Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
23924

Hỗ trợ nạn nhân mua bán người trở về Kỳ 2: Nỗ lực hỗ trợ nạn nhân

Trước thực trạng tình hình mua bán người diễn biến phức tạp, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo sâu sát công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Quốc hội đã ban hành 03 Luật (Luật phòng, chống mua bán người năm 2012, Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015); Chính phủ ban hành 02 Nghị định là Nghị định 62 năm 2012 và Nghị định 09 năm 2013. Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 Quyết định (Quyết định số 1427 năm 2011 và 2546 năm 2015, phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống mua bán người giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020.

Bộ đội Biên phòng Lào Cai tiếp nhận nạn nhân bị mua, bán

Từ năm 2011 – 2015, lực lượng chức năng đã tổ chức giải cứu, tiếp nhận 5.359 nạn nhân. Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội các địa phương đã tiếp nhận, hỗ trợ cho 2.213 nạn nhân bị mua bán có nhu cầu trở về hòa nhập cộng đồng.

Giai đoạn 2016 – 2017, các đơn vị chức năng đã xác minh, giải cứu, tiếp nhận gần 3.500 trường hợp, trong đó, xác định 1.117 trường hợp là nạn nhân bị mua bán. Năm 2018 là 322; năm 2019 là 340 và năm 2020 là 115 nạn nhân. Số lượng nạn nhân bị mua bán được tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu tập trung đông tại một số tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh, Nghệ An, Lạng Sơn, Lai Châu, Sơn La, Nam Định, Thừa Thiên Huế, Hậu Giang, Vĩnh Phúc, An Giang, Kiên Giang… 100% nạn nhân bị mua bán, sau khi tiếp nhận được lực lượng chức năng (Công an, Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương) phối hợp bảo vệ, tổ chức bàn giao, cung cấp thông tin và thực hiện dịch vụ hỗ trợ, để nạn nhân nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.

Hiện nay, tại các địa phương đang thực hiện hỗ trợ nạn nhân thông qua các hình thức như:

– Hỗ trợ nạn nhân gắn với công tác tiếp nhận: hầu hết các trường hợp nạn nhân trở về chính thức, tự trở về hoặc được giải cứu đều nhận được sự hỗ trợ phù hợp. Dịch vụ hỗ trợ chủ yếu là cung cấp nơi ăn nghỉ tạm thời, tư vấn tâm lý xã hội, đối với các trường hợp ốm đau, sức khỏe yếu được hỗ trợ chữa trị ban đầu; trợ cấp tiền tàu xe, tiền ăn khi trở về gia đình.

– Hỗ trợ tại cộng đồng: hỗ trợ pháp lý (làm thủ tục về hộ khẩu, cấp chứng minh thư nhân dân, giấy khai sinh), học nghề, hỗ trợ việc làm, học văn hóa và bảo vệ nạn nhân tố giác tội phạm.

– Hỗ trợ tại Trung tâm, Nhà tạm lánh dành cho nạn nhân: hình thức này được thực hiện thông qua dự án tại Lào Cai, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang. Các trường hợp nạn nhân bị mua bán trở về được cung cấp nơi ăn nghỉ, tư vấn tâm lý xã hội và được tiếp cận với các dịch vụ ngoài Trung tâm để học văn hóa, học nghề hoặc khám chữa bệnh theo nhu cầu và khả năng của đối tượng. Các nạn nhân được hưởng các dịch vụ này đạt tỷ lệ cao về hòa nhập cộng đồng. Tiêu biểu là mô hình Nhà nhân ái tại tỉnh Lào Cai. Mô hình được thành lập theo Quyết định số 1116/QĐ-UBND ngày 5/5/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai. Chi Cục phòng, chống tệ nạn xã hội là đơn vị trực tiếp quản lý Nhà nhân ái, với sự hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật từ Tổ chức Vòng tay Thái Bình. Mô hình Nhà nhân ái tỉnh Lào Cai hỗ trợ nạn nhân theo 5 bước: (1) Tiếp nhận ban đầu, (2) Hỗ trợ phục hồi, (3) Kết nối các dịch vụ chuẩn bị hòa nhập cộng đồng, (4) Đánh giá nhu cầu chuẩn bị chuyển tuyến, (5) Giám sát quá trình hòa nhập cộng đồng, chuyển giao và kết thúc. Thời gian nạn nhân lưu trú tại Nhà nhân ái là từ 12 tháng trở lên, đến khi học xong phổ thông, học nghề, có việc làm thì hồi gia. Sau gần 9 năm triển khai hoạt động, Nhà nhân ái Lào Cai đã tiếp nhận và hỗ trợ cho 200 nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng, gia đình an toàn. Trong đó, 100% được chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh mua bảo hiểm y tế, được tư vấn giáo dục kỹ năng sống, được học hết văn hóa phổ thông; 80% được học nghề, có việc làm ổn định; 70% đã xây dựng hạnh phúc gia đình ổn định cuộc sống; nhiều em đã tự tin trở thành người truyền thông trực tiếp bằng tiếng dân tộc mình trước các phiên chợ vùng cao và tại các trường học.

– Hỗ trợ thông qua các hoạt động lồng ghép, phòng ngừa và tái hòa nhập cộng đồng tại xã, phường, thị trấn như: tổ chức các lớp dạy nghề cho phụ nữ, trẻ em thuộc diện hộ nghèo, hỗ trợ tạo việc làm để có mức thu nhập ổn định; hỗ trợ vay tín dụng, cấp phát học phí, học bổng gắn với các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người.

– Hỗ trợ thông qua các mô hình do các Dự án quốc tế hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật như: mô hình “Nhóm tự lực” được thực hiện tại Thanh Hóa, Bắc Giang, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình; mô hình “kết hợp hỗ trợ nạn nhân bị mua bán với phòng, chống mại dâm, phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS” tại Hải Phòng và mô hình “Phòng ngừa phụ nữ có nguy cơ dẫn đến hoạt động mại dâm và dự phòng lây nhiễm HIV” tại Đà Nẵng… Các mô hình này đã được đánh giá cao về tính hiệu quả và thực tiễn. Sự thành công của các mô hình bước đầu đã giúp đỡ được những nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, thông qua việc sử dụng đồng vốn sinh kế hiệu quả, đem lại thu nhập ổn định cuộc sống, được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng bền vững.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *