Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
14984

Báo chí thế giới trong cuộc chuyển đổi khó khăn 

Ở nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước phát triển, nhiều báo, tạp chí in đã chuyển thành báo, tạp chí điện tử (TCĐT) có thu tiền, một số tạp chí duy trì tạp chí in và phiên bản điện tử của tạp chí in trên môi trường mạng, đồng thời đưa các thông tin khác trên trang web. Để tồn tại và phát triển trong thời đại 4.0, các báo, tạp chí đang đứng trước những lựa chọn rất khó khăn. Có thể xem xét trường hợp của Newsweek (Hoa Kỳ) để thấy những khúc quanh co khó nhọc trong giai đoạn chuyển đổi loại hình tạp chí. Newsweek là tạp chí tên tuổi trên thế giới được xuất bản từ năm 1933. Khi Internet lôi kéo báo chí vào dòng xoáy báo chí điện tử, doanh thu quảng cáo và lượng phát hành của tạp chí Newsweek giảm nhanh, thậm chí thua lỗ. Năm 2010, khi Newsweek gặp khó khăn trầm trọng về doanh thu, doanh nhân Sidney Harman mua lại tạp chí này với giá tượng trưng 1 đô-la. Một năm sau tạp chí chứng kiến khoản lỗ 40 triệu USD. Từ năm 2013, Newsweek chuyển hẳn sang dạng TCĐT có thu tiền. Tuy nhiên khoản thu từ độc giả không bù đắp được chi phí. Đến năm 2014, họ quyết định trở lại tạp chí in, kết hợp duy trì TCĐT có thu tiền. Khách hàng có 30 ngày trải nghiệm trước khi quyết định đóng phí thành viên để xem tạp chí. Nghĩa là để tồn tại, Newsweek đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ cung cấp, tận dụng tối đa mục tiêu mạng để phát triển.  

Theo Hiệp hội Báo chí thế giới (World Association of Newspapers and News Publishers), năm 2019 trên thế giới có 41,3 triệu người trả tiền đọc báo online, mức tăng trung bình hằng năm là 15%. Phân tích doanh thu của báo New York Times (Hoa Kỳ) cho thấy, có tới 65% doanh thu từ độc giả trả tiền và 35% thu từ quảng cáo. Độc giả chỉ phải trả 9,99 USD/tháng trong năm đầu, từ năm tiếp theo sẽ là 15,99 USD/tháng. Với hơn 6 triệu độc giả đăng ký, tờ báo này thu về hàng tỷ đô la mỗi năm. Ở Australia rất khó tìm được báo in trên thị trường. Số lượng tạp chí in cũng rất ít và chủ yếu sử dụng nội bộ, theo các chương trình, dự án đã được phê duyệt kinh phí. Người dân Australia đã quen với việc không dùng tiền mặt khi mua hàng, sử dụng thành thạo các ứng dụng điện tử trên smartphone và các thiết bị điện tử khác, do đó, nhiều người sẵn sàng thanh toán điện tử để mua thông tin về thị trường, bất động sản, người nổi tiếng, xe cộ, … trên các báo điện tử, trang điện tử. TCĐT tên là The Conversation của bang Victoria (Australia) chỉ có một văn phòng rộng khoảng 40 m2 trong một tòa nhà của Đại học Melbourne, với một nhóm nhỏ những người làm báo. Tạp chí tập trung vào một việc duy nhất là phản biện các chính sách, quyết định của Chính quyền bang Victoria. Các bài viết cũng mổ xẻ những hạn chế trong hoạt động lập pháp hoặc đăng tải thông tin học thuật liên quan đến nghiên cứu chính sách. Không có quảng cáo và thu phí từ độc giả, kinh phí của tạp chí chủ yếu do Chính quyền bang Victoria tài trợ. Tạp chí cũng nhận được một phần kinh phí tài trợ từ Đại học Melbourne, như cơ sở vật chất (cho mượn trụ sở), tiền in sách, tham gia các nghiên cứu. Nhìn chung, để tồn tại thì The Conversation phải rất tinh tế trong ứng xử với các đảng chính trị, các tổ chức và theo các biên tập viên của tạp chí thì viết bài phản biện “rất đau đầu”. 

Từ đó cho thấy, trong bối cảnh chạy đua thông tin thì nhiều tạp chí nước ngoài vẫn bám sát tôn chỉ, mục đích ban đầu, quyết tâm giữ bản sắc của mình và tồn tại dựa trên chất lượng nội dung. Các quan điểm chính trị hoặc mang màu sắc kinh tế – chính trị chính là thế mạnh của tạp chí, thu hút sự quan tâm của giới chính trị. Nhiều độc giả tìm đọc các tạp chí để nhận diện các vấn đề chính trị một cách rõ ràng hơn. 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *