Lần đầu tiên, Bộ LĐTBXH phối hợp với các đơn vị tổ chức gặp mặt 300 Bà mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu từ khắp cả nước. Trong số các mẹ, người thì mất con, người thì mất chồng, người thì mất cả chồng cả con trong kháng chiến.
Mặc dù tuổi đã cao, vết thương và nỗi đau lòng còn chằng chịt nhưng các mẹ vẫn mong có thể đóng góp nhiều hơn nữa công sức vào công cuộc xây dựng đất nước, tạo dựng cuộc sống hạnh phúc cho con cháu.
95 tuổi vẫn ngồi may khẩu trang
Cận kề kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, mẹ Ngô Thị Quýt (95 tuổi) ở phường 5, quận Gò Vấp (TP.HCM) cùng với nhiều mẹ khác được về Hà Nội dự lễ gặp mặt các Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong cả nước.
Vẫn dáng vẻ gầy gò, đôi bàn tay nhăn nheo, mẹ bước những bước đi khó khăn nhưng gương mặt lúc nào cũng nở nụ cười nhân hậu. Mẹ Quýt nói: “Mẹ rất vui vì được về Thủ đô báo công với Bác Hồ”.
Mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Quýt may khẩu trang tặng người nghèo phòng dịch Covid-19.
Dù sức không còn khỏe nhưng vừa qua, trong lúc cả nước cùng chung tay chống dịch Covid-19, mẹ đã may không biết bao nhiêu chiếc khẩu trang vải để tặng người dân. “Mẹ già rồi, có thời gian cũng không làm gì, thế nên muốn may khẩu trang tặng cho người nghèo. Coi như cũng góp chút công sức để giúp nhà nước và người dân nghèo chống dịch” – mẹ Quýt nói.
Ngoài may khẩu trang trong đợt dịch, suốt 21 năm qua, mẹ Quýt vẫn đều đặn hằng ngày may chăn, mền tặng người dân ở những vùng khó khăn. Số chăn, mền do tự tay mẹ Quýt may tặng miễn phí cho các chương trình thiện nguyện khắp cả nước trong ngần ấy năm không thể nào đếm xuể.
Trong những giây phút trò chuyện ngắn ngủi, mẹ Quýt đã kể cho tôi nghe câu chuyện cuộc đời mẹ. Mẹ có chồng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp và người con hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Mẹ Quýt cũng là người hoạt động kháng chiến, từng bị địch bắt, bị đày ra Côn Đảo.
Mẹ kể, sau khi kết hôn không lâu, cả mẹ và chồng của mẹ đều đi hoạt động cách mạng. Năm 1948, chồng mẹ hy sinh, lúc đó con trai của mẹ mới 3 tuổi. Mẹ để lại con cho ông bà ngoại nuôi, tiếp tục sự nghiệp hoạt động kháng chiến.
Thời gian đầu mẹ được giao nhiệm vụ tham gia biệt động Thành (hoạt động Sài Gòn). Hoạt động được 4 năm, đến năm 1951 thì mẹ bị phát hiện, bị địch bắt, đày ra Côn Đảo, lúc này mẹ mới 26 tuổi. Sau hơn 1 năm bị tù đày, bị tra tấn dã man, cuối cùng mẹ cũng được giải thoát ra Bắc. Mặc dù được tự do, nhưng cuộc đời của mẹ vẫn chưa hết nỗi đau. Kháng chiến chống Pháp kết thúc, đất nước bước vào kháng chiến chống Mỹ. Năm 1970, mẹ lại tiễn người con trai vào chiến trường. 2 năm sau ngày ra trận, anh hy sinh. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, nhưng điều đó không làm mẹ gục ngã. “Lúc nghe con trai hy sinh trái tim tôi đau thắt lại. Khi đó, mẹ vẫn đang hoạt động cách mạng. Gạt nỗi đau, mẹcàng quyết tâm chừng nào còn sống là còn phải cống hiến cho đất nước” – mẹ Quýt kể.
Người mẹ với hơn 60 năm tuổi Đảng
Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Sự.
Đã bước sang tuổi xưa nay hiếm nhưng như nhiều Bà Mẹ Việt Nam anh hùng khác, mẹ Nguyễn Thị Sự (103 tuổi ở xóm Múc, xã Hợp Thành, TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) vẫn cố gắng xuống Hà Nội dự lễ gặp mặt.
Dù tuổi đã cao, nhưng mẹ vẫn tinh anh, sức khỏe vẫn bền bỉ. Mẹ nói mẹ rất vui vì được về Thủ đô chơi. Cũng như nhiều mẹ khác, mẹ Sự đã đóng góp công sức, và cả những người con cho Tổ quốc. Mẹ có 2 người con hy sinh, một người trong kháng chiến chống Pháp, một người trong kháng chiến chống Mỹ.
Trước đó, cả mẹ và chồng mẹ đều tham gia cách mạng. Mẹ cũng là đảng viên có tuổi đời cao nhất của xã Hợp Thành. Trong trí nhớ không còn nguyên vẹn, mẹ kể lại kỷ niệm ngày còn tham gia kháng chiến: “Ngày ấy khổ lắm, đâu đâu cũng đói khát. Chồng đi kháng chiến, mẹ một tay nuôi 7 người con, vừa nuôi con vừa phải tham gia hỗ trợ cách mạng. Ngày thì đi làm ruộng, tối đến thì đi làm liên lạc cho cách mạng, họp hành nhiều lắm. Thế nhưng mẹ vẫn cố vì nghĩ sẽ có ngày đất nước được độc lập, các con mình được ăn học no đủ” – mẹSự kể.
Chị Đỗ Thị Tiến (65 tuổi), con dâu và cũng là người phụng dưỡng của mẹ Sự cho biết, dù tuổi cao, sức cũng đã yếu nhiều nhưng mẹ vẫn tham gia sinh hoạt Đảng tại địa phương. Ở nhà mẹ vẫn quét dọn, tự sinh hoạt và hỗ trợ con cái trong công việc nhà.
Nguyệt Tạ