Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
40830

Hỗ trợ nạn nhân mua bán trở về Kỳ 3: Còn nhiều khó khăn

Trước thực trạng tình hình mua bán người diễn biến phức tạp, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo sâu sát công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Quốc hội đã ban hành 03 Luật (Luật phòng, chống mua bán người năm 2012, Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015); Chính phủ ban hành 02 Nghị định là Nghị định 62 năm 2012 và Nghị định 09 năm 2013. Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 Quyết định (Quyết định số 1427 năm 2011 và 2546 năm 2015, phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống mua bán người giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020.

Thuận lợi

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật từng bước được hoàn thiện, tạo khung pháp lý thuận lợi để thực hiện công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng; Cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện có hiệu quả các giải pháp, chính sách và các chương trình mục tiêu quốc gia như bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, giảm nghèo, giải quyết việc làm và tiếp nhận hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn sự phát sinh, phát triển của tội phạm mua bán người; Công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân có sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ngành, đoàn thể; nạn nhân bị mua bán trở về được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ xã hội, qua đó, giúp nạn nhân có điều kiện ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Các nạn nhân mua bán người học nghề may tại Nhà Nhân ái tỉnh Lào Cai.

Nhiều địa phương đã xây dựng được mạng lưới cộng tác viên tại cấp huyện, cấp xã thực hiện công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng, thông qua đó góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội ở địa phương; Công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân ngoài cộng đồng cũng được đẩy mạnh, khuyến khích được các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia đấu tranh tố giác tội phạm góp phần đạt được mục tiêu, yêu cầu của Đề án đặt ra.

Khó khăn, thách thức

Thứ nhất, tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi xảo quyệt, mang tính xuyên quốc gia và hình thành nhiều đường dây, băng nhóm tội phạm có sự câu kết giữa các đối tượng trong nước và nước ngoài gây khó khăn cho công tác điều tra, khám phá, giải cứu nạn nhân.

Thứ hai,Tiêu chí xác định nạn nhân giữa Việt Nam và một số nước còn chưa thống nhất dẫn đến việc có trường hợp Việt Nam coi là nạn nhân nhưng phía nước ngoài không coi là nạn nhân và ngược lại. Do đó chưa thống nhất trong việc hỗ trợ. Đặc biệt, Hiệp định giữa Việt Nam, Trung Quốc về tăng cường hợp tác phòng, chống mua bán người không qui định cụ thể cơ quan đầu mối của hai bên; cơ chế phối hợp và trình tự, thủ tục xác minh, tiếp nhận nạn nhân dẫn đến còn nhiều khó khăn trong quá trình phối hợp thực hiện.

Thứ ba, Đa số nạn nhân bị mua bán trở về đều có hoàn cảnh khó khăn, học vấn thấp, tâm lý thường hay thay đổi, thiếu định hướng, vì vậy, gây khó khăn cho cán bộ thực hiện công tác tiếp cận, tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề. Một số nạn nhân khi trao trả hoặc tự trở về địa phương do sợ bị kỳ thị nên không hợp tác với cơ quan điều tra hoặc bỏ đi nơi khác, gây nhiều khó khăn cho công tác xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ làm rõ vụ việc.

Thứ tư, Tại hầu hết các địa phương, đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về còn thiếu, chủ yếu làm kiêm nhiệm hoặc có sự thay đổi nhân sự liên tục nên việc nắm bắt thông tin và cập nhật số liệu về nạn nhân bị mua bán trở về và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho họ còn chưa kịp thời, việc hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân chưa thật sự bền vững.

Thứ năm, Chế độ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng theo quy định còn thấp, có một số ít nạn nhân bị mua bán trở về thuộc hộ nghèo được thực hiện trợ cấp khó khăn ban đầu, có nhiều trường hợp nạn nhân có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng không thuộc diện hộ nghèo nên địa phương không thể hỗ trợ.

Thứ sáu, Các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân tại cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm công tác xã hội một số tỉnh, thành phố còn nhiều hạn chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ nạn nhân còn thiếu; có địa phương nơi lưu trú tạm thời cho nạn nhân phải tận dụng, bố trí với khu nhà ở cùng với các đối tượng khác, gây ảnh hưởng, xáo trộn đến tổ chức, hoạt động, quản lý.

Thứ bTại nhiều tỉnh, thành phố, nguồn kinh phí cho công tác hỗ trợ nạn nhân chưa được bố trí hoặc có bố trí nhưng rất ít.

– Các đơn vị Bộ đội Biên phòng hầu hết không được đầu tư cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân theo quy định, nhất là những vụ việc lực lượng chức năng nước ngoài trao trả nạn nhân với số lượng lớn, rất khó khăn trong việc bố trí nơi ăn, ngủ và hỗ trợ ban đầu theo quy định, nhiều đơn vị thuộc vùng sâu, vùng xa, cách xa trung tâm huyện hoặc các cơ sở hỗ trợ nên công tác chuyển tuyến nạn nhân gặp rất nhiều khó khăn. Đa số nạn nhân bị mua bán là phụ nữ, trẻ em và có cả trường hợp trẻ sơ sinh, trong khi các đồn Biên phòng lại không có cán bộ, nhân viên nữ nên gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc, hỗ trợ ban đầu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *