Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
29589

Bảo đảm quyền an sinh xã hội đối với người cao tuổi, người khuyết tật và các đối tượng yếu thế

Bảo đảm An sinh xã hội, trợ giúp xã hội là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa chính trị, xã hội, kinh tế sâu sắc, đồng thời cũng là nền tảng góp phần thực hiện công bằng xã hội, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Thi hành Điều 34 Hiến pháp năm 2013 quy định “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”; trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật chăm lo đời sống cho người cao tuổi, người khuyết tật, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII nhấn mạnh “Tiếp tục hoàn thiện chính sách trợ giúp xã hội Củng cố, nâng cấp hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội, phát triển mô hình chăm sóc người có hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào triển khai các mô hình chăm sóc người cao tuổi, trẻ em mồ côi, người khuyết tật, nhất là mô hình nhà dưỡng lão”.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật và các khuyến nghị của Liên hiệp quốc, Bộ Lao động – Thương binh và Xã trình Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản quan trọng trong lĩnh vực an sinh xã hội, trợ giúp xã hội, có tác động tích cực đến đời sống của người cao tuổi, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn góp phần bảo đảm thực thi quyền an sinh xã hội của người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế, góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó có nhiều văn bản cụ thể hóa các khuyến nghị:

Thực hiện khuyến nghị 237 (Gabon), 243 (Cuba), 100 (Sudan), 97 (Malta), 103 (Zimbabwe): Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trong đó mở rộng đối tượng hưởng trợ cấp xã hội (NCT từ 75 tuổi đến 80 tuổi, TE dưới 3 tuổi hộ nghèo, sống ở vùng nghèo, vùng khó khăn) và nâng mức chuẩn hưởng trợ cấp xã hội từ 270.000 đồng lên 360.000 đồng/tháng.

Thực hiện khuyến nghị số 95 (Madagascar), 239 (Mauritius), 243 (Cuba), 283 (CHDCND Triều Tiên), 287 (Iran), 10 (Indonesia) và 57 (Ấn Độ): Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chỉnh phủ ban hành Quyết định số 1942/QĐ-TTg ngày 18/11/2021 phê duyệt Chương trình nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp xã hội giai đoạn 2021 – 2030, trong đó tập trung vào nhóm giải pháp nâng cao năng lực cho các bệnh viện, trung tâm CHPHCN, cơ sở TGXH, đào tạo đội ngũ y bác sỹ, kỹ thuật viên, điều dưỡng viên.

Tổ chức phổ biến, hướng dẫn thực hiện các nội dung của Luật Người khuyết tật và các văn bản hướng dẫn. Luật NKT 2010 cơ bản đã thực hiện được các cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước CRPD.

Thực hiện khuyến nghị số 240 (Myanmar), 201 (Sri Lanka), 250 (Kyrgyzstan): Bộ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2156/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia người cao tuổi giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 112/QĐ-TTg ngày 22/1/2021 phê duyệt Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 1929/QĐ-TTg ngày 25/11/2020 phê duyệt Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030.

Các văn bản trên đã quy định chi tiết về chính sách trợ giúp xã hội, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng; chăm sóc đời sống văn hóa tinh thần đối với người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế; chúc thọ, mừng thọ, phụng dưỡng, phát huy vai trò người cao tuổi.

Về triển khai các chính sách an sinh xã hội, trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi, người khuyết tật và đối tượng yếu thế

Thực hiện chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên, hiện nay cả nước đang thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng cho 3.249.226 người, trong đó: 51.229 trẻ em mồ côi, mất nguồn nuôi dưỡng; 1.912.372 người cao tuổi; 1.096.027 người khuyết tật đang hưởng trợ cấp và 189.598 đối tượng bảo trợ xã hội khác với tổng kinh phí hơn 21,050 nghìn tỷ đồng, bao gồm chi trợ cấp xã hội hàng tháng và mua thẻ bảo hiểm y tế. Mức chuẩn trợ cấp xã hội là 360.000 đồng/tháng, các nhóm đối tượng hưởng chính sách trợ cấp xã hội với hệ số khác nhau, từ 1 đến 4 tùy theo mức độ khó khăn. Mức chuẩn này đã được điều chỉnh tăng qua các thời kỳ cho phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội của đất nước. Để bảo đảm đời sống cho đối tượng thụ hưởng chính sách, 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như Hà Giang, Quảng Ninh, Bắc Ninh, thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Vĩnh Phúc đã thực hiện điều chỉnh mở rộng đối tượng hưởng chính sách và nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội cao hơn mức chuẩn quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.

Trong các dịp Tết Nguyên đán hàng năm và giáp hạt, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có công văn chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá tình hình đời sống nhân dân, tổng hợp số hộ, số khẩu có nguy cơ thiếu đói, vận động tổ chức, cá nhân chăm lo tết cho người nghèo, chủ động sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng, trường hợp ngân sách địa phương không đáp ứng đủ thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ gạo từ nguồn Trung ương.

Thực hiện chính sách đối với người cao tuổi, Bộ đã chủ động hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện chế độ chính sách đối với người cao tuổi; hướng dẫn các cấp, các ngành có liên quan tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến người cao tuổi, triển khai Luật Người cao tuổi và Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi. Đến nay, cả nước có 1.812.372 người cao tuổi đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng (bao gồm người cao tuổi trên 80 tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, người cao tuổi cô đơn), khoảng 10.000 người cao tuổi đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Ngân sách Nhà nước đã bố trí nguồn lực phù hợp, bảo đảm thực hiện chính sách an sinh xã hội, chi trả lương hưu hàng tháng cho hơn 3,1 triệu người; đạt 95% người cao tuổi có thẻ BHYT; trợ cấp xã hội hàng tháng cho hơn 1,8 triệu người cao tuổi; chúc thọ, mừng thọ cho hơn 1 triệu người cao tuổi.

Đối với chính sách trợ giúp người khuyết tật, các tỉnh, thành phố đã triển khai xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho gần 3 triệu người khuyết tật. Số người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là trên 1 triệu người, ngoài ra người khuyết tật còn được hỗ trợ y tế, giáo dục, dạy nghề. Cả nước có 50 tỉnh, thành phố triển khai Chương trình Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, trong đó có 18 tỉnh triển khai toàn bộ các huyện, xã.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang triển khai thực hiện Đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội. Thực hiện Quyết định số 708/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã ban hành Thông tư số 11/2019/TT-LĐTBXH ngày 17/7/2019 quy định về việc xây dựng, quản lý, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu trợ giúp xã hội và giảm nghèo. Thực hiện thí điểm đăng ký giải quyết chính sách, thử nghiệm chi trả không dùng tiền mặt và xây dựng cơ sở dữ liệu an sinh xã hội điện tử tại một số tỉnh.

Nhìn chung, trong giai đoạn vừa qua, với sự quan tâm, chỉ đạo thực hiện đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền, các chương trình, chính sách an sinh xã hội, trợ giúp xã hội đã có kết quả tốt. Hệ thống pháp luật và chính sách phát triển các lĩnh vực xã hội ngày càng được bổ sung và hoàn thiện. Diện thụ hưởng chính sách ngày càng mở rộng, mức hỗ trợ được nâng lên, người nghèo được hỗ trợ kịp thời dịp Tết, giáp hạt, thiên tai, dịch bệnh. Phát triển các hình thức trợ giúp phong phú, đa dạng theo hướng xã hội hóa; huy động các hoạt động nhân đạo, từ thiện. Bảo đảm 100% người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế đủ điều kiện được hưởng chính sách trợ giúp xã hội, được tiếp cận tốt hơn các nguồn lực kinh tế và các dịch vụ xã hội cơ quan như y tế, giáo dục, nước sạch, trợ giúp pháp lý. Nguồn lực đầu tư phát triển lĩnh vực xã hội ngày càng lớn, được tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước và các nguồn lực xã hội khác. Đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, người yếu thế được cải thiện, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân và sự ổn định chính trị – xã hội. Việt Nam được Liên hợp quốc công nhận là quốc gia đi đầu trong việc thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ.

Trong giai đoạn tới, mục tiêu tổng quát là tiếp tục từng bước mở rộng diện bao phủ chính sách an sinh xã hội, trợ giúp xã hội, bảo đảm các đối tượng yếu thế ổn định cuộc sống; từng bước đổi mới cơ chế quản lý, huy động nguồn lực cho thực thi chính sách; tăng cường nâng cao nhận thức, năng lực tổ chức thực hiện; cải cách thủ tục hành chính, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thực hiện; tăng cường hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá.

Theo đó, lĩnh vực Trợ giúp xã hội tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm:

Một là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật, các chương trình, đề án có liên quan trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi, người khuyết tật; có chính sách đột phá để tăng cường khả năng tiếp cận giao thông, công trình xây dựng, giáo dục, y tế; giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, tạo sinh kế ổn định, tự chủ đối với người khuyết tật.

Nghiên cứu, đánh giá, xây dựng dự án đề xuất Luật sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi theo hướng phát huy vai trò người cao tuổi, phù hợp với điều kiện và tình hình mới, nhất là vấn đề già hóa dân số trong giai đoạn tới và các khuyến nghị của Liên hợp quốc.

Nghiên cứu, đánh giá, xây dựng dự án đề xuất Luật sửa đổi, bổ sung Luật Người khuyết tật sửa đổi, bổ sung để có thể thể  chế hiệu quả và đầy đủ hơn Công ước CRPD nhằm đảm bảo tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của NKT.

Hai là, tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, hội, đoàn thể liên quan và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện tốt các quy định của Luật Người cao tuổi; Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021; Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030; phối hợp, triển khai thực hiện mục tiêu 100% người cao tuổi, người khuyết tật được cấp thẻ BHYT; Quyết định số 1190/CT-TTg ngày 05/8/2020 phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030, Quyết định số 1929/CT-TTg ngày 25/11/2020 phê duyệt Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 1942/QĐ-TTg ngày 18/11/2021 phê duyệt Chương trình nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp xã hội giai đoạn 2021 – 2030 và các chính sách liên quan đến người khuyết tật; xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật; phối hợp với các Bộ, ngành và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai và giám sát thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 01/11/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Công tác người khuyết tật.

Ba là, xây dựng quy hoạch, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội, bệnh viện, trung tâm CHPHCN đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Quan tâm nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các cơ sở bảo đảm đủ điều kiện trợ giúp cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo tiếp nhận đối tượng khẩn cấp tại cơ sở; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức và người lao động của các cơ sở trợ giúp xã hội đạt cơ cấu, định mức và tiêu chuẩn nghiệp vụ theo quy định.

Bốn là, triển khai Đề án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về trợ giúp xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách”, trong đó có dữ liệu liên quan đến người cao tuổi, người khuyết tật. Nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý về cơ sở dữ liệu; đánh giá, mở rộng phạm vi thí điểm tại các tỉnh; hoàn thiện cơ sở dữ liệu bảo trợ xã hội theo hướng phân cấp gắn với cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *