Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
14513

Ai là người chịu thiệt hại nhiều nhất trong đại dịch Covid?

Đại dịch COVID-19 được ví như một “cú đấm chí mạng” vào nền kinh tế thế giới 2020. Việc áp đặt các biện pháp phong tỏa và đóng cửa biên giới để chống dịch đã gây ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến tất cả các khâu của quá trình sản xuất – phân phối – trao đổi – tiêu dùng vốn được liên kết trên cấp độ thế giới rơi vào tình trạng tê liệt. 

Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 được cho là trăm năm mới có một lần thì tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2009 cũng chỉ là -2% và thiệt hại khoảng 3 nghìn tỷ USD. Còn theo IMF, dự báo tăng trưởng GDP của kinh tế thế giới cả năm 2020 là -4,4%, và COVID-19 đã gây thiệt hại cho kinh tế toàn cầu ước tính vào khoảng 28 nghìn tỷ USD, tức là gần 32% GDP toàn cầu năm 2019 đã biến mất và hàng trăm triệu người thất nghiệp. 

Thiệt hại nặng nề nhất là nhóm người dễ bị tổn thương 

Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) cho rằng, hậu quả của COVID-19 đối với thị trường lao động và việc làm sẽ còn tồn tại trong nhiều năm tới. Những người chịu thiệt hại nặng nề nhất là nhóm người dễ bị tổn thương về kinh tế, phụ nữ được thuê mướn không chính thức và những lao động trẻ tuổi. Mô hình chuỗi giá trị và toàn cầu hóa kinh tế tạo ra một lực lượng lao động toàn cầu với những nhóm lao động di cư lớn, cũng từ đó làm gia tăng qui mô của nhóm lao động trong những lĩnh vực được gọi là “không chính thức” gồm những lao động phụ nữ và trẻ em nhưng không được kê khai, hay đăng ký, không được thống kê rõ ràng.

Theo ước tính có tới 1,6 tỷ người làm việc trong “khu vực không chính thức”, tức khoảng gần một nửa lực lượng lao động thế giới là nhóm người chịu nhiều tổn thương vì đại dịch COVID-19. Thậm chí, khi đại dịch kết thúc thì triển vọng việc làm đối với nhóm người này là vẫn khá bi quan. Người lao động nhập cư chiếm phần lớn trong số 1,6 tỷ người nói trên. Và nhóm này cũng thuộc nhóm dễ bị tổn thương nặng vì rất khó tiếp cận các trợ giúp từ chính phủ. Còn theo tính toán của ILO thì con số này lên tới 2 tỷ người như lao động nhập cư, nông nghiệp, những người cửu vạn, vận chuyển ở các nền kinh tế đang phát triển, những lao động hợp đồng hay những lao động trong ngành dịch vụ trong các nền kinh tế phát triển. Số người này gặp khó khăn lớn trong việc có được những thứ cần thiết cho cuộc sống trong đại dịch. 

Mặt khác, COVID-19 đã thúc đẩy nhanh quá trình tự động hóa, điều này cũng gây lo ngại đến sự an toàn việc làm của lực lượng lao động trong và hậu đại dịch. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey cho thấy, tỷ lệ lao động được tự động hóa hoàn toàn vì COVID-19 là khá nhỏ, chỉ chiếm 5%. Do đó, lo ngại trên là không cần thiết. Tuy nhiên, nếu tính cả khoảng 30% công việc được tự động hóa một phần và quá trình này sẽ nhanh lên sau COVID-19 thì sự lo ngại nói trên có thể trở thành sự thật.

Xét theo lĩnh vực, thì những lao động bị tổn thương nặng gồm những người làm việc xa nhà, làm việc trong những ngành dịch vụ ăn uống và dịch vụ ở, giao thông vận tải, bán lẻ và bán buôn. Bên cạnh đó, đại dịch còn làm trầm trọng thêm vấn đề nghèo đói và bất bình đẳng có từ trước đại dịch ở nhiều nước kể cả đang phát triển và phát triển.

Thế hệ trẻ và lao động trẻ bị tổn hại là điều đáng lo ngại nhất. Việc đóng cửa trường học còn gây tổn hại đến tương lai của thế hệ trẻ. Giáo dục là yếu tố quan trọng giúp họ có việc làm trong tương lai, khi giáo dục bị gián đoạn, giảm chất lượng thì kỹ năng đáp ứng yêu cầu việc làm trong tương lai của thế hệ trẻ cũng vì thế mà có nguy cơ mất an toàn.

Một khía cạnh khác, theo Liên Hợp quốc thì vấn đề giới trong đại dịch cũng trở nên trầm trọng hơn. Bởi một số không nhỏ lực lượng lao động là nữ, trẻ em phải làm việc trong điều kiện kém an toàn và không chính thức, đặc biệt trong những nền kinh tế đang phát triển và có thu nhập thấp. Những người này được xem là dễ bị tổn thương nhất vì dễ mất việc, không được đền bù và vì không chính thức nên họ cũng khó tiếp cận các cứu trợ từ chính phủ nếu có.

Bất bình đẳng giới vốn đã tồn tại trước đại dịch lại càng trở nên trầm trọng vì phụ nữ dễ bị tổn thương hơn nhiều trước những tác động kinh tế liên quan đến dịch bệnh.  Theo tính toán của McKinsey thì việc làm của phụ nữ dễ bị tổn thương hơn nam giới gấp 1,8 lần trong cùng một loại công việc. Phụ nữ chiếm 39 % lực lượng lao động toàn cầu, nhưng lại chiếm tới 54% số việc làm bị mất. 

Các hiệu ứng tiêu cực từ COVID-19 đối với phụ nữ còn gồm cả bạo lực gia đình, việc đóng cửa trường học, hệ thống y tế quá tải và giãn cách xã hội còn tạo thêm nhiều gánh nặng công việc không được trả công trong khi gánh nặng công việc gia đình tăng lên và dồn lên vai họ lại khiến họ khó đáp ứng các công việc được trả công. Những gánh nặng và tổn hại mà COVID-19 gây ra cho phụ nữ lớn đến mức tờ Financial Times đã phải đặt tiêu đề rằng: “Liệu có phải COVID-19 đang đưa phụ nữ trở lại thập kỷ 1950 hay không?”. 

Tóm lại COVID-19 đã tàn phá không trừ một nước nào, một khu vực nào, một nhóm người nào. Sự tàn phá lực lượng lao động là một tác hại lớn nhất, trong đó những nhóm dễ bị tổn thương về kinh tế là thiệt hại nhất nhưng đồng thời lại khó cứu trợ nhất.  Các vấn đề xã hội sẽ trở nên trầm trọng vì đại dịch như vấn đề bất bình đẳng, vấn đề giới, bất ổn xã hội, nghèo đói. Các chính phủ cần phải quan tâm điều này, nếu không, những hậu quả bất ổn xã hội sẽ tăng vượt tầm kiểm soát. 

Những hy vọng

Sự tổn hại kinh tế của đại dịch chủ yếu tác động đến người lao động, do đó, trong hầu hết các gói cứu trợ kinh tế lần này phần dành cho người làm công ở mọi tầng lớp và mọi lĩnh vực thường chiếm tỷ lệ khá cao.   

Các gói cứu trợ trên toàn cầu lên con số rất lớn, ước tính trên 20.000 tỷ USD và vẫn tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên, mô hình chuỗi giá trị cho thấy, chỉ có vaccine và sự phổ biến vaccine trên toàn cầu mới là yếu tố quyết định có thể đưa kinh tế thế giới trở lại bình thường. Nếu không có vaccine, không thể nói đến tất cả những vấn đề còn lại.

May thay, những tháng cuối 2020 đã đem lại hi vọng chất dứt đại dịch cho nhân loại khi những vaccine hiệu quả đã xuất hiện và đang đưa vào tiêm chủng. Thế giới mất 9 tháng để có vaccine, một điều thần kì trong lịch sử. Sự xuất hiện của vaccine đã đem đến kì vọng vào một sự phục hồi mạnh mẽ và bùng nổ của kinh tế toàn cầu trong năm 2021. Tuy nhiên, vẫn phải chờ đến mùa hè 2021 khi thời tiết bất lợi cho COVID-19 và vaccine đã được phổ biến khá rộng, đại dịch sẽ thuyên giảm nhanh và nền kinh tế thế giới sẽ quay trở lại mạnh mẽ. Dự báo từ cuối quý II/2021 kinh tế thế giới sẽ phục hồi mạnh. Đó cũng là lý do IMF dự báo tăng trưởng GDP 2021 của kinh tế thế giới là dương 5,9%, từ mức âm (-4,4%) năm nay.

Đáng quan tâm là, vaccine đúng là cứu tinh, nhưng liệu những nhóm lao động kể trên có được ưu tiên tiêm chủng hay không lại chưa rõ. Điều quan trọng là phải có sự phối hợp trên toàn cầu, nhưng hiện nay Mỹ đã rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và chưa có một quốc gia đủ lớn mạnh nào thay thế Mỹ để cùng với WHO tạo ra sự phối hợp toàn cầu. Mặt khác, bản thân WHO cũng chưa đưa ra được một chương trình hành động phối hợp nào để có thể bao phủ vaccine trên toàn cầu. Vì thế, tất cả cho đến nay vẫn chỉ là hi vọng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *