Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
19718

Tràn lan tin thất thiệt liên quan đến tỷ phú Phạm Nhật Vượng!

Tin đồn được hiểu là những thông tin được lan truyền nhưng thiếu sự kiểm chứng, chưa được xác minh, không rõ nguồn gốc phát tán và không bảo đảm tính xác thực liên quan đến một sự kiện, sự vật, hiện tượng, con người nào đó. Đặc biệt, dưới sự trợ lực của mạng xã hội, tin đồn cứ loang đi với tốc độ chóng mặt như “nấm mọc sau mưa” nhằm mục đích gây hoang mang dư luận. Ông Phạm Nhật Vượng là một tỷ phú đô la người Việt Nam, tâm điểm của rất nhiều tin đồn, thuyết âm mưu và những thông tin trái chiều thời gian qua.Chẳng hạn như RFA cố tình tạo dư luận khi đưa ra phán đoán mập mờ rằng “Phạm Nhật Vượng có thể bị bắt?” là thủ đoạn bỉ ổi của hãng thông tấn thiếu thiện cảm với Việt Nam này. Thâm độc hơn khi RFA dẫn lời một số cư dân mạng không rõ danh tính để nói về việc Phạm Nhật Vượng có thể bị bắt?

Nào là Phạm Nhật Vượng “sớm muộn” sẽ bị bắt vì “phải có người chịu trách nhiệm chứ, đảng có sai bao giờ”. Hoặc là: “Đảng cộng sản sẽ phải bắt Phạm Nhật Vượng. Vấn đề là thời điểm và làm sao để không sụp đổ hệ thống ngân hàng. Trễ nhất có thể là 2027, vài tháng sau khi chia ghế xong xuôi của nhiệm kỳ mới 2026-2031. Mau thì cuối năm nay, đầu năm sau bắt”. Có những người ác mồm còn gọi ông Phạm Nhật Vượng là “Trương Mỹ Lan 2.0” hay kẻ “rửa tiền cho bọn quan chức”… Thực ra những “tin đồn” kiểu này không còn là mới?

Còn nhớ cách đây 2 năm, từng xuất hiện tin thất thiệt “ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup bị cấm xuất cảnh”. Sự việc “nghiêm trọng” tới nỗi người phát ngôn Bộ Công an lúc đó phải đề nghị người dân “không tin”, “không lan truyền” trước việc một số tài khoản mạng xã hội đưa tin “không chính xác về một người đứng đầu doanh nghiệp có ảnh hưởng nhất định đến thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp”. Ở thời điểm đó khá nhiều facebooker cũng như người sử dụng mạng xã hội bị xử phạt hành chính với số tiền nhiều triệu đồng vì lan truyền những thông tin sai sự thật kia.

Điều này phù hợp với các quy định của pháp luật. Cụ thể, theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định rằng người có hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng. Người vi phạm phải bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn.

Không phải chúng ta bênh vực cá nhân ông Phạm Nhật Vượng. Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2013 đã quy định: “Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản”. Nguyên tắc này được áp dụng đối với mọi chủ thể của quan hệ dân sự, kể cả giữa cơ quan nhà nước với các cá nhân trong quan hệ dân sự. Bình đẳng trong quan hệ dân sự nghĩa là sự ngang bằng về dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, hoàn cảnh kinh tế, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp của các chủ thể. Các chủ thể không được lấy lý do khác biệt về các yếu tố này để đối xử bất bình đẳng với nhau. Không một chủ thể nào có đặc quyền, đặc lợi so với các chủ thể khác trong quan hệ dân sự. Cần hiểu rằng những tin đồn theo kiểu mập mờ như vậy gây ảnh hưởng cực lớn tới doanh nghiệp đặc biệt là những diễn biến trên thị trường chứng khoán. Ở thời điểm mà “ông Phạm Nhật Vượng bị đồn cấm xuất cảnh” mà các trang mạng xã hội rêu rao gây tâm lý bán tín bán nghi trong dư luận tác động đến người dân từ 2 năm trước cũng đã thiệt hại của doanh nghiệp là rất lớn, lên tới cả nghìn tỷ đồng khi những tin đồn tác động đến thị trường chứng khoán khiến cổ phiếu doanh nghiệp sụt giảm giá trị. Với doanh nghiệp hàng tỷ đô như Vingroup thì những thiệt hại ấy còn dẫn đến những hệ lụy khôn lường đến cả nền kinh tế đất nước cũng như an ninh kinh tế nói chung.

Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc lan truyền các tin đồn càng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Chỉ cần một cái nhấp chuột, thông tin có thể dễ dàng chia sẻ và tiếp cận đến những người xung quanh mà không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý hay hàng loạt vấn đề khác. Đặc biệt, những thông tin càng “nóng hổi”, càng “giật gân”, càng bí ẩn, càng khó kiểm chứng thì càng khơi gợi, kích thích sự tò mò của những người xung quanh và càng dễ nhận được sự quan tâm, chia sẻ.

Những tin đồn thất thiệt gây hại cho doanh nghiệp, cho đất nước hàng trăm thậm chí hàng ngàn tỷ đồng, chưa kể những thiệt hại gián tiếp khác không thể tính đếm bằng tiền hay vật chất. Những kẻ tung tin đồn như thế rõ ràng là những kẻ tội phạm phá hoại. Thật đáng buồn khi có những kênh truyền thông của nước ngoài có tiếng tăm như RFA lại dung dưỡng thậm chí tiếp tay cho những kẻ phá hoại đó bằng cách cắt ghép đưa ra những thông tin thiếu kiểm chứng.

Cấn nhắc lại lần nữa, chúng ta không thiên vị ông Phạm Nhật Vượng, công ty Vingroup hay thương hiệu Vinfast hoặc bất cứ doanh nghiệp nào. Cá nhân, doanh nghiệp làm ăn chân chính, tôn trọng pháp luật cần được các cơ quan chức năng bảo vệ trước những đòn tấn công thâm hiểm như kiểu những tin đồn vu vơ thế này để tránh gây ra những tác hại lớn hơn. Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, mỗi người cần phải tự trang bị cho mình bản lĩnh, trí tuệ để đủ sức đề kháng với những thông tin độc hại, lệch lạc, nhất là với những thông tin nhạy cảm liên quan đến an toàn trật tự xã hội, an ninh kinh tế của đất nước. Mọi người hãy lưu ý điều này nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *