Hai đêm diễn vở nhạc kịch ‘Cô bé bán diêm’ do 40 em học sinh ở Hà Nội diễn, hát hoàn toàn bằng tiếng Anh đã bán được tới 98% số vé, con số mà khó có một nhà hát nào đạt được trong mùa COVID-19 này.
Vở nhạc kịch tiếng Anh Cô bé bán diêm (nghệ sĩ Hoàng Tùng biên kịch chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Đan Mạch Hans Christian Andersen, đạo diễn Trường Sơn) do 40 em học sinh Hà Nội biểu diễn, cùng với dàn hợp xướng Đa dạng và sự “phụ họa” của một số “cô chú” nghệ sĩ chuyên nghiệp ra mắt công chúng vào hai tối 6 và 7-9 tại Nhà hát Tuổi Trẻ (Hà Nội).
Điểm bất ngờ, vé của cả hai đêm diễn đã bán được tới 98%, con số mà khó có một nhà hát nào đạt được trong mùa COVID-19 này.
Dự án nhạc kịch Cô bé bán diêm của nhóm sáng tạo HAY (Hanoi Arts for Youth) được cho là có lợi thế bán vé cho chính các phụ huynh của các diễn viên nhí, diễn xuất chưa phải là rất nhập vai và ngọt.
Tuy nhiên, nhờ tài năng của các em nhỏ, thành quả của dự án là không thể phủ nhận bởi các em học sinh tiểu học và trung học hầu như chưa từng diễn kịch, chưa từng học thanh nhạc hay nhảy múa sau 6 tháng tập luyện cùng nhau vào cuối tuần đã làm nên được một vở nhạc kịch hoành tráng và khá chuyên nghiệp, diễn hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Giống như hai vở diễn của hai năm trước là Matida và Không gia đình, toàn bộ kịch bản và âm nhạc cùng 15 bài hát trong vở nhạc kịch Cô bé bán diêm được sáng tác mới dành riêng cho vở diễn.
Một điểm mới của dự án năm nay là lần đầu tiên nhóm kết hợp nhạc kịch và hợp xướng, tạo thành một sân khấu với gần 100 người và tất cả đều không chuyên (ngoại trừ mấy nghệ sĩ chuyên nghiệp phụ giúp vài vai phụ), trong đó có vài người khuyết tật trong dàn hợp xướng Đa dạng.
Hai đêm diễn sẽ có hai nhóm nhân vật chính khác nhau đảm nhiệm.
Bà Hoàng Thu Hường, giám đốc dự án, cho hay dự án mong muốn mang đến cho các em nhỏ một môi trường giáo dục toàn diện thông qua nghệ thuật. Mô mình giáo dục thông qua nghệ thuật nhạc kịch này hiện đang là mô hình duy nhất tại Hà Nội, sau 3 năm đã thu hút khoảng 300 em học sinh tham gia.
Thiên Điểu