Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
114039

“CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI” VÀ “DÂN CHỦ” LÀ NGÔN NGỮ CHỐNG CỘNG CHUYÊN DỤNG TỪ THỜI CHIẾN TRANH LẠNH

” Chế độ độc tài” và ” dân chủ’ là ngôn ngữ chống cộng chuyên dụng từ thời chiến tranh lạnh. Tác giả Bruce Lerro đã viết bài báo khá dài cùng tên ngày 28/10/2020 trên trang web https://socialistplanningbeyondcapitalism.org/ bàn về nguồn gốc, căn nguyên mà những nước tư bản dán nhãn cho các quốc gia đối lập với họ về nền tảng tư tưởng, chế độ chính trị, nhất là chống lại lợi ích hoặc sự tồn tại của bản thân nó uy hiếp sự bền vững của chế độ tư bản, đế quốc, thực dân. Bài viết được ông Ngô Mạnh Hùng biên dịch

"CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI" VÀ "DÂN CHỦ" LÀ NGÔN NGỮ CHỐNG CỘNG CHUYÊN DỤNG TỪ THỜI CHIẾN TRANH LẠNH
“CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI” VÀ “DÂN CHỦ” LÀ NGÔN NGỮ CHỐNG CỘNG CHUYÊN DỤNG TỪ THỜI CHIẾN TRANH LẠNH

===.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong bài viết gần nhất của tôi, tôi đã chỉ ra cách từ “toàn trị” được sử dụng như một từ bổ sung để tấn công Liên Xô những người cộng sản trên khắp thế giới sau Thế chiến thứ hai. Việc sử dụng từ “độc tài” bắt đầu từ những năm 1930, và cả trước đó vào những năm 1920, từ “độc tài” bắt đầu xuất hiện để giải thích một phản ứng chính trị khác đối với cuộc khủng hoảng trong chủ nghĩa tư bản. Chúng ta sẽ nghiên cứu việc sử dụng thuật ngữ này từ những năm 1920 đến cuối Thế chiến II, mặc dù tất nhiên, ngày nay từ “độc tài” vẫn được dùng cho mục đích tuyên truyền chống lại các chính phủ xã hội chủ nghĩa.

Nếu tôi hỏi 95% dân số Yankee (người Mỹ da trắng, từ có ý khinh miệt – người dịch): “Putin có phải là nhà độc tài không” thì hầu như tất cả đều trả lời “có”. Nếu tôi hỏi “Maduro có phải là nhà độc tài không”, tôi sẽ nhận được câu trả lời tương tự. Nhưng nếu chỉ sáu tháng trước đây, nếu hỏi “Trump có phải là một nhà độc tài không”, câu trả lời sẽ bị lẫn lộn. Điều này là do bộ máy tuyên truyền chính trị do CIA kiểm soát đã tiết kiệm từ “độc tài”, chỉ sử dụng cho các nước ngoài, tất yếu là người đứng đầu các quốc gia xã hội chủ nghĩa hoặc cộng sản. Nhưng ở Yankeedom, chúng ta không có nhà độc tài, thậm chí không có Donald Trump!

Trong cùng một khoảng thời gian, những năm 1920, từ “dân chủ” cũng được sử dụng để chỉ những điều khác nhau vào những thời điểm khác nhau, nhưng cùng một mục đích chống cộng. Trong nửa đầu của bài viết này, tôi sẽ thảo luận về cách sử dụng tuyên truyền của từ “độc tài” và trong nửa sau tôi sẽ thảo luận về việc sử dụng từ “dân chủ” trong tuyên truyền. Đối với phần về “chế độ độc tài”, tôi sẽ chủ yếu rút ra từ bài luận “Độc tài, Dân chủ và Hình dung về Kẻ thù Toàn trị những năm 1920-1950” của Benjamin Alpers. Đối với phần về “dân chủ”, tôi sẽ sử dụng chủ yếu bài luận “Cuộc khủng hoảng trong lý thuyết dân chủ” của Edward Purcell Jr.

HOA KỲ ĐÃ SỬ DỤNG CÁC TỪ NÀY SỚM NHẤT, TRONG GIAI ĐOẠN 1920 – 1930

Vào những năm 20, báo chí Hoa Kỳ đã từng hết sức ca ngợi Mussolini vì đã “mang lại trật tự chính trị” cho Ý. Báo chí Hoa Kỳ cảm thấy nhẹ nhõm khi Mussolini lên nắm quyền vào năm 1922, đến nỗi rất ít nhà báo bận tâm đến việc đưa tin về thái độ thù địch của ông ta với nền dân chủ hoặc quá khứ cực đoan của ông ta. Trong thời gian của Mussolini vào Rome năm 1922 đến giữa những năm 1930, chế độ độc tài Ý được nhìn nhận một cách thiện cảm ở bên phía cánh tả cũng như bên cánh hữu. Lời khen ngợi tương tự cũng được dành cho kế hoạch 5 năm đầu tiên của Stalin. Khi uy tín của Mussolini tăng lên ở Mỹ, Stalin được các đại diện lao động, nhân viên y tế và kỹ sư trong thế giới tư bản coi là người đã đạt được những điều tuyệt vời.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 1932 với Mussolini, báo chí đã gán cho ông ta như một hình mẫu đối với nước Mỹ là “những gì một nhà độc tài thực sự sẽ làm”. Đây là một đoạn trích từ phần biên tập của Barron: “Cho dù chúng ta đã sẵn sàng thừa nhận điều đó hay chưa, đôi khi công khai và đôi khi bí mật, chúng ta đã khao khát được thấy một siêu nhân như Mussolini xuất hiện… Tất nhiên, tất cả chúng ta đều nhận ra rằng các chế độ độc tài, thậm chí cả các chế độ độc tài trong thời bình, hoàn toàn trái ngược với tinh thần của các thể chế Mỹ và tất cả những giá trị được đề cao của nó”.

Thay vì bác bỏ nỗi sợ hãi rằng “điều đó không thể được xảy ra ở đây”, nhà xã hội học Robert Lynd đã gợi ý rằng các nhà tư bản bí mật luôn mong muốn thiết lập một chế độ độc tài.

CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VÀ CUỘC ĐẠI SUY THOÁI

Sự xuất hiện của cuộc suy thoái khiến các chế độ độc tài trở nên hấp dẫn hơn. Mussolini được các nhà tư bản đón nhận nhiệt tình vì chế độ độc tài dường như là một cách hiệu quả để đối phó với các liên đoàn lao động, suy thoái kinh tế và một cách tổ chức nền kinh tế theo đường lối phi xã hội chủ nghĩa. Trong những năm đầu của cuộc Đại suy thoái, chế độ độc tài là một viễn cảnh chính trị quan trọng. Hình ảnh của một nhà độc tài là một người đàn ông vĩ đại, một người có thể nâng mình lên vị trí nổi bật mặc dù khởi đầu khiêm tốn.

Chế độ độc tài được hiểu là một nhân cách chứ không phải là một phần của cấu trúc chính trị. Nhà độc tài là “người thực hiện” cuối cùng. Những người theo chủ nghĩa tự do đã cúi gập người xuống để giải thích tại sao chế độ độc tài không trở thành đối lập với dân chủ. Dorothy Thompson cho rằng những nhà độc tài giỏi có thể cứu được nền dân chủ, còn những kẻ độc tài xấu có thể phá hủy nó. Vào giữa những năm 1930, có tới 33% kỹ sư thất nghiệp đồng ý với sự cần thiết của một nhà độc tài.

Vào những năm 1932-33, nhu cầu về một nhà độc tài ở Mỹ đã lan sang các bộ phim, trong đó có hai bộ phim của Hollywood. Trong bộ phim tài liệu “Mussolini Speaks”, không hề đề cập đến sự tàn bạo của phát xít. Bộ phim ca ngợi sự kiểm soát tuyệt vời của Mussolini đối với đám đông công chúng. Trong lần công chiếu đầu tiên tại Nhà hát New York Place, nó đã nhận được sự thành công đáng kể và phổ biến. Năm 1933, tờ New York Times đã đánh giá rất cao về nó.

Bộ phim “Gabriel ở Nhà Trắng” ủng hộ chế độ độc tài ở Mỹ. Trong đó, một nhà độc tài nói với Quốc hội rằng họ đã quay lưng lại với người dân. Nhà độc tài giải quyết các vấn đề về thất nghiệp và tội phạm có tổ chức. Người viết báo nổi tiếng Randolph Hearst đã hợp tác với bộ phim này. Nó đã thành công tại phòng vé nhưng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Vấn đề là bộ phim ra rạp đúng lúc tư tưởng Yankee khao khát những kẻ độc tài sắp kết thúc. Cuộc xâm lược Ethiopia của Ý vào năm 1935 đã chấm dứt sự nổi tiếng của Mussolini ở Mỹ. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội những năm 30, các phân tích của Hoa Kỳ đã hy vọng ngắn gọn rằng chế độ độc tài có thể hành động một cách hiệu quả hơn để thống nhất và tổ chức chủ nghĩa tư bản. Khi cái giá phải trả vì chế độ độc tài tăng lên vào cuối những năm 30, các nhà xã hội học và sử học thay vì nên đổ lỗi cho các mối quan hệ kinh tế hỗn loạn của tư bản vì lợi ích của các nhà độc tài, đã quay sang chỉ trích bản thân nhà độc tài dù trước đó ca ngợi họ là “lực lượng của trật tự”.

ROOSEVELT, HITLER VÀ CÁI KẾT CỦA MỐI TÌNH LÃNG MẠN VỚI NHỮNG KẺ ĐỘC TÀI

Trong khi có một số ít các nhóm bảo thủ chào đón sự trỗi dậy của Hitler bằng một tiếng thở dài nhẹ nhõm chống cộng sản, thì việc Hitler lên nắm quyền vào năm 1933 đã chấm dứt sự tán tỉnh chế độ độc tài như một sự nhân đức. Sau năm 1935, các tạp chí kinh doanh bắt đầu đánh đồng chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản. Đến nửa sau những năm 30, chế độ độc tài trở thành một từ xấu xa. Năm 1927, “nhà độc tài” được ưa chuộng đến mức có một nhãn hiệu hơi mang tên “nhà độc tài” đã ra đời. Tên của chiếc xe đã được đặt trở lại sau năm 1937 với hàm ý khác. Vào đầu những năm 1930, các nhà độc tài được coi là anh hùng (Mussolini) hoặc khủng khiếp (Hitler), nhưng mỗi người đều được ngưỡng mộ như một người đã chỉ dùng một tay thuần hoá được “quần chúng ngỗ ngược” và khôi phục danh dự cho quốc gia. Vào cuối những năm 1930, các nhà độc tài bị coi là tiêu cực. Chế độ độc tài đã trở thành một từ ngữ bị sợ hãi. Những kẻ độc tài bị đem ra phân tích tâm lý trước đại chúng hoặc bị coi như những con chó chăn cừu, như trong phim của Charlie Chaplin hay trong Three Stooges. Trên thực tế, phim về Hitler của Chaplin là phim kiếm tiền cao nhất ở Mỹ từ năm 1933 đến năm 1942.

Ở Hoa Kỳ, thận chí phe cánh hữu còn cáo buộc Roosevelt là một nhà độc tài trong suốt nhiệm kỳ của ông ta. Có một cụm từ chế giễu “Đệ tam Đế chế, Quốc tế Thứ ba, Nhiệm kỳ Thứ ba” dành cho ông ta. Thậm chí vào năm 1937, có tới 37% công chúng còn lo sợ Roosevelt trở thành một nhà độc tài. Năm 1938, con số này đã tăng lên 50%. Vì vậy, trong những năm 1920 và đầu những năm 1930, các chế độ độc tài được xem như một giải pháp tạm thời cho các vấn đề xã hội; trong khi thực tế vào cuối những năm 1930, các chế độ độc tài chính là nguyên nhân của các vấn đề xã hội, nhưng vẫn được truyền thông đại chúng và quần chúng duy trì.

SỰ VẮNG MẶT CỦA NHỮNG NGƯỜI CHA THÚC ĐẨY HAM MUỐN ĐỐI VỚI CÁC NHÀ ĐỘC TÀI

Một giả thuyết cho rằng cuộc sống gia đình Mỹ đang gặp khó khăn. Nhu cầu có nhiều thu nhập khiến phụ nữ phải tham gia lực lượng lao động và điều này làm giảm vai trò của người cha. Do vậy mà cần phải tìm kiếm một số nhân vật có thẩm quyền để thay thế. Roosevelt’s Fireside Chat (tức chương trình phát thanh “Các cuộc trò chuyện bên lò sưởi” do Roosevelt trực tiếp nói chuyện, tên chương trình là một cách chơi chữ bởi nó có thể được hiểu là “Các cuộc trò chuyện bên đám cháy” hàm ý giai đoạn Đại khủng hoảng – người dịch) đã cung cấp sự thay thế này. Giấc mơ đánh bại Hitler thông qua quyền lực gia trưởng của Roosevelt được hỗ trợ bởi những phụ nữ ủng hộ đã xuất hiện trong một số bộ phim Mỹ. Trong cuốn tiểu thuyết “The President Vanishes” mô tả việc chủ nghĩa phát xít tấn công nước Mỹ, nhưng nó đã bị khuất phục bởi một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và sự hậu thuẫn của một người phụ nữ tốt.

Nỗ lực đầu tiên của Hollywood đối phó với chính trị Đức là trong cuốn tiểu thuyết “Little Man, What Now?” của Hans Fallada (1932). Nó đặt những ràng buộc bền vững của hôn nhân đối lập để chống lại hành động chính trị hỗn loạn. Nó thể hiện những nhà độc tài được tạo ra bởi những rạn nứt trong cấu trúc xã hội, cuộc sống gia đình được cải thiện là cơ hội tốt nhất để hàn gắn nó. Trong tác phẩm “Không thể xảy ra ở đây” của Sinclair Lewis, kể chuyện nhân vật Minutemen,một người theo chủ nghĩa dân túy gần gũi với chủ nghĩa phát xít, cùng với nòng cốt là “những người áo trắng”, đã thắng cử. Minutemen chiếm Quốc hội và bãi bỏ các đảng phái chính trị. Một cuộc kháng chiến được thành lập, được gọi là “New Underground”, được lãnh đạo bởi một người theo chủ nghĩa cá nhân của chủng tộc da trắng, người đã cứu đất nước và nền dân chủ.

THAY ĐỔI KỊCH TÍNH: CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI, ĐÁM ĐÔNG VÀ QUẦN CHÚNG GIAI ĐOẠN 1936-1941

Cho đến lúc đó, khái niệm “chế độ độc tài” mới chỉ tập trung vào từng nhà độc tài và ít mô tả mối liên quan đến quần chúng. Nhưng vào cuối những năm 1930, đã có một sự thay đổi từ tính cách của nhà độc tài sang cách giải thích “lấy đám đông làm trung tâm” khi nói về các chế độ độc tài hiện đại.

Nếu vào đầu những năm 30, người Mỹ sợ hãi hoặc hy vọng vào một người đàn ông duy nhất tự khẳng định mình và cai trị đất nước bằng ý chí của mình, thì trong nửa thập kỷ sau đó, tính cách của nhà độc tài đã bị truất ngôi như một lời giải thích cho sự tồn tại của các nhà độc tài. Chính đám đông hay quần chúng đã sản sinh ra những kẻ độc tài. Vào đầu những năm 1930, các nhà độc tài ít chú ý đến tổ chức chính trị cơ sở của chế độ độc tài, ngoại trừ một số rất ít nhóm. Vào cuối những năm 1930, người ta đã chú ý nhiều hơn đến bối cảnh xã hội mà các chế độ độc tài xuất hiện.

QUAN ĐIỂM HOÀI NGHI CỦA CÔNG CHÚNG

Dorothy Thompson gợi ý rằng dư luận, chứ không phải bất kỳ mong muốn nào từ phía tổng thống, phải chịu trách nhiệm về mối nguy hại đối với nền dân chủ. Trong vở kịch của Archibald MacLeish, “Fall of the City”, thông điệp là “mọi người tạo ra những kẻ áp bức họ”. Quần chúng mong muốn tin tưởng vào độc tài, họ mong muốn được tự do dưới quyền cai trị của một người. Nhà độc tài là hình chiếu của quần chúng muốn được thống trị. Chế độ độc tài không kết thúc kể cả khi nhà độc tài đã biến mất. Điều gì ở đây giải thích về chế độ độc tài? Vào đầu những năm 1930, chủ nghĩa phát xít là chế độ chuyên chế của một thiểu số. Nhưng đến cuối những năm 1930, chủ nghĩa phát xít được hiểu là chính trị của đám đông. Vào đầu những năm 1930, trật tự được hiểu là một điều tốt, một thứ khôi phục lại sự hỗn loạn. Trật tự đã được hiểu như trong các hình ảnh máy móc của Henry Ford và Fredrick Taylor. Nhưng đến giữa những năm 1930, trật tự của một đám đông dân chúng trở thành một điều nguy hiểm. Vào cuối những năm 30, trật tự tồi tệ tồn tại bởi vì mọi người mong muốn có sự phục hồi, hô hào cuồng tín và đồng loạt chào đón nó.

Cũng giống như một phi đội máy bay ném bom – hùng mạnh, có trật tự, tàn nhẫn nhưng không có quyền tự chủ – là đại diện thống trị của các lực lượng độc tài của châu Âu trong chiến tranh, vì vậy đám đông dân chúng, đứng trật tự hoặc cuồng loạn, trở thành hình ảnh phổ biến của các chế độ độc tài châu Âu trong hòa bình. Từ “mob” (đám đông – người dịch) đã mang ý nghĩa mới với sự nổi lên của Al Capone. FBI đưa ra một quan điểm đồng nhất Đức Quốc xã với Cộng sản và tương tự như quan niệm phổ biến về tội phạm có tổ chức: một mạng lưới bí mật rộng lớn đang vận hành một khuôn khổ chính trị chứ không phải tội phạm thông thường. Trong cuộc sống thực, mob là những tập hợp xã hội vô tổ chức của các cá nhân không có sự phối hợp. Còn các đám đông theo chủ nghĩa phát xít là những người “siêu phối hợp” và đối lập với đám đông vô tổ chức.

Đối với những người bảo thủ cực đoan, lời giải thích rõ ràng nhất cho sự gia tăng của đám đông dân chúng là quốc tịch. Phản ứng của đám đông phát xít ở Mỹ ủng hộ Al Capone chống lại chủ nghĩa cộng sản là lời kêu gọi cắt giảm 90% hạn ngạch nhập cư châu Âu. Nói cách khác, người Ý và người Đức là các dân tộc được cho là có nhiều khả năng gây ra bạo lực đám đông hơn so với người Anh hoặc người Na Uy đáng kính.

ĐÁM ĐÔNG SO VỚI QUẦN CHÚNG

Đám đông mới này trông như thế nào? Vào những năm 1930, đám đông được hiểu là một nhóm dân cư thiểu số, phát sinh một cách tự phát, hỗn loạn nhưng có thời gian tồn tại ngắn hạn. Họ chỉ có một khoảng chú ý lan tỏa và không hiệu quả lắm. Đám đông vào đầu những năm 30 chủ yếu là nam giới và đám đông phải ở cùng một nơi vào cùng một thời điểm. Do đó, các thành viên của đám đông có thể dễ dàng bị phân tán, bỏ tù hoặc trục xuất. Tuy nhiên, một khi cá nhân rời khỏi đám đông, họ trở lại hành vi bình thường của họ với tư cách cá nhân.

Công nghệ thông tin liên lạc hiện đại, đặc biệt là khi radio ra đời, cho phép sự tồn tại của đám đông ngay cả khi mọi người không tập trung cùng nhau và người hô hào tập hợp ở một khoảng cách xa. Đám đông này bây giờ đã là một số lượng lớn, tập trung và lâu dài, bền vững hơn nhiều. Hơn nữa, một cá nhân với tư cách là thành viên của quần chúng không bị tách rời khỏi tinh thần quần chúng khi rời khỏi đám đông hoặc tắt radio của mình. Anh ta duy trì tâm trí đám đông ngay cả khi ở một mình. Quần chúng vào cuối những năm 1930 bao gồm phần lớn dân số tự nguyện tham gia, được tập hợp lại, có thể hành động hiệu quả. Quần chúng nổi lên cùng với sự suy tàn của tất cả các nhóm trung gian và các hiệp hội tự nguyện. Vào cuối những năm 1930, quần chúng chủ yếu là nam giới, nhưng phụ nữ cũng được ra ngoài tham gia và được nhìn thấy nhiều ở những nơi công cộng.

QUAN ĐIỂM THÔNG CẢM CỦA CÔNG CHÚNG

Frank Capra thành lập công ty sản xuất phim độc lập của riêng mình vào năm 1939, giải thích vấn đề thu hút đám đông. Trong cả phim “Mr. Deeds Goes to Town” và “Mr.Smith Goes to Washington”, Capra đều cho rằng báo chí phải chịu trách nhiệm tạo ra dư luận. Capra là một đảng viên Cộng hòa bảo thủ, nhưng không chỉ những người bảo thủ đổ lỗi cho các phương tiện truyền thông đại chúng về sự gia tăng của những đám đông. Trong phim “War of the Worlds”, Orson Welles muốn truyền bá dân chủ bằng cách phơi bày thông tin lên những phương tiện thông tin đại chúng có sức ảnh hưởng lớn. Trong “Citizen Kane”, Wells muốn biến khán giả thành những nhà điều tra thay vì phụ thuộc vào các phương tiện thông tin đại chúng.

Raymond Cantril đã nghiên cứu phản ứng của công chúng đối với “War of the Worlds”, nhưng Cantril không đổ lỗi cho các phương tiện thông tin đại chúng. Trong phim “Cuộc xâm lăng từ sao Hỏa” của ông làm năm 1938, ông khẳng định không phải vì phương tiện truyền thông đại chúng mà người ta bị lừa. Đó là sự “sẵn sàng tin tưởng” của họ trước thông tin rằng họ đang bị xâm lược. Một số người thiếu khả năng tư duy phản biện nên không tin những gì đài phát thanh nói với họ. Về mặt tâm lý, giáo dục chính quy sẽ không khuyến khích sự sẵn sàng tin tưởng. Đồng thời, thời điểm họ bắt sóng chương trình phát sóng là một yếu tố tình huống quan trọng trong việc giải thích phản ứng của quần chúng.

Quan trọng hơn, Cantril kết luận rằng tình trạng “căng thẳng xã hội” giải thích sự trỗi dậy của các chế độ độc tài. Ông kết luận khó khăn kinh tế là nguyên nhân dẫn đến sự trỗi dậy của các chế độ độc tài và làm cho mọi người trở nên kém lý trí hơn. Các thể chế kinh tế và chính trị không ổn định là nguyên nhân gây ra điều đó và điều này dẫn đến việc nuôi dưỡng sự thiếu hiểu biết, không khoan dung và không tuân theo các quy trình dân chủ.

LÝ THUYẾT DÂN CHỦ

* Thực tế và ảo tưởng về dân chủ:

Một số năm trước, theo một phân tích của Liên Hợp Quốc về các quá trình dân chủ, Yankees được xếp hạng thứ 29 trên thế giới. Ở nền dân chủ này, 28% dân số không đi bỏ phiếu và 24% khác không đủ điều kiện để bỏ phiếu. Công chúng Yankee được biết đến trên toàn thế giới là không muốn nói về chính trị. Khi được hỏi, khoảng 2/3 người Mỹ nói rằng họ chỉ muốn có nhiều hơn hai đảng. Tuy nhiên, nếu bạn hỏi những người lính tại sao họ chiến đấu, bạn sẽ được trả lời rằng họ đang đấu tranh cho dân chủ. Làm thế nào có thể có một nền dân chủ khi chỉ có hai phe cánh hữu của chung một đảng thị trường để lựa chọn?

Nếu bạn hỏi công chúng rằng họ có sống trong một nền dân chủ không, họ sẽ trả lời là có. Làm sao có thể có điều đó? Câu trả lời là từ “dân chủ” đã được sử dụng trong bộ máy tuyên truyền chống cộng trong khi “toàn trị” và “độc tài” được sử dụng như những từ đối lập, trái nghĩa với từ “dân chủ”.

* Dân chủ Jeffersonian truyền thống:

Tại Hoa Kỳ, những lý thuyết đầu tiên về dân chủ, Jeffersonian, có nghĩa đen là quyền cai trị thuộc về người dân. Các tiến trình dân chủ được cho là đã diễn ra trong các cuộc họp và thảo luận trực tiếp tại tòa thị chính. Dân số được tưởng tượng là thông minh và hiểu biết. Quyết định của họ dựa trên quá trình suy nghĩ có ý thức và hợp lý. Dù cảm xúc ở đâu, chúng cũng đều giảm dần. Mọi người phải biết tư lợi của họ và cách họ đưa ra các đánh giá chính trị của họ được cho là bằng cách cân nhắc các ưu và khuyết điểm trong việc tạo ra lợi nhuận.

* Chủ nghĩa hoài nghi về dân chủ: Merriam, Lasswell, Wallas và Lippman:

Vào thập kỷ thứ hai của thế kỷ 20, “người dân” không được nhìn nhận trong điều kiện thuận lợi như vậy. Charles Merriam và Harold Lasswell đã thách thức tính hợp lý của bản chất con người và tính thực tiễn của một chính phủ nơi người dân cai trị. Cả hai đều tin rằng chính trị nên là những nghiên cứu về cách các nhóm nhỏ thống trị xã hội. Họ nghĩ rằng chính trị phải là về nghiên cứu của chỉ một thiểu số có ảnh hưởng.

Vào những năm 1920, có một cuộc tranh cãi lớn về cách giải thích điểm số khủng khiếp của những người lính Yankee trong các bài kiểm tra IQ. Các trường phái tâm lý học thống trị như Freud và tâm lý học đám đông của Gustave Le Bon cho rằng con người bị điều khiển bởi các lực lượng phi lý trí nằm trong vô thức. Graham Wallas và Walter Lippmann đều lập luận rằng xã hội con người lý tưởng là một xã hội chỉ có một vài nhà lãnh đạo thông minh định hướng cho số đông. Theo họ, công chúng không xử lý các sự kiện chính trị vì chúng xảy ra một cách khách quan, và xử lý chúng cần những kinh nghiệm trong quá khứ.

Lippmann nói trong cuốn sách “Dư luận” cho rằng nền dân chủ kiểu phổ thông không còn hoạt động được nữa. Từ cuối thế kỷ 19, nhờ thông tin đại chúng, giờ đây người ta phải dựa vào báo chí và các nguồn thông tin tuyên truyền chính trị. Đối với Lippmann, điều tốt nhất chúng ta có thể hy vọng là một nền dân chủ thuộc về giới ưu tú. Ông thậm chí còn trở nên cánh hữu hơn khi về già, cho rằng không nên dạy mọi người cách can thiệp vào các vấn đề công cộng.

Lasswell cho rằng mối hận thù sâu sắc trong đại gia đình Yankees đã được thăng hoa thành đặc điểm xã hội chung. Các cá nhân được cho là luôn đánh giá không tốt về tư lợi của họ. Các cuộc thảo luận tự do và cởi mở bị che khuất hơn là được làm rõ các vấn đề. Một chỉ số khác cho rằng công chúng là không đáng tin cậy đến từ một nghiên cứu về chính trị Chicago, trong đó người ta thấy rằng một nửa công chúng không bỏ phiếu. Như chúng ta đã thấy trong phần đầu của bài viết này, giới tinh hoa Yankee tán tỉnh chế độ độc tài khi sự hoài nghi của họ đối với nền dân chủ ngày càng tăng. Mãi cho đến khi Hitler nổi lên, họ mới bắt đầu bảo vệ dân chủ về mặt tư tưởng, ít nhất cũng là vì mục đích tuyên truyền.

Cowin và Eliot đặt một khuôn mặt cười trước sự thờ ơ của công chúng. Họ cho rằng lý do mọi người không bỏ phiếu là vì họ hài lòng với hệ thống chính trị! Một số người nói rằng sự thờ ơ của người dân đối với các nguyên tắc là một yếu tố quan trọng trong sự thành công của chính phủ bình dân. Việc không bỏ phiếu khiến công chúng không bị chia rẽ mạnh mẽ thành các liên minh khác nhau. Với tính hay thay đổi của dư luận, những người đã bỏ phiếu sẽ huy động thành các đám đông cho một cuộc đối đầu lâu dài. Nói cách khác, thờ ơ là tốt vì nó giúp mọi người không có ý kiến “cực đoan”. Vả lại, người ta không nên quá bận bịu với chính trị!

Không có bất kỳ nhà lý thuyết nào trong số này chỉ ra lý do mà hơn một nửa số người không đi bầu thực chất là, ít nhất là đối với những người thuộc tầng lớp lao động, họ không bỏ phiếu vì cả hai đảng đều bị kiểm soát bởi giai cấp thống trị chứ không phải đảng của họ. Thay vào đó, họ đã tránh hoàn toàn vấn đề này, bằng cách so sánh nó với hệ thống toàn trị của Đức Quốc xã. John Dewey đã cố gắng làm cho nền dân chủ giống như một thử nghiệm khoa học: a) phủ nhận sự thật tuyệt đối; b) vẫn linh hoạt và phê phán về mặt trí tuệ; c) tính đa dạng là có giá trị, và; d) lấy các nhóm nhỏ cạnh tranh làm cơ sở. Dewey đã cố gắng liên kết dân chủ với khoa học, không cho rằng quần chúng nhân dân không áp dụng phương pháp luận khoa học vào chính trị. Dewey đã đặt cơ hội cho đa nguyên chính trị từ những năm 1950.

* Chủ nghĩa tinh hoa cạnh tranh của Schumpeter:

Năm 1942, Joseph Schumpeter xuất bản “Chủ nghĩa Tư bản, Chủ nghĩa Xã hội và Dân chủ”, trở thành một trong những nền tảng của lý luận về chủ nghĩa đa nguyên của Robert Dahl hơn một thập kỷ sau đó. Đối với Schumpeter, cấu trúc nguồn là ổn định và về lâu dài, chúng không thay đổi. Dân chủ không phải ở mức độ mà mọi người được tham gia mà là ở tính tập trung và ổn định của lãnh đạo chính trị. Nhà nước không phải là sự thể hiện ý chí của nhân dân mà là một nền hành chính độc lập và được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Văn hóa chính trị bị rạn nứt. Mọi người không chỉ có những mong muốn khác nhau mà còn có những giá trị và phương pháp đạt được chúng khác nhau. Đây là lý do tại sao dân chủ phải được tập trung trong lãnh đạo. Schumpeter đồng ý với lý thuyết về đám đông của Le Bon, vì vậy ông cho rằng mọi người dễ bị ảnh hưởng bởi các nhà lãnh đạo đa nhân cách, biết tự quảng cáo, thời trang. Chính trị bị chi phối bởi đảng chính trị ít có liên quan đến công chúng.

Schumpeter lập luận rằng các nhóm trung gian, các nhóm tự nguyện thực sự không đáng kể. Trên thực tế, không có sự hòa giải đáng kể nào giữa nhà nước và các cá nhân. Tại thời điểm hiện nay, bạn có thể nghĩ “điều này liên quan gì đến nền dân chủ?” – Schumpeter nói rằng giới tinh hoa có những đặc quyền xứng đáng và cử tri chỉ có quyền bỏ phiếu tán thành hoặc bầu chọn cho giới tinh hoa.

* Chính trị cứng rắn và dịu dàng:

Chủ nghĩa tinh hoa cạnh tranh là lương tâm tồi tệ của những người theo chủ nghĩa đa nguyên của những năm 1950. Chủ nghĩa tinh hoa cạnh tranh dựa trên chủ nghĩa hiện thực của Max Weber. Khoa học chính trị đa nguyên dựa trên xã hội học nhẹ nhàng hơn của Emile Durkheim. Mối quan hệ giữa chủ nghĩa tinh hoa cạnh tranh và chủ nghĩa đa nguyên giống như mối quan hệ giữa Freud và hầu hết những người theo ông. Anna Freud, Adler và Ernest Jones có xu hướng làm dịu Freud và dành cho anh ta những ca ngợi đẹp nhất.

Điều tương tự cũng có thể nói về mối quan hệ chính trị giữa Hobbes và Locke. Hobbes là người bi quan cứng rắn, trong khi Locke sử dụng một số lý thuyết của Hobbes nhưng lại biến lý thuyết đó thành một thứ chủ nghĩa tự do. Nói cách khác, Schumpeter, Weber, Freud và Hobbes là những người theo chủ nghĩa hiện thực bi quan. Những người theo chủ nghĩa đa nguyên với sự trợ giúp của Durkheim là những người theo chủ nghĩa tự do dịu dàng như Locke và các nhà phân tâm học chính thống.

* Chủ nghĩa đa nguyên của V.O.Key, Dahl, Truman và Lindholm:

Bề ngoài có vẻ như những người theo chủ nghĩa tinh hoa cạnh tranh đối lập với những người theo chủ nghĩa đa nguyên. Xét cho cùng, không giống như những người theo chủ nghĩa tinh hoa cạnh tranh, theo David Reisman, quyền lực trong Yankeedom là “giải quyết tình huống” và trọng thương (thương mại, chủ nghĩa trọng thương, cho rằng thương mại tạo ra sự giàu có) hơn là bao gồm các khối quyền lực ổn định. V.O.Key, Jr., một trong những nhà khoa học chính trị có ảnh hưởng nhất thời hậu chiến, nói rằng có sự phân tán quyền lực rộng rãi trong cuốn sách “Chính trị, Đảng phái và Nhóm áp lực” của ông. Niềm tin rằng xã hội Mỹ là đa nguyên đã dẫn đến sự phục hưng của lý thuyết chính trị nhóm vào những năm 50, rút ra từ cuốn sách “The Process of Government” năm 1908 của Arthur Bentley .Không giống như những người theo chủ nghĩa tinh hoa cạnh tranh, Dahl cho rằng có những nhóm lợi ích chồng chéo có khả năng tiếp cận quyền lực bình đẳng, bởi vì quyền lực luôn thay đổi. Những người theo chủ nghĩa đa nguyên cho rằng công chúng có thể tự vận động để trở thành một lực lượng cần được tính đến. Những người theo chủ nghĩa tinh hoa cạnh tranh cho rằng điều này là ngây thơ.

Lý thuyết dân chủ tương đối thứ ba này về cơ bản là một học thuyết phòng thủ. Nó nhấn mạnh quyền tự do dân sự, nhưng giảm thiểu các vấn đề bất bình đẳng xã hội và kinh tế. Một người theo chủ nghĩa đa nguyên khác, David Truman, trong “Tiến trình Chính phủ: Lợi ích Chính trị và Ý kiến Công chúng”, cho rằng Hoa Kỳ đã thành công trong mục tiêu dân chủ của mình. Các nhà khoa học xã hội quan tâm hơn đến các vấn đề bảo tồn những gì đã tồn tại. Họ dành ngày càng nhiều nghiên cứu cho vấn đề ổn định hơn là thay đổi. Đối với những người theo chủ nghĩa đa nguyên, các quốc gia không có quyền lực độc lập như đối với những người theo chủ nghĩa tinh hoa cạnh tranh, nhưng họ là những người trung gian phục vụ nhu cầu của công chúng. Công chúng không có một tập hợp mong muốn, phương pháp và giá trị bị đứt gãy. Đúng hơn, Yankees được thống nhất bởi các quy tắc hiến pháp của một nền văn hóa chính trị phục tùng, thay vì đấu tranh.

Tác phẩm ủng hộ lý thuyết dân chủ hiện thực có ảnh hưởng và thuyết phục nhất là cuốn sách của Dahl, “Lời nói đầu về lý thuyết dân chủ” xuất bản năm 1956. Theo Dahl, trong chính phủ Mỹ, đa số cai trị thông qua các nhóm áp lực vốn là cơ sở thực nghiệm của dân chủ. Dahl và Lindblom lập luận rằng các vấn đề kinh tế không phụ thuộc vào sự lựa chọn của chúng ta trong số những lựa chọn thay thế vĩ đại như chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản, mà bởi một phương pháp mày mò dần dần. Duy lý có nghĩa là tất cả các hệ tư tưởng đều hoang đường và phải bị loại bỏ. Những người theo chủ nghĩa đa nguyên ủng hộ niềm tin “kết thúc hệ tư tưởng” trong những năm 1950. Chính khái niệm về một lý thuyết dân chủ thực tế đã ngụ ý rằng thực tế, chứ không phải là một lý tưởng, là tiêu chí hàng đầu của cả giá trị lý thuyết và hành động chính trị hợp pháp. Nó tước bỏ chức năng phản biện truyền thống của lý thuyết dân chủ.

Kể từ khi lý thuyết lý tưởng và lý thuyết thực nghiệm được kết hợp một cách khái niệm và vô thức, thực tế đã trở thành tiêu chuẩn cho cả phân tích hệ thống và hành vi lý tưởng. Thực tế trở thành tiêu chuẩn để đánh giá lý tưởng hơn là lý tưởng là tiêu chuẩn để đánh giá hiện thực. Những người theo chủ nghĩa đa nguyên thừa nhận rằng cần có “công dân thụ động”, nhưng cũng cần có “công dân tích cực”, đủ để ổn định chính trị. Cuối cùng, đối với những người theo chủ nghĩa đa nguyên, các hiệp hội trung gian của các khu phố, các nhóm tôn giáo, câu lạc bộ, hiệp hội thương mại, câu lạc bộ chính trị sẽ làm trung gian giữa cá nhân và nhà nước.

Điều lôi kéo những người theo chủ nghĩa đa nguyên vào quỹ đạo của những người theo chủ nghĩa tinh hoa cạnh tranh là cả hai nhóm này đã hoàn toàn từ bỏ nền dân chủ Jeffersonian. Họ cũng từ bỏ ý tưởng rằng bản thân quá trình bầu cử là không dân chủ. Không có chuyện nói về việc có các ứng cử viên thực sự đại diện cho các tầng lớp thấp hơn hoặc cử tri đoàn là một yếu tố cản trở cuộc bỏ phiếu phổ thông. Hệ thống này là có thể chấp nhận được. Nó chỉ nằm ở vấn đề là làm sao thuyết phục mọi người tin vào hệ thống đó.

Chủ nghĩa đa nguyên đã không thành công trong những năm 1960 vì nó không thể giải thích được nạn phân biệt chủng tộc, nghèo đói và chiến tranh. Không chút do dự, người ta cho rằng Yankeedom đã là lý tưởng dân chủ. Chủ nghĩa đa nguyên tưởng tượng rằng chỉ có chủ nghĩa tuyệt đối, độc tài và chủ nghĩa duy lý mới có thể là chủ nghĩa tư tưởng. Họ không thể tưởng tượng rằng bản thân chủ nghĩa đa nguyên, chủ nghĩa kinh nghiệm và chủ nghĩa thực dụng lại có thể là ý thức hệ. Nhưng những cuốn sách như “The End of Ideology” bản thân nó đã có thể là một hệ tư tưởng của chủ nghĩa chống cộng tự do.

CHỦ NGHĨA TƯ BẢN ĐÃ SẢN XUẤT DÂN CHỦ? NHẬN THỨC NÀY CÓ THỂ THAY ĐỔI ĐƯỢC KHÔNG?

Các nhà cai trị tư bản dường như không bao giờ mệt mỏi khi nhắc nhở chúng ta rằng chủ nghĩa tư bản có trách nhiệm tạo ra dân chủ và các xã hội xã hội chủ nghĩa không bao giờ là dân chủ. Điều mà lý thuyết này bỏ qua là những ví dụ trong thế kỷ 20 về các nền kinh tế chính trị tư bản phát triển thịnh vượng mà không có dân chủ, bao gồm Đức của Hitler, Hàn Quốc, Đài Loan sau Thế chiến II, Ả Rập Xê Út và Ai Cập. Thứ hai, không có mối liên hệ nào giữa chủ nghĩa tư bản với sự thịnh vượng. Hầu hết các quốc gia ở ngoại vi của hệ thống thế giới ngày nay (chủ yếu là châu Phi) đều là tư bản chủ nghĩa được điều hành theo phương thức độc tài, họ đều có tổng sản phẩm quốc dân rất thấp, nghèo đói và lạc hậu.

Nhưng còn nguồn gốc của chủ nghĩa tư bản thì sao? Không phải các nhà tư bản là người tạo ra sự khởi đầu của nền dân chủ? Câu trả lời ngắn gọn là không. Theo Rueschemeyer và Stephens, trong cuốn sách “Phát triển tư bản và dân chủ”, giai cấp tư sản giành được phần tham gia chính trị của mình từ chế độ chuyên quyền hoàng gia và đầu sỏ quý tộc, nhưng nó hiếm khi đấu tranh để mở rộng thêm quyền lực cho các giai cấp bên dưới một khi vị trí của chính nó đã được bảo đảm. Khi giai cấp tư sản đấu tranh giành quyền lực chống lại nhà vua và các quý tộc, nó đã tập hợp các tầng lớp thấp hơn. Nhưng khi đã nắm quyền, nó không ủng hộ sự hòa nhập của tầng lớp thấp hơn, mà còn bóp nghẹt nó. Sự đóng góp của nó chỉ là thiết lập các cơ quan nghị viện giữa nhà vua và người dân thay cho việc chấp nhận sự cai trị của một mình nhà vua. Các cơ quan của nghị viện không nhất thiết phải dân chủ. Như Marx đã từng nói về điều đó, rằng đó chỉ là “cửa hàng nói chuyện của giai cấp tư sản”. Ngay cả trong và trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, chỉ có một số ít quốc gia trở thành dân chủ: Thụy Sĩ, 1848; Pháp, 1877; Na Uy 1898 và Đan Mạch 1915.

Trong lịch sử, chính tầng lớp tiểu tư sản thành thị và nông thôn – thương gia, thợ thủ công, nông dân – là những người đi đầu trong phong trào đấu tranh dân chủ. Hơn nữa, chính quá trình công nghiệp hóa đã biến đổi xã hội theo cách trao quyền cho các tầng lớp cấp dưới, khiến cho việc loại trừ họ về mặt chính trị trở nên khó khăn. Chính sự phát triển tư bản chủ nghĩa đã làm biến đổi cơ cấu giai cấp, củng cố các tầng lớp lao động và trung lưu, làm suy yếu tầng lớp thượng lưu. Không phải thị trường tư bản đã làm cho đời sống chính trị dân chủ hơn. Và đó chính là những mâu thuẫn cơ bản, nội tại của chủ nghĩa tư bản. Chính sự lớn mạnh của giai cấp công nhân và khả năng tự tổ chức của họ đã thúc đẩy một bước đột phá về quyền bầu cử, ít nhất là đối với nam giới da trắng. Chính sự gia tăng hoạt động của các công đoàn công nhân và sự đe dọa của chủ nghĩa xã hội đã gây áp lực buộc các nhà tư bản phải cho phép công nhân được tham gia vào các quá trình bỏ phiếu và thiết lập một nền dân chủ chính thức.

HIỆN ĐẠI HÓA LÝ THUYẾT DÂN CHỦ CHỐNG CỘNG SẢN

“Chiến lược của chúng ta phải bao trùm toàn cầu, mọi nơi trên thế giới và tổng thể mọi lĩnh vực, về chính trị, tâm lý, kinh tế và quân sự”

– David Rockefeller, Trưởng Ban Cố vấn Phát triển Quốc tế Partners in Progress, 1951 –

Trong khi chủ nghĩa đa nguyên của Mỹ là tiêu chuẩn cho lý thuyết dân chủ trong nước, các sinh viên chính trị đang lấy nền dân chủ đa nguyên trở thành tiêu chuẩn cho phân tích của họ về các quốc gia trên khắp thế giới. Khi Mỹ tham gia vào Chiến tranh Lạnh, họ muốn nghiên cứu để hiểu điều mà Gabriel Almond gọi là “sự phát triển chính trị” của các quốc gia, thông qua cái mà Almond gọi là “văn hóa chính trị”.

Cuốn sách chính mà tôi sẽ sử dụng để đưa chúng ta đến phần này là “Quan điểm của tương lai: Lý thuyết hiện đại hóa ở Mỹ thời Chiến tranh Lạnh” của Nils Gilman. Trong đó làm rõ lý thuyết chính trị so sánh của Almond là một khía cạnh quan trọng của lý thuyết hiện đại hóa, một phần của dự án chống cộng tổng hợp rộng lớn bắt đầu sau Thế chiến thứ hai. Trên thực tế, việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế MIT là kết quả của dự án tuyên truyền chống Cộng sản tuyệt mật vào mùa thu năm 1950. Như Gilman nói, lý thuyết hiện đại hóa đại diện cho kế hoạch chi tiết rõ ràng và có hệ thống nhất từng được tạo ra bởi giới tinh hoa trí thức cho định hình lại các xã hội trên khắp thế giới để chống lại chủ nghĩa cộng sản của Liên Xô. Arthur Schlesinger cho biết lý thuyết hiện đại hóa đại diện cho một nỗ lực của Mỹ nhằm thuyết phục những nước khi đó được gọi là “Thế giới thứ ba” nên tiến hành các cuộc cách mạng của họ dựa trên tư tưởng của Locke, thay vì Karl Marx.

Nhiều nhân vật quan trọng trong lý thuyết hiện đại hóa là con của các nhà truyền giáo như Lucian Pye và David Apter. Không nghi ngờ gì nữa, ý thức muốn cứu thế giới “khỏi chủ nghĩa cộng sản” của họ đã ảnh hưởng đến việc nghiên cứu chính trị so sánh của họ. Almond và Rostow cho rằng chủ nghĩa cộng sản là một dạng “bệnh lý tâm thần” và Rostow gọi nó là một “căn bệnh”. Rostow được coi là người chống cộng diều hâu nhất trong số các nhà lý thuyết hiện đại hóa. Năm mới 16 tuổi, anh ta đã quyết định mục đích sống của mình là xây dựng một lý thuyết kinh tế và lịch sử có khả năng chống lại Marx. Trong chiến tranh, anh ta làm việc cho OSS, tiền thân của CIA.

Dưới bàn tay của Lucian Pye và Walt Rostow, lý thuyết hiện đại hóa sẽ đại diện cho nỗ lực của chủ nghĩa tự do để thâm nhập vào thế giới của hệ tư tưởng chính trị, như một sự thay thế cho cả chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản. Một bước ngoặt khác là làm tan biến hệ tư tưởng tự do của họ và giả vờ rằng nó không phải là tự do cũng như ý thức hệ. Họ tin rằng họ không có ý thức hệ. Đó chỉ là những gì hợp lý, một “trung tâm quan trọng” của phổ chính trị. Việc che đậy chủ nghĩa tự do này đã trở thành một phần trong định hướng “Kết thúc Tư tưởng” của Daniel Bell.

Các nhà lý thuyết hiện đại hóa là những người theo chủ nghĩa tinh hoa, chống cộng tự do, không phải những người McCarthyites cánh hữu, theo chủ nghĩa dân túy. Trên thực tế, dự án này là một phần của chính sách ngăn chặn nhằm chống lại Liên Xô. Họ thiết lập một mô hình khoa học xã hội thống trị, và nhận được tài trợ từ Rockefeller, Carnegie và Ford và các tổ chức khác để thành lập các think tank và loại bỏ các đối thủ trong các lĩnh vực học thuật khác nhau.

Lý thuyết hiện đại hóa của Rostow là một lý thuyết đơn tuyến về sự tiến hóa xã hội trải qua năm giai đoạn: 1) xã hội truyền thống; 2) các điều kiện tiên quyết để cất cánh; 3) cất cánh; 4) thúc đẩy sự trưởng thành, và; 5) xã hội tiêu thụ hàng loạt bạc cao. Tất cả lđều đi theo lý thuyết của Rostow.

Điểm chung của tất cả các dự án liên ngành này là đưa ra giả định hoặc khẳng định rằng:

  1. Tất cả các xã hội tiền hiện đại – săn bắn hái lượm, làm vườn đơn giản, làm vườn phức tạp, chăn gia súc, xã hội hàng hải và các quốc gia nông nghiệp – có thể được gộp vào một loại “xã hội truyền thống”.
  2. Tất cả các quốc gia là “nội bộ”, nghĩa là các thuộc địa thực dân, không có ảnh hưởng đối với các xã hội truyền thống và các xã hội hiện đại. Các xã hội đó chỉ là tiền hiện đại vì họ mê tín và thiếu chủ động.
  3. Tất cả các xã hội chắc chắn phải tiến tới tư bản công nghiệp (mặc dù họ chưa bao giờ đặt tên cho nó là tư bản chủ nghĩa) không có khủng hoảng, không thể đảo ngược, không có con đường nào khác thay thế.
  4. Tất cả các xã hội hiện đại “đỉnh cao nhân loại” đều là các quốc gia tư bản công nghiệp.
  5. Chủ nghĩa phát xít không phải là một biểu hiện của xã hội hiện đại mà là những “tàn dư” thời tiền hiện đại.
  6. Chủ nghĩa cộng sản không phải là một ứng cử viên hay một con đường nên được chọn, vì đó cũng chỉ là xã hội tiền hiện đại. Ở đây, họ tầm thường hoá chủ nghĩa cộng sản, đánh đồng nó với xã hội thuộc địa.
  7. Hoa Kỳ và Tây Âu đã đạt được đỉnh cao và sẽ không bao giờ quay trở lại theo con đường khác.
  8. Chủ nghĩa tư bản và dân chủ là đồng hành, thuật ngữ về chúng có thể thay thế cho nhau.
  9. Chủ nghĩa tư bản với tư cách là một hệ thống kinh tế chưa bao giờ được đặt tên. Nó được thay thế bằng các từ ngữ như “thị trường” hoặc “kinh doanh” hoặc các từ mang tính nhân đức như “thị trường tự do” hoặc “doanh nghiệp tự do” khi họ cảm thấy cần phòng thủ trước các tư tưởng phản đối tư bản.

PHẦN KẾT LUẬN

Để biện minh cho sự tồn tại của mình với tư cách là một xã hội tư bản công nghiệp, các nhà tư bản ở Tây Âu và Hoa Kỳ luôn duy trì ở mức độ cao sự tuyên truyền để kiểm duyệt hoặc ma quỷ hóa các lựa chọn thay thế cho sự cai trị của chủ nghĩa tư bản.

Riêng trong lĩnh vực ngôn ngữ, công việc tuyên truyền của nó là thu hẹp hệ quy chiếu kinh tế và chính trị thành hai lựa chọn. Với mục đích này, nó triển khai các từ ngữ được áp đặt cho nhận thức của mọi người. Một bên là những người theo chủ nghĩa xã hội và cộng sản, bị coi thường bằng những từ như “độc tài” hay “toàn trị”. Một bên là những từ ngữ mang tính nhân đức như “dân chủ”, “thị trường tự do” hay “doanh nghiệp tự do”.

Để thoát khỏi sự tẩy não của tuyên truyền khiến mọi người mất đi sự quan tâm và hiểu biết đối với các trọng tâm chính trị, chúng ta cần phải vô hiệu hoá thủ đoạn sử dụng giáo dục và tuyên truyền nhồi sọ này của phương Tây, ngay từ việc xác định chính xác các thuật ngữ chính mô tả về các thể chế chính trị, cho đến mở rộng các nghiên cứu mô hình xã hội thay thế cho chủ nghĩa tư bản, chứ không thể thu hẹp các lựa chọn chính trị và kinh tế của chúng ta.

Nhân quyền Việt Nam

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *