Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
51070

Pháp luật Việt Nam và thực tiễn về bảo vệ quyền của người LGBT khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự

Tại Việt Nam những năm gần đây, cộng đồng người LGBT đã và đang hiện diện rõ ràng hơn trong xã hội, số người đồng tính nam, đồng tính nữ công khai xu hướng tình dục của mình và số người chuyển giới ngày càng gia tăng. Những vấn đề pháp lý phát sinh liên quan đến quyền của người đồng tính, song tính, chuyển giới đòi hỏi pháp luật cần có những quy định nhằm bảo đảm quyền của họ với tư cách họ là con người, trong đó có quyền của cộng đồng LGBT khi họ bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn như bắt, tạm giữ, tạm giam.

Phù hợp với pháp luật quốc tế, pháp luật Việt Nam đã từng bước tiếp cận và ghi nhận quyền của người thuộc cộng đồng LGBT. Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”; Điều 16 quy định “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”. Bên cạnh đó, Điều 20 Hiến pháp đã ghi nhận Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự, nhân phẩm và Quyền được bảo vệ khỏi bị bắt, giam giữ tùy tiện và quyền được đối xử nhân đạo và tôn trọng nhân phẩm của những người bị bắt, giam, giữ: “Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định”. Bên cạnh đó, Khoản 4, 5 Điều 31 còn quy định: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật”. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) đã đặt ra những quy định về bảo vệ quyền con người như nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân (Điều 8); nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật (Điều 9); nguyên tắc bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể (Điều 10)… Như vậy, hoạt động bắt, giam, giữ người nói chung và những người LGBT đều được pháp luật quy định cụ thể trong hệ thống tư pháp của Việt Nam.

Trong tố tụng hình sự, các biện pháp ngăn chặn gồm giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú và tạm hoãn xuất cảnh. Trong đó, bắt, tạm giữ, tạm giam là các biện pháp ngăn chặn dễ tổn thương quyền con người, nhất là quyền của người thuộc cộng đồng LGBT. Trên thực tế, A09 chưa áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với đối tượng nào thuộc cộng đồng LGBT và các đối tượng trong các vụ án, vụ việc của đơn vị thụ lý không phải là người thuộc cộng đồng LGBT nên A09 chỉ trao đổi trên khía cạnh pháp luật quy định việc áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với nhóm người này:

– Đối với trường hợp bắt, khám xét, đặc biệt là khám xét người: Khám xét người là biện pháp có tác động đến quyền của người LGBT nhất bằng cách lục soát, tìm tòi trong người, trong quần áo đang mặc hoặc đồ vật mang theo của bị can, người bị bắt giữ trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang, người đang có lệnh truy nã nhằm tìm ra các tài liệu, vật chứng liên quan đến vụ án nên sẽ dễ phát sinh vi phạm quyền tự do thân thể, quyền con người. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) quy định về khám xét người và xem xét dấu vết trên thân thể theo nguyên tắc do người cùng giới thực hiện (Điều 194, 203), Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 cũng quy định việc kiểm tra thân thể người bị tạm giữ, người bị tạm giam là nam giới do cán bộ nam thực hiện, nữ giới do cán bộ nữ thực hiện (Điều 16). Tuy nhiên, luật chưa quy định đối với những người đã phẫu thuật chuyển đổi giới tính (từ nam thành nữ hoặc từ nữ thành nam) nhưng trên các giấy tờ tuỳ thân vẫn ghi giới tính cũ của họ, nếu để người khám và người chứng kiến đều là người cùng giới với giới tính cũ của họ sẽ xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người bị khám.

– Đối với biện pháp tạm giữ, tạm giam:

Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 có một số quy định về tạm giữ, tạm giam tiến bộ hơn trước đây: “Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người đồng tính, người chuyển giới có thể được tạm giữ, tạm giam ở buồng riêng” (Điều 18). Ngoài ra, người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A, người bị kết án tử hình và phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi… cũng có thể được áp dụng quyền này. Như vậy, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 lần đầu tiên đã có quy định về việc giam, giữ riêng đối với người đồng tính, người chuyển giới. Quy định này góp phần bảo đảm cho các đối tượng này, đặc biệt là người chuyển giới tránh khỏi sự kỳ thị của người khác khi bị tạm giam, tạm giữ. Tuy nhiên, quy định này trên thực tế có một số vướng mắc sau:

Thứ nhất, quy định tại Điều 18 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 chỉ quy định giam, giữ riêng đối với những người đồng tính và người chuyển giới, còn người lưỡng tính, người chưa chuyển giới thì không quy định. Vấn đề là hiện nay, người chuyển giới đã xuất hiện không ít trong xã hội Việt Nam. Nhiều trường hợp đã phẫu thuật chuyển giới để được sống thật với con người mình và hầu hết đều không được chuyển đổi hộ tịch, giấy tờ tùy thân. Tuy nhiên có thể nhận thấy nếu cứ căn vào giấy tờ hộ tịch để phân loại giới tính và giam chung người chuyển giới với các phạm nhân bình thường sẽ phát sinh không ít hệ lụy. Trong phòng giam, họ có thể sẽ bị xâm hại tình dục, bị trêu ghẹo, gây sự, đánh nhau rồi dẫn đến các hành vi phạm tội khác.

Thứ hai, Điều 18 cũng chỉ quy định về giam, giữ tại buồng riêng nhưng lại chưa có quy định cụ thể về buồng giam giành cho những người này như thế nào. Do vậy, khi thực hiện những quy định mới này, các cơ quan tư pháp gặp nhiều khó khăn trong khi thi hành tạm giữ, tạm giam do không biết buồng giam giữ những người này phải bố trí trong phòng giam, giữ những gì và như thế nào.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *