Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
17058

Thực thi các khuyến nghị UPR chu kỳ 3 về phòng chống mua bán người Kỳ 2: Tạo hành lang pháp lý hỗ trợ hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người

Tại phiên bảo vệ Báo cáo quốc gia theo cơ chế định kỳ phổ quát UPR chu kỳ 3 (năm 2019), trên cơ sở xem xét tích cực và thiện chí Việt Nam đã chấp thuận 242/291 khuyến nghị (83%) trong đó có 9 khuyến nghị về phòng chống mua bán người đặc biệt là phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em.

Hỗ trợ nạn nhân mua bán trở về

Trong công tác điều tra, truy tố và xét xử, lực lượng Công an phối hợp với Biên phòng các cấp đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình; xây dựng và phối hợp triển khai hàng chục kế hoạch nghiệp vụ, điều tra theo tuyến, địa bàn trọng điểm. Hằng năm, mở cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc; phối hợp với lực lượng Công an, Biên phòng các nước có chung đường biên giới triển khai các biện pháp phòng ngừa, trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, bắt giữ, chuyển giao đối tượng phạm tội, giải cứu nạn nhân.

Dạy nghề, hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng

Ban Chỉ đạo 138/CP ban hành các kế hoạch chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tổ chức tổng điều tra, rà soát tình hình hoạt động tội phạm mua bán người và các đối tượng khác có liên quan theo từng giai đoạn và hàng năm, được cập nhật, bổ sung số liệu kịp thời. Kết quả là từ năm 2019 đến tháng 6/2021, lực lượng Công an, Biên phòng đã điều tra, khám phá hơn 320 vụ, bắt 420 đối tượng phạm tội mua bán người và các tội có liên quan đến mua bán người.

Bên cạnh đó, công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; xây dựng, hoàn thiện pháp luật; hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người cũng không ngừng được tăng cường và thực hiện hiệu quả. Qua đó góp phần giải cứu, tiếp nhận và hỗ trợ hàng trăm nạn nhân bị mua bán hồi hương, tái hòa nhập cộng đồng.

Tạo hành lang pháp lý, phù hợp với các công ước quốc tế

Trong những năm qua Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý hỗ trợ hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người. Đồng thời không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia, các tổ chức quốc tế, nhất là các nước trong khu vực và có đông nạn nhân là người Việt Nam bị mua bán nhằm tranh thủ các nguồn lực cho công tác này và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, giải cứu nạn nhân bị mua bán.

Có thể khẳng định, công tác phòng, chống tội phạm mua bán người đã được các bộ, ngành, đoàn thể và các địa phương quan tâm, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, đặc biệt là hoạt động của Cơ quan thường trực Chương trình 130/CP ở Trung ương và địa phương trong việc tham mưu đề xuất các chương trình, kế hoạch chỉ đạo thực hiện Chương trình, nhất là tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 193/QĐ-TTg (ngày 09/02/2021) về phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; kịp thời ban hành và tổ chức triển khai thực hiện Luật phòng, chống mua bán người; sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự phần có liên quan đến tội phạm mua bán người; phê chuẩn Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Công ước TOC), Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em bổ sung cho Công ước TOC và ban hành các văn bản tạo hành lang pháp lý cho các cấp, các ngành, địa phương thực hiện.

Để thực hiện tốt hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người, cần triển khai thực hiện có hiệu quả Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người; Công ước TOC; Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em bổ; Tuyên bố chung và Kế hoạch phối hợp hành động Tiểu vùng sông Mekong về phòng, chống mua bán người; Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người; gia nhập và tổ chức triển khai thực hiện các điều ước, thỏa thuận quốc tế song phương về phòng, chống mua bán người với các nước khác trong khu vực hoặc có đông nạn nhân là người Việt Nam bị mua bán.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *