Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
31623

Vì sao lại xuyên tạc, phủ nhận Quy tắc ứng xử trên MXH?

Với mục đích tạo điều kiện phát triển lành mạnh mạng xã hội tại Việt Nam, đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước Quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, đồng thời hướng đến xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam, ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành “Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội”. Ngay lập tức, trên các tài khoản mạng xã hội, truyền thông chống cộng đầy rẫy các bài viết xuyên tạc chính quyền sẽ lợi dụng Bộ quy tắc này để tăng cường đàn áp đối với những người “bất đồng chính kiến”; hạn chế quyền tự do ngôn luận của người dân; biến công chức nhà nước trở thành những kẻ chỉ điểm trên không gian mạng, khi yêu cầu họ phải “thông báo tới cơ quan chủ quản” khi bắt gặp các thông tin “trái chiều, vi phạm pháp luật”; biến các công ty cung cấp dịch vụ mạng xã hội trở thành công cụ kiểm duyệt cho nhà nước. Thực sự có đúng như vậy?

Theo Bộ quy tắc, 3 nhóm đối tượng áp dụng gồm: cơ quan nhà nước, cán bộ, công viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng mạng xã hội (MXH); tổ chức, cá nhân khác sử dụng MXH; nhà cung cấp dịch vụ MXH tại Việt Nam. Trong đó, có 8 quy tắc ứng xử dành cho tổ chức, cá nhân; 3 quy tắc dành cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước; 4 quy tắc ứng xử dành cho cơ quan nhà nước và 5 quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội.

Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cũng nêu rõ 4 quy tắc ứng xử chung, áp dụng cho tất cả nhóm đối tượng sử dụng mạng xã hội.

Thứ nhất là quy tắc tôn trọng, tuân thủ pháp luật: Tuân thủ luật pháp Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;

Thứ hai, quy tắc lành mạnh: Hành vi, ứng xử trên mạng xã hội phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thông tốt đẹp của dân tộc Việt Nam;

Thứ ba, quy tắc an toàn, bảo mật thông tin: Tuân thủ các quy định và hướng dẫn về bảo vệ an toàn và bảo mật thông tin;

Thứ tư, quy tắc trách nhiệm: Chịu trách nhiệm về các hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật.

Ở các quy tắc ứng xử dành cho tổ chức, cá nhân, Bộ Quy tắc nêu rõ, người dùng mạng xã hội nên sử dụng họ, tên thật cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan và đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên lạc khi tham gia, sử dụng mạng xã hội; chia sẻ thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; có hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam, không sử dụng ngôn từ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo; không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác, tung tin giả, tin sai sự thật, quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép… gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội; khuyến khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước – con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực….

Với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước, ngoài việc thực hiện các nội dung quy tắc ứng xử dành cho tổ chức, cá nhân, cần thực hiện nội quy của cơ quan, tổ chức về việc cung cấp thông tin lên mạng xã hội; thông báo tới cơ quan chủ quản để kịp thời có hướng xử lý, trả lời, giải quyết khi có ý kiến, thông tin trái chiều, thông tin vi phạm pháp luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, lĩnh vực quản lý của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Với cơ quan nhà nước, cùng với việc thực hiện các quy tắc ứng xử dành cho tổ chức nêu trên, có trách nhiệm quản lý, bảo mật tài khoản mạng xã hội và nhanh chóng thông báo tới nhà cung cấp dịch vụ khi tài khoản của cơ quan, tổ chức bị mất quyền kiểm soát hoặc bị giả mạo; cung cấp thông tin trên mạng xã hội đồng bộ, thống nhất với thông tin đã được cung cấp trên các phương tiện truyền thông chính thống khác; nên có phản hồi những ý kiến trên mạng xã hội về vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan, tổ chức mình.

Với các quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội, Bộ Quy tắc nêu rõ nhà cung cấp ban hành và công khai các biện pháp phát hiện, thông báo và phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý, ngăn chặn và loại bỏ nội dung thông tin vi phạm bản quyền, vi phạm pháp luật.

Đáng chú ý, Trong Bộ quy tắc ứng xử có nhiều nội dung liên quan đến nhóm đối tượng là công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước. Cụ thể, Bộ quy tắc đề xuất công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước phải công khai sự xuất hiện trên mạng xã hội bằng cách sử dụng họ tên và hình ảnh thật của cá nhân, công khai cơ quan đang công tác.

Công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước phải thực hiện ứng xử trên mạng xã hội về các vấn đề chính sách của Đảng, Nhà nước phù hợp với vai trò, nguyên tắc, quyền hạn của cá nhân và của cơ quan chủ quản. Trong đó, phải thông báo rõ ràng về việc các ứng xử trên mạng xã hội là việc làm mang tính cá nhân, không đại diện cho cơ quan chủ quản hay được ủy quyền bởi cơ quan chủ quản.

Bộ Quy tắc cũng đề xuất, nhóm đối tượng này phải ứng xử trên mạng xã hội có văn hóa, không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính. Chia sẻ thông tin mang tính khách quan, trung thực, công bằng.

Về những hành vi không được phép, Bộ Quy tắc đề xuất công chức, viên chức, người lao động không được lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi ứng xử trên mạng xã hội, không được ứng xử thuận chiều với những thông tin xấu, độc, tin đồn gây ảnh hưởng tiêu cực trên mạng xã hội, không được ứng xử trên mạng xã hội trái với các chuẩn mực về đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp đồng thời không được cung cấp thông tin nội bộ liên quan đến cá nhân, tổ chức mà do vị trí công tác của mình có được khi chưa được ủy quyền bởi cơ quan có thẩm quyền.

Với cơ quan Nhà nước sử dụng dịch vụ mạng xã hội, Bộ quy tắc đề xuất, các đơn vị này phải đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu và địa chỉ trang mạng xã hội (dấu tick xanh). Người đứng đầu cơ quan hoặc người được người đứng đầu cơ quan ủy quyền phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí chịu trách nhiệm trước những thông tin được đăng tải trên trang mạng xã hội của cơ quan nhà nước.

Hiện nay Việt Nam đang là quốc gia đứng thứ 7 trên thế giới về số lượng người sử dụng Facebook nói riêng và có khoảng 55 triệu người dùng mạng xã hội nói chung. Với số lượng người sử dụng MXH chiếm khoảng 57% dân số, cho thấy MXH đang trở thành một môi trường quan trọng trong việc cung cấp tin tức, kiến thức về tất cả các lĩnh vực. Nhiều nước khác nhau, nhất là các tổ chức, cá nhân, cơ quan các nước Mỹ, Châu Âu và phát triển trên thế giới đều ban hành Quy tắc ứng xử trên MXH cho đội ngũ ký hợp đồng lao động với mình, cho thấy mức độ phổ biến và áp dụng từ lâu, nay Bộ TTTT Việt Nam mới đưa ra xem ra đã là chậm chạp. Chỉ những kẻ có mưu đồ, động cơ đen tối mới lo sợ khi chúng mất đi  môi trường “tự do phạm tội”, núp danh nghĩa tài khoản ảo tung tin giả, xuyên tạc chống phá!

Tuấn Thanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *