spears cũng cho thấy cách truyền thông bẩn có thể hủy hoại cuộc sống một con người. Năm 2007, Britney bị khai thác hình ảnh tiêu cực, bị ép vào quyền giám hộ trong suốt hơn một thập kỷ. Truyền thông đã dựng lên hình ảnh một “ngôi sao bất ổn”, khiến cô bị tước quyền tự do, mãi đến năm 2021 mới được trả lại quyền kiểm soát tài chính và cuộc sống. Một tin giả có thể khiến ai đó mất tất cả, đặc biệt trong thời đại mà “tin xấu đi nhanh hơn tin tốt”. Điều đáng nói là, ngay cả khi sự thật được làm rõ, dư luận vẫn dễ nhớ đến “bê bối” hơn là sự minh oan.
Ở Việt Nam, vụ việc Nguyễn Phương Hằng cũng là một vụ khá điển hình trong việc sử dụng truyền thông bẩn. Từ tháng 3 năm 2021 đến tháng 3 năm 2022, bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam, đã thực hiện nhiều buổi phát trực tiếp (livestream) trên các nền tảng mạng xã hội như YouTube, Facebook và TikTok. Trong các buổi livestream này, bà Hằng đã đưa ra nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm của nhiều cá nhân, bao gồm nghệ sĩ, nhà báo và các doanh nhân. Những thông tin này nhanh chóng lan truyền, gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín và cuộc sống của những người bị nhắc đến. Hành vi của bà Hằng đã dẫn đến việc bà bị khởi tố và bắt tạm giam vào tháng 3 năm 2022 với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
- Giải pháp đối phó với truyền thông bẩn
Truyền thông bẩn là một vấn đề phức tạp, không thể giải quyết bằng các biện pháp đơn lẻ mà cần một chiến lược toàn diện. Để đối phó hiệu quả, cần kết hợp giữa kiểm soát tin giả, ứng dụng công nghệ, nâng cao nhận thức của công chúng và xây dựng một môi trường truyền thông lành mạnh. Những giải pháp này không chỉ giúp hạn chế tác hại của tin giả mà còn đảm bảo quyền tự do ngôn luận, giữ vững niềm tin của công chúng vào hệ thống thông tin chính thống.
– Kiểm soát tin giả nhưng không làm phương hại đến quyền tự do ngôn luận: Kiểm soát tin giả là điều cần thiết để bảo vệ sự ổn định xã hội, nhưng nếu không thực hiện đúng cách, nó có thể trở thành công cụ kiểm duyệt, làm suy yếu nền dân chủ và cản trở quyền tự do biểu đạt. Một trong những thách thức lớn nhất là tạo ra cơ chế kiểm soát hiệu quả mà không xâm phạm quyền tự do ngôn luận của công dân.
Giải pháp quan trọng đầu tiên là xây dựng các cơ quan kiểm chứng tin tức độc lập, có sự tham gia của báo chí chính thống, chuyên gia công nghệ và các tổ chức nghiên cứu truyền thông. Những cơ quan này sẽ đóng vai trò xác minh tính chính xác của thông tin, phản bác tin giả một cách minh bạch và kịp thời, giúp hạn chế tình trạng lạm quyền trong kiểm duyệt thông tin. Một số quốc gia đã thành công trong việc triển khai mô hình này. Việt Nam có thể học hỏi mô hình này, xây dựng một nền tảng kiểm chứng tin tức chính thống, nơi các nhà báo chuyên nghiệp và chuyên gia công nghệ hợp tác để cung cấp thông tin chính xác.
Bên cạnh đó, các nền tảng mạng xã hội cần áp dụng cơ chế cảnh báo tin giả thay vì chỉ xóa bỏ nội dung. Khi một bài viết bị gỡ bỏ, người đăng tải có thể cảm thấy bị kiểm duyệt bất công, từ đó càng lan truyền tin tức trên các nền tảng khác với tâm lý chống đối. Thay vào đó, mạng xã hội có thể gắn nhãn cảnh báo “Tin chưa được kiểm chứng” để người đọc cân nhắc kỹ trước khi chia sẻ. Phương pháp này đã được Facebook áp dụng trong đại dịch COVID-19, giúp hạn chế đáng kể sự lan truyền của các tin đồn sai lệch về vaccine.
Ngoài ra, cần xây dựng một hệ thống pháp lý rõ ràng để xử lý những người cố tình phát tán tin giả với mục đích xấu. Các biện pháp chế tài phải được thực thi một cách minh bạch và công bằng, tránh việc lợi dụng luật chống tin giả để đàn áp những tiếng nói phản biện hợp pháp.
Kết hợp giữa kiểm chứng thông tin độc lập, cảnh báo thay vì xóa bỏ, và khung pháp lý minh bạch là cách tiếp cận hợp lý để kiểm soát tin giả mà không vi phạm tự do ngôn luận.
– Ứng dụng công nghệ AI để kiểm soát tin giả: Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), việc phát hiện và kiểm soát tin giả có thể được thực hiện nhanh chóng và chính xác hơn. Công nghệ AI có thể quét nội dung trên mạng xã hội, phân tích văn bản và hình ảnh để phát hiện các bài đăng sai sự thật, đồng thời đưa ra cảnh báo cho người đọc.
Facebook, YouTube và Google đã áp dụng AI vào việc kiểm soát tin giả, đặc biệt trong các cuộc bầu cử Mỹ, nơi thông tin sai lệch có thể ảnh hưởng đến cục diện chính trị. Những thuật toán AI này có thể phát hiện các mô hình lan truyền tin giả, xác định các tài khoản có dấu hiệu thao túng dư luận, từ đó giảm thiểu tác động của truyền thông bẩn.
Một lĩnh vực khác mà AI có thể đóng vai trò quan trọng là nhận diện deepfake. Công nghệ deepfake có thể tạo ra các video giả mạo nhưng trông như thật, dễ dàng đánh lừa công chúng. AI có thể phân tích các đặc điểm hình ảnh, giọng nói và cử động trong video để xác định đâu là nội dung bị chỉnh sửa. YouTube và Twitter đã sử dụng công nghệ này để chặn các video deepfake trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2020, giúp ngăn chặn thông tin sai lệch ảnh hưởng đến kết quả bỏ phiếu.
Tại Việt Nam, các cơ quan chức năng có thể hợp tác với các công ty công nghệ để phát triển phần mềm AI kiểm soát tin giả, áp dụng vào các nền tảng truyền thông và báo chí. Việc triển khai công nghệ này không chỉ giúp giảm tải cho các cơ quan kiểm duyệt mà còn đảm bảo tính khách quan, hạn chế sai sót do con người.
Kết hợp AI với kiểm chứng tin tức độc lập sẽ giúp tăng cường khả năng phát hiện và kiểm soát tin giả một cách hiệu quả hơn.
– Nâng cao nhận thức của công chúng: Dù có các biện pháp kiểm soát tiên tiến đến đâu, vẫn không thể ngăn chặn hoàn toàn tin giả nếu công chúng không có khả năng tự phân biệt đúng – sai. Do đó, giải pháp quan trọng và mang tính bền vững nhất là nâng cao nhận thức của người dân về truyền thông số.
Một trong những cách hiệu quả nhất là đưa giáo dục truyền thông số vào giảng dạy từ cấp phổ thông. Học sinh cần được trang bị kỹ năng phân tích thông tin, đánh giá nguồn tin và nhận diện các chiêu thức thao túng truyền thông. Phần Lan đã thành công khi đưa giáo dục truyền thông số vào hệ thống giáo dục, giúp nước này có tỷ lệ tin giả thấp nhất châu Âu.
Ngoài giáo dục chính thống, các chiến dịch truyền thông cộng đồng cũng có thể góp phần nâng cao nhận thức của người dân. Các chương trình như “Hãy kiểm tra trước khi chia sẻ” có thể giúp người dân hiểu rõ hơn về cách nhận diện tin giả, từ đó hạn chế sự lan truyền của thông tin sai lệch.
Khi mỗi cá nhân trở thành một người tiêu dùng thông tin thông minh, tác động tiêu cực của truyền thông bẩn sẽ giảm đi đáng kể.
– Xây dựng một môi trường truyền thông lành mạnh: Chống lại truyền thông bẩn không phải là trách nhiệm của riêng chính phủ hay báo chí mà cần sự tham gia của toàn xã hội. Môi trường truyền thông chỉ có thể lành mạnh khi có sự cân bằng giữa báo chí chính thống, mạng xã hội và sự giám sát của công chúng.
Các cơ quan báo chí cần nâng cao trách nhiệm của mình, không chạy theo giật gân mà phải giữ vững nguyên tắc chính xác, khách quan, trung thực. Khi công chúng có niềm tin vào báo chí chính thống, họ sẽ ít bị ảnh hưởng bởi tin giả trên mạng xã hội.
Các nền tảng mạng xã hội cần có trách nhiệm hơn trong việc kiểm soát nội dung mà họ phân phối. Việc tạo ra các thuật toán ưu tiên nội dung có kiểm chứng thay vì tin giật gân sẽ giúp môi trường thông tin trở nên lành mạnh hơn.
Quan trọng nhất, mỗi cá nhân cần nâng cao trách nhiệm với những gì mình tiếp nhận và chia sẻ. Chỉ khi công chúng có ý thức tự bảo vệ mình trước tin giả, tác động tiêu cực của truyền thông bẩn mới được hạn chế.
Kết luận: Kiểm soát truyền thông bẩn không thể chỉ dựa vào các biện pháp hành chính hay công nghệ đơn thuần, mà đòi hỏi một chiến lược toàn diện. Sự kết hợp giữa kiểm chứng tin tức độc lập, ứng dụng công nghệ AI, giáo dục truyền thông số và xây dựng một môi trường truyền thông minh bạch là chìa khóa để ngăn chặn sự lan tràn của tin giả, tin sai lệch.
Thay vì chỉ áp dụng các biện pháp kiểm duyệt từ trên xuống, xã hội cần hướng đến một hệ sinh thái truyền thông lành mạnh, nơi báo chí chính thống có trách nhiệm đưa tin trung thực, các nền tảng công nghệ kiểm soát tin giả hiệu quả, và công chúng có đủ kiến thức để tiếp nhận và sàng lọc thông tin. Khi mỗi cá nhân có ý thức trách nhiệm với những gì mình tiêu thụ và chia sẻ, truyền thông bẩn sẽ không còn đất sống.
Đây không chỉ là cách tiếp cận bền vững mà còn là cách duy nhất để bảo vệ quyền tiếp cận thông tin chính xác, trung thực, đồng thời đảm bảo tự do ngôn luận không bị lạm dụng hay thao túng trong thời đại số./.