Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
18938

Nguyên nhân thất bại của cuộc ‘chính biến’ năm 1991 ở Liên Xô

Bốn giờ chiều ngày 17/8/1991, tại một cơ sở bí mật của Uỷ ban An ninh quốc gia Liên Xô (KGB) ở ngoại ô Moscow diễn ra một cuộc họp quan trọng.

Theo cuốn “Hồi ký” của ông Nikolai Ryzkov, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch KGB V. Kryuchkov, hội nghị thành lập Uỷ ban Nhà nước về tình trạng khẩn cấp (GKTrP) do Phó tổng thống Yanaev đứng đầu, nhằm “lành mạnh hoá đời sống đất nước” sau những năm tháng cải tổ và trước lễ kí hiệp ước liên bang mới mà nội dung thực chất là chính thức giải thể Liên Xô, được Tổng thống Gorbachev dự kiến tổ chức ngày 19/8.

Chiều 18/8, nhóm công tác của GKTrP đến gặp Gorbachev đang nghỉ ở Krym yêu cầu ông này chuyển giao quyền lực cho Yanaev. Gorbachev từ chối. Nhóm công tác liền cách li toàn diện đối với Gorbachev; chuyển chuyên cơ của Gorbachev về Moscow và tạm giữ đội bay; đóng cửa tuyến đường hàng không phía nam; điều hạm tàu tuần tra mặt biển…

Lý do thất bại của cuộc

Cuộc đảo chính ngày 19/8/1991. Ảnh: TASS


6h34, đài phát thanh, đài truyền hình phát “Lời kêu gọi gửi nhân dân Liên Xô” của GKTrP, nhận trách nhiệm đưa đất nước ra khỏi tình trạng khủng hoảng trong thời gian ngắn nhất.
6h05 ngày 19/8, TASS phát bản tin quan trọng, tuyên bố vì lí do sức khoẻ nên Gorbachev không thể thực hiện chức trách tổng thống; Phó Tổng thống Yanaev sẽ đảm nhiệm chức trách tổng thống; một số nơi trên lãnh thổ Liên Xô được đặt trong tình trạng khẩn cấp 6 tháng; thành lập Uỷ ban Nhà nước về tình trạng khẩn cấp để quản lí đất nước và thi hành tình trạng khẩn cấp một cách có hiệu quả.

8h35, GKTrP ra sắc lệnh yêu cầu chính quyền các cấp trên toàn Liên Xô phải tuân thủ mọi chỉ lệnh của GKTrP; đình chỉ hoạt động của các chính đảng, tổ chức, phong trào nào ngăn cản việc bình thường hoá tình hình; Bộ Nội vụ, KGB và Bộ Quốc phòng thu hồi tất cả các loại vũ khí bất hợp pháp; nghiêm cấm mít tinh, diễu hành, bãi công; khi cần thiết sẽ thi hành lệnh giới nghiêm; kiểm tra, giám sát các phương tiện thông tin đại chúng…

Trước đó, vào lúc 6h, Bộ trưởng Quốc phòng Yazov ra lệnh đặt các đơn vị quân đội vào tình trạng chiến tranh và điều một số đơn vị vào Moscow, song lại không nói rõ lí do áp dụng các biện pháp này. Đến gần 9 giờ, những chiếc xe tăng đầu tiên đã có mặt trên đường phố Moscow rồi nhanh chóng bao vây đài phát thanh, đài truyền hình, Quảng trường Đỏ, toà nhà Xô-viết Tối cao Nga, phong toả các con đường dẫn vào Moscow.

Việc tiếp theo, GKTrP ra lệnh bắt Yeltsin, lúc đó đang nghỉ ở ngoại ô Moscow. Trong tay không có quân đội, không có phương tiện liên lạc, Yeltsin phải hoá trang thành người câu cá, bí mật quay về Moscow. Việc không bắt giữ được Yeltsin là sai lầm to lớn của GKTrP và là yếu tố quan trọng dẫn đến thất bại của GKTrP.

Qua các kênh thông tin, Yeltsin biết các lực lượng “dân chủ” đều phản đối chính biến, còn quân đội thì lừng khừng. Trong giờ phút quyết định đó, Yeltsin đầy quyết đoán đã lao ra đường, chặn chiếc xe tăng đi đầu, trèo lên tháp pháo và với danh nghĩa Tổng thống Nga, kêu gọi quân đội phản chiến, kêu gọi người dân bãi công, phản đối “đảo chính”.

Ngay trong ngày 19/8, Yeltsin ra lệnh cho các đơn vị lực lượng vũ trang (LLVT) đang có mặt trên lãnh thổ Nga phải phục tùng chính quyền Nga. Tiếp đó, yêu cầu KGB và Bộ Nội vụ Nga tạm thời thi hành các chức trách của các cơ cấu Liên Xô tương ứng trên lãnh thổ Nga. Đây là bước đi dẫn đến việc ra đời một nội các song trùng với nội các liên bang đang tồn tại, giúp Yeltsin không những chống trả GKTrP, mà còn là cách thức để ông ta vô hiệu hoá Gorbachev.

Trong khi đó, mệnh lệnh của Nguyên soái Yazov điều động các đơn vị dù cũng bị Tư lệnh lực lượng này từ chối chấp hành. Đội đặc nhiệm Alpha chuyên chống khủng bố và tội phạm có tổ chức cũng không thực hiện lệnh tấn công vào dinh Tổng thống Nga.

Đến 16h ngày 20/8, Bộ Quốc phòng phải tuyên bố rút quân ra khỏi Moscow. 19h30 phút, Tư lệnh Quân khu Moscow tuyên bố bãi bỏ lệnh giới nghiêm. 21h30, Yeltsin gửi tối hậu thư đến GKTrP yêu cầu chấm dứt hoạt động từ 22h ngày 21/8, bãi bỏ vô điều kiện mọi quyết định đã ban hành.

Mọi quyền hành trên thực tế đã chuyển về tay Yeltsin. Ông ta ra lệnh bắt giam những người liên quan đến đảo chính và cử người đi đón Gorbachev. Ngày 23/8, trong buổi gặp mặt các đại biểu Xô-viết Tối cao Nga và ngay trước mặt Gorbachev, Yeltsin kí sắc lệnh cấm Đảng Cộng sản Nga.

Ngay sau đó, những phần tử quá khích lục soát toà nhà Trung ương Đảng, đánh đuổi các nhân viên văn phòng. Các ấn phẩm của Đảng bị cấm xuất bản. Mọi mệnh lệnh Gorbachev ban ra, mọi sắc lệnh ông ta kí đều phải được sự chấp thuận của Yeltsin. Ngày 24/8, Gorbachev tuyên bố từ bỏ trách nhiệm Tổng bí thư, đề nghị Ban chấp hành Trung ương tự giải thể và giải tán KGB. Hàng loạt nước cộng hòa tuyên bố độc lập.

Ngày 8/12/1991, Cộng đồng Các quốc gia độc lập (SNG) được thành lập. Ngày 21/12, Hội nghị cấp cao SNG tuyên bố giải tán Liên Xô, chấm dứt cơ cấu Tổng thống Liên Xô và yêu cầu Gorbachev trao cặp điều khiển hạt nhân cho Yeltsin. Ngày 23/12, sau cuộc hội đàm kéo dài 8 giờ với Yeltsin, Gorbachev đồng ý trao quyền thống lĩnh các lực lượng vũ trang và nút bấm hạt nhân cho đối thủ của mình, và cuối cùng, ngày 25/12/1991, tuyên bố từ chức Tổng thống Liên Xô.

GKTrP thất bại, trước hết, do không tranh thủ được Xô-viết Tối cao Liên Xô. Vì theo Hiến pháp Liên Xô, chỉ Xô-viết Tối cao mới được quyền ban bố tình trạng khẩn cấp và quyết định việc thay thế, đình chỉ, chuyển giao chức vụ tổng thống. Chính vì thế, trong việc chấp hành chỉ lệnh của GKTrP, có đến 70% chính quyền các cấp tỏ ra lưỡng lự và có thái độ trông chừng. Ở một số địa phương có thành lập ủy ban tình trạng khẩn cấp, nhưng hoặc bị giải thể ngay sau đó, hoặc lại đối đầu với Xô-viết cùng cấp.

Trong hành động, GKTrP tỏ ra lóng ngóng, thiếu quyết đoán và non nớt về mặt tổ chức. Cho đến thời điểm cuối cùng, ngay nội bộ cũng không thống nhất việc có sử dụng sức mạnh hay không, nếu có thì ở mức độ nào và nhằm vào những mục tiêu nào. Chính điều này đã tạo cơ hội và thời gian cho Yeltsin tập hợp lực lượng, phân hoá hàng ngũ GKTrP, chia rẽ các LLVT. Hậu quả là đa số các đơn vị quân đội đã án binh bất động, thậm chí công khai bất tuân mệnh lệnh cấp trên và ngả sang phía đối địch.

Một nguyên nhân không kém phần quan trọng là Yeltsin được sự hậu thuẫn của Mỹ và các nước phương Tây. Trong suốt thời gian chính biến, Yeltsin đã duy trì liên lạc với lãnh đạo các nước này và đều được cam kết ủng hộ.

Nguyên Phong

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *