Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
29956

Tự do tôn giáo tại Việt Nam – Bài 5: Sự chung tay vì cộng đồng

Không chỉ xác định đường hướng hoạt động như đã nói trên, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam còn cử người trực tiếp tham gia vào các cơ quan dân cử và tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội để góp phần đưa đường hướng đã được xác định vào đời sống tôn giáo và xã hội. Trong mỗi khóa Quốc hội từ khóa I đến khóa XIV đều có chức sắc, chức việc, nhà tu hành của các tôn giáo (như Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo) tham gia đại biểu nhiều vị đã giữ những trọng trách, chức vụ quan trọng của Quốc hội, góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Bên cạnh đó, các tôn giáo ở Việt Nam còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, thực hiện chủ trương xã hội hóa trong các lĩnh vực y tế, giáo dục dạy nghề, từ thiện nhân đạo, bảo trợ xã hội… với số tiền và hiện vật lên đến hàng nghìn tỉ đồng, góp phần hỗ trợ Nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề xã hội trong điều kiện mới hiện nay. Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, trước diễn biến phức tạp của tình hình Covid-19, Lãnh đạo các tổ chức tôn giáo đã chủ động, tích cực hưởng ứng và hướng dẫn chức sắc, chức việc, tín đồ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; ban hành nhiều văn bản hướng dẫn trong tổ chức tôn giáo về việc dừng, hoãn, huỷ các hoạt động tôn giáo tập trung đông người, dừng các hoạt động tôn giáo quốc tế góp phần ngăn chặn, không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng… Đồng thời, có nhiều hoạt động với ý nghĩa thiết thực như hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch, giúp đỡ về vật chất cho đồng bào gặp khó khăn do thiên tai, bão lũ, dịch bệnh với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Với những đóng góp tích cực của các tôn giáo, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã chính thức xem tôn giáo là nguồn lực để xây dựng và phát triển đất nước. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng ghi rõ: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước”.

Cần phải thấy rằng, quyền tự do tôn giáo là vấn đề gắn với thể chế chính trị-xã hội và điều kiện kinh tế-văn hóa-xã hội ở từng quốc gia cụ thể, không thể tồn tại một khái niệm quyền tự do tôn giáo chung chung, trừu tượng. Cũng không thể đem giá trị, quan niệm về tự do tôn giáo ở một quốc gia này để áp dụng, đo lường hoặc đánh giá mức độ quyền tự do tôn giáo ở một quốc gia khác. Trên phương diện đối ngoại giữa các quốc gia, không thể đem tiêu chuẩn về tự do tôn giáo ở quốc gia này để áp đặt lên một quốc gia khác và buộc các quốc gia khác phải tuân theo.

Trở lại với âm mưu, luận điệu vu cáo rằng Việt Nam có các hoạt động đàn áp tôn giáo, một lần nữa cần nhìn vào thực tế để thấy mặt thật của vấn đề. Chẳng hạn, lâu nay tại Việt Nam đã xuất hiện không ít hoạt động tôn giáo trái pháp luật của một số tổ chức Tin lành nước ngoài chưa được cấp phép, điển hình là các tổ chức tà giáo mang danh nghĩa Tin lành truyền vào Việt Nam như Hội thánh của Đức Chúa Trời mẹ, Tân Thiên Địa… Hoạt động của đa phần các tổ chức này đều trái với văn hóa truyền thống Việt Nam, nhuốm màu mê tín dị đoan, hoạt động lén lút, có dấu hiệu trục lợi và nhìn chung là vi phạm pháp luật, bị dư luận lên án. Tuy nhiên, đối với các hoạt động tôn giáo vi phạm pháp luật của các tổ chức tà giáo như vậy, lực lượng chức năng Việt Nam chủ yếu nhắc nhở, chấn chỉnh và xử lý dựa trên quy định pháp luật.

Như vậy, một lần nữa chúng ta khẳng định chắc chắn rằng, ở Việt Nam hoàn toàn không có cái gọi là đàn áp tôn giáo. Những luận điệu xuyên tạc, vu cáo chỉ là chiêu trò mà các thế lực thù địch lợi dụng, sử dụng để nhằm phục vụ âm mưu chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Điều đáng mừng là trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế, chúng ta đã có thêm nhiều kênh quan trọng để đưa ra tiếng nói và khẳng định thực tế tình hình tự do tôn giáo ở đất nước mình. Thông qua các cơ chế và diễn đàn song phương, đa phương, khu vực và quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc, có một sự thật rõ ràng đang được thừa nhận, đó là Việt Nam đang tích cực cùng các quốc gia khác trên thế giới đấu tranh bảo vệ, phát huy các nguyên tắc, nội dung tiến bộ về tự do tôn giáo, và vẫn sẽ kiên trì bảo vệ lẽ phải trong lĩnh vực này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *